Tại Việt Nam, ung thư đại tràng là một trong những loại ung thư thường gặp nhất, chỉ sau ung thư gan, phổi, dạ dày và vú. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở người bệnh, vậy dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 1 là gì, hãy tìm hiểu cùng Kenshin trong bài viết này nhé!
Bạn đang đọc: 9 dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 1 bạn không nên chủ quan
Contents
Đau bụng
Đau bụng là triệu chứng thường gặp, biểu hiện đau bụng của ung thư có thể ở mọi vị trí nhưng chủ yếu thường đau ở vùng hố chậu. Đau âm ỉ kéo dài và đặc biệt là ít đáp ứng với các thuốc điều trị đại tràng thông thường.
Mệt mỏi, chán ăn
Mệt mỏi, chán ăn, khó tiêu, đầy hơi, trướng bụng là những triệu chứng tiêu hóa thường gặp ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư trực tràng, tuy nhiên bệnh nhân lại ít khi nào để ý và thường không phải là lý do khiến bệnh nhân đi khám tầm soát ung thư trực tràng.
Nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng này có thể do khối u chèn ép đường tiêu hóa, đồng thời tăng sinh mạch máu ở khối u ác tính, khối u lở loét làm chảy máu rỉ rả gây ra tình trạng thiếu máu làm người bệnh cảm thấy mệt mỏi, suy nhược.
Sụt cân không rõ nguyên nhân
Khi xuất hiện tình trạng sụt cân không liên quan đến chế độ ăn hay hoạt động thể lực thì rất có thể đây là một dấu hiệu chỉ điểm ung thư, đặc biệt là các loại ung thư đường tiêu hóa như dạ dày, đại tràng.
Nguyên nhân của sụt cân là do khi tế bào ung thư phát triển làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể, lúc này cơ thể phải dùng protein để bù đắp, giữ lại chức năng của các tạng quan trọng song cũng làm thiếu hụt năng lượng cung cấp cho các tế bào khác, đồng thời cũng do việc bệnh nhân chán ăn, ăn không ngon, khối u cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng. Kết quả là giảm khối lượng cơ, sụt cân trầm trọng ở bệnh nhân ung thư.
Táo bón
Táo bón là tình trạng đại tiện ít hơn 3 lần/tuần với dấu hiệu phân khô, cứng, khó đẩy phân ra ngoài. Việc xuất hiện các rối loạn tiêu hóa như táo bón đi kèm với đau bụng cũng có thể là một dấu hiệu sớm của ung thư đại tràng.
Nguyên nhân dẫn đến táo bón ở bệnh nhân ung thư đại tràng có thể là do khối u trong lòng đường tiêu hóa gây chèn ép, ngăn chặn đường ra của phân. Bên cạnh đó khối u gây rối loạn nhu động ruột làm sự đẩy phân ra ngoài trở nên khó khăn hơn.Trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tắc ruột.
Tiêu chảy
Tiêu chảy có thể được hiểu là tình trạng đi ngoài phân lỏng, nhiều nước và cảm thấy cần đại tiện gấp nhiều lần trong ngày. Tiêu chảy có thể là cấp tính hoặc mạn tính dựa vào thời gian kéo dài của triệu chứng. Đây cũng là một tình trạng rối loạn tiêu hóa liên quan đến ung thư đại tràng.
Đại tràng có chức năng chính là hấp thụ nước, chất điện giải và tích trữ phân cho đến khi phân được tống xuất ra ngoài, việc hình thành khối u trong lòng đại tràng sẽ gây rối loạn quá trình tái hấp thu các chất, đặc biệt là nước, từ đó gây nên triệu chứng tiêu chảy.
Phân mỏng, hẹp so với bình thường
Kích thước của phân là một dấu hiệu cần phải chú ý, phản ánh các bất thường dị dạng trong đường tiêu hóa. Tình trạng phân mỏng, hẹp hơn so với bình thường rất có thể do một vật cản giống khối u chặn lại. Đôi khi được mô tả bởi thuật ngữ “phân hình lá lúa”, cũng là một dấu hiệu chỉ điểm quan trọng mà người bệnh cần lưu ý.
Tìm hiểu thêm: Sau sinh nên ăn gì? Các thực phẩm dành cho mẹ bầu ở cữ
Đau vùng xương chậu
Đau vùng xương chậu là dấu hiệu ít gặp ở bệnh nhân ung thư đại tràng. Tuy nhiên, một khi dấu hiệu này xảy ra thì rất có thể khối u đã di căn đến các cơ quan lân cận, đặc biệt là vùng xương chậu.
Nguyên nhân của tình trạng đau xương do ung thư gây tăng quá trình hủy xương làm cấu trúc xương trở nên yếu ớt, dễ gãy, đồng thời các độc tố trong khối u làm tăng tình trạng đau nhức ở bệnh nhân.
Chuột rút ở bụng
Dấu hiệu này là biểu hiện của việc tăng co bóp đột ngột, không kiểm soát của lớp cơ bên trong đường tiêu hóa khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và đôi khi là đau. Hầu hết trường hợp, dấu hiệu này không quá nghiêm trọng, tuy nhiên cũng cần phải cảnh giác vì có thể là triệu chứng sớm của một ung thư đại tràng.
Bất kỳ bất thường thực thể nào trong đường tiêu hóa cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn nhu động đường tiêu hóa, ảnh hưởng trực tiếp lên lớp cơ và hệ thần kinh chi phối, việc hình thành khối u tại đại tràng gây kích thích cơ và thần kinh tại chỗ gây ra tình trạng co bóp dữ dội, mất kiểm soát, từ đó làm bệnh nhân khó chịu, thậm chí là đau.
Đại tiện ra máu
Đại tiện kèm theo máu đỏ tươi, nhỏ giọt hay tiêu phân đen là dấu hiệu xuất huyết bên trong đường tiêu hóa, là biểu hiện của nhiều mặt bệnh khác nhau, trong đó có ung thư đại tràng. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể đan xen nhiều triệu chứng táo bón, tiêu chảy, tiêu phân có máu.
Cần phải lưu ý vì triệu chứng này có thể gây nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hóa khác như loét dạ dày – tá tràng, trĩ,…Điểm khác biệt là ung thư đại tràng phân bị lẫn máu và chất nhầy, nguyên nhân của tình trạng này là do khối u lở loét trong lòng đại trạng gây chảy máu, đồng thời tình trạng táo bón gây ứ đọng phân làm tăng quá trình thối rữa và lên men, sinh hơi, ruột tăng bài tiết chất nhầy. Kết quả là gây tiêu máu lẫn chất nhầy ở người bệnh ung thư đại tràng.
Chẩn đoán ung thư đại tràng
Việc chẩn đoán ung thư đại tràng sớm giúp quá trình điều trị mang lại nhiều kết quả khả quan, tiên lượng sống của bệnh nhân được cải thiện, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Ở giai đoạn sớm, tỷ lệ phát hiện bệnh còn thấp do các triệu chứng không điển hình và sự chủ quan của bệnh nhân lẫn thầy thuốc.
Cơ quan Y tế Dự phòng Hoa Kỳ khuyến cáo nên tầm soát ung thư đại tràng từ 45 tuổi. Việc chẩn đoán ung thư đại tràng dựa vào các yếu tố sau:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử, bệnh sử có liên quan đến các triệu chứng tiêu hóa bệnh nhân mắc phải, đồng thời ấn vào bụng tìm các dấu hiệu bất thường và thăm khám trực tràng để phát hiện các khối u trực tràng.
- Xét nghiệm phân: Đây là xét nghiệm dùng để tìm máu ẩn trong phân. Có hai loại chính: xét nghiệm máu ẩn trong phân Guaiac (gFOBT) và xét nghiệm miễn dịch tìm máu ẩn trong phân (FIT)
- Xét nghiệm máu: Bao gồm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi cùng các xét nghiệm chức năng gan, thận khác để loại trừ các mặt bệnh và rối loạn khác.
- Nội soi đại tràng: Đây là thủ thuật sử dụng một ống dài có gắn camera, quy trình này giúp bác sĩ thám sát bên trong lòng đại tràng để phát hiện các khối u, dấu hiệu bất thường.
- Chụp X quang đại tràng cản quang: Hình ảnh trên phim chụp X quang giúp bác sĩ phát hiện ra các khối u và các dấu hiệu bất thường dựa trên các hình ảnh khuyết thuốc, cộng thuốc.
- Chụp CT: Đây là cận lâm sàng giúp xác định vị trí, kích thước và mức độ xâm lấn của ung thư, đặc biệt phát hiện được những khối u nhỏ mà siêu âm thường bỏ sót.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Nhiều người bệnh thường phớt lờ các triệu chứng của ung thư đại tràng giai đoạn sớm như:
- Máu trong phân.
- Rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy, táo bón.
- Thay đổi về kích thước và hình dạng phân.
- Đau bụng hoặc tăng nhu động vùng hạ vị.
- Đầy hơi, cảm giác khó tiêu.
- Giảm cân không mong muốn.
- Mệt mỏi, uể oải.
Hãy đi khám bác sĩ ngay khi các triệu chứng này kéo dài trên hai tuần.
>>>>>Xem thêm: Giới thiệu viên uống bổ xương khớp Khương Thảo Đan mua ở đâu, có tốt không?
Các bệnh viện có chuyên khoa tiêu hóa:
- Hà Nội: Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai,…
- TP HCM: Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân Dân 115,…
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về các dấu hiệu của ung thư đại tràng giai đoạn sớm. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, hãy comment bên dưới bài viết này nhé!
Nguồn: Bệnh viện K, Mayo Clinic, Healthline, Webmd, MD Anderson Cancer Center