Tinh dịch thường có màu xám trắng với kết cấu tương tự như thạch. Tuy nhiên, đôi lúc sẽ bắt gặp các trường hợp xuất hiện màu sắc khác thường. Hãy cùng Kenshin tìm hiểu ý nghĩa của màu tinh dịch để nhận biết bạn có thể đang mắc phải bệnh lý gì và khi nào thì cần điều trị nhé!
Bạn đang đọc: Màu tinh dịch giúp bạn nhận biết bệnh gì? Xem ngay
Contents
Tinh dịch trong, trắng hoặc xám
Tinh dịch trong, trắng hoặc xám là màu sắc điển hình và được cho là khỏe mạnh. Các màu này có thể thay đổi một chút tùy thuộc vào gen, lối sống hoặc sức khỏe của bạn. Những trường hợp thay đổi màu sắc tạm thời này thường không đáng lo ngại, trừ khi đi kèm với một hoặc một vài triệu chứng khác.
Tinh dịch màu vàng hoặc xanh lá cây
Nước tiểu có trong tinh dịch
Sự tắc nghẽn khiến cho nước tiểu không thể hoàn toàn đi ra khỏi niệu đạo. Tinh dịch khi đi qua niệu đạo sẽ bị trộn lẫn với nước tiểu đang mắc kẹt và sót lại, làm cho tinh dịch của bạn có màu hơi vàng. Tình trạng này thường xảy ra nhất nếu xuất tinh ngay sau khi đi tiểu.
Vàng da
Vàng da là tình trạng xảy ra khi có quá nhiều bilirubin tích tụ trong cơ thể. Triệu chứng phổ biến nhất là vàng da và tròng trắng mắt, nhưng nó cũng có thể làm cho tinh dịch có màu vàng.
Tăng bạch cầu
Tăng bạch cầu xảy ra khi có quá nhiều bạch cầu ở trong tinh dịch. Đây cũng là một lý do khiến cho tinh dịch của bạn có màu vàng.
Nguyên nhân có thể bao gồm:
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs).
- Nhiễm virus.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh.
- Rối loạn tự miễn dịch.
Hãy đến gặp bác sĩ nếu nghi ngờ bị tăng bạch cầu. Một số nguyên nhân, chẳng hạn như chlamydia có thể dẫn đến vô sinh nếu không được điều trị kịp thời.
Nhiễm trùng tuyến tiền liệt (viêm tuyến tiền liệt)
Tinh dịch màu vàng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tuyến tiền liệt. Nguyên nhân là do vi khuẩn từ đường tiết niệu xâm nhập và gây viêm.
Ngoài ra, còn có thể bắt gặp các triệu chứng:
- Khó đi tiểu hoặc cảm thấy đau khi đi tiểu.
- Tiểu nhiều lần.
- Đau ở vị trí bụng dưới và lưng dưới.
- Đau khi xuất tinh.
- Sốt, ớn lạnh.
Xuất tinh không thường xuyên
Xuất tinh không thường xuyên cũng là nguyên nhân khiến cho tinh dịch có màu vàng. Lúc này tinh dịch có thể có nhiều thời gian hơn để hòa trộn với các hợp chất khác gây đổi màu.
Thay đổi chế độ ăn
Tinh dịch có thể thay đổi màu sắc nếu trộn với một số loại vitamin hoặc thuốc. Nếu đây là triệu chứng duy nhất sẽ nhanh chóng biến mất ngay sau đó và không có gì đáng lo ngại.
Thực phẩm chứa màu cũng sẽ làm thay đổi màu tinh dịch. Mùi xuất tinh cũng có thể trở nên khác lạ sau khi ăn các loại thực phẩm có mùi mạnh như tỏi, hành tây, măng tây hoặc bông cải xanh.
Tinh dịch màu hồng, đỏ, nâu hoặc cam
Tinh dịch có màu hồng hoặc đỏ thường là dấu hiệu của máu tươi. Máu này khi tiếp xúc với oxy có thể chuyển sang màu nâu và cam. Tinh dịch có máu hay còn được gọi là hematospermia, thường liên quan đến các nguyên nhân sau:
Do sinh thiết hoặc phẫu thuật tuyến tiền liệt
Sinh thiết là thủ thuật lấy một mẫu mô từ tuyến tiền liệt. Quy trình này có thể đưa máu vào đường tiết niệu hoặc ống dẫn xuất tinh, sau đó trộn lẫn với tinh dịch và làm cho tinh dịch chuyển sang màu hơi đỏ, hồng hoặc hơi nâu.
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp có thể khiến cho máu xuất hiện trong tinh dịch, đặc biệt là khi không được điều trị. Trường hợp nhẹ thường không xuất hiện triệu chứng. Nhưng trong những trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể bị khó thở, chảy máu mũi hoặc đau đầu.
Tìm hiểu thêm: Selen là gì? Vai trò của selen đối với cơ thể
Các bệnh lây qua đường tình dục (STDs)
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như herpes, chlamydia và bệnh lậu có thể là nguyên nhân làm cho máu xuất hiện trong tinh dịch.
Một số triệu chứng khác của bệnh lây qua đường sinh dục gồm:
- Đau hoặc rát khi đi tiểu.
- Đau hoặc sưng tinh hoàn.
- Dương vật tiết dịch có màu vàng hoặc màu bất thường.
- Phát ban, ngứa hoặc khó chịu.
Nhiễm trùng tuyến tiền liệt
Một nghiên cứu vào năm 2015 đã chứng minh, nhiễm trùng tuyến tiền liệt cũng là nguyên nhân làm cho tinh trùng có máu. Vì thế tinh dịch có thể có màu đỏ, hồng, nâu hoặc cam.[1]
Không quan hệ trong một thời gian dài
Không đạt được cực khoái trong một thời gian dài hoặc dừng lại trước khi xuất tinh có thể khiến máu bị lẫn trong tinh dịch. Ngoài ra, việc giải phóng tinh dịch từ túi tinh quá đầy sẽ gây kích ứng và dẫn đến tình trạng chảy máu.
Ung thư tuyến tiền liệt hoặc tinh hoàn
Trong một số trường hợp hiếm gặp, tinh dịch có máu có thể là triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư tinh hoàn. Ung thư tuyến tiền liệt và ung thư tinh hoàn thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn sẽ bắt gặp các dấu hiệu sau:
- Khó đi tiểu, đi tiểu thường xuyên.
- Đau khi đi tiểu.
- Đau dai dẳng ở lưng, hông hoặc xương chậu.
- Đau khi xuất tinh.
- Đau tinh hoàn.
Mạch máu bị vỡ
Mạch máu bị vỡ có thể làm cho một lượng nhỏ máu trộn lẫn với tinh dịch, gây ra những thay đổi về màu sắc. Các mạch máu trong khu vực này cũng có thể bị vỡ do chấn thương, quan hệ tình dục mạnh hoặc thủ dâm.
Tinh dịch màu đen
Đa số trường hợp tinh dịch có màu đen cũng là do máu trong tinh dịch gây ra. Máu đen thường là máu cũ đã tồn tại trong cơ thể bạn một thời gian dài. Ngoài ra, còn có một vài nguyên nhân sau:
Tổn thương tủy sống
Chấn thương tủy sống có thể dẫn đến tinh dịch có màu nâu sẫm hoặc màu đen. Mặc dù chưa có lý do chính xác, nhưng một nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân có thể liên quan đến trục trặc của túi tinh – nơi sản xuất ra một số chất tạo nên tinh dịch.[2]
Nhiễm kim loại nặng
Một nghiên cứu cũ vào năm 2013 đã phát hiện ra hàm lượng cao các kim loại nặng như chì, mangan và niken trong máu có thể khiến cho tinh dịch có màu sẫm. Nguyên nhân có thể là do tiếp xúc với thực phẩm và nước bị ô nhiễm hoặc các yếu tố môi trường khác.[3]
Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Khi tinh dịch có màu bất thường như trên, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm nhất để có thể thực hiện các bài test chẩn đoán bệnh.
Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh qua màu tinh dịch
Sự ly giải: Tinh dịch sau khi phóng tinh sẽ tự hóa lỏng ở nhiệt độ 37 độ C, hay còn gọi là sự ly giải. Bình thường, quá trình ly giải xảy ra trong khoảng thời gian từ 15-60 phút. Nếu lâu hơn có thể là do viêm tiền liệt tuyến.
Độ nhớt: Được đánh giá bằng cách quan sát thời gian của giọt tinh dịch được nhỏ bằng pipet. Độ nhớt cao thường do sự bất thường những thành phần có trong tinh dịch, điều này gây khó khăn trong việc đánh giá mật độ và tỷ lệ di động của tinh trùng.
pH tinh dịch: pH bình thường sẽ ≥ 7,2. Nếu pH dưới 7 có thể là kết quả của bất sản túi tinh hoặc tắc ống phóng tinh.
Thể tích tinh dịch: Được ước lượng bằng cách tính trọng lượng của mẫu tinh dịch. Thể tích tinh dịch bình thường sẽ ≥ 1,5ml. Nếu thấp hơn mức này, nguyên nhân có thể do tắc ống phóng tinh, bất sản túi tinh hoặc xuất tinh ngược dòng.
Tính di động của tinh trùng: Là xét nghiệm đánh giá khả năng di chuyển tự nhiên của tinh trùng. Khả năng di chuyển thấp có thể ảnh hưởng đến việc thụ tinh. Ngoài ra còn một số xét nghiệm khác như: hình thái, tỷ lệ sống của tinh trùng và các tế bào lạ.
>>>>>Xem thêm: Chỉ số đường huyết tiêu chuẩn của người bình thường là mức bao nhiêu?
Tham khảo địa chỉ thăm khám và điều trị bệnh
Nếu có nhu cầu đến bệnh viện để làm các xét nghiệm khi tinh trùng có màu khác thường, bạn nên tham khảo các bệnh viện lớn như:
- Tại thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện phụ sản Quốc tế Sài Gòn, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, Bệnh viện phụ sản Mê Kông,…
- Tại Hà Nội: Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, Bệnh viện phụ sản Trung Ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện phụ sản Hà Nội, Trung tâm Nam học – Bệnh viện Việt Đức,…
Tinh dịch có màu sắc bất thường là dấu hiệu của các vấn đề về sức khỏe và bệnh lý. Chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích bạn nhé!
Nguồn: Healthline, Medicalnewstoday, Pubmed