Ung thư vú là một trong những căn bệnh gây tử vong cao nhất ở nữ giới. Chính vì vậy, việc phát hiện các dấu hiệu của bệnh và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về các nguyên nhân ung thư vú, dấu hiệu cảnh báo và cách điều trị căn bệnh này nhé!
Bạn đang đọc: 7 yếu tố nguy cơ ung thư vú và dấu hiệu cảnh báo
Contents
Ung thư vú là gì?
Ung thư xảy ra khi những thay đổi được gọi là đột biến diễn ra trong các gen điều chỉnh sự phát triển của tế bào. Các đột biến cho phép các tế bào phân chia và nhân lên một cách không kiểm soát được.
Ung thư vú là ung thư phát triển trong các tế bào vú. Thông thường, ung thư hình thành ở tiểu thùy hoặc ống dẫn của vú.
Các tiểu thùy là các tuyến sản xuất sữa và ống dẫn của vú là đường dẫn sữa từ các tuyến đến núm vú. Ung thư cũng có thể xảy ra ở mô mỡ hoặc mô liên kết xơ trong vú của bạn.
Các tế bào ung thư không được kiểm soát thường xâm lấn các mô vú khỏe mạnh khác và có thể di chuyển đến các hạch bạch huyết dưới cánh tay. Khi ung thư xâm nhập vào các hạch bạch huyết, nó sẽ di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư vú là ung thư phát triển trong các tế bào vú
Dấu hiệu cảnh báo ung thư vú
Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vú có thể bao gồm:
- Một khối u cục xuất hiện trên vú, khi sờ vào có cảm giác khác với các mô xung quanh.
- Đau vùng ngực.
- Thay đổi kích thước, hình dạng của vú.
- Thay đổi vùng da trên vú, chẳng hạn như da đỏ hoặc đổi màu, xuất hiện nhiều nếp nhăn hoặc lõm giống như lúm đồng tiền.
- Sưng ở tất cả hoặc một phần của vú.
- Tiết dịch núm vú mà không phải là sữa hoặc có máu chảy ra từ núm vú.
- Tụt núm vú vào trong.
- Sưng hoặc nổi hạch dưới cánh tay.
Xuất hiện một khối u cục trên vú có thể là dấu hiệu của ung thư vú
Các giai đoạn ung thư vú
Ung thư vú được chia thành 5 giai đoạn chính, bao gồm các giai đoạn từ 0 đến 4. Các bác sĩ chia ung thư vú thành các giai đoạn dựa trên kích thước của khối u và mức độ lan rộng của nó. Ung thư mà có khối u lớn hoặc đã xâm lấn các mô hoặc cơ quan lân cận sẽ ở giai đoạn cao hơn so với khối u ở mức nhỏ hoặc vẫn còn trong vú.
- Giai đoạn 0 đề cập đến ung thư vú ‘tiền xâm lấn’, bao gồm ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ (DCIS).
- Giai đoạn I và II được gọi là ung thư vú giai đoạn đầu.
- Giai đoạn III được gọi là ung thư vú tiến triển cục bộ.
- Giai đoạn IV được gọi là ung thư vú tiến triển hoặc di căn. Ở giai đoạn này, ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.
Ngoài ra, ung thư vú còn có thể được chia thành 3 loại nhóm như sau:
- Giai đoạn Tiên lượng lâm sàng (Clinical Prognostic Stage): được sử dụng trước tiên để chỉ định giai đoạn cho tất cả bệnh nhân dựa trên tiền sử sức khỏe, khám sức khỏe, xét nghiệm hình ảnh (nếu được thực hiện) và sinh thiết. Giai đoạn tiên lượng lâm sàng được mô tả bởi hệ thống TNM [1], cấp độ khối u và tình trạng dấu ấn sinh học (ER, PR, HER2). Trong giai đoạn lâm sàng, chụp quang tuyến vú hoặc siêu âm được sử dụng để kiểm tra các hạch bạch huyết để tìm dấu hiệu ung thư.
- Giai đoạn Tiên lượng bệnh lý (Pathological Prognostic Stage): sau đó được sử dụng cho những bệnh nhân được phẫu thuật như lần điều trị đầu tiên. Giai đoạn Tiên lượng Bệnh lý dựa trên tất cả các thông tin lâm sàng, tình trạng dấu ấn sinh học và kết quả xét nghiệm từ mô vú và các hạch bạch huyết được loại bỏ trong quá trình phẫu thuật.
- Giai đoạn Giải phẫu (Anatomic Stage): dựa trên kích thước và sự lan rộng của ung thư như được mô tả bởi hệ thống TNM. Giai đoạn giải phẫu được sử dụng ở những nơi trên thế giới không có xét nghiệm dấu ấn sinh học.
Ung thư vú giai đoạn 4 có thể có khối u ở mọi kích cỡ và di căn đến khắp nơi trong cơ thể
Yếu tố nguy cơ ung thư vú
Tuổi tác
Nguy cơ mắc ung thư vú tăng lên khi bạn già đi. Hầu hết các bệnh ung thư vú xâm lấn được tìm thấy ở phụ nữ trên 55 tuổi. Vì vậy, bạn nên tới các cơ sở y tế để khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường trong cơ thể, bao gồm cả ung thư vú.
Nguy cơ mắc ung thư vú tăng lên khi bạn già đi
Tiền sử gia đình
Nếu mẹ, chị gái hoặc con gái của bạn được chẩn đoán mắc ung thư vú, đặc biệt là khi còn trẻ, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú của bạn sẽ tăng lên. Tuy nhiên, phần lớn những người bị ung thư vú lại không có tiền sử gia đình mắc bệnh.
Tiền sử gia đình cũng là một yếu tố nguy cơ của ung thư vú
Tiền sử bản thân từng mắc ung thư vú
Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (LCIS) hoặc tăng sản không điển hình ở một bên vú, bạn sẽ có nguy cơ bị ung thư vú ở bên còn lại hoặc ở một vùng khác của vú bị ảnh hưởng trước đó.
Tiền sử từng mắc ung thư vú cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn tái mắc bệnh
Mô vú dày đặc
Ngực của phụ nữ được tạo thành từ hàng ngàn tuyến nhỏ (tiểu thùy) sản xuất sữa. Mô tuyến này chứa mật độ tế bào vú cao hơn các mô vú khác, làm cho nó dày đặc hơn. Phụ nữ có mô vú dày đặc có thể gặp nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn vì nhiều tế bào có thể trở thành ung thư.
Phụ nữ có mô vú dày đặc có thể gặp nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn
Nội tiết tố
Tiếp xúc với estrogen
Nội tiết tố nữ estrogen đôi khi có thể kích thích các tế bào ung thư vú và khiến chúng phát triển. Nếu bạn dậy thì sớm hoặc trải qua thời kỳ mãn kinh muộn hơn bình thường thì bạn sẽ tiếp xúc với estrogen trong một khoảng thời gian dài hơn, dẫn tới nguy cơ ung thư cao hơn.
Tương tự như vậy, việc chưa bao giờ mang thai hoặc có con muộn sau 35 tuổi có thể làm tăng nhẹ nguy cơ phát triển ung thư vú vì việc tiếp xúc với estrogen của bạn không bị gián đoạn khi mang thai.
Liệu pháp thay thế hormone (HRT)
Những người đã hoặc đang dùng thuốc estrogen và progesterone sau mãn kinh để giúp giảm các triệu chứng mãn kinh có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
Dùng thuốc tránh thai
Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ uống thuốc tránh thai có nguy cơ mắc ung thư vú tăng nhẹ [2]. Tuy nhiên, yếu tố rủi ro này sẽ giảm đi khi bạn ngừng uống thuốc.
Những người đã hoặc đang sử dụng liệu pháp thay thế hormone (HRT) có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn
Yếu tố lối sống
Yếu tố lối sống cũng có tác động đáng kể đến sự gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú:
- Uống rượu: Sử dụng nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư vú.
- Thừa cân hoặc béo phì: Nếu bạn trải qua thời kỳ mãn kinh và bị thừa cân hoặc béo phì, bạn có thể có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư vú hơn.
Thừa cân, béo phì có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư vú
Tiếp xúc với phóng xạ
Một số phương pháp điều trị có sử dụng bức xạ, chẳng hạn như chụp X-quang và chụp CT, điều này có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Theo CDC Hoa Kỳ, những phụ nữ đã xạ trị ở ngực hoặc vú (ví dụ, điều trị ung thư hạch Hodgkin) trước 30 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn sau này trong đời.[3]
Tiếp xúc với bức xạ có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh ung thư vú
Đối tượng có nguy cơ mắc ung thư vú
Dưới đây là các đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư vú:
- Tiền sử gia đình trực hệ (mẹ, chị em gái, con gái) mắc ung thư vú.
- Có đột biến gen BRCA1/BRCA2 hoặc các đột biến khác có liên quan ung thư vú.
- Đã được chẩn đoán ung thư vú ở một bên vú trước đó.
- Tiền sử bản thân có bệnh lý tuyến vú trước đó.
- Tiền sử xạ trị vùng ngực.
- Người thừa cân, béo phì.
- Người chưa bao giờ sinh nở hoặc có con muộn ngoài tuổi 35.
- Dậy thì sớm hoặc mãn kinh muộn.
- Người đang sử dụng liệu pháp hormon thay thế sau mãn kinh hoặc đang sử dụng thuốc tránh thai.
Tìm hiểu thêm: Thiếu mangan: Nguyên nhân, triệu chứng cách điều trị
Dậy thì sớm trước 12 tuổi có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú
Điều trị ung thư vú
Trước khi đưa ra quyết định về phương pháp điều trị, các bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố sau:
- Giai đoạn của bệnh ung thư (khối u lớn như thế nào và nó đã lan rộng bao xa).
- Tình trạng sức khỏe chung của bạn.
- Hỏi xem bạn đã trải qua thời kỳ mãn kinh hay chưa.
Phẫu thuật
Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị đầu tiên cho bệnh ung thư vú. Loại phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào loại ung thư vú bạn mắc phải.
Phẫu thuật thường được theo sau bởi hóa trị hoặc xạ trị hoặc, trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ sẽ lựa chọn liệu pháp hormone hoặc liệu pháp nhắm đích.
Có 2 loại phẫu thuật ung thư vú chính:
- Phẫu thuật bảo tồn vú, trong đó khối u ung thư được loại bỏ.
- Cắt bỏ vú, trong đó toàn bộ vú bị cắt bỏ.
Trong nhiều trường hợp, sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú, các bác sĩ sẽ thực hiện thêm một cuộc phẫu thuật nữa nhằm tái tạo vú, đảm bảo tính thẩm mỹ cho người bệnh.
Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị đầu tiên cho bệnh ung thư vú
Xạ trị
Phương pháp xạ trị sử dụng tia bức xạ ion hoá có năng liệu cao được kiểm soát để tiêu diệt tế bào ung thư. Nó thường được đưa ra sau phẫu thuật và hóa trị để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại. Quá trình xạ trị sẽ bắt đầu khoảng 1 tháng sau khi phẫu thuật hoặc hóa trị để cơ thể bạn có cơ hội phục hồi.
Phương pháp xạ trị sử dụng liều phóng xạ được kiểm soát để tiêu diệt tế bào ung thư
Hóa trị
Hóa trị liên quan đến việc sử dụng thuốc chống ung thư (gây độc tế bào) để tiêu diệt tế bào ung thư. Thường thì, bác sĩ sẽ kê 2 – 3 loại thuốc cùng một lúc.
Hóa trị thường được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào chưa được loại bỏ. Trong một số trường hợp, bạn có thể được chỉ định hóa trị trước khi phẫu thuật, thường nhằm mục đích thu nhỏ khối u lớn.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn những loại thuốc mà bạn có thể uống ở nhà. Bạn có thể có các đợt hóa trị 2 – 4 tuần/lần và sau đó nghỉ không dùng thuốc. Mỗi đợt điều trị được gọi là một chu kỳ và bạn có thể có tới 8 chu kỳ hóa trị.
Hóa trị liên quan đến việc sử dụng thuốc chống ung thư (gây độc tế bào) để tiêu diệt tế bào ung thư
Liệu pháp hormone
Một số bệnh ung thư vú được kích thích phát triển bởi hormone nội sinh estrogen hoặc progesterone, chúng được gọi là ung thư dương tính với thụ thể hormone.
Liệu pháp hormone giúp làm giảm nồng độ hormone estrogen hoặc progesterone trong cơ thể bạn hoặc ngừng tác dụng của chúng.
Bạn có thể sẽ được điều trị bằng hormone sau phẫu thuật và hóa trị, nhưng đôi khi nó được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u và giúp việc loại bỏ trở nên dễ dàng hơn.
Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ cần dùng liệu pháp hormone trong 5 năm hoặc hơn sau khi phẫu thuật.
Liệu pháp hormone giúp làm giảm hormone estrogen hoặc progesterone trong cơ thể hoặc ngừng tác dụng của chúng
Liệu pháp nhắm trúng đích
Nếu bạn bị ung thư vú tiến triển, bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn điều trị bằng thuốc nhắm đích kết hợp với hóa trị. Phương pháp điều trị này nhắm vào những bất thường cụ thể trong tế bào ung thư khác biệt so với tế bào thường, từ đó khiến chúng bị tiêu diệt mà không làm ảnh hưởng các tế bào thường.
Nếu bạn bị ung thư vú tiến triển, bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn điều trị bằng thuốc nhắm đích kết hợp với hóa trị
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn để tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Có một số loại liệu pháp miễn dịch khác nhau, nhưng tất cả các liệu pháp miễn dịch đều hoạt động bằng cách đào tạo hệ miễn dịch của bạn để nó có thể tấn công các tế bào ung thư.
Liệu pháp miễn dịch sử dụng hệ miễn dịch của cơ thể để tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Ngoài việc thăm khám sức khỏe định kỳ kết hợp chụp X-quang tuyến vú, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh ung thư vú, chẳng hạn như một khối u bất thường ở vú hoặc bất kỳ thay đổi nào về cảm giác hoặc hình dạng, màu sắc của vú.
Bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh ung thư vú
Chẩn đoán
Các bác sĩ thường sử dụng các xét nghiệm bổ sung để tìm hoặc chẩn đoán ung thư vú. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:
- Chụp X-quang tuyến vú (Mammography): Đây là phương pháp mang lại hiệu quả cao trong sàng lọc và chẩn đoán ung thư vú với thời gian chụp nhanh và không xâm lấn.
- Sinh thiết vú: Bác sĩ hoặc nhân viên y tế sẽ lấy một mẫu tế bào từ vú của bạn và xét nghiệm để xem nó có phải là ung thư hay không.
- Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị bạn tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc siêu âm vú.
Chụp X-quang tuyến vú là phương pháp mang lại hiệu quả cao trong sàng lọc và chẩn đoán ung thư vú
Các bệnh viện uy tín
Nếu bản thân, gia đình và bạn bè gặp phải tình trạng ung thư vú hoặc cần nhận được sự tư vấn chuyên môn từ bác sĩ, bạn có thể đến Khoa Ung bướu của một số bệnh viện uy tín sau:
- TP.HCM: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, Bệnh Viện Ung Bướu cơ sở 2,…
- Hà Nội: Bệnh viện K, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai,…
Cách phòng tránh ung thư vú
Nhiều yếu tố trong suốt cuộc đời có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú của bạn. Bạn không thể thay đổi một số yếu tố, chẳng hạn như tuổi tác hoặc tiền sử gia đình, nhưng bạn có thể giảm thiểu nguy cơ ung thư vú bằng những cách sau đây:
- Duy trì mức cân nặng khỏe mạnh.
- Ăn nhiều loại trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Do chúng có chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa, có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa ung thư.
- Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Không uống rượu bia, hút thuốc lá.
- Cho trẻ bú sữa mẹ nếu có thể.
Việc duy trì lối sống lành mạnh, khám sàng lọc định kỳ và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa mà bác sĩ khuyến nghị có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư vú của bạn.
>>>>>Xem thêm: Nhà sản xuất Lavida của nước nào? Có tốt không? Các dòng sản phẩm nổi bật
Bạn nên duy trì mức cân nặng khỏe mạnh nhằm tránh nguy cơ mắc ung thư vú
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn thông tin về các yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới ung thư vú, dấu hiệu cảnh báo và cách điều trị hiệu quả. Nếu bạn thấy hay và hữu ích, đừng quên chia sẻ cho bạn bè và người thân cùng biết nhé!
Nguồn: Mayoclinic, NHS, Cancer, Cancer Research UK.