Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giáp, chẳng hạn như mắc các bệnh tự miễn hay chế độ ăn không cung cấp đủ i-ốt. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu chi tiết về các nguyên nhân gây bệnh suy giáp nhé!
Bạn đang đọc: 9 nguyên nhân gây bệnh suy giáp bạn nên biết
Contents
Bệnh tự miễn
Nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp là viêm tuyến giáp Hashimoto, đây là một rối loạn tự miễn. Với bệnh Hashimoto, cơ thể bạn tạo ra các kháng thể tấn công và phá hủy tế bào tuyến giáp, lâu dài sẽ dẫn tới tình trạng suy giáp trên bệnh nhân.
Khi bị viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh nhân đôi khi có mắc kèm các bệnh lý tự miễn khác, chẳng hạn như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp hoặc đái tháo đường type 1.
Nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp là viêm tuyến giáp Hashimoto
Điều trị bằng i-ốt phóng xạ
Phương pháp điều trị này thường được chỉ định cho những người có tuyến giáp hoạt động quá mức hay một tình trạng được gọi là cường giáp. Tuy nhiên, chính bức xạ lại phá hủy các tế bào trong tuyến giáp quá mức, điều này thường dẫn đến suy giáp.
Chính bức xạ khi điều trị bằng i-ốt phóng xạ lại là nguyên nhân gây suy giáp
Phẫu thuật tuyến giáp
Phẫu thuật cắt giáp được chỉ định tuyệt đối trong trường hợp bệnh nhân có u hoặc nhân giáp nghi ngờ ung thư. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp có thể làm giảm khả năng sản xuất hormone tuyến giáp hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn dẫn đến suy giáp.
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp là một trong những nguyên nhân khiến tuyến giáp giảm sản xuất hormone
Xạ trị vùng cổ
Để điều trị một số bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư hạch, cần phải xạ trị vùng cổ. Bức xạ gây phá hủy các tế bào trong tuyến giáp, điều này làm cho tuyến giáp giảm sản xuất hormone.
Bức xạ chiếu vào khi xạ trị vùng cổ lại là nguyên nhân gây suy giáp
Dùng thuốc
Thông thường, các loại thuốc gây suy giáp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức TSH (một hormone tuyến yên kích thích tuyến giáp sản xuất hormone T3, T4), T3 (Triiodothyronine) và/hoặc T4 (thyroxine) theo một cách nào đó. Ngoài ra, một số thuốc có thể gây viêm tuyến giáp dẫn tới thay đổi mức TSH, T3 hoặc T4.
Một số loại thuốc điều trị các vấn đề về tim, bệnh tâm thần và ung thư đôi khi có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone tuyến giáp, bao gồm amiodarone, lithium, interferon alpha và interleukin-2.
Các loại thuốc gây suy giáp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức TSH, T3 và/hoặc T4 theo một cách nào đó
Suy giáp bẩm sinh
Một số em bé được sinh ra với tuyến giáp không phát triển bình thường hoặc không hoạt động bình thường. Loại suy giáp này được gọi là suy giáp bẩm sinh.
Trong hầu hết các trường hợp, lý do khiến tuyến giáp không phát triển bình thường là không rõ ràng. Nhưng một số trẻ có dạng rối loạn tuyến giáp do di truyền.
Thông thường, trẻ sơ sinh bị suy giáp lúc đầu không có triệu chứng đáng chú ý. Đó là một trong những lý do tại sao hầu hết các bang tại Mỹ đều yêu cầu sàng lọc tuyến giáp cho trẻ sơ sinh.
Tại Việt Nam, trẻ sơ sinh cũng được kiểm tra chức năng tuyến giáp thông qua lấy máu gót chân trong vài ngày đầu sau sanh.
Tìm hiểu thêm: 11 công dụng của củ cải trắng có thể bạn chưa biết
Nguyên nhân dẫn tới suy giáp bẩm sinh thường là không rõ ràng
Rối loạn tuyến yên
Việc hình thành và giải phóng T3 và T4 ở tuyến giáp được kiểm soát bởi hormone kích thích tuyến giáp (TSH), do các tế bào hướng giáp tại tuyến yên tiết ra.
Khi mà lượng T4, T3 trong máu tăng sẽ làm ức chế quá trình tổng hợp và tiết TSH tại tuyến yên, và ngược lại, khi lượng T3, T4 giảm thì sẽ làm tăng tiết TSH (cơ chế điều hòa ngược âm tính).
Một nguyên nhân tương đối hiếm gặp của suy giáp là do tuyến yên không sản xuất đủ hormone kích thích tuyến giáp (TSH). Điều này thường là do một khối u của tuyến yên gây ra.
Tuyến yên không sản xuất đủ hormone kích thích tuyến giáp (TSH)
Mang thai
Suy giáp ở phụ nữ có thai thường là do viêm tuyến giáp Hashimoto gây ra, bệnh xảy ra với tần suất 2 – 3 ca trên 100 ca mang thai [1]. Nếu suy giáp xảy ra trong thời kỳ mang thai và không được điều trị, nó sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và tiền sản giật.
Hơn nữa, tiền sản giật làm tăng huyết áp đáng kể trong 3 tháng cuối của thai kỳ, điều này có thể dẫn đến thai chậm phát triển hoặc thai chết lưu. Đối với người mẹ, do sự co thắt mạch ở nhiều vùng dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ, gây tổn thương nhiều cơ quan, đặc biệt là não, thận và gan.
Một số người bị suy giáp trong hoặc sau khi mang thai
Thiết hụt i-ốt
Tuyến giáp cần khoáng chất i-ốt để tạo ra hormone tuyến giáp, do đó việc thiếu hụt i-ốt gây ra bệnh suy giáp. Cơ thể bạn không thể tự tạo ra i-ốt, vì vậy bạn cần bổ sung i-ốt qua chế độ ăn uống của mình. I-ốt thường có chủ yếu trong hải sản, rong biển, thực vật trồng trên đất giàu i-ốt và muối i-ốt.
Đối với phụ nữ có thai, sự thiếu hụt i-ốt trầm trọng có thể làm chậm quá trình phát triển của thai nhi, đặc biệt là phát triển não, đôi khi dẫn đến dị tật bẩm sinh.
Trẻ được sinh ra từ người mẹ trong thai kỳ không bổ sung đủ i-ốt có nguy cơ cao bị suy giáp bẩm sinh và đi kèm với một hoặc một số các tình trạng sau: khuyết tật trí tuệ, câm điếc, đi lại khó khăn và tầm vóc thấp.
Tuyến giáp cần i-ốt để tạo ra hormone tuyến giáp, do đó việc thiếu hụt i-ốt gây ra bệnh suy giáp
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn cảm thấy mệt mỏi mà không rõ lý do hoặc nếu bạn có các triệu chứng khác của bệnh suy giáp đã nêu phía trên. Nếu bạn đang dùng thuốc nội tiết tố tuyến giáp cho bệnh suy giáp, hãy thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ về tần suất tái khám.
Giai đoạn đầu, bạn sẽ được yêu cầu tái khám thường xuyên để theo dõi hiệu quả điều trị và điều chỉnh đơn thuốc sao cho phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe hiện tại. Theo thời gian, bạn có thể chỉ cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi được diễn tiến bệnh của bạn.
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn cảm thấy mệt mỏi mà không có lý do
Chẩn đoán
Nếu bạn có các triệu chứng của bệnh suy giáp, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone. Các chỉ tiêu đánh giá có thể bao gồm:
- Hormone kích thích tuyến giáp (TSH).
- fT4 (thyroxin).
Mức fT4 thấp hơn bình thường thường có nghĩa là bạn bị suy giáp. Tuy nhiên, một số người có tăng mức TSH trong khi mức fT4 lại bình thường, đây được gọi là suy giáp dưới lâm sàng (nhẹ). Điều này được cho là giai đoạn đầu của bệnh suy giáp.
Nếu kết quả xét nghiệm hoặc kiểm tra sức khỏe tuyến giáp của bạn có sự bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm tuyến giáp hoặc xạ hình tuyến giáp để kiểm tra.
>>>>>Xem thêm: Thương hiệu Dược phẩm Sao Kim của nước nào? Có tốt không? Các dòng sản phẩm nổi bật
Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone
Các bệnh viện uy tín
Nếu gặp phải tình trạng suy giáp hoặc cần sự tư vấn chuyên môn từ bác sĩ, bạn có thể đến khoa Nội tiết của một số bệnh viện uy tín sau:
- TP.HCM: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân 115,…
- Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Quân đội 108,…
Bài viết trên đã nêu ra các nguyên nhân gây suy giáp phổ biến, trong đó có một số nguyên nhân đến từ thói quen dùng thuốc và ăn uống hằng ngày. Do đó, để đề phòng mắc suy giáp nói riêng và các bệnh lý khác, bạn nên theo dõi và bảo vệ sức khoẻ của chính mình và người thân nhé!
Nguồn: WebMD, Mayoclinic