Ung thư gan là căn bệnh khá phổ biến và gây ra nhiều biến chứng cho người bệnh. Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu về xét nghiệm tầm soát ung thư gan để sớm đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhé!
Bạn đang đọc: 10 phương pháp tầm soát ung thư gan? Ai nên tầm soát sớm?
Contents
Tầm soát ung thư gan là gì?
Tầm soát ung thư gan là các xét nghiệm giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, có thể trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Hoặc xét nghiệm phát hiện nguyên nhân gây bệnh ví dụ như virus viêm gan. Một số xét nghiệm được các bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện định kỳ để sớm phát hiện bệnh, đưa ra hướng điều trị sớm giúp tăng hiệu quả điều trị và tiên lượng sống cho bệnh nhân. [2]
Tầm soát ung thư gan là các xét nghiệm giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu
Đối tượng nào nên tầm soát ung thư gan sớm?
Nhiễm HBV hoặc HCV mạn tính
Nhiễm trùng mạn tính với virút viêm gan B (HBV) hoặc virút viêm gan C (HCV) làm tăng nguy cơ ung thư gan. Khi viêm gan mạn tính kéo dài và các độc tố của virus có thể gây tổn thương, xơ và sẹo gan, dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.
HBV và HCV được lây từ người này sang người khác qua 3 đường:
- Máu.
- Tình dục.
- Lấy từ mẹ sang con. [3]
Nhiễm trùng mạn tính HBV hoặc HCV làm tăng nguy cơ ung thư gan
Xơ gan
Xơ gan là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến ung thư gan. Xơ gan là khi tế bào gan bị phá hủy và được thay thế bằng các mô xơ.
Ung thư gan xảy ra khi tế bào gan phát triển quá mức, hình thành nên khối u – một khối tế bào ung thư. Hầu hết những người bị ung thư gan có thể xuất phát từ bệnh xơ gan. [3]
Nếu bị xơ gan thì nên đi tầm soát ung thư gan sớm
Một số bệnh gan di truyền
Các bệnh về gan có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan bao gồm:
- Bệnh hemochromatosis (bệnh ứ sắt) là một bệnh di truyền khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều sắt từ thức ăn. Sự tích tụ sắt quá mức trong gan có thể gây viêm và tổn thương, dẫn đến ung thư gan.
- Bệnh Wilson (bệnh rối loạn chuyển hóa đồng) là một bệnh di truyền gây rối loạn chuyển hóa đồng trong cơ thể. Điều này dẫn đến sự tích tụ đồng trong gan và các cơ quan khác. Sự tích tụ đồng không kiểm soát có thể gây tổn thương gan và tăng nguy cơ ung thư gan. [3]
Nếu mắc bệnh hemochromatosis thì nên đi tầm soát ung thư gan sớm
Bệnh đái tháo đường
Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan. Nguyên nhân chính liên quan đến việc rối loạn đường huyết và chức năng gan.
Bên cạnh đó, mức đường huyết cao trong thời gian dài có thể gây tổn thương cho gan, dẫn đến xơ gan khiến các tế bào gan bị biến đổi và tăng sinh không kiểm soát. [3]
Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ chất béo trong tế bào gan. Trong đó, gan nhiễm mỡ không do rượu là loại gan nhiễm mỡ phổ biến nhất và thường gặp ở những người thừa cân hoặc béo phì, mắc bệnh tiểu đường type 2 hoặc có huyết áp cao.
Gan nhiễm mỡ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho tế bào ung thư phát triển, lâu ngày có thể dẫn đến nhiều biến chứng bao gồm xơ gan và ung thư gan. [3]
Gan nhiễm mỡ tạo điều kiện thuận lợi cho tế bào ung thư phát triển
Tiếp xúc với aflatoxin
Aflatoxin là chất độc được sinh ra từ nấm mốc phát triển ở các loại thực vật được bảo quản kém, chẳng hạn như ngũ cốc, các loại hạt,… Khi túi thực phẩm đã có một phần bị mốc thì nên được bỏ hoàn toàn, không nên chỉ bỏ phần mốc và ăn phần còn lại vì cũng có chứa aflatoxin.
Khi người bệnh tiếp xúc với 2,5mg aflatoxin qua đường tiêu hóa trong vòng 90 ngày có thể dẫn đến ung thư gan sau hơn 1 năm.
Một số triệu chứng phổ biến khi tiếp xúc với aflatoxin như buồn nôn, đau bụng, mất cảm giác thèm ăn, mệt mỏi, rối loạn tiêu hoá,… [3]
Tiếp xúc với aflatoxin kéo dài qua đường tiêu hóa có thể dẫn đến ung thư gan
Tiêu thụ rượu quá mức
Tiêu thụ rượu quá mức là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư gan. Khi uống rượu quá nhiều, gan phải làm việc nhiều hơn để xử lý lượng cồn lớn dẫn đến tổn thương gan và viêm nhiễm.
Việc tiêu thụ rượu quá mức và kéo dài trong nhiều năm có thể dẫn đến tổn thương, gan không thể hồi phục dẫn đến tăng nguy cơ ung thư gan. Lượng cồn tiêu thụ được cho phép mỗi ngày là không quá 2 đơn vị cồn đối với nam và 1 đơn vị cồn đối với nữ (1 đơn vị tương đương 1 lon bia 330ml).[3]
Tiêu thụ rượu quá mức và kéo dài khiến gan tổn thương
Các câu hỏi liên quan
Tầm soát ung thư gan bao nhiêu tiền?
Hiện nay, mức giá tầm soát ung thư gan ở mỗi bệnh viện sẽ có sự khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố dưới đây:
- Đội ngũ bác sĩ.
- Thiết bị y tế.
- Danh mục khám.
Tùy theo tình trạng sức khỏe, yếu tố nguy cơ và các bất thường trên xét nghiệm trước đó. Mức giá tầm soát ung thư gan trung bình sẽ giao động trong khoảng 2 triệu – 7 triệu đồng. [4]
Tìm hiểu thêm: Phương pháp điều trị xơ gan bạn không nên bỏ qua
Chi phí tầm soát ung thư gan là phương pháp tầm soát ung thư gan
Phương pháp tầm soát ung thư gan
Về tầm soát ung thư gan thì hầu hết theo các hướng dẫn thực hành quốc tế chỉ thực hiện các phương pháp: Alpha-fetoprotein (AFP), siêu âm và chụp cắt lớp vi tính (CT).
Đối với hướng dẫn thực hành trong nước: Tầm soát bằng siêu âm bụng và xét nghiệm phối hợp các chỉ dấu sinh học AFP, AFP-L3, PIVKA II.
Bên cạnh đó, các xét nghiệm khác bác sĩ có thể cân nhắc làm thêm: Xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng gan, phát hiện viêm gan siêu vi, chụp cộng hưởng từ (MRI), sinh thiết,… [5]
Xét nghiệm AFP
AFP huyết thanh là một kháng nguyên glycoprotein của thai nhi, cũng được coi như một chất chỉ điểm (marker) khối u đối với một số loại ung thư (nhất là ung thư gan nguyên phát. Do đó, được sử dụng phổ biến cùng với siêu âm ổ bụng trong tầm soát ung thư biểu mô tế bào gan.
Chất xác định khối u được giải phóng vào máu bởi các cơ quan, mô hoặc tế bào khối u trong cơ thể. Nồng độ AFP trong máu tăng có thể gặp do các nguyên nhân sau:
- Bệnh ung thư gan.
- Các bệnh ung thư khác.
- Xơ gan và viêm gan. [5]
AFP là một trong những phương pháp tầm soát ung thư gan
Siêu âm ổ bụng
Siêu âm ổ bụng là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của gan. Đây là một phương pháp không xâm lấn, an toàn và không gây đau.
Bên cạnh đó, qua siêu âm có thể đánh giá kích thước, hình dạng, cấu trúc của gan cũng như các cơ quan và mạch máu khác trong ổ bụng. Do vậy, siêu âm giúp phát hiện các bất thường ở gan chẳng hạn như u nang, khối u, sẹo và viêm gan. [5]
Siêu âm giúp phát hiện các bất thường ở gan
Chụp CT-scan
Chụp CT-scan ổ bụng còn gọi là chụp cắt lớp vi tính, sử dụng tia X tương tự như chụp X-quang nhưng với lượng tia mạnh hơn. Từ đó mô tả đầy đủ hình thái gan và nêu lên được động học tưới máu gan. Điều này giúp chẩn đoán vị trí, kích thước, mức độ xâm lấn của u gan.
Quá trình chụp có thể cần sử dụng thuốc nhuộm để biểu hiện rõ nét hơn các tính chất của khối u. [5]
Chụp CT-scan có thể được chọn là phương pháp tầm soát ung thư gan
Xét nghiệm máu
Bác sĩ có thể làm xét nghiệm máu để tầm soát ung thư qua các chỉ số sau:
- Xét nghiệm chức năng gan (chức năng đông máu, sản xuất và điều tiết mật, sản xuất protein,…)
- Kiểm tra mức độ hoại tử tế bào gan (các loại men gan).
- Viêm gan siêu vi B, C. [5]
Có thể phát hiện ung thư gan qua các chỉ số trong xét nghiệm máu
Chụp MRI
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh của các cơ quan và mô trong cơ thể.
MRI có thể phát hiện những khối u có kích thước nhỏ, nhất là các khối u
Thuốc cản từ sử dụng để chụp MRI được tiêm vào tĩnh mạch để biểu hiện rõ nét hơn các tính chất của khối u. [5]
Chụp MRI giúp kiểm tra các mạch máu trong và gần gan
Chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi (ERCP)
Chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi (ERCP) là một thủ thuật sử dụng ống nội soi để chụp ảnh ống dẫn mật và ống tụy. Ống nội soi là một ống dài, mỏng có gắn camera ở đầu.
Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào miệng rồi xuống thực quản, dạ dày và tá tràng. Ống nội soi sẽ được đưa đến ống dẫn mật và ống tụy, sau đó bác sĩ sẽ bơm một chất cản quang vào các ống này để tạo ra các hình ảnh khi chụp X-quang.
Phương pháp này giúp chẩn đoán sỏi mật, viêm tuỵ cấp, ung thư ống dẫn mật, hẹp ống dẫn mật và các vấn đề liên quan đến ung thư gan. [5]
Chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi là một phương pháp tầm soát ung thư gan
Chụp đường mật xuyên gan qua da (PTC)
Chụp đường mật xuyên gan qua da (PTC) là một phương pháp tầm soát ung thư gan. Phương pháp này sử dụng một kim mỏng để lấy mẫu tế bào và mô từ gan.
Chụp đường mật xuyên gan qua da là phương pháp tạo ra tia X của các ống dẫn mật tương tự phương pháp chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi. Thay vì dùng ống nội soi và ống thông, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc cản quang bằng cách đâm kim trực tiếp vào ống dẫn mật và gan của bạn.
PTC được sử dụng để đánh giá các khối u nổi trên gan, phát hiện sự phát triển tế bào ung thư và xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng ung thư gan. [5]
Chụp đường mật xuyên gan qua da giúp đánh giá khối u trên gan
Khám sức khỏe
Khám sức khỏe định kì là quá trình đánh giá và kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng thể của một người. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ thu thập thông tin về bệnh sử, bao gồm các triệu chứng hiện tại, tiền sử bệnh lý đã xảy ra, lối sống của bệnh nhân và bệnh lý của người thân trong gia đình.
Khám sức khỏe tổng quát định kì thường bao gồm kiểm tra huyết áp, dấu hiệu sinh tồn, kiểm tra cân nặng và chiều cao, khám tổng quát, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu.
Tiền sử sức khỏe giúp xác định các yếu tố nguy cơ, diễn tiến bệnh và hướng dẫn điều trị phù hợp. Việc đưa ra lời khuyên và kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể giúp phát hiện và điều trị sớm các vấn đề sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh và duy trì sức khỏe tốt. [5]
Tầm soát ung thư gan ở đâu?
Hãy đến các trung tâm y tế gần nhất hoặc các khoa nội tiêu hoá – gan mật của các bệnh viện uy tín để được thăm khám và chữa trị:
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện E Hà Nội,…
- Tại TP Hồ Chí Minh: Bệnh viện Ung bướu TP. HCM, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương,…
Bài viết trên đã nêu ra các phương pháp tầm soát ung thư gan. Nếu bạn mắc một số bệnh lý như tiểu đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan thì nên đi tầm soát định kỳ để phát hiện bệnh sớm giúp điều trị hiệu quả hơn nhé!
Liver Cancer Screening
https://www.cancer.gov/types/liver/what-is-liver-cancer/screening
Liver cancer
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/liver-cancer/symptoms-causes/syc-20353659
Lightshot
https://prnt.sc/g5W0mlE5T5cV
Liver Cancer
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9418-liver-cancer
Xem thêm
>>>>>Xem thêm: Xúc xích bao nhiêu calo? Ăn xúc xích có béo không? Cách ăn ít tăng cân