Kháng sinh là loại thuốc được sử dụng khá phổ biến với tác dụng giúp ngăn chặn nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Bên cạnh những lợi ích thì kháng sinh cũng có nhiều tác dụng phụ cho cơ thể. Cùng tìm hiểu các tác dụng phụ của kháng sinh nhé!
Bạn đang đọc: 13 tác dụng phụ của thuốc kháng sinh bạn không nên bỏ qua
Contents
Đau dạ dày
Nhiều loại kháng sinh có thể gây khó chịu cho dạ dày hoặc các tác dụng phụ khác về đường tiêu hóa, đặc biệt là macrolid, cephalosporin, penicillin và fluoroquinolones.
Các biểu hiện đau dạ dày do dùng thuốc kháng sinh bao gồm:
- Buồn nôn.
- Nôn mửa.
- Chuột rút.
- Bệnh tiêu chảy.
Người bệnh cần làm gì?
- Tham khảo ý kiến bác sĩ xem có nên dùng thuốc kháng sinh với thức ăn hay không. Thức ăn có thể giúp giảm tác dụng phụ lên dạ dày do một số loại kháng sinh như amoxicillin và doxycycline.
- Tuy nhiên, phương pháp dùng thuốc với thức ăn sẽ không hiệu quả với tất cả các loại kháng sinh. Một số loại kháng sinh, chẳng hạn như tetracycline, phải uống khi bụng đói thì mới có phát huy hết tác dụng.
- Hỏi ý kiến của bác sĩ để đảm bảo sử dụng thuốc đúng cách và có thể giảm bớt các tác dụng phụ lên dạ dày.
Khi nào gặp bác sĩ?
Tiêu chảy nhẹ thường hết sau khi bạn ngừng dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu tiêu chảy nghiêm trọng, có thể dẫn đến nhiều triệu chứng khác như:
- Đau bụng và chuột rút.
- Sốt.
- Buồn nôn.
- Chất nhầy hoặc máu trong phân của bạn.
Những triệu chứng này có thể do sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại trong đường ruột. Vì thế trong những trường hợp này, hãy thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Kháng sinh gây tác dụng phụ lên dạ dày
Bệnh thận
Thuốc kháng sinh là một trong những loại thuốc được sử dụng rộng rãi nhất và hơn một nửa số bệnh nhân nhập viện được dùng thuốc kháng sinh. Trong đó tổn thương thận là phản ứng bất lợi quan trọng nhất của kháng sinh đã được báo cáo. [1]
Tác dụng phụ này thường gặp khi sử dụng các thuốc kháng sinh, đặc biệt là với aminoglycoside, vancomycin và amphotericin B. Khi người bệnh đang có vấn đề về thận, kháng sinh này có thể tích tụ và khiến thận bị tổn thương hơn.
Người bệnh cần làm gì?
- Trước khi sử dụng thuốc nên hỏi thăm ý kiến của bác sĩ để thực hiện các kiểm tra về chức năng thận trước khi kê đơn thuốc kháng sinh để tránh hậu quả xấu về sau.
- Không nên tự ý sử dụng kháng sinh.
Khi nào gặp bác sĩ?
Người bệnh cần đi gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện các dấu hiệu dưới đây:
- Huyết áp cao.
- Thay đổi thói quen đi tiểu: có thể đi tiểu ít hơn hoặc không đi tiểu, hay màu sắc nước tiểu khác lạ.
- Sưng hoặc phù nề, đặc biệt là ở chân, lưng dưới, mặt và mí mắt.
- Buồn nôn, nôn và chán ăn.
Kháng sinh gây tác dụng phụ lên thận
Kháng thuốc kháng sinh
Nếu lạm dụng thuốc kháng sinh quá mức sẽ dẫn đến kháng kháng sinh. Vì vi khuẩn thích nghi với kháng sinh theo thời gian, sau đó thay đổi để thuốc không còn tác dụng, và cuối cùng trở thành chủng siêu vi khuẩn. Đây là một mối đe dọa lớn, bởi vì chưa có bất kỳ loại thuốc nào để tiêu diệt vi khuẩn này.
Người bệnh cần làm gì?
- Hãy tin tưởng bác sĩ nếu họ nói rằng bạn không cần kháng sinh.
- Nên thăm khám bác sĩ, và không tự ý sử dụng kháng sinh.
- Đừng bỏ liều và sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ kê đơn.
Lạm dụng kháng sinh gây kháng kháng sinh
Da dễ bị cháy nắng
Nếu bạn đang dùng thuốc kháng sinh, chẳng hạn như tetracycline, cơ thể bạn có thể trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng, nên có thể làm cho làn da dễ bị cháy nắng hơn. Tuy nhiên, nhạy cảm với ánh sáng sẽ biến mất sau khi ngừng dùng thuốc kháng sinh.
Người bệnh cần làm gì?
Nếu ra ngoài nắng, bạn nên sử dụng một số biện pháp bảo vệ nhất định để giữ an toàn cho làn da và thoải mái hơn.
- Tránh tiếp xúc với ánh sáng trong thời gian dài, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
- Sử dụng kem chống nắng có phổ rộng có giá trị SPF từ 15 trở lên khi ở ngoài trời, ngay cả trong những ngày nhiều mây.
- Mặc quần áo bảo hộ như mũ rộng vành, áo sơ mi dài tay, quần dài và kính râm để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Kháng sinh gây da dễ bị cháy nắng
Sốt
Sốt là tác dụng phụ phổ biến của nhiều loại thuốc, kể cả thuốc kháng sinh. Sốt có thể xảy ra do phản ứng dị ứng với thuốc hoặc do tác dụng phụ của thuốc.
Sốt do thuốc có thể xảy ra với bất kỳ loại kháng sinh nào, nhưng xảy ra phổ biến hơn với các kháng sinh: Beta-lactam, cefalexin, minocycline, sulfonamid.
Người bệnh cần làm gì?
Nếu bạn bị sốt do dùng thuốc kháng sinh thì cơn sốt có thể sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, nếu cơn sốt của bạn không giảm sau 24 đến 48 giờ, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về việc sử dụng thuốc không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen để giúp hạ sốt.
Khi nào gặp bác sĩ?
Nếu bạn bị sốt trên 40°C, kèm theo các triệu chứng khác như phát ban trên da hoặc khó thở, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức.
Sốt là tác dụng phụ phổ biến khi dùng kháng sinh
Nhiễm nấm âm đạo
Thuốc kháng sinh làm giảm số lượng vi khuẩn có ích như lactobacillus trong âm đạo. Loại vi khuẩn tốt này có tác dụng giúp kiểm soát một loại nấm xuất hiện tự nhiên có tên là Candida. Mất sự cân bằng tự nhiên này sẽ tạo điều kiện có lợi cho sự phát triển và gây bội nhiễm nấm Candida, lúc đó nhiễm trùng nấm men có thể xảy ra.
Các triệu chứng bao gồm:
- Ngứa âm đạo.
- Nóng rát khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục.
- Sưng quanh âm đạo.
- Đau nhức.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Phát ban.
- Dịch âm đạo có màu trắng xám và vón cục, đôi khi được cho là trông giống pho mát, là một dấu hiệu khác cho thấy bạn bị nhiễm trùng nấm men.
Người bệnh cần làm gì?
Khi xuất hiện các biểu hiện của nhiễm trùng âm đạo, bệnh nhân cần gặp bác sĩ phụ khoa để thăm khám.
- Đối với nhiễm trùng nấm men đơn giản, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng nấm âm đạo dạng bôi, thuốc mỡ, thuốc đạn hoặc viên uống. Ví dụ như: butoconazole, clotrimazol, miconazole, terconazole, fluconazole.
- Đối với nhiễm trùng nấm men nghiêm trọng hoặc phức tạp, bác sĩ có thể kê toa có thời gian điều trị lâu hơn.
Nếu nhiễm trùng tái phát, bạn tình của bạn cũng có thể bị nhiễm trùng nấm men. Do đó, bạn nên sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ như sử dụng bao cao su.
Kháng sinh gây nấm âm đạo
Ố vàng răng
Các loại thuốc kháng sinh như tetracycline và doxycycline có thể gây ố răng vĩnh viễn ở trẻ có răng đang phát triển. Tác dụng phụ này thường này xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 8 tuổi.
Nếu phụ nữ mang thai dùng những loại thuốc kháng sinh này, khả năng cao có thể làm ố răng sữa của đứa trẻ đang phát triển.
Người bệnh cần làm gì?
Hãy trao đổi bác sĩ về nguyên nhân phải kê đơn một trong những loại kháng sinh này cho bạn nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Ngoài ra, hãy hỏi xem có những sự lựa chọn thuốc nào khác có hiệu quả mà không có tác dụng phụ này không.
Kháng sinh gây răng ố vàng
Dị ứng
Phản ứng dị ứng có thể xảy ra với bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc kháng sinh. Một số phản ứng dị ứng có thể nhẹ, nhưng cũng có thể nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế.
Nếu bạn bị dị ứng với một loại kháng sinh nào đó, ngay sau khi dùng thuốc có thể xảy ra các triệu chứng như:
- Khó thở.
- Nổi mề đay.
- Sưng lưỡi.
- Cổ họng đau, rát.
Người bệnh cần làm gì?
- Một số trường hợp dị ứng với penicillin, bạn hãy thông báo với bác sĩ nếu có tiền sử dị ứng và test dị ứng cần được thực hiện trước khi sử dụng.
- Dừng thuốc ngay nếu có triệu chứng dị ứng.
- Liên hệ tới bác sĩ điều trị hoặc cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.
Khi nào cần gặp cho bác sĩ?
Nếu bạn bị nổi mề đay, hãy ngừng dùng thuốc và đi gặp bác sĩ ngay. Nếu bạn bị sưng phù hoặc khó thở, hãy ngừng dùng thuốc và đi cấp cứu ngay lập tức.
Tìm hiểu thêm: L-arginine là gì? Công dụng, cách dùng, thực phẩm chứa L-arginine
Dùng kháng sinh có thể gây dị ứng
Các vấn đề về máu
Một số loại kháng sinh có thể gây ra những thay đổi thành phần trong máu như giảm số lượng bạch cầu, do đó có thể dẫn đến tăng tình trạng nhiễm trùng.
Một tác dụng phụ khác có thể là giảm tiểu cầu, điều này có thể gây chảy máu, bầm tím và làm chậm quá trình đông máu.
Việc sử dụng các thuốc kháng sinh beta-lactam và sulfamethoxazole thường xuyên sẽ khiến người bệnh gặp các tác dụng phụ này.
Người bệnh cần làm gì?
Tác dụng phụ này có nguy cơ mắc cao và mức độ nghiêm trọng hơn nếu bạn có hệ thống miễn dịch suy yếu. Do đó nên thảo luận với bác sĩ về tình hình sức khoẻ trước khi dùng thuốc kháng sinh.
Khi nào cần gặp cho bác sĩ?
Thăm khám ngay nếu bạn mới bị nhiễm trùng hoặc xuất hiện đột ngột các tác dụng phụ sau khi dùng thuốc kháng sinh.
Gọi 115 hoặc đến phòng cấp cứu gần nhất ngay lập tức nếu bạn có những biểu hiện sau:
- Bị chảy máu nghiêm trọng không ngừng.
- Bị chảy máu trực tràng.
- Ho ra đờm như bã cà phê.
Kháng sinh gây bệnh về máu
Các vấn đề về tim mạch
Trong một số ít trường hợp, các loại kháng sinh có thể gây ra các vấn đề về tim mạch như nhịp tim không đều hoặc huyết áp thấp.
Các loại kháng sinh thường gây ra các tác dụng phụ này là erythromycin và một số kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolones như ciprofloxacin.
Người bệnh cần làm gì?
Nếu bạn đang bị bệnh tim, hãy báo với bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại kháng sinh nào. Thông tin này sẽ giúp bác sĩ lựa chọn loại kháng sinh phù hợp.
Khi nào cần gặp cho bác sĩ?
Nên thăm khám bác sĩ nếu bạn xuất hiện tình trạng đau tim sau khi sử dụng thuốc kháng sinh, hoặc tình trạng bệnh trầm trọng hơn gồm triệu chứng nhịp tim không đều hoặc khó thở.
Kháng sinh gây bệnh về tim mạch
Viêm gân
Viêm gân là tình trạng viêm hoặc kích ứng gân. Gân là phần cấu trúc có màu trắng sáng kết nối giữa xương và cơ, và có khả năng chịu đựng lực căng. Có nhiều trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh như ciprofloxacin đã được báo cáo là có gây viêm gân hoặc đứt gân.
Một số người có nguy cơ cao xảy ra viêm gân như:
- Suy thận.
- Ghép thận, tim hoặc phổi.
- Đã có vấn đề về gân trong quá khứ.
- Đang dùng thuốc steroid.
- Trên 60 tuổi.
Người bệnh cần làm gì?
Thảo luận với bác sĩ về tình trạng sức khoẻ trước khi bắt đầu dùng một loại kháng sinh mới để giúp bác sĩ chọn loại kháng sinh phù hợp với bạn.
Khi nào cần gặp cho bác sĩ?
Nếu bạn bị đau gân hoặc tình trạng bệnh trầm trọng hơn sau khi dùng thuốc kháng sinh, hãy gọi cho bác sĩ. Trong trường hợp cơn đau nghiêm trọng, thì hãy đến phòng cấp cứu gần nhất.
Kháng sinh gây viêm gân
Co giật
Rất hiếm xảy ra các trường hợp thuốc kháng sinh gây co giật, nhưng không có nghĩa là tình trạng này không xảy ra. Động kinh dễ gặp hơn ở các trường hợp dùng thuốc ciprofloxacin, imipenem và kháng sinh nhóm cephalosporin như cefixime và cephalexin.
Người bệnh cần làm gì?
Nếu bạn bị động kinh hoặc có tiền sử co giật, hãy nói với bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại kháng sinh nào. Bằng cách đó, bác sĩ có thể chọn một loại thuốc kháng sinh tránh làm cho tình trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn hoặc tương tác với thuốc điều trị động kinh của bạn.
Khi nào cần gặp cho bác sĩ?
Gọi cho bác sĩ nếu bạn bị co giật mới hoặc cơn co giật của bạn trở nên tồi tệ hơn khi bạn dùng thuốc kháng sinh.
Kháng sinh có khả năng gây co giật
Hội chứng Stevens – Johnson
Hội chứng Stevens – Johnson (SJS) là một rối loạn da và niêm mạc hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Niêm mạc (màng nhầy) là lớp lót ẩm của một số bộ phận trên cơ thể, chẳng hạn như mũi, miệng, cổ họng và phổi.
SJS là một phản ứng có thể xảy ra khi sử dụng kháng sinh và thường gặp ở các loại thuốc như beta-lactam và sulfamethoxazole.
Thông thường, SJS bắt đầu với các triệu chứng giống như cúm, chẳng hạn như sốt hoặc đau họng. Sau đó là các biểu hiện khác như mụn nước và phát ban đau lan rộng. Cuối cùng, lớp trên cùng của da bạn có thể bong ra.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Phát ban.
- Đau da.
- Sốt.
- Ho.
- Sưng mặt hoặc lưỡi.
- Đau trong miệng và cổ họng. [2] [3]
Người bệnh cần làm gì?
Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, đã từng mắc SJS trước đây hoặc có tiền sử gia đình mắc SJS thì có nguy cơ mắc SJS khi dùng kháng sinh cao hơn. Hãy thông báo với bác sĩ về nguy cơ xảy ra hội chứng SJS của bản thân trước khi dùng thuốc kháng sinh.
Khi nào cần gặp cho bác sĩ?
Hãy đến phòng cấp cứu gần nhất ngay lập tức nếu bạn có các triệu chứng của SJS và hoặc nghi ngờ về khả năng mắc SJS của bản thân.
Kháng sinh gây hội chứng Stevens – Johnson
Các biện pháp hay cách khắc phục tác dụng phụ của kháng sinh
- Các vấn đề về đường tiêu hóa: Uống nhiều nước và có thể bổ sung men vi sinh và probiotic trong và sau một đợt kháng sinh có thể giúp khôi phục sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột.
- Nhức đầu: Có thể sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn để giảm các tình trạng này.
- Nhiễm nấm: Có thể sử dụng thuốc chống nấm trong khi bạn đang dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa tác dụng phụ này, nhưng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
- Viêm gân, trầm cảm và lo âu: Chỉ dùng kháng sinh trong các trường hợp cần thiết, theo y lệnh Bác sĩ, và không tự mua kháng sinh để dùng.
>>>>>Xem thêm: Thương hiệu Stallion của nước nào? Có tốt không?
Uống nhiều nước để giảm tác dụng phụ lên đường tiêu hoá của kháng sinh
Kháng sinh giúp ngăn chặn nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, tuy nhiên loại thuốc này lại gây ra nhiều tác dụng phụ cho cơ thể và nếu làm dụng sẽ gây ra kháng thuốc kháng sinh. Do đó bạn nên tuân thủ điều trị theo y lệnh của Bác sĩ, uống nhiều nước, bổ sung men vi sinh và probiotic. Nếu thấy hữu ích hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè cùng biết nhé!