Sả thường được dùng làm gia vị cho các món ăn và thành phần của thuốc thảo dược. Tinh dầu sả không chỉ là liệu pháp hương thơm giảm căng thẳng mà còn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe. Khám phá chi tiết trong bài viết dưới đây!
Bạn đang đọc: 12 tác dụng của tinh dầu sả đối với sức khỏe bạn cần biết
Contents
- 1 Tinh dầu sả là gì?
- 2 Các tác dụng của tinh dầu sả đối với sức khỏe
- 2.1 Chống oxy hóa
- 2.2 Kháng khuẩn
- 2.3 Chống nấm
- 2.4 Chống viêm, giảm đau
- 2.5 Khử mùi, xua đuổi côn trùng
- 2.6 Ngăn ngừa loét dạ dày và giảm buồn nôn
- 2.7 Giảm tình trạng tiêu chảy
- 2.8 Giảm cholesterol máu
- 2.9 Giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và lipid
- 2.10 Giảm căng thẳng và lo lắng
- 2.11 Giảm đau đầu và đau nửa đầu
- 2.12 Giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp
- 3 Cách sử dụng tinh dầu sả đúng cách an toàn và hiệu quả
- 4 Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng tinh dầu sả
- 5 Lưu ý khi sử dụng tinh dầu sả
Tinh dầu sả là gì?
Tinh dầu sả là một tinh chất thiên nhiên chiết xuất từ lá và thân của cây sả, có mùi thơm. Xông tinh dầu sả là một biện pháp thường được sử dụng để xoa dịu tinh thần, giảm căng thẳng và trầm cảm.
Bên cạnh đó, dầu sả được tinh chế để điều trị các vấn đề tiêu hóa và cao huyết áp. Ngoài ra, tinh dầu sả còn có nhiều lợi ích khác và được coi là có tiềm năng ứng dụng để hỗ trợ điều trị các vấn đề sức khỏe. [1]
Tinh dầu sả là một tinh chất thiên nhiên chiết xuất từ lá và thân của cây sả
Các tác dụng của tinh dầu sả đối với sức khỏe
Chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do có hại và stress oxy hóa trong cơ thể. Nhờ đó, các mô tế bào được bảo vệ, làm chậm quá trình lão hóa, đồng thời hạn chế được sự xâm nhập và tấn công của vi khuẩn, vi nấm, virus gây bệnh.
Trong một nghiên cứu ống nghiệm năm 2015, sả đã được chứng minh là có đặc tính chống oxy hóa mạnh và có hiệu quả trong việc loại bỏ các gốc tự do. [2]
Tinh dầu sả có đặc tính chống oxy hóa mạnh giúp loại bỏ các gốc tự do gây hại
Kháng khuẩn
Sả thường được sử dụng trong các bài thuốc để ngăn ngừa nhiễm trùng giúp vết thương mau lành hơn. Một nghiên cứu từ năm 2010 đã cho thấy hiệu quả chống lại nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc của tinh dầu sả bao gồm cả vi khuẩn gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng đường tiêu hóa hay viêm phổi. [3]
Tinh dầu sả có thể chống lại nhiều loại vi khuẩn
Chống nấm
Theo một công bố khoa học từ năm 1996, tinh dầu sả có thể ức chế sự phát triển của 4 loại nấm da (M. gypseum, T. rubrum, T. mentagrophytes và E. floccosum). Một trong bốn loại này gây ra bệnh nấm bàn chân, nấm da và nấm bẹn.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng chỉ cần pha dung dịch có ít nhất 2,5% tinh dầu sả để có tác dụng diệt nấm. [4]
Tinh dầu sả có thể ngăn chặn sự phát triển của nấm da phổ biến
Chống viêm, giảm đau
Sả chứa một hợp chất chống viêm tên là citral. Theo đó, một nghiên cứu thực hiện trên động vật cũng đã cho thấy khả năng chống viêm mạnh mẽ của tinh dầu sả trên những con chuột bị phù chân do carrageenan. Ngoài ra, loại tinh dầu này cũng có tác dụng chống viêm khi bôi tại chỗ cho những con chuột bị phù tai. [5]
Bên cạnh đó, tinh chất citral trong tinh dầu sả còn có thể giúp giảm đau nhờ khả năng ức chế phản ứng viêm. Một nghiên cứu thực hiện vào năm 2017 trên đối tượng bị viêm khớp dạng thấp, việc bôi dầu sả tại chỗ viêm đã làm giảm các cơn đau nhức. Trung bình, mức độ đau giảm dần từ 80% xuống 50% trong vòng 30 ngày. [6]
Tinh dầu sả có chứa các hợp chất chống viêm và giảm đau
Khử mùi, xua đuổi côn trùng
Tinh dầu sả lan tỏa hương thơm nhẹ nhàng vị sả, cam và chanh làm dịu đi những mùi hôi khó chịu như thuốc lá, mùi ẩm mốc, mùi hôi của động vật nuôi… Hơn nữa, tinh dầu sả còn có đặc tính kháng khuẩn, chống nấm giúp làm sạch không khí, khử mùi hôi khó chịu do vi khuẩn và nấm mốc sinh ra.
Ngoài ra, các loại muỗi và côn trùng thường không thích mùi tinh dầu sả. Do đó, biện pháp khuếch tán tinh dầu sả sẽ giúp xua đuổi muỗi và côn trùng rất hiệu quả.
Tinh dầu sả có tác dụng khử mùi, xua đuổi muỗi và côn trùng
Ngăn ngừa loét dạ dày và giảm buồn nôn
Nghiên cứu trên động vật năm 2012 đã khám phá tác động của tinh dầu sả đối với loét dạ dày do ethanol và aspirin. Kết quả cho thấy tinh dầu sả bảo vệ dạ dày khỏi tổn thương hiệu quả (76-88%) và có thể là một phương pháp tiềm năng trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày.[7]
Ngoài ra, sả cũng đã được sử dụng làm nguyên liệu phổ biến trong các loại trà thảo mộc và hỗ trợ trị chứng buồn nôn. Tuy lá sả khô thường được sử dụng trong các sản phẩm thảo dược, nhưng việc sử dụng tinh dầu sả để làm hương liệu cũng đem lại những lợi ích tương tự. [1]
Tinh dầu sả có tác dụng bảo vệ, chống lại các tổn thương trong dạ dày
Giảm tình trạng tiêu chảy
Hiện chưa có các nghiên cứu về công dụng chữa tiêu chảy của sả trên người, nhưng nghiên cứu năm 2006 trên động vật cho thấy sả đã giúp giảm nhẹ tình trạng tiêu chảy (hiệu quả đạt 59%), có thể là nhờ vào khả năng làm chậm nhu động ruột, làm giảm lượng phân ở những con chuột bị tiêu chảy do dầu thầu dầu.
Như vậy, Citral – hoạt chất trong tinh dầu sả đã cho thấy hiệu quả chống tiêu chảy (tránh mất nước) gần như tương đương với thuốc điều trị tiêu chuẩn loperamid. [8]
Tinh dầu sả giúp giảm tình trạng tiêu chảy, tránh mất nước
Giảm cholesterol máu
Một nghiên cứu vào năm 2017 đã chứng minh tác dụng của tinh dầu sả trong việc hỗ trợ điều trị cholesterol máu cao. Chiết xuất etanolic từ lá cây sả đã làm giảm nồng độ cholesterol trong thí nghiệm trên chuột.
Hơn nữa, thí nghiệm này cũng cho thấy những phản ứng tích cực khi thay đổi liều lượng tinh dầu sả, có nghĩa là lượng cholesterol máu giảm tỉ lệ thuận với nồng độ tinh dầu sả. [9]
Tìm hiểu thêm: Menthol là gì? Công dụng của menthol với sức khỏe
Tinh dầu sả có khả năng làm giảm nồng độ cholesterol trong máu
Giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và lipid
Trong một nghiên cứu thực nghiệm trên chuột vào năm 2007, những con chuột có lượng đường huyết cao được uống tinh dầu sả với liều 125 – 500mg trong 42 ngày.
Kết quả cho thấy dầu sả đã làm giảm lượng đường trong máu. Hơn nữa, các chỉ số lipid cũng thay đổi tích cực và mức cholesterol tốt (HDL) cũng tăng lên. [10]
Tinh dầu sả giúp làm giảm lượng đường trong máu
Giảm căng thẳng và lo lắng
Liệu pháp hương thơm từ lâu đã được cho là có thể giảm bớt căng thẳng và lo lắng, đặc biệt hiệu quả khi được kết hợp cùng phương pháp massage.
Một nghiên cứu vào năm 2015 đã đánh giá tác dụng của phương pháp massage với tinh dầu sả và tinh dầu hạnh nhân. Những người tham gia nghiên cứu được massage với tinh dầu 1 lần/tuần trong 3 tuần, kết quả cho thấy tình trạng cao huyết áp đã được cải thiện. [11]
Huyết áp cao là hậu quả của chứng căng thẳng kéo dài và nghiên cứu trên đã chứng minh tác dụng của tinh dầu sả trong việc hỗ trợ điều trị bệnh liên quan đến trạng thái tinh thần.
Tinh dầu sả giúp cải thiện tinh thần, giảm bớt căng thẳng và lo lắng
Giảm đau đầu và đau nửa đầu
Trong một báo cáo y học vào năm 2009, các nhà nghiên cứu ở Úc tin rằng một hoạt chất có trong sả tên là eugenol có tính chất giảm đau tương tự như aspirin. Trước đó, sả cũng đã có mặt trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền của Úc để điều trị chứng đau đầu.
Theo nghiên cứu, eugenol được cho là có tác dụng ngăn chặn sự tập kết tiểu cầu – một trong những nguyên nhân gây ra các cục máu đông dẫn đến tắc mạch và chứng đau đầu.
Ngoài ra, eugenol cũng thúc đẩy giải phóng serotonin – một loại hormone giúp điều chỉnh tâm trạng, cải thiện giấc ngủ và điều hòa chức năng nhận thức. [12]
Tinh dầu sả giúp cải thiện tình trạng đau đầu
Giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp
Tinh dầu sả có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp nhờ đặc tính chống viêm.
Một nghiên cứu vào năm 2017, đã thực hiện đánh giá tác dụng của tinh dầu sả đối với 30 người (35 – 70 tuổi) mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Theo đó, mỗi người đã bôi 3mg tinh dầu sả mỗi ngày tại nơi bị viêm sưng đau trong 30 ngày. Báo cáo kết quả cho thấy các cơn đau đã thuyên giảm đáng kể. [13]
Tinh dầu sả có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp
Cách sử dụng tinh dầu sả đúng cách an toàn và hiệu quả
Mặc dù tinh dầu sả mang đến nhiều lợi ích, tuy nhiên chúng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, trước khi sử dụng tinh dầu, bạn nên làm những việc như sau: [1]
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ, đặc biệt trong trường hợp mắc bệnh tiểu đường, huyết áp thấp, bệnh về đường hô hấp (hen phế quản), bệnh gan, người đang hóa trị, phụ nữ có thai và đang cho con bú cũng nên cẩn trọng.
- Thử phản ứng dị ứng lên một vùng da nhỏ và ngưng sử dụng khi thấy hiện tượng phát ban hay kích ứng.
- Pha loãng tinh dầu trước khi sử dụng.
Việc dùng tinh dầu sả đúng cách sẽ làm tăng hiệu quả tác dụng và đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe. Do đó, bạn có thể tham khảo các cách kết hợp tinh dầu với các biện pháp chăm sóc cá nhân hàng ngày như:
- Massage: Hòa tan 3 – 5 giọt tinh dầu sả vào 1 thìa cà phê khoảng 10ml dầu nền massage (dầu dừa, dầu hạnh nhân hoặc dầu jojoba), sau đó thực hiện massage nhẹ nhàng sẽ giúp thư giãn tinh thần, giảm mệt mỏi và căng thẳng.
- Xông thơm: Thêm vài giọt tinh dầu sả vào máy khuếch tán tinh dầu (tùy thuộc vào diện tích phòng) sẽ giúp không gian có hương thơm nhẹ nhàng và thư thái.
- Xông hơi: Hòa vài giọt tinh dầu sả vào nước xông hơi sẽ giúp tăng tiết mồ hôi, giải cảm và tăng cường sự tỉnh táo.
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân làm từ dầu sả: Ưu tiên lựa chọn dầu gội, sữa tắm, dầu xả hoặc các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác có kết hợp tinh dầu sả trong công thức để xoa dịu trạng thái tinh thần căng thẳng, mệt mỏi để mang lại cảm giác tươi mới và sảng khoái.
Ngoài ra, bạn có thể nhỏ trực tiếp tinh dầu sả lên sàn nhà hoặc một góc phòng để hương thơm lan tỏa tự nhiên, khử mùi hôi và xua đuổi côn trùng.
Bạn cần pha loãng tinh dầu sả trước khi sử dụng
Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng tinh dầu sả
Tinh dầu sả có nồng độ các chất rất đậm đặc, chúng có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc kích ứng khi sử dụng trực tiếp lên da. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ gặp phải tình trạng khô da và cảm giác châm chích ở vùng da nhạy cảm như khu vực xung quanh mắt, tai, miệng hoặc quanh bộ phận sinh dục. [13]
Việc sử dụng sả trong thực phẩm và đồ uống khá an toàn nhưng nếu lạm dụng có thể gây ra một số tác dụng phụ như: [1]
- Hoa mắt, chóng mặt
- Buồn ngủ
- Đi tiểu nhiều
Các vấn đề trên cũng thường xảy ra khi tiếp xúc với hương tinh dầu sả quá nhiều.
Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng tinh dầu sả là dị ứng, phát ban, đau đầu,…
Lưu ý khi sử dụng tinh dầu sả
Một số lưu ý sau đây sẽ giúp bạn sử dụng tinh dầu sả đúng cách, an toàn và hiệu quả:
- Mua tinh dầu sả từ nguồn uy tín, đảm bảo chất lượng.
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
- Thử phản ứng dị ứng trước khi dùng.
- Không được dùng trực tiếp tinh dầu sả lên da hoặc các vùng da nhạy cảm như khu vực xung quanh mắt, tai, mũi, miệng,….
- Pha loãng tinh dầu sả trước khi sử dụng.
- Tinh dầu tinh khiết rất dễ bắt cháy vì vậy cần tránh để tinh dầu gần nơi có lửa.
- Không nên uống tinh dầu, trừ khi có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.
>>>>>Xem thêm: Thuốc Enterogermina uống trước hay sau ăn? Cách uống Enterogermina hiệu quả nhất
Bạn nên pha loãng và thử phản ứng dị ứng trước khi sử dụng tinh dầu sả
Hy vọng rằng bài viết trên đã giúp bạn biết thêm về những lợi ích tuyệt vời của tinh dầu sả. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý sử dụng tinh dầu sả như một liệu pháp bổ sung hoặc thay thế cho phương pháp điều trị bệnh nào, trừ khi có sự hướng dẫn và giám sát của bác sĩ.