Mùi tây và rau mùi là hai loại rau có vẻ bề ngoài tương tự nhau khiến mọi người thường dễ bị nhầm lẫn. Hãy cùng tìm hiểu sự khác nhau giữa hai loại rau này và xem liệu chúng có thể thay thế cho nhau không ở bài viết dưới nhé.
Bạn đang đọc: Sự khác nhau giữa mùi tây và rau mùi
Contents
Rau mùi tây là gì?
Mùi tây (Petroselinum crispum) là một loại rau có mùi thơm thuộc họ Apiaceae (họ Hoa tán hay họ Cần tây) có lá màu xanh, mọc trên thân dài và mỏng, đầu lá hơi nhọn. Người dân một số vùng gọi rau mùi tây là ngò tây.
Toàn cây có mùi thảo mộc dịu nhẹ và tươi mát. Chúng thường được sử dụng làm rau thơm để gia tăng hương vị cho món ăn. Ngoài ra, mùi tây cũng được xem như một loại thảo dược trong Y học cổ truyền.[1]
Rau mùi tây có mùi thảo mộc dịu nhẹ và tươi mát
Rau mùi là gì?
Rau mùi (Coriandrum sativum) hay được gọi là ngò rí, một loại rau có mùi thơm thuộc họ Apiaceae có lá tròn hình quạt, màu xanh, mọc trên những cành dài và mảnh.
Toàn cây có mùi cam quýt cay nồng. Một số người miêu tả mùi và vị của lá rau mùi tươi giống như xà phòng. Đó là bởi vì chúng chứa các hợp chất aldehyd thường có trong xà phòng.[1]
Mọi người thường dùng rau mùi để tạo mùi thơm và trang trí tạo điểm nhấn cho các món ăn. Bên cạnh đó, chúng cũng có lịch sử sử dụng lâu dài trong y học cổ truyền.
Rau mùi có mùi cam quýt, cay nồng hơn rau mùi tây
Sự khác biệt giữa rau mùi tây và rau mùi
Điểm giống nhau
Rau mùi tây và rau mùi cùng họ thực vật Apiaceae (họ Cần tây) có màu xanh sáng, thân dài, lá nhỏ dẹt mọc trên những cành dài và mảnh.
Hai loại rau này đều có chứa tinh dầu, do đó được sử dụng làm rau thơm gia tăng hương vị cho món ăn, cũng như dùng để trang trí tạo điểm nhấn.
Ngoài ra, chúng còn chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe như vitamin K, vitamin C, vitamin A,…[2]
Rau mùi tây và rau mùi cùng họ thực vật Apiaceae (họ Cần tây)
Bộ phận dùng
Rau mùi và mùi tây thường được ăn sống, tất cả những bộ phận có màu xanh lá đều ăn được. Tuy nhiên, một số người không thích ăn thân cây mùi tây vì chúng có vẻ hơi cứng.
Khi nấu ăn, người ta thường sử dụng mùi tây vì rau mùi hầu như sẽ mất hết hương vị sau khi luộc hoặc hấp.[2]
Thân rau mùi tây thường cứng hơn thân rau mùi
Giá trị dinh dưỡng
Mùi tây và rau mùi chứa các chất dinh dưỡng tương tự nhau, hàm lượng calo thấp, ít carbohydrate, protein và chất béo. Dưới đây là bảng giá trị dinh dưỡng có trong 28g rau thơm:[1]
Giá trị dinh dưỡng | Mùi Tây | Rau mùi |
Lượng calo | 10 calo | 6 calo |
Chất đạm | 1g | 1g |
Carbohydrate | 2g | 1g |
Chất béo | Rất ít | Rất ít |
Vitamin K | 574% nhu cầu hàng ngày | 109% nhu cầu hàng ngày |
Vitamin C | 62% nhu cầu hàng ngày | 13% nhu cầu hàng ngày |
Vitamin A | 47% nhu cầu hàng ngày | 38% nhu cầu hàng ngày |
Vitamin B9 | 11% nhu cầu hàng ngày | 4% nhu cầu hàng ngày |
Điều đáng chú ý là hàm lượng vitamin K có trong mùi tây. Bảng dinh dưỡng trên cho thấy một cốc mùi tây đáp ứng gấp 12 lần lượng vitamin K cơ thể cần mỗi ngày. Vitamin K đặc biệt có lợi cho sức khỏe xương và tim mạnh, đồng thời giúp cải thiện khả năng đông máu.
Ngoài các chất dinh dưỡng trên, hai loại thảo mộc này đều giàu các hợp chất phenolic. Đây là những chất chống oxy hóa có thể bảo vệ tế bào và DNA của cơ thể tránh khỏi sự tổn thương do quá trình oxy hóa.
Rau mùi có hàm lượng vitamin K thấp hơn rau mùi tây
Lợi ích mang lại cho sức khỏe
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng các hóa chất thực vật xuất hiện tự nhiên trong mùi tây và rau mùi có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như:[3] [4] [5] [6] [7]
- Rau mùi và mùi tây giúp giảm lượng đường trong máu: Đã có nhiều nghiên cứu trên động vật cho thấy khả năng làm giảm lượng đường trong máu của rau mùi tây cũng như rau mùi.
- Rau mùi và mùi tây tốt cho tim mạch: Vitamin C trong rau mùi tây giúp bảo vệ tế bào khỏi gốc tự do, ngăn chặn bệnh tim mạch. Rau mùi còn giảm cholesterol, giúp loại bỏ nguyên nhân tắc nghẽn động mạch. Hương vị cay nồng của rau mùi kích thích vị giác, làm cho món ăn thêm đậm vị, giúp giảm lượng muối tiêu thụ và tốt cho tim mạch.
- Rau mùi và mùi tây có khả năng chống viêm: Cả rau mùi tây và rau mùi đều chứa polyphenol có khả năng bảo vệ chống lại các triệu chứng viêm. Ngoài ra, rau mùi còn có quercetin giúp làm dịu cơn đau, sưng tấy do viêm.[8]
- Rau mùi tây giúp xương chắc khỏe: Rau mùi tây giàu vitamin K, chúng tham gia vào quá trình tổng hợp osteocalcin – một loại protein tạo xương giúp cải thiện mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương.
- Rau mùi tây có tác dụng chống ung thư: Hoạt chất quercetin trong rau mùi và luteolin flavonoid trong rau mùi tây được các nhà khoa học cho rằng có thể giúp chống lại sự phát triển của các tế bào ung thư ở phổi, vú, tuyến tiền liệt, tuyến tụy,…[9]
- Rau mùi tây giúp làm dịu các vấn đề về dạ dày: Các hoạt tính sinh học trong rau mùi tây có thể giúp làm dịu các cơn đau dạ dày và làm giảm triệu chứng đầy hơi chướng bụng.
- Giảm huyết áp và sỏi thận: Các loại trà thảo mộc từ các loại rau thơm như rau mùi, thì là, húng quế,… có thể hoạt động như thuốc lợi tiểu tăng đào thải natri giúp hạ áp.
Tuy nhiên, những nghiên cứu trên mới được thực hiện trên động vật hoặc trong ống nghiệm. Do đó, các nhà khoa học cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu khác để có thể đưa ra những tuyên bố về lợi ích sức khỏe của các loại thảo dược này trên cơ thể con người.
Mùi tây và rau mùi có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe
Hương vị
Cách tốt nhất để phân biệt mùi tây và rau mùi là ngửi chúng. Mùi tây có mùi thảo mộc dịu nhẹ và tươi mát, trong khi rau mùi có mùi cam quýt, cay nồng hơn rất nhiều. Hơn nữa, một số người rất nhạy cảm với mùi của rau mùi, do chúng chứa các hợp chất aldehyd mùi xà phòng.
Tìm hiểu thêm: Liều dùng, cách dùng của vitamin K2
Rau mùi tây có hương vị dễ chịu hơn rau mùi
Ẩm thực
Mùi tây và rau mùi đều được sử dụng phổ biến trong các món ăn để làm gia tăng hương vị nhưng do chúng có hương vị khác nhau nên không phải lúc nào cũng có thể thay thế vị này cho vị kia trong công thức nấu ăn.
Người ta thường ăn sống rau mùi và mùi tây hoặc dùng chúng để trang trí tạo điểm nhấn cho món ăn vì chúng có màu xanh tươi bắt mắt. Thân cây có thể ăn được nhưng một số người thấy dai hoặc đắng và chỉ thích dùng phần lá.
Một điểm cần chú ý là rau mùi sẽ mất đi hầu hết hương vị khi chế biến trong nhiệt độ cao như luộc, hấp. Do đó, rau mùi được dùng cho các món trộn, salad hoặc pha nước chấm.
Không giống như rau mùi, mùi tây vẫn giữ được hầu hết hương vị khi nấu chín. Vì vậy, bạn có thể thêm chúng vào các món ăn trong khi nấu, tạo thêm hương vị cho món súp, món hầm hoặc nước sốt.
Mùi tây và rau mùi giúp tăng cường hương vị cho món ăn
Cách sử dụng rau mùi và rau mùi tây
Cách sử dụng rau mùi
Mọi người thường sử dụng rau mùi tươi cho các món ăn bằng cách:
- Cắt nhỏ và rắc lên các món ăn đã được nấu chín.
- Cắt nhỏ và rắc lên các món trộn hay salad.
- Cắt nhỏ và pha vào nước chấm hay nước sốt.
- Xay thành sinh tố cùng nhiều loại trái cây.
Rau mùi thường được rắc lên những món ăn đã nấu chín
Cách sử dụng rau mùi tây
Mùi tây được sử dụng trong nhiều công thức nấu ăn như:
- Băm nhỏ và rắc mùi tây lên thịt hay rau củ quả rồi cho vào nướng.
- Làm sốt mùi tây.
- Trộn vào salad.
- Làm sinh tố.
- Cắt nhỏ và thêm vào khi nấu món súp, món hầm, món xào…
Mùi tây thường được dùng làm gia vị cho các món nướng, món xào, món hầm,…
Rau mùi và rau mùi tây loại nào tốt hơn?
Không thể khẳng định được rau mùi hay rau mùi tây tốt hơn. Cả hai loại rau này đều ngon, bổ dưỡng, giàu chất chống oxy hóa và vitamin có lợi cho sức khỏe. Sự lựa chọn cuối cùng phụ thuộc vào sở thích cá nhân của mỗi người:[2]
- Mùi tây có sự linh hoạt hơn khi chế biến nhưng rau mùi lại mang đến hương cam quýt thảo mộc mạnh và đậm vị hơn, tăng sức hấp dẫn cho món ăn.
- Nhiều người không thích vị xà phòng có trong rau mùi, khi đó có thể thay thế bằng mùi tây với hương vị dịu nhẹ hơn nhưng lại rất giàu vitamin K.
- Việc kết hợp nhiều loại thảo mộc vào chế độ ăn uống của bạn có thể giúp cải thiện sức khỏe và làm bữa ăn trở nên phong phú hơn.
Rau mùi hay mùi tây đều giúp gia tăng hương vị cho món ăn và có lợi cho sức khỏe
Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn đọc phân biệt được rau mùi và mùi tây, cũng như có thêm kiến thức để sử dụng chúng một cách hợp lý nhằm tận dụng tối đa giá trị dinh dưỡng và mang đến hương vị tuyệt vời cho các món ăn.
Grapple of the Garnishes: Parsley vs. Cilantro
https://greatist.com/health/parsley-vs-cilantro
Grapple of the Garnishes: Parsley vs. Cilantro
https://greatist.com/health/parsley-vs-cilantro#health-benefits
Coriander (Coriandrum sativum L.): Processing, nutritional and functional aspects
https://academicjournals.org/journal/AJPS/article-abstract/4AAC4D642815
Coriander (Coriandrum sativum L.) and its bioactive constituents
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25776008/
Parsley: a review of ethnopharmacology, phytochemistry and biological activities
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24660617/
Parsley! Mechanism as antiurolithiasis remedy
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5698599/
The Effect of Quercetin on Inflammatory Factors and Clinical Symptoms in Women with Rheumatoid Arthritis: A Double-Blind, Randomized Controlled Trial
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27710596/
Luteolin, a flavonoid, as an anticancer agent: A review
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30798142/
Xem thêm
>>>>>Xem thêm: Hãng sản xuất Korea Otsuka Pharmaceutical Co. Ltd của nước nào? Có tốt không? Các dòng sản phẩm nổi bật