Bút tiêm insulin ngày càng phổ biến và được nhiều người sử dụng để tiêm insulin tại nhà. Hãy cùng tìm hiểu cách sử dụng bút tiêm insulin qua bài viết dưới đây nhé.
Bạn đang đọc: Hướng dẫn cách sử dụng bút tiêm insulin cho người bệnh tiểu đường
Contents
Bệnh đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường (tiểu đường) là bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc khi cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Theo kết quả điều tra năm 2021 của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng gần 5 triệu người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường. Bệnh có thể kiểm soát được bằng thuốc hoặc thay đổi lối sống.
Có 2 loại bệnh tiểu đường chính:
- Bệnh tiểu đường loại 1 là tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất insulin khiến cơ thể tạo ra ít hoặc không tạo ra insulin suốt đời.
- Bệnh tiểu đường loại 2 xảy ra khi cơ thể không sử dụng insulin đúng cách khiến đường huyết tăng cao. Tiểu đường type 2 chiếm tỷ lệ 90 – 95%.
Bệnh tiểu đường là bệnh mạn tính có thể kiểm soát được
Tác dụng của thuốc insulin với bệnh tiểu đường
Insulin là hormone tiết ra từ tuyến tụy có vai trò quan trọng trong việc duy trì lượng đường trong máu luôn ổn định.
Đối với bệnh nhân tiểu đường, liệu pháp insulin hoạt động giống như hormone insulin có tác dụng: [1]
- Kiểm soát lượng đường trong máu ở mức ổn định khi cơ thể phân hủy carbohydrate thành đường sau ăn.
- Ức chế sự chuyển hóa glycogen thành glucose, ngăn cản sự gia tăng đường trong máu…
- Ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng khi mắc bệnh tiểu đường như đau tim hoặc đột quỵ, bệnh thận, các vấn đề về mắt, tổn thương thần kinh,…
Insulin giúp kiểm soát lượng đường trong máu
Cách sử dụng bút tiêm insulin
Bước 1: Chuẩn bị
- Lấy bút tiêm ra khỏi tủ lạnh trước 30 phút để insulin về nhiệt độ phòng để tránh gây đau khi tiêm.
- Kiểm tra ngày hết hạn và xem insulin có đúng loại và nồng độ hay không.
- Kéo thẳng để tháo nắp bút, lăn nhẹ trong lòng bàn tay và dốc ngược lên xuống 10 lần để insulin được trộn đều.
- Kiểm tra cảm quan của insulin: Dung dịch trong suốt, không bị vẩn đục, không có màu hoặc hạt lợn cợn.
- Rửa sạch tay với xà phòng.
- Sát khuẩn bằng bông y tế tẩm cồn khu vực đệm cao su và bóc miếng dán bảo vệ ở kim tiêm.
- Để kim thẳng hàng với thân bút, xoay theo chiều kim đồng hồ 3 – 4 vòng để gắn kim tiêm vào bút, không cần quá chặt.
- Tháo 2 nắp kim để sử dụng (cần giữ lại nắp ngoài để tháo kim sau khi tiêm).
Cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi sử dụng bút tiêm insulin
Bước 2: Đuổi bọt khí
- Cầm bút sao cho thuận tay, xoay vòng chọn liều theo chiều kim đồng hồ đến vạch số “2”.
- Búng nhẹ vào buồng chứa insulin khi bút được dựng thẳng, nhấn hết nút tiêm để đuổi bọt khi ra ngoài.
- Kiểm tra xem có giọt insulin ở đầu kim. Nếu không thấy, thử lại bước này thêm 1 lần nữa.
Đuổi bọt khí trong bút khi có giọt insulin ở đầu kim
Bước 3: Chọn liều insulin
- Kiểm tra đảm bảo đang hiển thị cho thấy số “0” sau khi đuổi bọt khí.
- Xoay vòng theo chiều kim đồng hồ để chọn liều đến khi hiện số đơn vị insulin mà bạn cần theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Nếu vặn quá liều cần thiết, bạn có thể xoay ngược lại về đúng đơn vị cần tiêm. Không nên chọn liều lẻ để tránh bút bị kẹt khi sử dụng.
Xoay vòng chiều kim đồng hồ để chọn liều insulin cần tiêm
Bước 4: Tiêm insulin
- Dùng bông tẩm cồn làm sạch da vùng tiêm và để vùng đó khô.
- Cầm bút tiêm đâm kim vuông góc vào bề mặt da, từ từ nhấn nút tiêm đến khi cửa sổ chỉ liều về số “0”.
- Chờ thêm khoảng 5 – 10 giây sau đó mới rút kim ra để đảm bảo toàn bộ liều được tiêm hết.
Tìm hiểu thêm: Chăm sóc bệnh nhân tiểu đường trong mùa dịch Covid-19 tại nhà
Bạn phải tiêm kim của bút insulin vuông góc vào bề mặt da
Bước 5: Tháo và hủy kim tiêm
- Sau khi tiêm phải tháo kim ra để tránh nhiễm khuẩn, lọt khí và rò rỉ thuốc.
- Lấy lại vào bút phần nắp ngoài của kim tiêm, xoay ngược chiều kim đồng hồ cả nắp và kim để loại bỏ kim ra khỏi bút.
- Đóng nắp bút insulin và bảo quản cho các lần tiêm tiếp theo.
Cần tháo bỏ kim sau khi tiêm để tránh nhiễm khuẩn, lọt khí và rò rỉ thuốc
Bảo quản bút tiêm insulin
Insulin có thể bị tác động bởi các yếu tố môi trường xung quanh như nhiệt độ, ánh sáng. Do đó, bút tiêm cần phải được bảo quản kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả: [2]
- Để ở nơi không bị ánh sáng chiếu trực tiếp và trong nhiệt độ phòng ( đối với bút tiêm đã được sử dụng.
- Luôn đậy nắp trên bút insulin sau khi sử dụng nhằm bảo vệ insulin khỏi ánh sáng mặt trời.
- Bút tiêm insulin chưa được sử dụng cần bảo quản trong ngăn mát từ 3 – 8 độ C của tủ lạnh và không được để trong ngăn đông.
- Không đặt bút tiêm ở vị trí quá sâu hoặc cửa tủ lạnh, nên đặt ở khu vực giữa tủ lạnh để nhiệt độ luôn ổn định, không bị rung lắc và tránh ảnh hưởng đến tuổi thọ của insulin.
Bút tiêm insulin chưa được sử dụng cần bảo quản trong ngăn mát từ 3 – 8 độ C
Lưu ý khi tiêm insulin
Bên cạnh việc biết rõ và thực hiện đúng theo các bước sử dụng bút tiêm, bạn cũng cần lưu ý các vấn đề sau để insulin đảm bảo an toàn và đem đến hiệu quả điều trị tốt nhất:
- Màu sắc và thể chất thuốc insulin: Một số loại bút tiêm insulin dạng hỗn dịch có thể chất đục khi lắc nhẹ nhưng các bút dạng dung dịch sẽ trong suốt, không có cặn và không bị vẩn đục.
- Hạn sử dụng: Thông thường, mỗi bút tiêm mới thường có hạn sử dụng trong vòng 1 năm kể từ ngày sản xuất. Đối với các bút đã được sử dụng thì hạn sử dụng trong khoảng 10 – 28 ngày kể từ ngày mở nắp.
- Không nên tiêm vào vùng có vết thương hoặc vết bầm tím. Nên thay đổi vị trí tiêm để tránh việc hấp thụ insulin bị cản trở khi mỡ dưới da tích tụ, tăng hình thành khối u khi tiêm nhiều lần cùng một chỗ.
- Vệ sinh tay và vùng da trước khi tiêm sạch sẽ.
- Không tự ý thay đổi liều để tránh tình trạng hạ đường huyết đột ngột.
- Không tiêm quá sâu nhằm hạn chế đau, tránh việc insulin tác động vào lớp cơ được hấp thụ nhanh và không tồn tại được lâu dài.
Không tự ý thay đổi liều insulin để tránh tình trạng hạ đường huyết đột ngột
Chọn vị trí chỗ tiêm
Insulin nên tránh tiêm vào cơ bắp. Thay vào đó các vị trí mô mỡ ngay dưới da có thể tiêm insulin gồm: [3]
- Bụng: Đây là vị trí tốt nhất để sử dụng insulin tác dụng nhanh (lưu ý không tiêm ở vùng 4 cm quanh rốn).
- Bắp tay ở phần sau, giữa vai và khuỷu tay, khoảng 1/3 giữa cánh tay. Chỉ sử dụng vị trí tiêm này nếu người khác tiêm vì nếu tự tiêm sẽ khó tiếp cận.
- Đùi ở phần trên và bên ngoài. Đây là vị trí tốt nhất để sử dụng insulin tác dụng kéo dài.
- Mông ở phần phía trên, bên ngoài.
>>>>>Xem thêm: Cách sử dụng cà rốt để bảo vệ đôi mắt bạn
Có thể tiêm insulin ở vị trí mô mỡ ngay dưới da
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về cách sử dụng bút tiêm insulin đúng cách đem đến hiệu quả tốt nhất. Hãy chia sẻ để lan tỏa thông tin này đến mọi người bạn nhé!