Cùng Kenshin tìm hiểu về các nguyên nhân gây suy thận như tăng huyết áp, đái tháo đường,… và cách để phát hiện kịp thời bệnh suy thận nhé!
Bạn đang đọc: Cảnh báo 5 nguyên nhân suy thận có thể bạn chưa biết
Contents
Tăng huyết áp
Thận được cấu tạo từ các đơn vị là nephron với chức năng chính là loại bỏ các chất thải ra khỏi máu và tạo thành nước tiểu. Các nephron trong thận được bao quanh bởi một mạng lưới dày đặc các mạch máu.
Việc không kiểm soát tình trạng tăng huyết áp theo thời gian có thể khiến các động mạch xung quanh thận thu hẹp, suy yếu hoặc xơ cứng lại.
Động mạch thận bị tổn thương sẽ không thể cung cấp đủ máu đến các mô thận, khiến cho các nephron không nhận được oxy và chất dinh dưỡng cần thiết. Khi đó, thận mất khả năng lọc máu và điều hòa các chất lỏng, hormone, axit và muối trong cơ thể. [1]
Ngoài ra, thận của một người khỏe mạnh đáp ứng với một loại hormon gọi là aldosterone được sản xuất tại tuyến thượng thận. Aldosterone có vai trò quan trọng trong điều hòa muối và nước của cơ thể. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy nồng độ aldosterone cao có thể thúc đẩy tiến triển suy thận vì làm tăng xơ hóa tế bào thận. [2] Lượng aldosterone cao có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy thận ở người bệnh tăng huyết áp không được kiểm soát. [3]
Đái tháo đường
Một nguyên nhân khác gây ra suy thận là bệnh đái tháo đường, một tình trạng đặc trưng bởi lượng đường (glucose) trong máu cao. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng hàng triệu nephron trong mỗi quả thận và sau cùng dẫn đến suy thận.
Tại Mỹ, khoảng 30% bệnh nhân đái tháo đường type 1 và 40% bệnh nhân đái tháo đường type 2 có tiến triển suy thận. [4]
Hiện nay chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh thận do đái tháo đường, do đó việc điều trị sẽ kéo dài liên tục. [5]
Khi các tế bào thận tiếp xúc lâu dài với nồng độ glucose cao trong máu ở bệnh nhân đái tháo đường, một số tế bào có khả năng bị rối loạn chức năng, điển hình như tế bào nội mô thận. Các tế bào bị rối loạn chức năng sẽ không thể làm giảm sự vận chuyển glucose vào tế bào, dẫn đến nồng độ glucose nội bào cao. [6] Điều này kích thích sự tạo ra các chất trung gian gây suy thận. [7]
Suy giảm lưu lượng máu đến thận
Một số trường hợp có thể làm giảm lưu lượng máu đến thận và dẫn đến suy thận, bao gồm:
- Mất máu hoặc dịch cơ thể.
- Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp: Nhóm thuốc ức chế men chuyển (ACEI) làm giảm sự hình thành angiotensin II – một chất có tác dụng làm co mạch và tăng huyết áp. Từ đó, nhóm thuốc này ức chế sự co thắt các tiểu động mạch đi của cầu thận và làm giảm tỷ lệ lọc cầu thận – một thông số dùng để đánh giá chức năng thận. Tỷ lệ này giảm nhiều sẽ khiến các chất thải không được lọc khỏi máu. [8]
- Nhồi máu cơ tim.
- Bệnh tim.
- Nhiễm trùng.
- Suy gan.
- Sử dụng aspirin, ibuprofen, naproxen hoặc các loại thuốc liên quan: Các thuốc giảm đau chống viêm không phải steroid (NSAIDs) làm giảm sự hình thành prostaglandin. Tại thận, các prostaglandin như PGE2, PGD2 làm giãn tiểu động mạch đi và giúp tăng lưu lượng máu đến thận. Các NSAIDs làm ức chế quá trình này, dẫn đến sự co mạch đột ngột và tổn thương thận cấp. [9]
- Sốc phản vệ.
- Bỏng nặng.
Các chấn thương liên quan đến thận
Những tình trạng bệnh và các tác nhân sau đây có thể làm tổn thương thận và dẫn đến suy thận cấp tính:
- Rối loạn đông máu trong tĩnh mạch, động mạch trong và xung quanh thận.
- Cholesterol tích tụ trong mạch máu và làm tắc nghẽn dòng máu thận.
- Viêm cầu thận.
- Hội chứng tan máu tăng ure máu, một tình trạng do phá hủy sớm các tế bào hồng cầu.
- Nhiễm vi rút gây bệnh COVID-19.
- Lupus, một loại bệnh tự miễn có biểu hiện viêm đa hệ thống, trong đó có viêm cầu thận.
- Sử dụng thuốc hóa trị, thuốc kháng sinh.
- Xơ cứng bì, một nhóm bệnh về xơ hóa da và các mô liên kết.
- Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối.
- Độc tố, chẳng hạn như ngộ độc rượu, nhiễm độc kim loại nặng và cocain.
- Tiêu cơ vân, một bệnh lý về mô cơ xương.
- Hội chứng ly giải khối u với biểu hiện lâm sàng là tổn thương thận cấp.
Tắc nghẽn nước tiểu trong thận
Các bệnh lý làm tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu ra ngoài cơ thể (tắc nghẽn đường tiết niệu) có thể dẫn đến chấn thương thận cấp tính, bao gồm:
- Ung thư bàng quang.
- Cục máu đông trong đường tiết niệu.
- Ung thư cổ tử cung.
- Ung thư ruột kết.
- Phì đại tuyến tiền liệt.
- Sỏi thận.
- Tổn thương dây thần kinh bàng quang.
- Ung thư tuyến tiền liệt.
Tìm hiểu thêm: Thương hiệu Brauer của nước nào? Có tốt không?
Các nguyên nhân khác
Một số yếu tố khác có thể dẫn đến suy thận bao gồm:
- Ma túy và rượu.
- Viêm mạch máu.
- Đau tủy, một bệnh ung thư của các tương bào trong tủy xương.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ suy thận
Suy thận cấp tính hầu như luôn xảy ra khi người bệnh đang có sẵn bệnh nền hoặc một tổn thương khác. Các trường hợp có thể làm tăng nguy cơ suy thận cấp tính bao gồm:
- Nhập viện, nhất là đối với bệnh nhân đang cần chăm sóc đặc biệt.
- Tuổi cao.
- Tắc nghẽn mạch máu ở cánh tay hoặc chân của bạn (bệnh động mạch ngoại vi).
- Bệnh đái tháo đường.
- Tăng huyết áp.
- Suy tim.
- Bệnh thận.
- Bệnh gan.
- Một số bệnh ung thư và hóa trị liệu.
Khi nào cần thăm khám bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Khi có một trong các triệu chứng của bệnh suy thận bạn nên đến thăm khám bác sĩ sớm nhất để có thể thực hiện các bài test chẩn đoán bệnh suy thận.
Một số triệu chứng của suy thận cấp tính là:
- Giảm lượng nước tiểu.
- Giữ nước, gây sưng phù ở chân, mắt cá chân hoặc bàn chân của bạn.
- Khó thở.
- Mệt mỏi.
- Hoang mang.
- Buồn nôn.
- Nhịp tim không đều.
- Đau hoặc tức ngực.
- Co giật hoặc hôn mê.
Đôi khi suy thận cấp tính không cho biểu hiện cụ thể và chỉ được phát hiện thông qua các xét nghiệm vì một lý do khác.
Các xét nghiệm bệnh suy thận
- Phân tích nước tiểu: Bác sĩ lấy mẫu nước tiểu để kiểm tra bất kỳ điều gì bất thường có mặt trong nước tiểu, ví dụ như protein hoặc glucose. Phân tích còn giúp kiểm tra cặn nước tiểu để tìm các tế bào hồng cầu và bạch cầu, số lượng vi khuẩn và các phôi tế bào.
- Đo thể tích nước tiểu: Đo lượng nước tiểu trong 24 giờ là một xét nghiệm không xâm lấn giúp chẩn đoán suy thận. Lượng nước tiểu thấp có thể gợi ý bệnh thận do tắc nghẽn đường tiểu hoặc có thể do nhiều bệnh, chấn thương khác.
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để đo nồng độ các chất được lọc bởi thận của bạn, chẳng hạn như urê trong máu và creatinin. Sự gia tăng nhanh chóng các chất này có thể là biểu hiện của suy thận cấp tính.
- Chẩn đoán hình ảnh: Các xét nghiệm như siêu âm, MRI và chụp CT cung cấp hình ảnh về thận và đường tiết niệu của bạn để xác định sự tắc nghẽn hoặc các vấn đề khác.
- Sinh thiết thận: Nhằm kiểm tra bất thường trong tế bào mô thận.
>>>>>Xem thêm: 7 cách ngâm rượu đông trùng hạ thảo, công dụng và cách dùng hiệu quả
Tham khảo địa chỉ khám và điều trị bệnh suy thận
Nếu cần đến bệnh viện để làm các xét nghiệm về bệnh suy thận, bạn nên tham khảo các bệnh viện lớn như:
- Tại thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân Y 175, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, …
- Tại thành phố Hà Nội: Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Pháp, …
Trên đây là những thông tin cơ bản về nguyên nhân gây suy thận và một số cách giúp phát hiện bệnh suy thận. Nếu thấy bài viết hay và hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!
Nguồn: Mayo Clinic, Healthline