Rối loạn kinh nguyệt có lẽ là một vấn đề gây hoang mang, lo lắng cho rất nhiều chị em phụ nữ. Có nhiều dạng rối loạn kinh nguyệt với các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Vậy rối loạn kinh nguyệt có nguy hiểm không? Hãy cùng Kenshin tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: Rối loạn kinh nguyệt có nguy hiểm không? Phái nữ cần đặc biết chú ý
Contents
Các loại rối loạn kinh nguyệt
Chảy máu kinh nguyệt quá nhiều
Trên 1/5 chị em phụ nữ gặp phải tình trạng chảy máu quá nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt gây cản trở các hoạt động hàng ngày. Điều này có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào nhưng phổ biến hơn trong giai đoạn dậy thì và tiền mãn kinh.[1]
Các nguyên nhân có thể gây chảy máu kinh nguyệt nhiều như:
- Rối loạn nội tiết tố.
- Bất thường cấu trúc trong tử cung, chẳng hạn như polyp hoặc u xơ tử cung.
- Vấn đề về sức khỏe: rối loạn đông máu, bệnh liên quan đến tuyến giáp, gan hoặc thận, đang sử dụng thuốc (thuốc chống đông máu, một số hormone tổng hợp).
Vô kinh
Vô kinh là hiện tượng không có kinh nguyệt ở chị em phụ nữ. Vô kinh có hai loại là vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát
- Vô kinh nguyên phát: được chẩn đoán khi chị em bước sang tuổi dậy thì mà chưa có kinh nguyệt. Nguyên nhân có thể do có bất thường về di truyền, buồng trứng hoặc hệ thống nội tiết.
- Vô kinh thứ phát: xảy ra ở chị em đã từng có kinh nhưng lại đột ngột bị mất kinh trong vòng 3 tháng hoặc lâu hơn. Tình trạng này xảy ra do các nguyên nhân làm ảnh hưởng đến nồng độ estrogen trong cơ thể như: căng thẳng kéo dài, giảm cân, tập luyện quá sức, dùng thuốc tránh thai,…
Đau bụng kinh dữ dội
Hầu hết phụ nữ đều từng bị đau bụng kinh trước hoặc trong kỳ kinh. Nhưng có một số trường hợp cơn đau đặc biệt dữ dội và dai dẳng, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, còn được gọi là thống kinh.
Đau bụng kinh là do các cơn co thắt tử cung, được kích hoạt bởi prostaglandin – một hormone được sản xuất bởi các tế bào niêm mạc tử cung.
Đau bụng kinh đôi khi còn kèm theo tình trạng tiêu chảy, ngất xỉu, tái nhợt hay đổ mồ hôi. Nguyên nhân là do prostaglandin làm tăng co bóp ruột, dẫn đến tiêu chảy và giảm huyết áp bằng cách làm giãn mạch máu gây choáng váng.
Rối loạn kinh nguyệt gây đau bụng kinh
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) bao gồm các triệu chứng thể chất và tâm lý do suy giảm nồng độ hormone estrogen và progesterone. Các triệu chứng thường khởi phát khoảng 5 – 7 ngày trước chu kỳ kinh nguyệt và mất ngay sau khi bắt đầu hoặc hết thời gian hành kinh.
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt thường gặp là:
- Về thể chất: mệt mỏi, ngực cứng và đau, nhức đầu, táo bón,..
- Về tâm lý: hay lo lắng, bất an, giận dữ, thay đổi tâm trạng, kém tập trung, trầm cảm,…
Rối loạn trầm cảm tiền kinh nguyệt (PMDD)
Rối loạn trầm cảm tiền kinh nguyệt (PMDD) là một dạng nghiêm trọng của hội chứng tiền kinh nguyệt. Khoảng 3 – 8% phụ nữ trải qua PMDD nói rằng nó cản trở đáng kể cuộc sống hàng ngày của họ.[2]
Các triệu chứng phổ biến nhất của PMDD là bực bội, lo lắng và thay đổi tâm trạng. Phụ nữ có tiền sử trầm cảm nặng, trầm cảm sau sinh hoặc rối loạn tâm trạng có nguy cơ bị PMDD cao hơn so với phụ nữ khác.
Rối loạn trầm cảm tiền kinh nguyệt
Vì sao phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở chị em phụ nữ. Có thể kể đến như:
- Do căng thẳng hay thay đổi thói quen sinh hoạt.
- Sử dụng thuốc tránh thai.
- Polyp hoặc u xơ tử cung.
- Lạc nội mạc tử cung.
- Viêm âm đạo.
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
- Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như ung thư cổ tử cung, sử dụng thuốc, rối loạn đông máu, bệnh tuyến giáp, mang thai ngoài tử cung,…
Rối loạn kinh nguyệt có nguy hiểm không?
Rối loạn kinh nguyệt có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới sinh lý, sức khỏe cũng như chức năng sinh sản của chị em phụ nữ nếu không được chữa trị kịp thời.
Gây thiếu máu
Chảy máu quá nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt có thể dẫn đến thiếu máu (giảm hồng cầu máu). Thông thường ở mức độ là thiếu máu nhẹ.
Tuy nhiên, dù là thiếu máu nhẹ hay trung bình thì cũng có thể làm giảm quá trình vận chuyển oxy trong máu, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, da xanh xao, thở gấp, thậm chí ngất xỉu.
Thiếu máu nặng nếu không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề về tim mạch.
Tìm hiểu thêm: Ung thư tuyến giáp có chữa được không? Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp
Tăng nguy cơ vô sinh
Nếu nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt là do rối loạn chức năng buồng trứng, ảnh hưởng tới sự tiết hormone nội tiết estrogen, progesterone thì sẽ gây nên các biểu hiện như vô kinh hay thiểu kinh, điều này sẽ khiến chị em khó mang thai hơn.
Không những thế, nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt do các bệnh lý gây ra, như u xơ tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang thì nguy cơ bị vô sinh sẽ tăng cao.
Ngoài ra, viêm nhiễm gây tắc vòi tử cung cũng có thể dẫn đến vô sinh hiếm muộn.
Giảm sức khỏe sinh sản
Rối loạn kinh nguyệt cũng là một nguyên nhân làm giảm sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Vì thời gian rụng trứng không đều khiến bạn không thể tính chính xác ngày nào có khả năng thụ thai cao nhất.
Tùy vào tình trạng và nguyên nhân mà mức độ ảnh hưởng có khác nhau. Đôi khi chỉ cần điều trị các vấn đề cơ bản đã có thể tăng khả năng thụ thai. Nhưng trong một số trường hợp phải can thiệp bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Gây loãng xương
Buồng trứng có vai trò sản xuất estrogen, giúp giữ cho xương chắc khỏe. Nếu buồng trứng của bạn hoạt động không tốt, biểu hiện ra bên ngoài là hiện tượng rối loạn kinh nguyệt, bạn có thể có nguy cơ cao bị loãng xương do cơ thể sản sinh ít estrogen hơn.
Rối loạn kinh nguyệt gây loãng xương
5 lưu ý để kinh nguyệt bình thường trở lại
- Tìm hiểu nguyên nhân: nếu chu kỳ kinh nguyệt bất thường hoặc đã đến tuổi dậy thì nhưng chưa có kinh nguyệt, hãy đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám. Rối loạn kinh nguyệt có thể bắt nguồn từ nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe, thuốc men hoặc lối sống.
- Dùng thuốc giảm đau: nếu cơn đau bụng kinh gây khó chịu nhẹ thì bạn có thể dùng một số loại thuốc giảm đau như: paracetamol, ibuprofen, naproxen,… Nếu đau bụng kinh kéo dài trong vài ngày, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc giảm đau khác.
- Thư giãn để giảm đau bụng kinh: nằm và để miếng đệm sưởi trên bụng. Sau đó dùng tay massage bụng nhẹ nhàng theo vòng tròn. Uống đồ uống nóng, hạn chế cafein; tắm nước nóng, đi bộ, tập luyện nhẹ nhàng cũng sẽ giúp giảm cơn đau.
- Thuốc tránh thai giúp giảm đau bụng kinh: nếu bạn bị đau bụng kinh liên tục, bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc tránh thai đường uống để giảm cơn đau. Sau 6 – 12 tháng bạn có thể ngưng sử dụng nếu không có nhu cầu.
- Liên hệ bác sĩ nếu bị chảy máu quá nhiều: nếu bạn có 1 hoặc 2 chu kỳ kinh nguyệt chảy máu kéo dài thì không cần quá lo lắng. Tuy nhiên nếu mất máu nhiều kéo dài trên 3 chu kỳ liên tiếp, chảy máu sau khi mãn kinh hoặc chảy máu bất thường đi kèm với sốt và các triệu chứng khác thì cần liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Bạn cần thường xuyên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình. Hãy đi khám bác sĩ ngay khi có những vấn đề bất thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt dưới đây:
- Đau quá mức trong thời gian kinh nguyệt hoặc giữa kỳ kinh nguyệt.
- Chảy máu nhiều hoặc xuất hiện các cục máu đông lớn.
- Dịch âm đạo có mùi hôi.
- Thời gian hành kinh kéo dài hơn 7 ngày.
- Chảy máu sau khi mãn kinh.
- Chu kỳ kinh nguyệt bất thường.
- Buồn nôn hay nôn trong thời gian kinh nguyệt.
- Triệu chứng khác như sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, ngất xỉu hoặc chóng mặt.
>>>>>Xem thêm: Cách chủ động phòng bệnh Whitmore cho người dân
Các bệnh viện uy tín:
- Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Đại học Y dược I (Khoa Phụ sản), Bệnh viện Từ Dũ (Khoa Phụ sản), Bệnh viện Phụ Sản Hùng Vương,…
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (phòng khám 1 – phòng khám chuyên khoa), Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc (khoa Sản phụ khoa),…
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về rối loạn kinh nguyệt. Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ những thông tin đến người thân và bạn bè của mình nhé.
Nguồn: Healthywomen, Mountsinai, Medicalnewstoday