Viêm họng có thể khiến bạn cảm thấy bị đau khi nuốt, dẫn đến việc bạn không muốn ăn bất cứ thứ gì. Tuy nhiên, ăn uống phù hợp có thể làm giảm đau do viêm họng, đẩy nhanh quá trình hồi phục. Cùng đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu viêm họng nên ăn gì nhé!
Bạn đang đọc: Viêm họng nên ăn gì? Các loại thực phẩm giúp bạn nhanh hết viêm họng
Contents
Nước ép lựu
Quả lựu chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe, giúp cải thiện các tình trạng bệnh như đái tháo đường, huyết áp, viêm khớp, các tình trạng nhiễm trùng trong đó có viêm họng,…
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chất dinh dưỡng trong nước ép lựu có bao gồm acid punicic – một acid béo có khả năng chống viêm do ức chế sinh tổng hợp prostaglandin, giúp cải thiện và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm.[1] [2]
Chuối
Chuối là một loại trái cây mềm, phẩm giàu chất dinh dưỡng và có khả năng chống viêm tốt. Nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ được tìm thấy trong các thành phần của chuối giúp giảm viêm và cải thiện sức khoẻ đường tiêu hoá. Việc ăn chuối sẽ giúp làm dịu cảm giác đau họng của bạn.
Chuối giúp làm dịu cảm giác đau họng
Súp gà
Súp gà có tác dụng chống viêm, được dùng như một bài thuốc điều trị viêm đường hô hấp trên có triệu chứng. Sử dụng súp gà có thể giúp bạn thông đường thở và giảm các triệu chứng đau họng.[3]
Xô thơm
Xô thơm (Sage) thường được sử dụng như một vị thuốc giúp cải thiện sức khỏe, bao gồm:
- Tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung.
- Chống lão hóa.
- Giảm nguy cơ ung thư.
- Hỗ trợ giảm đường huyết.
- Chống lại các bệnh tim mạch.
- Cải thiện chứng lo âu và trầm cảm.
- Có tính chống viêm giúp giảm các triệu chứng đau họng.
- Hỗ trợ điều trị mất ngủ.
- Hỗ trợ điều hòa tiêu hóa.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về hiệu quả chữa bệnh của xô thơm còn nhiều hạn chế. Do đó, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để bổ sung dữ liệu về vấn đề này.[4]
Nghệ, gừng
Nghệ được sử dụng rộng rãi như một phương pháp điều trị ho và đau họng. Thành phần curcumin trong nghệ có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, kháng vi trùng, kháng khuẩn và một số đặc tính dược phẩm khác. Do đó, nghệ góp phần giảm giảm đau họng.[5]
Một loại thực phẩm khác cũng có tác dụng kháng viêm đó là gừng. Gừng được sử dụng dưới nhiều hình thức như tinh dầu, bột và trà. Gừng có đặc tính chống viêm, giúp giảm sưng và đau họng. Trà gừng được chứng minh giúp giảm các triệu chứng ho, đau họng,…
Mật ong
Mật ong là một chất lỏng tự nhiên được tạo ra bởi ong có tính kháng khuẩn, ngừa nhiễm trùng và hỗ trợ chữa lành vết thương. Nhờ vào đặc tính kháng khuẩn mà mật ong được sử dụng như một phương thuốc chữa đau họng hiệu quả.[6]
Trà
Trà xanh là một thức uống dân dã và truyền thống của người Việt, không chỉ có chứa thành phần caffein giúp tăng tỉnh táo thì catechin và theanin có trong trà cũng được chứng minh là một chất chống viêm tự nhiên và vô hại. Các loại trà ấm có thể giúp giảm các triệu chứng đau họng của bạn.
Một nghiên cứu ghi nhận súc miệng bằng trà xanh có thể làm giảm đau đo viêm họng ở bệnh nhân sau khi rút nội khí quản.[7]
Một nghiên cứu khác cho thấy trà xanh có tác dụng phòng ngừa cảm cúm.[8]
Tìm hiểu thêm: Trà tâm sen có tác dụng gì? Xem ngay 10 công dụng sau
Sinh tố và sữa chua
Sinh tố và sữa chua được xếp vào loại thức ăn mềm, lỏng và mọi người có thể uống qua ống hút. Các loại thực phẩm này cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đồng thời làm dịu cảm giác đau họng.
Rau củ nấu chín kỹ
Các loại rau củ như cà rốt, bắp cải, khoai tây và những loại rau khác cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt đối với những người đang có tình trạng viêm họng.
Mẹo: Bạn có thể nấu các loại rau củ cho đến khi chúng mềm, sau đó nghiền chung với sữa ít đường và nghệ.
Sử dụng rau củ quả nấu chín như một cách làm thanh cổ họng của bạn
Trứng khuấy
Trứng khuấy hay còn được gọi là trứng bác hoặc trứng trưng cung cấp protein dồi dào giúp cơ thể phục hồi các mô bị tổn thương. Ngoài ra, món ăn này đủ mềm, không quá khô cũng không quá nhão sẽ giúp tình trạng đau họng của bạn không nặng thêm khi nuốt.
Trứng khuấy cung cấp dinh dưỡng giúp phục hồi và tránh làm nặng các mô bị tổn thương
Thạch
Thạch (jello) – là một loạt các món tráng miệng chứa gelatin, cung cấp lượng protein dồi dào. Loại thực phẩm này mềm và dễ nuốt, chúng có thể cung cấp dinh dưỡng và giúp bạn dễ chịu hơn khi nuốt.
Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều bằng chứng về lợi ích cũng như tác hại của loại thực phẩm này. Bạn nên cân nhắc khi sử dụng.
Viêm họng kiêng ăn gì?
Viêm họng khiến bạn gặp khó khăn trong việc nuốt. Một số loại thức ăn bạn cần tránh như:
- Thức ăn giòn, cứng: Những thức ăn có nhiều cạnh sắc như bánh quy giòn, bánh mì nướng khô, các loại hạt hoặc rau sống, vì chúng có thể khiến niêm mạc đang viêm và xung huyết của bạn bị trầy xước và làm tăng cảm giác đau.
- Trái cây và nước ép họ cam quýt: Nhiều người quan niệm rằng uống nước cam khi bị bệnh giúp cung cấp vitamin C. Tuy nhiên, nước trái cây họ cam quýt có tính acid, có thể gây kích ứng niêm mạc đang bị viêm của cổ họng, khiến tình trạng đau họng nặng hơn.
- Thực phẩm chua, ngâm chua hoặc ngâm nước muối: Thực phẩm làm từ giấm hoặc muối, bao gồm dưa chua, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm họng do tính acid của chúng.
- Nước cà chua và nước sốt: Đặc tính chua của cà chua có thể gây kích ứng niêm mạc của bạn trong giai đoạn viêm.
- Gia vị gây khó chịu: Một số loại gia vị như gừng, nghệ có thể giúp giảm triệu chứng đau họng. Tuy nhiên, những loại gia vị khác như ớt, nước sốt nóng có thể làm tình trạng viêm trở nên nặng hơn.
- Rượu: Rượu, bia hay các loại nước có chứa cồn (bao gồm cả nước súc miệng) có thể gây cảm giác đau nhói ở cổ họng. Bên cạnh đó, rượu cũng làm mất nước, không tốt cho sức khỏe của bạn.
- Ngoài ra, mọi người cũng nên tránh hút thuốc, kể cả khói thuốc khi bị viêm họng vì chúng gây kích ứng các niêm mạc của đường hô hấp trên, tăng tình trạng viêm nhiễm.
Khi nào gặp bác sĩ?
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm họng. Tuy nhiên, bệnh thường tự khỏi và các triệu chứng sẽ biến mất sau vài ngày. Mọi người nên đi khám nếu tình trạng đau họng kéo dài từ trên 1 tuần, sốt hoặc có các triệu chứng khác gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của bạn.
Hãy đến khám bác sĩ ngay nếu trẻ có khác triệu chứng như:
- Khó thở.
- Khó nuốt.
- Chảy nước dãi bất thường (đây là triệu chứng phản ánh tình trạng trẻ không thể nuốt).
Ngoài ra, bạn nên đi khám ngay nếu có một trong các dấu hiệu sau:
- Đau họng nhiều và kéo dài trên 1 tuần.
- Khó nuốt, khó thở.
- Cứng hàm, đau khớp, đau tai.
- Phát ban.
- Sốt cao trên 38,50C.
- Đờm có lẫn máu.
- Thường xuyên tái phát đau họng.
- Khàn giọng kéo dài hơn 2 tuần.
- Sưng hạch bạch huyết.
- Amidan bị viêm, có mảng trắng hoặc mủ.
- Vòm miệng xuất hiện những đốm nhỏ màu đỏ.
>>>>>Xem thêm: Thực phẩm bổ sung chất xơ cho cơ thể
Đi khám ngay nếu amidan của bạn sưng đỏ, kèm mủ
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về viêm họng cũng như những loại thực phẩm nên ăn và nên kiêng giúp nhanh hết bệnh mà vẫn đảm bảo về mặt dinh dưỡng. Nếu bạn thấy bài viết hay và có ích thì hãy chia sẻ đến những người xung quanh ngay nhé.
Nguồn: Medical News Today, HealthLine, PDXENT, PubMed