Thời tiết nắng nóng dễ khiến cả trẻ em và người lớn bị rôm sảy. Nếu không xử lý đúng cách, kịp thời có thể gây cảm giác châm chích, khó chịu trên da. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến những cách trị rôm sảy cũng như biện pháp phòng ngừa rôm sảy xuất hiện trong mùa nắng nóng.
Bạn đang đọc: 16 cách phòng ngừa và điều trị rôm sảy vào mùa nắng bạn cần biết
Contents
Rôm sảy là bệnh gì?
Rôm sảy (phát ban do nhiệt) là bệnh ngoài da thường gặp khi thời tiết nóng bức. Đối tượng dễ bị rôm sảy nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bởi da của bé rất mỏng manh, nhạy cảm và các tuyến mồ hôi vẫn đang phát triển. Ngoài ra, người lớn vẫn có khả năng bị rôm sảy khi thời tiết nắng nóng. [1].
Rôm sảy hay phát ban do nhiệt là bệnh ngoài da thường gặp khi thời tiết nóng ẩm
Nguyên nhân gây rôm sảy
- Do bít tắc lỗ chân lông: Đặc biệt là ở trẻ em do các tuyến tiết mồ hôi của trẻ chưa hoàn thiện như người lớn vì thế rất hay bị bít tắc, khiến cho mồ hôi không tiết ra ngoài được, gây ứ đọng trên da và dẫn đến rôm sảy.
- Thời tiết nắng nóng: ở nhiệt độ cao, vi khuẩn ngoài da phát triển mạnh mẽ có thể tiết chất nhờn làm bít tắc tuyến mồ hôi gây bệnh rôm sảy.
- Mặc quần áo dày, chật, chất liệu không thấm hút: Mặc quá nhiều quần áo hoặc chất liệu vải dày không thấm hút sẽ làm mồ hôi thẩm thấu ngược vào lỗ chân lông gây bệnh.
- Không thường xuyên vệ sinh, tắm rửa.
- Sử dụng một số loại thuốc làm giảm tiết mồ hôi: oxybutynin, propantheline, benzotropine,…
Bít tắc lỗ chân lông là nguyên nhân chính dẫn đến rôm sảy
Các loại rôm sảy
Rôm sảy được chia thành 3 loại chính:
Rôm sảy tinh thể (rôm sảy pha lê): Chỉ có lớp trên bề mặt da (biểu bì) bị ảnh hưởng gây ra những vết mẩn nhỏ trong suốt hoặc có màu trắng, không gây ngứa hay đau. Loại rôm sảy này thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Rôm sảy tinh thể thường gặp ở trẻ em
Rôm sảy đỏ: Xảy ra ở lớp sâu hơn của bề mặt da (trung bì). Lúc này nốt phát ban sưng to hơn, có màu đỏ, gồ ghề và gây ra cảm giác châm chích khó chịu hoặc ngứa nên còn được gọi là “gai nhiệt”. Tương tự rôm sảy tinh thể, rôm sảy đỏ thường gặp ở trẻ em hơn người lớn.
Rôm sảy đỏ xảy ra ở lớp trung bì của da
Rôm sảy sâu: Gây tổn thương lớp sâu nhất của da (hạ bì). Các vết sưng lúc này thường to, cứng, màu giống với màu da hoặc hơi đỏ và có thể tái phát nhiều lần. Loại rôm sảy này phổ biến ở người lớn hơn trẻ nhỏ.
Rôm sảy sâu gây tổn thương lớp sâu nhất của hạ bì
Biểu hiện của rôm sảy
Triệu chứng điển hình của rôm sảy là da nổi mẩn đỏ hoặc các nốt mụn nhỏ ở những khu vực dễ đổ mồ hôi như mặt, cổ hoặc những vùng da thường xuyên cọ xát với quần áo như lưng, ngực. Rôm sảy gây cảm giác ngứa, châm chích khiến trẻ thường xuyên quấy khóc, khó chịu, ngủ không yên.
Các nốt mẩn đỏ có thể gây cảm giác châm chích, ngứa ngáy khó chịu
Cách phòng ngừa vào ngày nắng nóng
Giữ làn da thoáng mát
Giữ làn da sạch sẽ, khô ráo, tránh tiết mồ hôi, tạo độ thông thoáng cho bề mặt da có thể ngăn chặn tình trạng bít tắc tuyến mồ hôi gây rôm sảy. Một số cách giúp giữ làn da thoáng mát như:
- Mặc quần áo rộng rãi, mỏng nhẹ: nên chọn quần áo có vải mỏng nhẹ, ưu tiên vải sợi tự nhiên hơn là các loại vải sợi tổng hợp để thoáng da, tránh gây kích ứng.
- Dùng ga giường thoáng khí.
- Dùng quạt, máy điều hoà: nên cho trẻ và người lớn ở phòng mát mẻ, ít đổ mồ hôi để các vết rôm sảy mau khô và nhanh hồi phục.
Nên lựa chọn vải sợi tự nhiên để giúp làn da thoáng mát
Tắm nước lạnh
Tắm nước lạnh có thể làm giảm nhiệt độ bề mặt da, làm dịu cơn ngứa, hạn chế tình trạng gãi, chà xát làm tổn thương, nặng thêm tình trạng sưng viêm do rôm sảy. Hơn nữa, tắm rửa cũng giúp giữ bề mặt da sạch sẽ, ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông. [2].
Tắm nước lạnh cũng là một cách để phòng và trị rôm sảy
Uống nhiều nước
Uống nhiều nước là cách phòng ngừa rôm sảy hiệu quả, giúp giải nhiệt trong những ngày nóng bức. Nắng nóng gay gắt có thể khiến cơ thể mất nước, làm tăng cảm giác ngứa ngáy trên da, đặc biệt khi bị rôm sảy.
Bên cạnh nước lọc thì có thể sử dụng các loại nước, thực phẩm thanh nhiệt như: nước rau má, nước râu ngô, bột sắn dây, cam, dưa leo,…
Uống nhiều nước giúp giải nhiệt, hạn chế tình trạng rôm sảy
Hạn chế gãi vùng da bị rôm sảy
Các nốt mẩn sẽ gây cảm giác ngứa, châm chích nhưng người bệnh không nên gãi vì làm như vậy sẽ khiến cho các nốt mẩn đỏ bị sưng, ngứa nhiều hơn. Nếu gãi mạnh còn có thể khiến da bị xước và nhiễm khuẩn nghiêm trọng hơn, do đó bạn chỉ nên vỗ nhẹ để giảm cảm giác ngứa.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có thể vô tình cào vào vùng da bị nổi mẩn, do đó trong các cách trị rôm sảy cho bé cần lưu ý cắt móng tay hoặc đeo bao tay cho trẻ.
Hạn chế gãi để tránh da bị tổn thương nghiêm trọng hơn
Hạn chế hoạt động ngoài trời quá lâu
Hoạt động cường độ cao, kéo dài khiến cho cơ thể đổ nhiều mồ hôi có thể thấm ướt cả quần áo. Bề mặt da ẩm ướt cùng với việc tiếp xúc ma sát với quần áo ẩm ướt mồ hôi có thể gây rôm sảy hoặc làm nặng thêm tình trạng rôm sảy. Do đó cần hạn chế hoạt động ngoài trời quá lâu, giữ cho da khô thoáng.
Hạn chế hoạt động ngoài trời quá lâu để giữ cho da được khô thoáng
Chọn nước giặt, nước xả vải không gây kích ứng
Da phải tiếp xúc ma sát nhiều với quần áo, do đó nên chọn những loại nước giặt, nước xả vải không gây kích ứng để hạn chế rôm sảy hoặc không làm tình trạng rôm sảy nặng hơn.
Đặc biệt, các mẹ cần phải lưu ý lựa chọn các loại nước giặt, nước xả vải phù hợp với làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ, ưu tiên dùng loại sản phẩm hữu cơ chiết xuất từ thiên nhiên có độ pH trung tính.
Chọn mua nước giặt, xả vải không gây kích ứng da
Tránh dùng sữa tắm gây khô da
Dùng sữa tắm có độ pH cao sẽ gây khô da, cơ thể sẽ tự động điều chỉnh tiết dầu để làm ẩm làn da, việc này có thể tăng nguy cơ bít tắc lỗ chân lông, gây rôm sảy. Vì thế bên cạnh việc lựa chọn nước giặt thì mẹ cũng nên cân nhắc dùng sữa tắm cho con.
Tìm hiểu thêm: Những thói quen giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng Covid-19 hiệu quả
Không nên sử dụng các sữa tắm gây khô da
Một số cách điều trị rôm sảy tại nhà
Chườm lạnh
Chườm lạnh bằng khăn ẩm hoặc túi chườm lạnh có thể giúp giảm đỏ, sưng tấy và giảm ngứa ngáy do rôm sảy. Nhưng bạn chỉ nên chườm lạnh tối đa 20 phút và không để da tiếp xúc trực tiếp với cái lạnh để tránh bị bỏng lạnh. [3].
Chườm lạnh giúp giảm tình trạng kích ứng của da
Dùng yến mạch
Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy tác dụng chống viêm và chống oxy hóa của bột yến mạch có thể giúp hỗ trợ điều trị các bệnh về da như da bị kích ứng, phát ban da, mẩn đỏ, ngứa. [4].
Dùng yến mạch là một phương thức giảm viêm và giảm ngứa hiệu quả, đơn giản tại nhà. Một số cách giảm tình trạng rôm sảy với yến mạch bạn có thể tham khảo:
- Cho 1 – 2 bát yến mạch vào bồn nước ấm và ngâm người trong vòng 20 phút. Lưu ý không dùng nước nóng để tránh gây kích ứng da.
- Trộn 1 phần yến mạch với 1 phần nước để tạo thành một hỗn hợp sệt. Sau đó thoa lên vùng da bị rôm sảy khoảng 10 – 15 phút và rửa sạch bằng nước ấm.
Yến mạch có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa giúp hỗ trợ điều trị các bệnh về da
Dùng baking soda
Một trong những cách trị rôm sảy ở người lớn hiệu quả là dùng baking soda. Baking soda có công dụng làm sạch da và làm dịu cơn ngứa. Có 2 cách trị rôm sảy bằng baking soda như sau:
- Cách 1: Hoà tan một ít baking soda vào nước, dùng khăn nhúng vào hỗn hợp và lau vào những chỗ bị rôm sảy. Lau ít nhất 3 lần và mỗi lần cách nhau 30 phút.
- Cách 2: Hoà baking soda vào nước ấm trong bồn tắm, tắm như bình thường. Sau khi tắm xong, nên lau khô người và bôi ít phấn rôm sẽ giúp da mịn màng, khô thoáng. Tắm liên tục đến khi hết rôm sảy.
Baking soda cũng thường được dùng để trị rôm sảy
Dùng gel lô hội
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh gel lô hội (nha đam) có tác dụng trong việc điều trị các bệnh lý về da đặc biệt là giảm kích ứng, làm mát da, làm dịu cơn ngứa và tránh tình trạng viêm nhiễm. [5]
Lô hội là một biện pháp thiên nhiên hoàn toàn an toàn cho cả trẻ em và người lớn. Các mẹ chỉ cần dùng phần thịt lô hội đắp lên vùng rôm sảy trong vòng 15 phút, thực hiện 2 lần từ 3 đến 5 ngày sẽ thấy được hiệu quả.
Lô hội (nha đam) cũng thường được dùng để giảm tình trạng kích ứng da
Dùng các dược liệu thiên nhiên
Một số dược liệu thiên nhiên có tác dụng sát trùng, kháng khuẩn có thể dùng để trị rôm sảy theo dân gian. [6]:
- Lá kinh giới: Rửa sạch, cho vào nồi nước đun sôi và pha nước tắm hàng ngày.
- Lá tía tô: Rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước cốt rồi chấm lên da bị rôm sảy. Để hỗn hợp trong khoảng 10 – 15 phút và tắm lại bằng nước ấm.
- Lá trà xanh: Rửa sạch, cho vào nồi nước đun sôi và pha nước tắm hàng ngày.
- Mướp đắng: Giã hoặc xay nhỏ trái mướp đắng rồi cho nước lọc vào và lọc lấy nước mướp đắng nguyên chất. Hòa hỗn hợp này vào nước tắm.
- Lá khế: Lấy một nắm lá khế, tách bỏ các phần thừa của lá rồi đem rửa sạch và cho vào nồi đun sôi cùng một ít muối. Sau khi đun sôi khoảng 5 phút thì bỏ bã và chắt nước pha vào nước ấm để tắm.
Mướp đắng là dược liệu thiên nhiên gần gũi, có thể trị rôm sảy
Nên ở trong môi trường mát mẻ, tránh nơi ẩm nóng
Nhiệt độ nóng ẩm là nguyên nhân chính gây rôm sảy, vì vậy cách phòng ngừa hiệu quả là tránh phơi trực tiếp dưới ánh nắng, di chuyển đến nơi mát mẻ hơn hoặc núp dưới bóng râm để hạn chế da đổ nhiều mồ hôi và gây ngứa.
Việc tránh tiếp xúc nhiều với ánh nắng cũng có thể gây thêm tình trạng cháy nắng, làm tổn thương hơn vùng da bị rôm sảy. [7].
Bị rôm sảy nên ở nơi thoáng mát và ít ẩm hơn
Tránh dùng sản phẩm gây bít tắc lỗ chân lông
Bít tắc lỗ chân lông là cơ chế gây nên bệnh rôm sảy, do đó việc tránh dùng sản phẩm gây bít tắc lỗ chân lông là điều phải thực hiện để phòng ngừa và điều trị rôm sảy. Đặc biệt khi thời tiết nắng nóng, việc dùng các kem dưỡng ẩm có chất kem quá đặc sẽ càng làm da kém thông thoáng, nhất là đối với làn da bị rôm sảy.
Dùng các sản phẩm bít tắc lỗ chân lông có thể làm rôm sảy trầm trọng hơn
Tránh dùng một số loại thuốc làm giảm tiết mồ hôi
Khi bị rôm sảy, bạn nên hạn chế sử dụng các thuốc làm giảm tiết mồ hôi như muối nhôm clorua (bôi ngoài da), thuốc kháng cholinergic (glycopyrrolate, oxybutynin, benztropine, propantheline…)
Bị rôm sảy nên tránh dùng các thuốc giảm tiết mồ hôi
Dùng thuốc không kê đơn
Nếu áp dụng các biện pháp trên không hiệu quả có thể giảm nhanh các triệu chứng rôm sảy bằng cách dùng các thuốc không kê đơn như:
- Dùng kem bôi ngoài da: sử dụng thuốc mỡ như calamine có chứa kẽm oxit, giúp giảm cảm giác ngứa trên da.
- Dùng thuốc kháng histamin: dùng dạng bôi hoặc dạng uống, tuy nhiên cần có sự chỉ định của bác sĩ trước khi sử dụng cho trẻ nhỏ.
- Dùng kem mỡ steroid: dùng kem chứa Hydrocortisone (một loại corticosteroid), cân nhắc chỉ nên dùng trong thời gian ngắn cho trẻ nhỏ, cắt giảm liều từ từ và không nên ngưng thuốc ngay.
Dùng kem mỡ Calamine có hiệu quả trong điều trị rôm sảy
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Rôm sảy là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau vài ngày (đối với người lớn) và 2 – 3 tuần (đối với trẻ nhỏ) mà không cần điều trị. Tuy nhiên vẫn cần gặp bác sĩ nếu xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng như:
- Rôm sảy ngày càng nặng hơn.
- Xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng như có mụn nước hở hoặc mụn mủ.
- Có các dấu hiệu kiệt sức vì nắng nóng và không đổ mồ hôi.
- Rôm sảy kèm theo sốt.
Nên đi khám bác sĩ khi rôm sảy kéo dài và ngày càng nặng hơn
Tham khảo các bệnh viện
Khi có các triệu chứng rôm sảy, bạn có thể đến hoặc đưa người thân đến Khoa Da liễu – Dị ứng của các bệnh viện trong khu vực để thăm khám. Một số bệnh viện bạn có thể tham khảo:
- TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định,…
- Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108,…
Rôm sảy là tình trạng thường gặp ở trẻ em và người lớn vào những ngày nắng nóng. Tuy không nguy hiểm nhưng rôm sảy gây khó chịu, đặc biệt trong nắng nóng của mùa hè, do đó bạn nên tránh ở ngoài nắng quá lâu, lưu ý về không gian sống thoáng mát, quần áo, nước giặt và cả các loại mỹ phẩm đang dùng nhé!
The full lowdown on heat rash
https://www.healthline.com/health/heat-rash-pictures-remedies
Heat rash (prickly heat)
https://www.nhs.uk/conditions/heat-rash-prickly-heat/
Anti-inflammatory activities of colloidal oatmeal (Avena sativa) contribute to the effectiveness of oats in treatment of itch associated with dry, irritated skin
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25607907/
The Effect of Aloe Vera Clinical Trials on Prevention and Healing of Skin Wound: A Systematic Review
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6330525/
Cách trị rôm sảy ở trẻ sơ sinh
https://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/cach-tri-rom-say-o-tre-so-sinh-2507
5 Tips to Prevent Heat Rash
https://www.goodrx.com/health-topic/dermatology/how-to-prevent-heat-rash
Xem thêm
>>>>>Xem thêm: Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh tiểu đường (đái tháo đường)