Ngộ độc thực phẩm là bệnh lý tiêu hóa thường gặp gây ra tình trạng đau bụng, tiêu chảy cho người bệnh. Cùng tìm hiểu về các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm qua bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: 7 dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm sớm nhất và cách xử lý đúng, hiệu quả
Contents
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm rất đa dạng, chủ yếu là các loại vi sinh vật gây bệnh đường tiêu hóa bám trên bề mặt thức ăn và nước uống. Một số tác nhân thường gặp của bệnh gồm:[1]
- Vi khuẩn: hay gặp nhất là E.Coli, Salmonella hoặc Shigella gây rối loạn tiêu hóa, bệnh kiết lỵ và thương hàn.
- Virus: rotavirus là căn nguyên thường gặp dẫn đến viêm dạ dày ruột, tiêu chảy ở trẻ em.
- Các độc tố trong thức ăn hoặc vi khuẩn có chứa độc tố: như vi khuẩn Clostridium perfringens thường có trong thịt sống hoặc thực phẩm lên men.
- Nấm và ký sinh đường tiêu hóa: có trong nước lã hoặc thực phẩm quá hạn sử dụng.
Xuất hiện vi sinh vật có hại trong thức ăn là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là bệnh lý thường gặp với nhiều triệu chứng của rối loạn tiêu hóa khác nhau. Một số dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh gồm:[3][2]
Đau bụng và chuột rút
Người bệnh có thể bị đau bụng thành từng cơn, kéo dài trong vài giờ. Nguyên nhân thường do chất độc gây kích ứng niêm mạc dạ dày và ruột gây viêm nhiễm, co thắt đường ruột.
Ngoài ra, một số trường hợp ngộ độc thực phẩm có thể kèm theo biểu hiện chuột rút. Thường gặp nhất ở vùng cơ xung quanh phần ngực hoặc vị trí bụng dưới, cạnh xương chậu.
Người bệnh ngộ độc thực phẩm thường có biểu hiện đau bụng
Tiêu chảy
Tiêu chảy là một triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm. Thường gặp khi độc tố và vi sinh vật gây viêm ruột, tăng tiết dịch làm giảm tái hấp thu nước và các chất lỏng khác.
Tiêu chảy cũng có thể đi kèm với các triệu chứng khác như mót rặn, đầy hơi hoặc đau quặn bụng. Điều này sẽ khiến bạn bị mất nhiều chất lỏng hơn bình thường khi bị tiêu chảy dẫn đến tăng nguy cơ bị mất nước.
Buồn nôn và nôn
Nôn mửa là phản ứng bình thường của cơ thể nhằm loại bỏ các chất độc hại ra khỏi đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu bạn bị nôn liên tục mà không được bổ sung đủ nước và thức ăn sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mệt lả rất nguy hiểm.
Đau đầu
Ngộ độc thức ăn có nôn mửa, tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải. Điều này làm giảm lượng máu và oxy cung cấp cho tế bào não khiến người bệnh bị đau đầu hoặc thậm chí giảm tri giác.
Một số bệnh nhân ngộ độc thực phẩm có thể bị đau đầu do thiếu máu não
Sốt
Khi các tác nhân có hại xâm nhập vào đường tiêu hóa sẽ gây ra hoạt động của các tế bào bạch cầu, đại thực bào. Quá trình này sẽ làm tăng thân nhiệt để chống lại viêm nhiễm.
Người bệnh có thể sốt nhẹ từ 37.5 đến 38.5 độ C. Sốt có thể xuất hiện sau đau bụng và kéo dài trong vài ngày cho đến khi vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm bị tiêu diệt.
Bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ trong vài ngày nếu bị ngộ độc thực phẩm
Mệt mỏi
Khi ngộ độc thực phẩm, cơ thể bạn thường mệt mỏi và chán ăn như một cách bảo vệ cơ thể khỏi những mầm bệnh. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài có thể gây ra thiếu dinh dưỡng làm giảm sức đề kháng và kéo dài thời gian bị bệnh.
Mất nước
Hiện tượng tiêu chảy với phân lỏng liên tục kèm theo nôn mửa ra hết thức ăn, nước uống có thể khiến cơ thể bị mất nước nghiêm trọng. Khi đó, người bệnh có thể gặp các dấu hiệu như:
- Đắng miệng, giảm tiết nước bọt.
- Da khô ráp.
- Khô mắt, không có nước mắt.
- Liên tục cảm thấy khát.
- Số lượng nước tiểu giảm.
Da, môi khô là dấu hiệu của mất nước khi có tiêu chảy và nôn mửa nhiều
Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm
Khi bị ngộ độc thực phẩm, bạn nên thực hiện các biện pháp nhằm tránh bệnh trở nên trầm trọng hơn như:[4]
- Ngừng ăn những thực phẩm nghi ngờ bị nhiễm khuẩn hoặc ôi thiu, quá hạn.
- Xây dựng chế độ nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế làm việc quá sức khi đang có tiêu chảy, nôn mửa.
- Không ăn bất cứ thực ăn nào chưa được nấu chín.
- Đến gặp bác sĩ hoặc dược sĩ sớm để được hướng dẫn chăm sóc, điều trị và theo dõi tùy theo mức độ ngộ độc thực phẩm.
Tìm hiểu thêm: Viêm lợi kiêng ăn gì? 18 thực phẩm nên ăn, kiêng ăn nhanh khỏi bệnh
Khi bị ngộ độc thực phẩm, bạn nên ngừng ăn đồ ăn không đảm bảo chất lượng
Khi nào thì cần liên hệ y tế
Dấu hiệu cho thấy cần liên hệ y tế
Ngộ độc thực phẩm có thể được theo dõi và điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, người bệnh nên đến bệnh viện sớm nếu có những dấu hiệu nặng như:[4]
- Tiêu chảy, nôn trớ nhiều ở trẻ nhỏ hoặc người trên 60 tuổi.
- Các triệu chứng đau bụng, đi ngoài nặng hơn sau vài ngày điều trị.
- Đại tiện ra phân nhầy máu hoặc lỏng như nước vo gạo.
- Không thể ăn uống bất cứ thức ăn nào.
- Dấu hiệu mất nước rõ, da khô, nước tiểu ít màu vàng đậm hoặc không có nước tiểu.
Nôn mửa, đau bụng ở trẻ em là dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ sớm
Địa chỉ khám chữa bệnh uy tín
Khi có những dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm, bạn nên đến khám các cơ sở y tế gần nhất, các phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa Tiêu hoá hay các bệnh viện đa khoa tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- Tại Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh.
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108.
Chẩn đoán và điều trị ngộ độc thực phẩm
Chẩn đoán ngộ độc thực phẩm
Để phát hiện tình trạng ngộ độc thực phẩm, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và hỏi về tiền sử ăn uống. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ dựa vào một số xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân như:
- Xét nghiệm phân: để tìm các vi khuẩn, trứng ký sinh trùng gây bệnh có trong phân của người bệnh.
- Xét nghiệm máu: nhằm đánh giá tình trạng viêm nhiễm hoặc tìm những kháng thể đặc hiệu của vi sinh vật trong máu.
Điều trị tại cơ sở y tế
Tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị tại bệnh viện khác nhau cho bệnh nhân. Một số phương pháp chữa trị chính gồm:[5]
- Truyền dịch bằng đường tĩnh mạch: nhằm cung cấp nước, dung dịch điện giải cho người bệnh.
- Thuốc kháng sinh: chỉ được kê cho những trường hợp ngộ độc nặng do vi khuẩn hoặc người già, trẻ em có sức đề kháng yếu.
- Men vi sinh: nhằm bổ sung lợi khuẩn đường ruột giúp cân bằng hệ tiêu hóa.
Bác sĩ sẽ truyền nước và điện giải bằng đường tĩnh mạch nếu ngộ độc thực phẩm nặng
Cách điều trị ngộ độc thực phẩm tại nhà
Với trường hợp ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể điều trị tại nhà thì bạn nên:[6]
- Tránh làm việc quá sức, nghỉ ngơi từ 7 – 8 tiếng mỗi ngày.
- Uống nhiều nước hoặc dung dịch oresol nhằm bù nước, điện giải cho cơ thể.
- Ăn các đồ ăn mềm, dễ tiêu, ít gia vị như súp, cháo thịt bằm để cung cấp chất dinh dưỡng.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng.
- Hạn chế uống rượu bia, cà phê hoặc hút thuốc lá trong thời gian bị bệnh.
Bạn nên ăn cháo thịt bằm để cung cấp năng lượng, dễ tiêu khi bị ngộ độc
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và sức khỏe của bệnh nhân. Do đó, bạn nên phòng ngừa bệnh với một số biện pháp đơn giản sau:[7][8]
- Thực hiện ăn chín, uống sôi để loại bỏ hết các vi sinh vật có hại.
- Bảo quản đồ ăn đã nấu chín trong tủ lạnh hoặc đậy kín với màng bọc thực phẩm để tránh bị ô nhiễm.
- Rửa tay sạch sẽ với xà phòng, nước rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Kiểm tra kỹ hạn sử dụng và tình trạng của thực phẩm trước khi ăn.
>>>>>Xem thêm: 10 công dụng lá dương xỉ tốt cho sức khỏe của bạn
Rửa tay sạch sẽ với xà phòng có thể ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm
Hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bạn những kiến thức bổ ích nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Hãy chia sẻ thông tin này đến với tất cả bạn bè và người thân của bạn nhé!