Viêm bao quy đầu là một trong những bệnh lý khá phổ biến ở nam giới. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và vấn đề sinh lý. Hãy cùng Kenshin tìm hiểu về những nguyên nhân viêm bao quy đầu qua bài viết này nhé!
Bạn đang đọc: Nguyên nhân viêm bao quy đầu phổ biến có thể bạn đang gặp phải
Contents
- 1 Vệ sinh không sạch
- 2 Nhiễm trùng nấm men sinh dục (nấm candida)
- 3 Ghẻ
- 4 Nhạy cảm, dị ứng với xà phòng hoặc hóa chất mạnh
- 5 Tình trạng da gây ngứa, khô, da có vảy
- 6 Tiểu đường
- 7 Viêm khớp phản ứng
- 8 Chấn thương trên đầu dương vật hoặc bao quy đầu
- 9 Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm bao quy đầu
- 10 Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Vệ sinh không sạch
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên viêm bao quy đầu. Việc vệ sinh vùng dương vật không sạch sẽ, nhất là phần đầu dương vật chưa được cắt bao quy đầu làm tích tụ da chết, vi khuẩn, mồ hôi và các chất cặn bã khác, lâu ngày xảy ra tình trạng viêm nhiễm.
Nhiễm trùng nấm men sinh dục (nấm candida)
Nhiễm trùng nấm men sinh dục ở nam giới là do loại nấm Candida gây nên.
Loại nấm này sinh sôi nhanh chóng ở những nơi có điều kiện ẩm ướt như âm đạo, bao quy đầu chưa cắt, ruột, miệng,… Nếu không điều trị kịp thời có thể gây viêm, bội nhiễm và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Ghẻ
Ghẻ là bệnh ngoài da thường gặp ở những vùng dân cư đông đúc, điều kiện vệ sinh kém do loài Sarcoptes scabiei gây ra. Những con bọ nhỏ này tạo đường hầm (đào hang) dưới da gây ra những nốt mụn nhỏ, màu đỏ và ngứa dữ dội. Bệnh ghẻ rất dễ lây lan từ người này sang người khác, đặc biệt là giữa những người thường xuyên tiếp xúc qua da.
Tình trạng ngứa bao quy đầu do bệnh ghẻ thường diễn ra vào ban đêm. Nếu nghiêm trọng có thể gây ngứa bao quy đầu dữ dội, phát ban gây lở loét và thậm chí là nhiễm trùng dương vật.
Nhạy cảm, dị ứng với xà phòng hoặc hóa chất mạnh
Vùng quy đầu là nơi khá nhạy cảm, dễ bị kích ứng bởi các tác nhân như hóa chất, xà phòng, bao cao su hay bất kỳ thành phần nào có trong đó bao gồm gel bôi trơn, chất diệt tinh trùng,…
Tùy vào cơ địa mà dị ứng có thể biểu hiện triệu chứng ở nhiều mức độ khác nhau. Khi xuất hiện các tình trạng sau tại vùng quy đầu thì cần phải ngưng sử dụng các sản phẩm này ngay:
- Ngứa.
- Ửng đỏ.
- Sưng tấy.
- Phát ban.
Tình trạng da gây ngứa, khô, da có vảy
Trong một số trường hợp, các bệnh lý da liễu như lichen phẳng, eczema, bệnh vẩy nến hoặc nhiễm trùng da có thể dẫn đến tình trạng viêm bao quy đầu. Các bệnh về da kể trên gây ngứa, rát và khó chịu ở vùng da quy đầu, người bệnh sẽ có xu hướng gãi, chà xát da gây viêm nhiễm bao quy đầu.
Tiểu đường
Ở những bệnh nhân tiểu đường, đặc biệt khi đường huyết kiểm soát không chặt chẽ sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nếu glucose hiện diện trong nước tiểu lâu ngày sẽ tích tụ ở vùng dưới bao quy đầu. Glucose là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, gây nên tình trạng viêm nhiễm.
Tìm hiểu thêm: Vô sinh ở nam giới có chữa được không? 8 cách chữa vô sinh ở nam giới bạn nên biết
Viêm khớp phản ứng
Viêm khớp phản ứng là bệnh lý tự miễn gây ra tình trạng nhiễm trùng ở một số nơi trong cơ thể như hệ thống cơ xương, hệ bài tiết hay mắt, da. Thông thường, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hoặc do vi khuẩn trong ruột gây ra.
Viêm niệu đạo là hệ quả của việc nhiễm trùng đường tiết niệu do viêm khớp phản ứng gây ra, các triệu chứng có thể bao gồm đau hoặc nóng rát khi đi tiểu và thường xuyên muốn đi tiểu. Ổ viêm nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ lan rộng ra gây viêm bao quy đầu.
Chấn thương trên đầu dương vật hoặc bao quy đầu
Các nguyên nhân bên ngoài như chấn thương, va đập, té ngã hay thậm chí là quan hệ tình dục quá thô bạo cũng là nguyên nhân gây tổn thương vùng đầu dương vật dẫn đến viêm bao quy đầu.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm bao quy đầu
Yếu tố nguy cơ phổ biến nhất gia tăng tỷ lệ viêm bao quy đầu là tình trạng vệ sinh kém liên quan đến dương vật chưa cắt bao quy đầu. Do đó cần đảm bảo rửa sạch và lau khô dương vật thường xuyên, tránh để ẩm ướt giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý rửa bộ phận sinh dục bằng xà phòng quá nhiều cũng có thể gây viêm bao quy đầu. Ngoài ra, còn một số các yếu tố nguy cơ khác như:
- Hẹp bao quy đầu. Đây là tình trạng bao quy đầu quá chặt, gây khó khăn trong việc tụt bao quy đầu xuống hoặc tụt xuống nhưng không thể kéo lên trở lại gây nghẽn đầu dương vật. Mồ hôi, nước tiểu và các chất cặn bã khác có thể tích tụ ở dưới vùng quy đầu bị hẹp gây kích ứng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Quan hệ tình dục không an toàn. Viêm bao quy đầu có thể gặp ở người có đời sống tình dục phóng khoáng, đối tác bị viêm nhiễm phụ khoa, quan hệ tần suất cao và thô bạo. Do đó, nam giới cần có biện pháp bảo vệ khi quan hệ và có đời sống tình dục an toàn, lành mạnh.
Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
- Do nấm Candida gây ra: Bao quy đầu và quy đầu sẽ có các nốt ban đỏ, đường viền hồng, bề mặt nhẵn bóng. Khi chuyển sang giai đoạn cấp tính bao quy đầu sẽ viêm loét kèm dịch tiết.
- Do nhiễm Trichomonas gây ra: Phần đầu quy đầu nổi nốt ban đỏ, các nốt ban này sẽ dần to ra, viền đỏ, trên bề mặt nốt ban có các mụn nước.
- Viêm bao quy đầu cấp tính: Bao quy đầu bị sưng tấy sẽ có cảm giác nóng rát, ngứa ngáy và khó chịu.
Khi có một trong các triệu chứng của bệnh viêm bao quy đầu bạn nên đến thăm khám bác sĩ sớm nhất để có thể thực hiện các bài test chẩn đoán bệnh viêm bao quy đầu.
Các xét nghiệm bệnh viêm bao quy đầu
Bác sĩ có thể dựa vào dấu hiệu bao quy đầu sưng đỏ để chẩn đoán viêm bao quy đầu, tuy nhiên, cũng cần phải loại trừ được các nguyên nhân liên quan đến các bệnh lý nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI).
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ chỉ định các xét nghiệm sau để hỗ trợ chẩn đoán:
- Kiểm tra nhiễm trùng. Nhuộm Gram và nuôi cấy vi khuẩn, bao gồm cả nấm Candida, nấm Chlamydia để xác định chính xác nguyên nhân viêm nhiễm và thực hiện kháng sinh đồ để điều trị đặc hiệu.
- Xét nghiệm nước tiểu. Trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, hoặc viêm đường tiết niệu gây nên tình trạng viêm bao quy đầu, thì cần phải thực hiện xét nghiệm nước tiểu để hỗ trợ chẩn đoán.
- Xét nghiệm máu. Xét nghiệm này dùng để định lượng đường huyết, ngoài ra còn xác định những nguyên nhân do tình trạng viêm nhiễm đi kèm với các bệnh xã hội.
- Sinh thiết. Trường hợp không chắc chắn về chẩn đoán viêm bao quy đầu, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết da ở vùng quy đầu để loại trừ các bệnh lý tiền ác tính và ác tính.
>>>>>Xem thêm: Bôi vitamin E có cần rửa lại không, để qua đêm được không?
Thăm khám bác sĩ đề được điều trị kịp thời
Tham khảo địa chỉ khám và điều trị bệnh viêm bao quy đầu
Nếu có nhu cầu đến bệnh viện để làm các xét nghiệm về bệnh viêm bao quy đầu, bạn nên tham khảo các bệnh viện lớn như:
- Tại TP HCM: Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Khoa hiếm muộn Bệnh Viện Từ Dũ, Bệnh viện Bình Dân, Khoa Nam học Bệnh viện Nhân Dân 115,…
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh Viện Thanh Nhàn,…
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích về bệnh lý viêm bao quy đầu. Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè cùng đọc nhé!
Nguồn: Medical News Today, Cleveland Clinic, Healthline