Chế độ ăn uống khi niềng răng là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu. Hãy cùng Kenshin tìm hiểu niềng răng nên ăn gì và kiêng gì qua bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: Người mới niềng răng nên ăn gì và kiêng gì? Các lưu ý trong khi niềng răng
Contents
Vì sao cần chú ý lựa chọn thức ăn cho người niềng răng?
Trong quá trình chỉnh nha, việc lựa chọn thức ăn đúng cách, khoa học sẽ giúp hạn chế được các vấn đề không mong muốn như đứt dây cung, bung mắc cài, nhiễm ố màu thun buộc,… Từ đó đảm bảo thời gian điều trị và đem lại hiệu quả cuối cùng như mong muốn.
Ngoài ra, giai đoạn đầu khi niềng, các dụng cụ niềng răng như mắc cài, dây cung,… thường gây khó chịu, trầy xước, chảy máu vùng nướu, má,… Đồng thời, tác động lực của mắc cài khi điều chỉnh răng có thể co kéo khiến người bệnh cảm thấy ê đau âm ỉ.
Vì vậy, việc xây dựng chế độ ăn uống phù hợp không những hạn chế những tác động lên răng, giảm tần suất nhai và tình trạng đau nhức mà còn giúp hấp thu đầy đủ dưỡng chất, hạn chế tình trạng sụt cân, hóp má trong quá trình niềng răng.
Chế độ ăn khoa học đảm bảo thời gian điều trị và đem lại hiệu quả niềng mong muốn
Người niềng răng nên ăn gì?
Súp
Súp là một thực phẩm tuyệt vời với đầy đủ các loại rau củ quả, đạm nấu chín mềm và nước dùng chứa đủ chất dinh dưỡng, phù hợp cho người đang niềng răng. Khi ăn súp, bạn không cần nhai nhiều, dễ nuốt và giảm thiểu nguy cơ làm hỏng niềng răng.
Khi ăn súp làm giảm thiểu nguy cơ làm hỏng niềng răng
Rau mềm hoặc đã được nấu chín
Rau củ là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh, giúp bổ sung chất xơ, vitamin cần thiết cho cơ thể để nâng cao đề kháng, không bị suy nhược vì cơn đau răng dai dẳng. Do đó, hãy nấu chín hoặc sử dụng rau mềm khi ăn để không làm cong, gãy dây cung hoặc mắc cài niềng răng của bạn.
Nấu chín hoặc sử dụng rau mềm để không làm cong, gãy dây cung hoặc mắc cài niềng răng
Sữa chua
Sữa chua cũng là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, không bắt buộc răng hàm làm việc quá nhiều, có thể ăn uống dễ dàng ngay cả khi răng đang đau nhức.
Ngoài ra, sữa chua còn chứa nhiều canxi, protein, tăng cường lợi khuẩn như một loại men vi sinh, giúp loại bỏ vi khuẩn có hại trong nướu và cải thiện sức khỏe răng miệng. Vì vậy, sữa chua là một thực phẩm tốt cho người niềng răng.
Ngoài ra, bạn có thể ăn kèm sữa chua với các trái cây mềm như dâu, bơ cắt nhỏ,… để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Sữa chua là một thực phẩm tốt cho người niềng răng
Bột yến mạch
Người niềng răng có thể bắt đầu ngày mới bằng một bát bột yến mạch vừa mềm, thơm ngon mà còn đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết như protein, chất xơ, carbs,… Đồng thời, nhiệt độ ấm khi dùng bột yến mạch cũng có thể làm dịu tình trạng đau sau khi thắt chặt niềng răng.
Yến mạch có thể được chế biến thành nhiều món ăn đa dạng khác nhau như cháo, sữa yến mạch, súp, bánh bông lan yến mạch,…
Một bát bột yến mạch mềm, thơm và bổ dưỡng rất tốt cho người mới niềng răng
Trứng bác (trứng khuấy)
Ăn trứng bác là một cách tuyệt vời để bổ sung đầy đủ protein, giúp no lâu mà không gây hại cho niềng răng. Đồng thời, trứng và các món ăn từ trứng rất giàu vitamin D – một dưỡng chất giúp răng chắc khỏe vì giúp cơ thể hấp thụ tốt canxi.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ăn trung bình 2 quả trứng là cung cấp đủ lượng vitamin D được khuyến cáo hàng ngày.
Khi chế biến món ăn này, trứng được đánh và khuấy thành các mảnh vụn, do đó chúng rất mềm và nhỏ, không cần nhai nhiều, phù hợp với người mới niềng răng. Bạn cũng có thể chế biến trứng bác cùng cà chua để làm món ăn thơm ngon và nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Ăn trứng bác là một cách tuyệt vời để bổ sung protein mà không gây hại cho niềng răng
Phô mai mềm
Phô mai mềm là một lựa chọn đặc biệt tốt cho những người đang niềng răng vì kết cấu mềm mại của chúng không tạo quá nhiều áp lực lên niềng răng, đồng thời là một nguồn cung cấp canxi, chất béo và protein tuyệt vời.
Ngoài ra, ăn phô mai có thể kích thích sản xuất nước bọt giúp giữ cho miệng sạch hơn, loại bỏ các mảnh vụn thực phẩm còn bám dính trên khoang miệng, từ đó làm giảm nguy cơ sâu răng.
Phô mai mềm là một lựa chọn đặc biệt tốt cho những người đang niềng răng
Hải sản
Hải sản là một nguồn bổ sung protein mà bệnh nhân nên thêm vào trong chế độ ăn uống, giúp cơ thể có đầy đủ dinh dưỡng, không lo sụt cân và không làm hỏng niềng răng. Tuy nhiên, bạn nên chú ý đến phần xương hoặc vỏ có thể mắc vào các khí cụ, nếu vệ sinh không kỹ có thể gây mùi trong khoang miệng, đau nướu và má trong.
Trong trường hợp không thể nhai ở những ngày đầu mới niềng, bạn có thể bằm, cắt nhỏ hoặc xay nhuyễn hải sản khi nấu cùng cháo, súp.
Hải sản là một nguồn bổ sung protein trong chế độ ăn uống của người niềng răng
Các loại ngũ cốc
Các loại ngũ cốc dinh dưỡng không những giúp bổ sung nhiều dinh dưỡng mà còn dễ nhai, phù hợp với người niềng răng. Đặc biệt nhất là tinh bột mang đến cho bạn đủ năng lượng để hoạt động một ngày dài.
Các loại ngũ cốc dinh dưỡng là thực phẩm tốt cho người niềng răng
Người niềng răng nên kiêng gì?
Thức ăn cứng
Việc nhai các thực phẩm cứng như các loại kẹo, hạt cứng,… có xu hướng tạo lực lên khí cụ, gây đau, khó chịu khiến răng ê buốt, dễ bị dịch chuyển, dây cung dễ bị đứt và có nguy cơ bị bung mắc cài.
Việc nhai các thực phẩm cứng có nguy cơ bị bung mắc cài
Trái cây và rau sống
Bạn cần cẩn thận với một số loại trái cây và rau quả như táo, cà rốt sống nếu định cắn trực tiếp vì chúng có nguy cơ làm bung mắc cài ra khỏi răng. Vì vậy, tốt hơn là nên ăn những miếng cắt sẵn vừa miệng hoặc chọn rau nấu chín.
Trái cây và rau sống khi ăn sống cũng có nguy cơ làm bung mắc cài
Thức ăn dính
Các thực phẩm có tính dẻo, dính như bánh nếp, bánh dày, kẹo dẻo, kẹo cao su,… khi ăn khiến răng hàm phải hoạt động liên tục. Từ đó, tình trạng đau nhức càng thêm trầm trọng.
Ngoài ra, thức ăn dẻo dễ bám dính trên các khe của mắc cài rất khó vệ sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây nên các bệnh lý về răng miệng.
Việc nhai kẹo cao su có thể làm cong dây cung của niềng răng, gây ra nhiều bất tiện và không đảm bảo hiệu quả khi điều trị.
Thức ăn dính khiến răng hàm phải hoạt động liên tục, tình trạng đau nhức càng thêm trầm trọng
Thức ăn nhiều đường
Nên tránh các loại thực phẩm nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt khiến việc vệ sinh răng miệng rất phức tạp khi niềng răng. Đồng thời, đường còn có thể làm tăng nguy cơ sản sinh axit gây sâu răng, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại phát triển gây nên các bệnh lý răng miệng.
Tìm hiểu thêm: 13 tác dụng phụ của thuốc kháng sinh bạn không nên bỏ qua
Thực phẩm nhiều đường khiến việc vệ sinh răng miệng rất phức tạp khi niềng răng
Thịt và cá cứng, xơ
Thịt và cá cứng, xơ sẽ khó nhai hơn các loại thực phẩm mềm, gây áp lực lên răng. Hơn nữa, các thực phẩm dạng sợi, xơ có xu hướng mắc giữa các răng và mắc cài, khó loại bỏ và vệ sinh răng miệng.
Thịt cứng, xơ khó nhai hơn, gây áp lực lên răng
Đá lạnh
Việc nhai đá lạnh không chỉ có thể làm hỏng mắc cài và dây cung mà còn có thể khiến răng bị sứt mẻ, nứt răng, men răng bị phá hủy, đau hàm và cơ mặt. Đồng thời việc nhai đá khiến tăng nguy cơ làm hỏng bọc răng sứ hoặc miếng trám.
Việc nhai đá lạnh có thể làm hỏng mắc cài và dây cung
Một số thực phẩm khác
Một số thực phẩm cần tránh khác cho người mới niềng răng như:
- Bỏng ngô.
- Các loại hạt.
- Bánh quy cứng, khoai tây chiên.
- Vỏ bánh pizza, taco,…
- Các loại thực phẩm giòn, nhiều vụn.
Bỏng ngô cũng là thực phẩm cần tránh khi niềng răng
Niềng răng bao lâu thì ăn được bình thường?
Việc ăn uống bình thường sau khi niềng răng phụ thuộc vào nhiều yếu tố và có thể thay đổi ở mỗi người tùy vào cơ địa.
Thông thường, bạn sẽ chỉ cần đợi khoảng 2 – 3 ngày sau khi đeo khí cụ là có thể ăn được cơm. Trong thời gian đó, bạn nên ăn những thức ăn mềm và có thể dễ nghiền nát.
Đối với siết răng, bạn có thể ăn những thực phẩm mềm, không phải nhai quá nhiều sau 1 – 2 ngày để cơn đau giảm dần.
Việc ăn uống bình thường sau khi niềng răng phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cơ địa
Lưu ý cho người niềng răng
Ăn thức ăn mềm khi vừa niềng răng
Răng của bạn có thể không thoải mái sau khi mới đeo mắc cài. Do đó, hãy bắt đầu bằng cách ăn những bữa ăn mềm như sinh tố trái cây, mì, khoai tây nghiền,… ít có khả năng gây hại cho niềng răng hoặc gây đau, khó chịu cho răng nhạy cảm.
Thức ăn mềm ít có khả năng gây hại cho niềng răng hoặc gây đau
Tránh các loại nước uống có đường
Những đồ uống có gas có tính axit cao và nhiều đường sẽ làm hỏng vĩnh viễn men răng của bạn. Vì vậy, nên tránh tiêu thụ các loại nước uống này trong thời gian dài và sau khi uống nên vệ sinh đúng cách để giảm mức độ ảnh hưởng đến răng miệng.
Các loại nước uống có đường có thể gây hại răng miệng
Cắn từng miếng nhỏ
Thay vì nhai thành những miếng lớn, hãy cắn thức ăn thành những miếng nhỏ, vừa ăn giúp bạn giảm sự khó chịu khi tiếp xúc giữa thức ăn với các khí cụ và bảo vệ niềng răng.
Cắn từng miếng nhỏ kiểm soát giảm sự khó chịu khi tiếp xúc giữa thức ăn với các khí cụ và bảo vệ niềng răng
Nhai chậm
Nếu răng của bạn rất nhạy cảm, luôn nhớ nhai chậm và kỹ hơn để bạn không vô tình cắn quá mạnh vào mắc cài hoặc dây cung, ảnh hưởng đến quá trình niềng răng.
Nhai chậm để tránh cắn vào dây cung, ảnh hưởng quá trình niềng răng
Đánh răng sau mỗi bữa ăn
Với niềng răng, những thực phẩm ăn vào vẫn có nhiều khả năng sẽ bị mắc kẹt trong mắc cài. Vì vậy, hãy luôn mang theo bàn chải để có thể làm sạch răng sau mỗi bữa ăn và sử dụng chỉ nha khoa loại bỏ tất cả thức ăn giữa các mắc cài để thức ăn còn sót lại không bám trên răng và gây hại.
Đánh răng sau mỗi bữa ăn giúp loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa
Sử dụng răng sau để nhai
Răng sau khỏe và to hơn răng trước nên khi nhai sẽ ít đau và nhạy cảm hơn, giảm cảm giác ê nhức, khó chịu. Đồng thời, sử dụng răng sau để nhai giúp ngăn ngừa thức ăn mắc kẹt trong mắc cài của bạn. Do đó, hãy học cách sử dụng răng bên và răng sau nhiều hơn để nhai khi niềng răng.
Sử dụng răng sau để nhai giúp ngăn ngừa thức ăn mắc kẹt trong mắc cài
Uống nước
Uống nhiều nước trong khi ăn giúp làm mềm thức ăn và khiến dễ nuốt hơn. Đồng thời, uống nước cũng có thể giúp bạn đánh bật thức ăn mắc trong mắc cài khi đang ăn.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên uống nước quá nhiều khi đang ăn để tránh gặp phải các vấn đề về tiêu hoá khác vì nước có thể pha loãng các dịch vị được tiết ra để tiêu hóa thức ăn, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của dạ dày
>>>>>Xem thêm: Top 22 loại viên uống kích thích mọc tóc biotin được tin dùng
Uống nhiều nước trong khi ăn giúp làm mềm thức ăn và khiến dễ nuốt hơn
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin về các thực phẩm nên ăn và kiêng khi niềng răng. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích bạn nhé!
Nguồn: Jessicacohenorthodontics, Orthodonticsaustralia, Orthocenteroc, Kristoorthodontics, Greenortho.