Nghệ không chỉ là gia vị cho các món ăn mà còn được sử dụng như một loại dược liệu phổ biến nhờ đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và chống oxy hóa. Không những vậy, nghệ còn mang lại nhiều công dụng tốt cho phụ nữ sau sinh. Cùng tìm hiểu về công dụng của nghệ với phụ nữ sau sinh qua bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: Phụ nữ sau sinh ăn nghệ có tốt không?
Contents
Nghệ là gì? Giá trị dinh dưỡng của củ nghệ
Nghệ có tên khoa học là Curcuma longa L. Ngoài tên gọi thông thường, nghệ còn có một số tên gọi khác như nghệ nhà, khương hoàng, co khản mỉn, co hem (Thái), uất kim, khinh lương (Tày).
Nghệ ưa sống ở vùng đất ẩm, ưa sáng, chịu được nóng và có thể sống trong nhiều vùng khí hậu khác nhau. Nghệ được phân bố nhiều ở các nước vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam từ vùng đồng bằng ven biển đến vùng núi cao.
Nghệ được thu hoạch vào khoảng tháng 8 và 9, phần rễ được cắt bỏ để riêng, còn lại phần thân rễ dùng làm thuốc. Để bảo quản nghệ được lâu ngày, người ta hấp nghệ trong 6 – 12 giờ, để ráo nước rồi đem phơi nắng hoặc sấy khô.
Theo nghiên cứu các thành phần trong củ nghệ được trồng ở Ấn Độ cho thấy tỷ lệ bao gồm: Nước 13,1%; protein 6,3%; chất béo 5,1%, chất vô cơ 3,5%; sợi 2,6%; carbohydrate 69,4% và caroten tính theo vitamin A 50 đơn vị quốc tế.[1]
Trong đó, thành phần hóa học quan trọng nhất của củ nghệ là curcumin – thành phần tạo nên màu vàng đặc trưng của nghệ và mang nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ sau sinh.
Phần thân rễ của nghệ được thu hoạch để lấy làm thuốc
Sử dụng nghệ cho phụ nữ sau sinh có an toàn hay không?
Nghệ được cho là một loại thực phẩm an toàn kể cả đối với phụ nữ sau sinh và cho con bú. Nghệ chứa các vi chất dinh dưỡng quan trọng như canxi, sắt, magie… và cả curcumin rất tốt cho sức khỏe tổng thể của cả mẹ và em bé.[2]
Một nghiên cứu trên 50 phụ nữ sau sinh ở Thái Lan được nhận giả dược hoặc viên nang chứa cỏ cà ri 200 mg, nghệ 100 mg và gừng 120 mg, sau đó tiến hành uống 3 lần mỗi ngày trong suốt 4 tuần. Kết quả cho thấy lượng sữa trung bình tăng 49% sau 2 tuần và 103% sau 4 tuần trong nhóm nhận sản phẩm có chứa hoạt các hoạt chất. Vì vậy, nghệ được xem như một chất kích thích tiết sữa, có thể tăng sản xuất sữa mẹ ở phụ nữ đang cho con bú.[3]
Nghệ là một loại thực phẩm an toàn đối với phụ nữ sau sinh, cho con bú
Các tác dụng của nghệ với phụ nữ sau sinh
Tăng cường miễn dịch
Chất curcumin có trong nghệ là một hợp chất có đặc tính kháng khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch. Nhờ vậy mà sử dụng nghệ giúp hỗ trợ điều trị một số bệnh nhiễm trùng nhẹ thường gặp như viêm họng, cảm lạnh, cảm cúm.
Thêm một ít nghệ vào chế độ ăn sau sinh mỗi ngày giúp tăng hệ miễn dịch của mẹ để phòng tránh các bệnh nhiễm trùng và giảm khả năng lây bệnh cho con nhỏ.[2]
Curcumin có trong nghệ giúp tăng cường miễn dịch cho phụ nữ sau sinh
Cải thiện sức khỏe tiêu hóa
Một số vấn đề tiêu hóa thường gặp mà phụ nữ sau sinh gặp phải là táo bón, đầy hơi, trào ngược dạ dày thực quản. Chất curcumin của nghệ giúp bảo vệ đường tiêu hóa nhờ khả năng chống viêm, từ đó làm cải thiện các tình trạng rối loạn tiêu hóa này.[2]
Nghệ hỗ trợ điều trị các triệu chứng về tiêu hóa cho phụ nữ sau sinh
Cải thiện tình trạng trầm cảm sau sinh
Phụ nữ sau sinh phải đối mặt với tình trạng mất ngủ, khó chịu về thể chất, áp lực chăm sóc trẻ khiến cho tinh thần dễ trở nên xấu đi và dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh.
Nghiên cứu cho thấy trầm cảm có liên quan đến tình trạng viêm, vì vậy bổ sung nghệ có đặc tính chống viêm, giúp cải thiện tâm trạng của phụ nữ sau sinh. Ngoài ra, curcumin làm tăng DHA trong não đồng thời còn giúp cải thiện chức năng não và giảm lo lắng.[2]
Nghệ giúp chống lại trầm cảm sau sinh
Giảm tình trạng viêm khớp
Sau quá trình mang thai, một số phụ nữ xuất hiện tình trạng viêm xương khớp dẫn đến đau lưng, đau khớp. Curcumin trong nghệ có hoạt tính chống viêm mạnh, giúp giảm các triệu chứng do viêm xương khớp ở phụ nữ sau sinh.[4]
Nghệ có tính chống viêm mạnh, hỗ trợ điều trị đau xương khớp sau sinh
Chống oxy hóa
Curcumin có trong nghệ được cho là một chất chống oxy hóa mạnh tương đương với vitamin C và gấp 10 lần so với vitamin E. Bổ sung nghệ giúp phụ nữ sau sinh giảm thiểu các tổn thương do quá trình oxy hóa gây ra, đặc biệt là đối với các tế bào gan – nơi chịu nhiều tác động của oxy hóa.[4]
Tìm hiểu thêm: 5 dấu hiệu nhận biết đột quỵ trước 30 ngày, cách sơ cấp cứu kịp thời
Curcumin có trong nghệ giúp bảo vệ cơ thể phụ nữ sau sinh khỏi quá trình oxy hóa
Kiểm soát cholesterol máu
Trong quá trình mang thai, nồng độ cholesterol và các chất béo trong máu của người mẹ tăng lên để đáp ứng nhu cầu cung cấp dinh dưỡng cho sự tăng trưởng của thai nhi, sau khi sinh các chỉ số này sẽ về mức bình thường.
Tuy nhiên, ở một số phụ nữ sau sinh, cơ thể không tự điều chỉnh nồng độ cholesterol về mức bình thường được, dẫn đến tình trạng rối loạn mỡ máu.
Chất curcumin trong củ nghệ có thể hỗ trợ cơ thể kiểm soát nồng độ cholesterol nhờ khả năng làm giảm sự tổng hợp cholesterol và chất béo trung tính.[5]
Nghệ chứa curcumin giúp kiểm soát mức cholesterol cho phụ nữ sau sinh
Giúp chữa viêm tuyến vú
Viêm tuyến vú là tình trạng thường gặp đối với các bà mẹ đang cho con bú. Curcumin có trong nghệ với khả năng chống viêm mạnh có thể làm giảm các triệu chứng viêm tuyến vú như đau tức, đỏ và căng vú.
Một nghiên cứu về phụ nữ cho con bú bị viêm vú được sử dụng kem có chứa curcumin và kem không chứa curcumin để điều trị viêm vú cho thấy, chế phẩm curcumin tại chỗ làm giảm viêm tuyến vú hiệu quả mà không gây tác dụng phụ nào.[6]
Curcumin trong nghệ làm giảm các triệu chứng viêm tuyến vú
Cách sử dụng nghệ sau sinh và lưu ý khi sử dụng
Phụ nữ sau sinh có thể sử dụng cả nghệ tươi lẫn tinh bột nghệ, dưới đây là một số gợi ý để bổ sung nghệ cho bữa ăn của các bà mẹ sau sinh:
- Rắc bột nghệ lên trứng, ngũ cốc hoặc rau đã nấu chín.
- Trộn nghệ vào sinh tố hoặc nước trái cây.
- Pha nước tinh bột nghệ với nước sôi kết hợp với một ít chanh và mật ong.
- Khuấy ít nghệ vào sữa ấm cùng với một nhúm hạt tiêu đen, bạch đậu khấu, quế và gừng.
- Dùng nghệ tươi bào sợi để nấu canh, món kho hoặc hầm.[7]
Hiện nay chưa có khuyến cáo chính thức nào về lượng nghệ nên sử dụng, tuy nhiên để tránh dung nạp quá nhiều nghệ thì khi sử dụng tinh bột nghệ cần tuân theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất ở ngoài bao bì.
Lưu ý, bạn có thể tham khảo khuyến cáo của Ủy ban chuyên gia về Phụ gia thực phẩm (FAO và WHO) về ngưỡng an toàn khi dùng nghệ là 3 mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.[8]
Phụ nữ sau sinh có thể sử dụng cả nghệ tươi và tinh bột nghệ
Tác dụng phụ khi ăn nghệ sau sinh
Cả nghệ và curcumin đều ghi nhận là an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, một số ít người có thể gặp một số tác dụng phụ nhẹ khi sử dụng quá nhiều nghệ như:
- Chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, trào ngược dạ dày và tiêu chảy.
- Da phát ban, dị ứng.
- Thiếu sắt do nghệ làm ức chế hấp thụ sắt.
- Tăng nguy cơ sỏi oxalat thận vì nghệ có chứa khoảng 2% oxalat.[8]
Sử dụng quá nhiều tinh bột nghệ có thể gây ra rối loạn tiêu hóa
Hy vọng bài viết trên giúp cho mọi người biết thêm về các lợi ích khi sử dụng nghệ cho phụ nữ sau sinh. Sử dụng nghệ đem lại nhiều kết quả tốt, tuy nhiên bạn cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Turmeric During Breastfeeding: Safety And Health Benefits
https://www.momjunction.com/articles/turmeric-while-breastfeeding_00369584/
Turmeric
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK501846/
Curcumin: a new paradigm and therapeutic opportunity for the treatment of osteoarthritis: curcumin for osteoarthritis management
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3591524/
Efficacy and safety of turmeric and curcumin in lowering blood lipid levels in patients with cardiovascular risk factors: a meta-analysis of randomized controlled trials
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5637251/
Effectiveness of topical curcumin for treatment of mastitis in breastfeeding women: a randomized, double-blind, placebo-controlled clinical trial
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25337308/
Is turmeric safe during pregnancy?
https://www.medicalnewstoday.com/articles/turmeric-during-pregnancy
6 tác hại khi ăn nhiều nghệ
https://suckhoedoisong.vn/6-tac-hai-khi-an-nhieu-nghe-169220815144536114.htm
Xem thêm
>>>>>Xem thêm: Bánh bột lọc bao nhiêu calo? Ăn bánh bột lọc có béo không?