Paracetamol là một loại thuốc phổ biến trong tủ thuốc của mọi gia đình. Hiện nay có rất nhiều người sử dụng Paracetamol mà không biết về cách dùng, liều dùng hay những thận trọng khi sử dụng thuốc. Hãy cùng tìm hiểu về một số tác dụng phụ của Paracetamol có thể gặp và các lưu ý khi sử dụng thuốc nhé!
Bạn đang đọc: 11 tác dụng phụ của paracetamol có thể gặp và các lưu ý khi sử dụng
Contents
Thuốc giảm đau Paracetamol là gì? Tác dụng của thuốc Paracetamol
Paracetamol (Acetaminophen) thuộc danh mục thuốc không kê đơn của Bộ Y tế, là một loại thuốc giảm đau và hạ sốt được sử dụng phổ biến.
Paracetamol có hai tác dụng chính là:
- Hạ sốt: Paracetamol có tác dụng giảm sốt mức độ nhẹ đến vừa, có thể dùng cho nhiều đối tượng, kể cả những đối tượng đặc biệt như trẻ em, người lớn tuổi.
- Giảm đau: Paracetamol có thể cải thiện các triệu chứng đau cơ bản như: đau đầu, đau nửa đầu, đau răng, đau họng, đau lưng, đau thần kinh tọa, đau sau phẫu thuật, đau mỏi cơ, đau nhức xương khớp, viêm khớp nhẹ.
Paracetamol là thuốc có thể được sử dụng thay thế cho Aspirin với mục đích giảm đau. Paracetamol không có khả năng chống viêm.
Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng phổ biến.
Chỉ định và cơ chế tác động của Paracetamol
Paracetamol làm giảm nhiệt độ cơ thể đối với bệnh nhân bị sốt nhẹ đến vừa, nhưng ít khi làm hạ thân nhiệt ở người bình thường. Thuốc tác động lên vùng dưới đồi gây hạ thân nhiệt, tăng tỏa nhiệt do giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên.
Đối với liều điều trị, Paracetamol ít gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch và hô hấp, không làm thay đổi cân bằng acid – base, không gây kích ứng, loét hoặc xuất huyết dạ dày như salicylat.
Paracetamol thường được chọn làm thuốc giảm đau tạm thời và hạ sốt, nhất là ở người cao tuổi và ở người có chống chỉ định dùng thuốc giảm đau tại chỗ (salicylat) hoặc thuốc không steroid NSAID khác, như bệnh nhân bị hen, có tiền sử loét dạ dày tá tràng và trẻ em.
Paracetamol không gây ảnh hưởng đến sự kết tập tiểu cầu hoặc thời gian chảy máu.
Paracetamol là thuốc có thể sử dụng cho nhiều đối tượng, kể cả trẻ em.
Tác dụng phụ không mong muốn của Paracetamol có thể gặp
Khi sử dụng thuốc quá liều có thể gây ra các tác dụng phụ như:
- Rối loạn máu và hệ bạch huyết: Nếu sử dụng Paracetamol lâu dài sẽ gây mệt cho cơ thể vì nó làm mất đi phân tử hemoglobin trong tế bào hồng cầu mang oxy, gây thiếu máu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính và giảm toàn thể huyết cầu.
- Rối loạn tim mạch, mạch máu: Paracetamol không chỉ đơn thuần chứa Paracetamol mà còn phối hợp nhiều dược chất khác để tăng hiệu quả điều trị hoặc để dễ uống (ví dụ như viên sủi), điều này cần lưu ý khi sử dụng viên sủi ở bệnh nhân tăng huyết áp do trong thuốc có chứa chất làm co mạch, gây tăng huyết áp.
- Rối loạn tiêu hóa: Sau khi uống 2 – 3 giờ, có thể gây buồn nôn, nôn hoặc đau bụng.
- Đối với thuốc tiêm: Gây phản ứng tại chỗ tiêm, ví dụ như đau, cảm giác nóng rát, mệt mỏi, phù ngoại vi.
- Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: Có nguy cơ hạ kali máu.
- Co thắt cơ, cứng hàm: Sử dụng quá liều thuốc sẽ gây ức chế hệ thần kinh trung ương, gây các cơn co giật nghẹt thở trước khi tử vong.
- Rối loạn tâm thần: Mất ngủ, lo âu.
- Rối loạn hô hấp, lồng ngực và trung thất: Khó thở; co thắt phế quản, nhất là ở bệnh nhân hen nhạy cảm với aspirin hoặc các NSAID khác.
- Rối loạn da và mô dưới da: Phát ban, ngứa, ban đỏ, mày đay; đôi khi nặng hơn và có thể kèm theo sốt. Ngoài ra cũng có thể gây ra các phản ứng da hiếm gặp gây nguy hiểm cho người bệnh như hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell, hoại tử biểu bì nhiễm độc, mụn mủ ban đỏ toàn thân cấp.
- Có khả năng gây tử vong: Khi dùng quá liều Paracetamol sẽ gây tổn thương gan, dẫn đến ngộ độc cấp tính, có thể gây tử vong. Bệnh nhân có thể hôn mê trước khi chết đột ngột hoặc sau vài ngày hôn mê.
Thận trọng khi sử dụng thuốc để tránh gây các tác dụng phụ không mong muốn.
Một số lưu ý khi sử dụng Paracetamol
Dạng thuốc Paracetamol thường gặp
Hiện nay, Paracetamol trên thị trường có dạng dùng khác nhau như viên nén, viên nang, siro, viên sủi, bột hoà tan hay thậm chí là dạng truyền tĩnh mạch với nhiều hàm lượng khác nhau như 250mg, 325mg, 500 mg phù hợp với nhiều đối tượng và độ tuổi.
- Viên nén: Đây là dạng dùng rất phổ biến của Paracetamol, thường điều chế với hàm lượng 325mg, 500mg.
- Viên đặt hậu môn: Đây là dạng thuốc chủ yếu dành cho đối tượng gặp khó khăn khi sử dụng thuốc theo đường uống. Paracetamol dạng viên đặt hậu môn trên thị trường hiện nay có các loại hàm lượng như 80mg, 150mg và 300mg.
- Dung dịch: Paracetamol được điều chế dưới dạng dung dịch, siro kết hợp với các hương vị cơ bản (cam, dâu,…) sử dụng theo đường uống với một số hàm lượng như 160mg/5ml, 160mg/5ml, 500mg/5ml,
- Viên hòa tan hoặc dạng bột hòa tan: Paracetamol cũng được bào chế dạng viên sủi hoặc dạng bột, khi dùng chỉ cần hòa tan với lượng nước vừa đủ, khi vào cơ thể thuốc đã sẵn sàng cho quá trình hấp thu nên sẽ có tác dụng nhanh hơn viên nén. Dạng gói bột hiện nay thường dùng cho trẻ em (hàm lượng 80mg, 150mg và 250mg), dạng viên sủi thường dùng cho người lớn (hàm lượng 500mg).
- Thuốc truyền tĩnh mạch: Đây là một dạng điều chế Paracetamol đặc biệt. Tuy nhiên, dạng này không được tự ý sử dụng tại nhà mà cần được chỉ định và thực hiện bởi bác sĩ tại cơ sở y tế. [1]
Cách sử dụng Paracetamol an toàn
Khi có dấu hiệu bị sốt (khoảng trên 38 độ C), sử dụng Paracetamol có thể giúp cơ thể hạ nhiệt và giảm cảm giác khó chịu.
Một số lưu ý khi sử dụng các dạng thuốc chứa Paracetamol hiện nay:
- Thuốc dạng lỏng (siro, dung dịch uống): Phải sử dụng muỗng hoặc dụng cụ phân liều chính xác để đong, không uống một cách ước chừng. Trước khi uống nên lắc đều chai thuốc để đảm bảo dung dịch trong chai được đồng nhất.
- Dạng viên nhai: Cần nhai kỹ thuốc trước khi nuốt.
- Dạng sủi bọt: Cần hòa tan hoàn toàn viên sủi với nước trước khi sử dụng.
- Dạng bột pha hỗn dịch uống: Pha bột thuốc với một lượng nước vừa đủ (khoảng 5-10 mL) để hòa tan hoàn toàn. Lưu ý uống ngay sau khi pha.
- Dạng đặt hậu môn: Không được uống, đây là dạng thuốc được bào chế để sử dụng cho đường trực tràng. Hãy đảm bảo vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi đặt thuốc, tránh đi vệ sinh hoặc đi tắm ngay sau khi dùng thuốc.
Paracetamol dạng viên sủi bọt cần hoà tan hoàn toàn trong nước trước khi uống.
Liều lượng
Trên thị trường hiện nay, Paracetamol có mặt trong nhiều loại thuốc, nhiều dạng bào chế và thương hiệu khác nhau. Cần đọc kỹ thành phần của thuốc trước khi sử dụng để tránh sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc đều chứa thành phần Paracetamol, gây tích luỹ thuốc trong cơ thể.
Liều dùng Paracetamol đối với mỗi người là khác nhau, tuỳ thuộc vào cân nặng và tình trạng bệnh lý của cơ thể. Liều dùng thông thường là từ 10 – 15mg/kg/liều.
Liều dùng cho trẻ:
Dùng Paracetamol cho trẻ với mục đích giảm đau không được dùng quá 5 ngày. Đặc biệt, không được dùng quá 5 liều trong một ngày dù bất kì mục đích giảm đau hay hạ sốt. Cụ thể:
- Trẻ nhỏ dưới 12 tuổi: 10 – 15mg/kg/liều. Mỗi liều uống cách nhau ít nhất 4 – 6 giờ.
- Trẻ từ 12 tuổi trở lên: 325 – 650mg cách nhau ít nhất 4 – 6 giờ hoặc 1000mg cách nhau 6 – 8 giờ.
Khi muốn sử dụng thuốc cho trẻ em, cần sử dụng đúng dạng Paracetamol dành cho đối tượng trẻ em. Trường hợp trẻ dưới 2 tuổi cần sử dụng thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, không được tự ý sử dụng.
Liều dùng cho người lớn:
- Để giảm đau, hạ sốt, người lớn có thể dùng từ 325 – 650mg cách nhau 4 – 6 giờ hoặc 1000mg cách nhau 6 – 8 giờ. Sử dụng theo đường uống hoặc đặt hậu môn.
- Không được tự ý dùng Paracetamol để giảm đau quá 10 ngày, trừ khi có sự hướng dẫn của bác sĩ. Người lớn không sử dụng quá 4g (4000mg) trong một ngày.[2].[3]
Liều dùng của Paracetamol phụ thuộc vào cân nặng và tình trạng bệnh lý của cơ thể.
Những người không nên sử dụng Paracetamol
Chống chỉ định bệnh nhân quá mẫn với thuốc hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc và bệnh nhân suy gan nặng.
Cách bảo quản thuốc
Paracetamol cần được bảo quản ở nơi thoáng mát, trong khoảng 15 – 30 độ C, tránh ánh nắng trực tiếp hay nơi ẩm thấp. Paracetamol dạng viên đặt hậu môn có thể bảo quản trong tủ lạnh để đảm bảo chất lượng.
Không sử dụng thuốc khi nhận thấy có những biến đổi về màu sắc, mùi vị, tham khảo ý kiến của bác sĩ hay dược sĩ để biết cách xử lý thuốc hết hạn đúng cách và an toàn.[4]
Tìm hiểu thêm: Mặt trái của việc nghiện phim nóng
Paracetamol dạng viên đặt có thể bảo quản trong tủ lạnh.
Phòng ngừa khi quá liều Paracetamol
Theo dõi lượng Paracetamol mà bạn sử dụng trong một ngày sẽ giúp hạn chế tình trạng sử dụng thuốc quá liều. Sử dụng Paracetamol theo đúng hướng dẫn sử dụng thuốc được nhà sản xuất khuyến cáo hoặc theo sự chỉ định của bác sĩ.
Chẩn đoán sớm trong trường hợp quá liều Paracetamol là điều rất quan trọng. Thời điểm vàng để rửa dạ dày là trong vòng 4 giờ sau khi dùng quá liều Paracetamol.
N-acetylcystein là lựa chọn đầu tiên để giải độc Paracetamol theo đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Trong trường hợp không có N-acetylcystein, bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng methionin. Ngoài ra, một số chất quen thuộc trong đời sống có thể làm giảm hấp thu Paracetamol như than hoạt tính, thuốc tẩy muối, nước chè đặc.
Theo dõi lượng Paracetamol sử dụng trong một ngày có thể hạn chế tình trạng quá liều.
Một số câu hỏi thường gặp
Phụ nữ mang thai và cho con bú có uống được Paracetamol không?
Paracetamol có thể đi qua hàng rào nhau thai, tuy nhiên chưa thể xác định được tính an toàn của Paracetamol khi mẹ sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai. Vì vậy, mẹ chỉ nên sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết.
Thuốc có thể đi vào sữa mẹ và ảnh hưởng đến trẻ đang bú mẹ. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng Paracetamol khi đang cho con bú nhé!
Phụ nữ mang thai và cho con bú cần thận trọng khi sử dụng Paracetamol.
Paracetamol có ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm không?
Tùy theo các mục đích xét nghiệm khác nhau mà người bệnh sẽ được dặn hạn chế ăn, uống hoặc ngưng uống thuốc trước khi xét nghiệm. Sử dụng Paracetamol sẽ không gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu thông thường nhưng sẽ gây nhiễu đến kết quả xét nghiệm điện giải.
Những ai cần thận trọng khi dùng Paracetamol
Những đối tượng cần thận trọng với Paracetamol:
- Bệnh nhân có bệnh lý về gan, thận.
- Đối tượng sử dụng rượu hay có tiền sử nghiện rượu.
- Người bệnh quá mẫn với Paracetamol.
- Người bệnh thiếu hụt men G6PD (glucose-6-phosphat dehydrogenase) – thiếu máu tán huyết.
Người thiếu men G6PD là đối tượng không nên sử dụng Paracetamol.
Không nên sử dụng chung Paracetamol với những thuốc nào?
Thức ăn làm ảnh hưởng đến hấp thu Paracetamol, do đó nên sử dụng thuốc cách bữa ăn khoảng 30 phút đến 1 giờ.
Paracetamol tương tác với cồn trong bia, rượu làm tăng nguy cơ độc gan. Hãy đến gặp bác sĩ khi cơ thể có những dấu hiệu như: lạnh, sốt, buồn nôn hay nôn, phát an, vàng da, vàng mắt, cơ thể suy nhược, mệt mỏi,…
Thuốc chống co giật (phenytoin, barbiturat, carbamazepin) gây cảm ứng enzym gan, tăng chuyển hóa thuốc thành những chất độc hại với gan.
Uống Paracetamol khi đang sử dụng thuốc kháng lao (isoniazid) cũng làm tăng đáng kể độc tính trên gan.[5]
>>>>>Xem thêm: Các cách giảm đau khi quan hệ tình dục
Uống rượu khi dùng Paracetamol có thể làm tăng nguy cơ độc gan.
Bài viết trên đã cung cấp rất nhiều thông tin về tác dụng phụ của Paracetamol và một số lưu ý giúp sử dụng thuốc an toàn. Hãy chia sẻ bài viết này tới bạn bè và người thân của mình nhé!