Rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng hay gặp, có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và gây ra nhiều hoang mang, lo lắng cho chị em. Hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt để kịp thời nhận biết qua bài viết này chị em nhé!
Bạn đang đọc: 10 nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt phái nữ cần biết
Contents
Rối loạn kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường của phụ nữ thường kéo dài từ 24 – 32 ngày, trung bình là khoảng 28 ngày. Mỗi lần hành kinh thường diễn ra trong 3 – 7 ngày với lượng máu mất dao động từ 30 – 80ml.
Rối loạn kinh nguyệt là khi số ngày của một chu kỳ nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, số ngày ra kinh hoặc lượng máu trong kỳ kinh có sự thay đổi hơn so với các chu kỳ khác.
Rối loạn kinh nguyệt có thể xuất hiện ra ở phụ nữ với đa dạng độ tuổi, biểu hiện triệu chứng và mức độ khác nhau. Nhiều trường hợp rối loạn kinh nguyệt có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và chức năng sinh sản khiến chị em cảm thấy lo lắng.
Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng kỳ kinh bất thường hơn với các chu kỳ khác
Dấu hiệu bị rối loạn kinh nguyệt
Các dấu hiệu sau sẽ gợi ý cho bạn và biểu hiện của tình trạng rối loạn kinh nguyệt:
Số ngày trong một chu kỳ:
- Số ngày có thể ít hơn 24 ngày/chu kỳ (hay gọi là kinh mau)
- Số ngày nhiều hơn 32 ngày/chu kỳ (hay gọi là kinh thưa).
- Một số trường hợp có thể không có kinh nguyệt trong vòng 6 tháng (hay được gọi là vô kinh).
Thay đổi về màu sắc máu kinh:
- Máu kinh bình thường có màu đỏ sẫm, không đông, mùi hơi tanh.
- Khi rối loạn kinh nguyệt máu kinh có thể màu hồng nhạt, đỏ tươi, màu nâu hoặc đen kèm theo nhiều cục máu đông.
Số lượng máu kinh trong một chu kỳ:
- Băng kinh hoặc cường kinh: khi lượng máu kinh lớn hơn 20 ml/ngày.
- Thiểu kinh: khi số lượng máu kinh ít hơn 20 ml/ngày và hành kinh ít hơn 2 ngày trong một chu kỳ.
- Rong kinh: khi số ngày hành kinh kéo dài trên 7 ngày. [1]
Khi gặp các dấu hiệu trên, bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán bệnh, tìm ra nguyên nhân và cách điều trị sớm để tránh những hệ quả xấu cho sức khỏe. Dưới đây là một số nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt thường gặp.
Số lượng máu và tính chất máu kinh thay đổi là dấu hiệu của rối loạn kinh nguyệt
Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt
Nội tiết tố thay đổi
Các nội tiết tố nữ như FSH, LH, estrogen, progesterone thay đổi liên tục, đều đặn theo một trật tự trong một chu kỳ kinh nguyệt và gây ra hiện tượng hành kinh. Khi nồng độ các nội tiết tố này bị thay đổi sẽ gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
Nguyên nhân nội tiết tố nữ thay đổi có thể do thay đổi đột ngột thói quen sinh hoạt, căng thẳng thần kinh, tăng giảm cân quá nhanh, sử dụng thuốc tránh thai hoặc các bệnh lý của tuyến yên, buồng trứng,…
Dùng thuốc tránh thai có thể gây ra tình trạng rối loạn nội tiết tố
Giai đoạn dậy thì
Độ tuổi dậy thì của bé gái thường bắt đầu trong khoảng 13 – 15 tuổi hoặc có thể sớm hơn một vài năm. Ở giai đoạn này, hoạt động của trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng chưa ổn định, kéo theo rối loạn các nội tiết tố nữ estrogen và progesteron.
Chính vì vậy, tuổi dậy thì thường gắn liền với tình trạng rối loạn kinh nguyệt về thời gian của chu kỳ, mức độ máu kinh trong mỗi chu kỳ. Sẽ mất từ 1 – 2 năm để các nội tiết tố được điều chỉnh cân bằng và kinh nguyệt trở nên đều đặn dần. [2]
Ở giai đoạn dậy thì các bé gái hay xuất hiện rối loạn kinh nguyệt
Giai đoạn mang thai
Ở giai đoạn này, người phụ nữ tiết ra hormon progesteron và beta – human chorionic gonadotropin (hay beta – HCG) để ức chế hình thành chu kỳ kinh nguyệt, giảm sự co bóp tử cung để đảm bảo cho việc phát triển thuận lợi của thai nhi.
Bởi vậy, trong suốt thai kỳ từ khi bắt đầu mang thai đến khi sinh em bé, người phụ nữ sẽ không xuất hiện kinh nguyệt. [2]
Giai đoạn mang thai không xuất hiện kinh nguyệt
Giai đoạn tiền mãn kinh
Trái ngược với giai đoạn dậy thì, khi bước vào tiền mãn kinh (khoảng 50 – 55 tuổi), chức năng buồng trứng suy giảm gây rối loạn số ngày trong chu kỳ cũng như số lượng máu kinh.
Quá trình này sẽ kéo dài trong vòng 2 – 5 năm sau đó sẽ tắt kinh hoàn toàn (mãn kinh). Các biểu hiện kèm theo của giai đoạn tiền mãn kinh gồm:
- Cảm xúc thất thường.
- Khó ngủ, mất ngủ.
- Bốc hỏa, ra mồ hôi vào ban đêm.
- Da khô, giảm đàn hồi, xuất hiện nhiều tàn nhang.
- Loãng xương. [3]
Giai đoạn tiền mãn kinh gây rối loạn kinh nguyệt
U xơ tử cung
U xơ tử cung là các khối u lành tính, gây ra bởi sự phát triển quá mức của cơ tử cung, thường được phát hiện thông qua siêu âm tử cung – phần phụ. Kích thước u xơ tử cung thay đổi một cách liên tục, từ đó gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
- Nếu kích thước khối u nhỏ sẽ thường không có biểu hiện gì bất thường.
- Nếu kích thước khối u lớn hoặc có nhiều khối u có thể gây ra cường kinh, rong kinh kèm theo đau bụng kinh nhiều, thậm chí có thể sờ thấy khối cứng ở phần bụng dưới.
U xơ tử cung gây rối loạn kinh nguyệt
Hội chứng buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang là một hội chứng với các triệu chứng đặc trưng như kinh nguyệt không đều, béo phì nhẹ, rối loạn hormone androgen gây mụn trứng cá, lông rậm. Đây cũng là một nguyên nhân gây vô sinh ở phụ nữ.
Ở hội chứng buồng trứng đa nang có sự kết hợp giữa rối loạn nội tiết tố nam androgen, rối loạn chức năng phóng noãn hoặc dừng quá trình phóng noãn gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt. [2]
Hội chứng buồng trứng đa nang dẫn đến rối loạn kinh nguyệt
Các bệnh lý di truyền
Rối loạn kinh nguyệt thể rong kinh, băng kinh có thể là dấu hiệu của các bệnh lý di truyền mang tính chất gia đình như:
- Bệnh máu khó đông do đột biến gen lặn gây ra.
- Bệnh Von Willebrand do thiếu hụt yếu tố đông máu di truyền dẫn đến rối loạn chức năng tiểu cầu.
- Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn là một bệnh tự miễn với một trong những nguyên nhân là do di truyền. [2]
Tìm hiểu thêm: Phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại
Bệnh máu khó đông có thể gây rối loạn kinh nguyệt
Nguyên nhân thực thể
Những nguyên nhân thực thể là những bất thường trong chức năng hoặc cấu trúc của cơ quan sinh dục nữ như các bệnh lý:
- Tại tử cung: u xơ tử cung, polyp buồng tử cung/cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung.
- Do bất thường trong giai đoạn đầu thai nghén: thai ngoài tử cung, chửa trứng, dọa sảy thai.
- Bệnh lý tuyến nội tiết: u tuyến yên, cường giáp hoặc suy giáp, đái tháo đường.
- Bệnh nhiễm trùng: viêm nội mạc tử cung hoặc viêm nhiễm đường tiết niệu – sinh dục.
Ung thư nội mạc tử cung có thể gây rối loạn kinh nguyệt
Thói quen ăn uống, sinh hoạt
Các thay đổi đột ngột trong cuộc sống như tăng giảm cân đột ngột, căng thẳng trong công việc, học tập, thay đổi thói quen ngủ nghỉ hoặc tăng giảm cân bất thường,… sẽ gây rối loạn hệ nội tiết – thần kinh từ đó dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt. [2]
Căng thẳng gây rối loạn kinh nguyệt
Ảnh hưởng của thuốc
Một trong những nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt thường gặp là do tác dụng phụ của các loại thuốc chị em sử dụng trong chu kì kinh nguyệt như:
- Lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp hoặc thuốc tránh thai hàng ngày không đúng cách. [2]
- Thuốc nội tiết tố.
- Thuốc điều trị các bệnh mạn tính gồm đái tháo đường, tăng huyết áp,…
Tác dụng phụ của thuốc tránh thai có thể dẫn đến rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt có nguy hiểm không?
Kinh nguyệt là bức tranh phản ánh tình trạng sức khỏe của người phụ nữ. Do đó, rối loạn kinh nguyệt có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống và biểu hiện các vấn đề về sức khỏe như:
- Cường kinh hoặc rong kinh kéo dài có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.
- Rong kinh kéo dài còn có thể gây viêm nhiễm đường sinh dục.
- Kinh nguyệt không đều có thể giảm khả năng thụ tinh và có thể là nguyên nhân dẫn đến vô sinh – hiếm muộn.
- Giảm độ săn chắc, đàn hồi của làn da, tăng tình trạng mụn trứng cá, nám, tàn nhang do rối loạn hormone estrogen và progesteron.
- Ngoài ra, rối loạn kinh nguyệt có thể do các bệnh lý tử cung, buồng trứng hoặc các tuyến nội tiết.
Rối loạn kinh nguyệt có thể dẫn đến vô sinh hiếm muộn
Cách điều trị rối loạn kinh nguyệt
Tùy theo nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt mà sẽ có các điều trị phù hợp. Vì thế, khi nhận thấy bản thân có các dấu hiệu của tình trạng rối loạn kinh nguyệt, bạn cần đến thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán rõ ràng về nguyên nhân gây bệnh.
Dưới đây là một các biện pháp giúp hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt:
- Ăn uống đầy đủ các loại nhóm chất, đa dạng thực phẩm.
- Xây dựng chế độ sống lành mạnh, có những giấc ngủ đúng giờ.
- Tích cực tập luyện thể dục thể thao, giữ thể trạng cân đối. Tuy nhiên, không được ăn kiêng quá mức hoặc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc để giảm cân.
- Giữ đầu óc thoải mái, hạn chế căng thẳng bằng cách tập thiền, tập yoga, nghe nhạc hoặc đi chơi, nói chuyện với bạn bè hoặc gia đình.
- Tránh sử dụng thuốc lá, rượu bia.
- Khi sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày cần phải uống đầy đủ, đúng hướng dẫn. Không lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp.
- Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ với những bệnh tuyến giáp hoặc đái tháo đường,…
Chế độ ăn uống giúp hỗ trợ điều trị rối loạn kinh nguyệt
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Khi xuất hiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt mà nguyên nhân không phải từ căng thẳng hoặc bất thường về chế độ sinh hoạt thì bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để phát hiện và điều trị bệnh đúng cách, nhất là các trường hợp sau:
- Rối loạn kinh nguyệt hoặc không có kinh kéo dài trên 6 tháng.
- Rong kinh nhiều chu kỳ kèm theo dấu hiệu thiếu máu như mệt mỏi, chóng mặt, ù tai hoặc da xanh xao,…
- Cường kinh hoặc máu kinh đỏ tươi, có nhiều cục máu đông.
- Rối loạn kinh nguyệt kèm theo đau bụng hoặc có khối u ở phần bụng dưới.
- Rối loạn kinh nguyệt kèm theo khó mang thai.
- Gây ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục.
Khi gặp tình trạng rong kinh, cường kinh kéo dài cần đến gặp bác sĩ
Các chẩn đoán/xét nghiệm bệnh
Để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa sẽ dựa và các triệu chứng bất thường, thời gian mắc bệnh và một số xét nghiệm kèm theo như:
- Thử thai: đây là xét nghiệm đầu tiên cần làm khi bị rối loạn kinh nguyệt nhằm loại trừ nguyên nhân mang thai.
- Siêu âm tử cung – phần phụ: phát hiện u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung hoặc các khối polyp.
- Sinh thiết nội mạc tử cung: phát hiện ung thư nội mạc tử cung.
- Xét nghiệm công thức máu và yếu tố đông máu: tìm nguyên nhân bất thường tiểu cầu, rối loạn đông máu do di truyền.
- Định lượng hormone sinh dục: androgen, estrogen, progesteron, prolactin hoặc FSH/LH,… [1]
>>>>>Xem thêm: 11 thực phẩm làm giảm testosterone phái mạnh nên lưu ý
Siêu âm tử cung – phần phụ giúp chẩn đoán nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt
Tham khảo một số bệnh viện có thể thăm khám
- TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, khoa Phụ sản – Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM,…
- Hà Nội: Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, khoa Sản – Bệnh viện Bạch Mai,…
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thông tin cho chị em về các nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt. Để phòng ngừa tình trạng này, chị em nên xây dựng lối sống lành mạnh, không lạm dụng thuốc tránh thai và đi khám ngay khi nghi ngờ và có các triệu chứng nhé!