Các bệnh lý về răng miệng không chỉ khiến bạn thiếu tự tin khi giao tiếp mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, sức khỏe toàn diện. Hãy cùng tìm hiểu các bệnh răng miệng thường gặp qua bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: 15 bệnh lý răng miệng thường gặp, nguyên nhân và cách điều trị
Contents
Viêm lợi
Nguyên nhân
Sự tích tụ của các mảng bám giữa lợi và răng khiến vi khuẩn tăng trưởng trong túi lợi bên dưới đường viền nướu sẽ gây ra viêm lợi.
Ngoài nguyên nhân chính là do vệ sinh răng miệng kém, viêm lợi đôi khi có thể hình thành do sự thay đổi hormon trong quá trình mang thai hoặc mãn kinh hoặc do dùng một số loại thuốc,…
Khi nào cần gặp bác sĩ
Khi xuất hiện triệu chứng viêm lợi như lợi tụt, tăng độ sâu rãnh lợi, nướu răng sưng tấy, đỏ sẫm, chảy máu, không ôm sát chân răng,… bạn nên đến gặp nha sĩ để được kiểm tra và điều trị. Trường hợp viêm lợi kéo dài mà không được điều trị sẽ tiến triển thành bệnh mãn tính, tăng nguy cơ viêm nha chu.
Cách điều trị
Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, viêm lợi có thể được chỉ định điều trị bằng lấy cao răng kèm theo một số kháng sinh nhẹ kết hợp với nước súc miệng chống vôi răng và kem đánh răng chuyên dụng.
Ngoài ra, bệnh nhân cần vệ sinh răng miệng, đánh răng đúng cách, loại bỏ mảng bám ở kẽ răng bằng chỉ nha khoa, phòng ngừa vi khuẩn sinh sống và tấn công vào lợi.
Viêm lợi kéo dài không được điều trị sẽ tiến triển thành bệnh mãn tính
Sâu răng
Nguyên nhân
Sâu răng là tình trạng xảy ra khi mảng bám từ thực phẩm tích tụ trên răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và tiết ra axit tấn công men răng. Sâu răng là bệnh lý răng miệng thường gặp nhất ở cả người lớn và trẻ em.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Bạn có thể đến gặp nha sĩ để được kiểm tra và điều trị sâu răng nếu có các triệu chứng như:
- Chảy máu chân răng.
- Đau răng hoặc đau miệng.
- Phát hiện có lỗ sâu trên răng.
- Khó nhai.
- Dấu hiệu nhiễm trùng.
- Khuôn mặt bị sưng.
Cách điều trị
Nha sĩ có thể tiến hành điều trị sâu răng tùy vào mức độ sâu nghiêm trọng, lần lượt gồm phục hồi men răng bằng florua, trám răng, lắp răng sứ, lấy tủy và nhổ răng.
Tuy nhiên, cách tốt nhất để ngăn ngừa sâu răng là vệ sinh răng miệng 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa loại bỏ thức ăn thừa hàng ngày và khám răng định kỳ.
Sâu răng là bệnh lý răng miệng thường gặp nhất ở cả người lớn và trẻ em
Hôi miệng
Nguyên nhân
Hôi miệng là một vấn đề phổ biến ở tất cả các lứa tuổi. Các nguyên nhân thường gặp nhất của chứng hôi miệng gồm:
- Bệnh lý nướu hoặc quanh răng.
- Giảm tiết nước bọt.
- Hút thuốc.
- Thói quen ăn các thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi,…
- Bệnh lý về dạ dày.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Hãy đến gặp nha sĩ để tìm hiểu nguyên nhân cũng như tìm ra các phương pháp điều trị cụ thể trong trường hợp bạn bị hôi miệng mãn tính với các triệu chứng như:
- Hơi thở có bốc mùi.
- Nước bọt có mùi khó chịu,…
Cách điều trị
Bệnh nhân có thể tìm đến nha sĩ để làm sạch và điều trị bệnh lý về lợi, sâu răng,… đúng theo chuyên môn.
Ngoài ra, bạn cũng nên kết hợp điều trị tại nhà bằng cách tăng cường vệ sinh răng miệng, sử dụng chỉ nha khoa, đánh răng, làm sạch lưỡi, sử dụng các loại nước súc miệng,… để đạt được hiệu quả trong thời gian ngắn tạm thời.
Hôi miệng là một vấn đề phổ biến ở tất cả các lứa tuổi
Loét miệng
Nguyên nhân
Loét miệng là các vết loét nhỏ, nông, xuất hiện ở những mô mềm trong miệng và không lây nhiễm. Các nguyên nhân thông thường của bệnh loét miệng gồm:
- Cắn vào má bên trong miệng gây nên tổn thương, phát triển thành vết loét.
- Ăn những đồ ăn cay nóng.
- Tổn thương trong quá trình vệ sinh răng miệng như đánh răng quá mạnh, dùng kem đánh răng hoặc nước súc miệng có chứa sodium lauryl sulfate.
- Thiếu các loại vitamin và khoáng chất như vitamin C, vitamin B12, vitamin B6, kẽm và acid folic.
- Căng thẳng mệt mỏi, rối loạn nội tiết tố trong thời gian dài.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các vết loét miệng thường không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu loét kéo dài hơn 2 tuần hoặc gặp phải các tình trạng như dưới đây:
- Vết loét lớn bất thường hoặc tái phát nhiều lần.
- Xuất hiện cơn đau mà bạn không thể kiểm soát.
- Cực kỳ khó ăn hoặc uống.
- Sốt cao kèm lở loét.
Cách điều trị
Điều trị thường không cần thiết đối với các vết loét nhẹ và có xu hướng tự khỏi sau một hoặc hai tuần. Ngoài ra, bạn có thể thực hiện các biện pháp điều trị tại nhà như:
- Chườm lạnh bằng đá giúp giảm đau và sưng.
- Hạn chế ăn các món nướng, rán, đồ cay, nóng.
- Sử dụng thuốc bôi giảm đau và viêm.
Loét miệng là các vết loét nhỏ, nông, xuất hiện ở những mô mềm trong miệng
Viêm nha chu
Nguyên nhân
Viêm nha chu là tình trạng các mảng bám làm tổn thương những mô mềm xung quanh răng. Từ đó, dẫn đến nhiễm trùng nướu nghiêm trọng. Nếu không điều trị, viêm nha chu có thể phá hủy xương nâng đỡ răng, khiến răng bị lung lay hoặc dẫn đến mất răng.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Hãy hẹn gặp nha sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh viêm nha chu như:
- Nướu bị sưng đỏ, dễ chảy máu.
- Hôi miệng.
- Chảy máu khi xỉa hoặc đánh răng.
- Xuất hiện mủ giữa răng và nướu.
- Răng lung lay hoặc mất răng.
- Đau khi nhai.
- Tụt nướu khiến nướu kéo ra khỏi răng, làm cho răng trông dài hơn bình thường.
Cách điều trị
Nếu viêm nha chu không cải thiện, nha sĩ có thể điều trị bằng các thủ thuật như:
- Cạo bỏ cao răng và vi khuẩn khỏi bề mặt răng và bên dưới đường viền nướu.
- Bào gốc ngăn ngừa sự tích tụ thêm của cao răng và vi khuẩn.
- Dùng thuốc kháng sinh dạng bôi hay uống để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.
Ngoài ra, có thể thực hiện các biện pháp ngăn ngừa viêm nha chu tại nhà:
- Đánh răng 2 lần/ngày.
- Sử dụng bàn chải đánh răng mềm và thay ít nhất ba tháng một lần.
- Sử dụng nước súc miệng và chỉ nha khoa giúp loại bỏ và giảm mảng bám.
Tụt nướu khiến răng dài hơn là triệu chứng của viêm nha chu
Viêm tủy răng
Nguyên nhân
Viêm tủy răng là tình trạng mô tủy trong răng bị viêm do vi khuẩn thông qua lỗ sâu răng, mòn men răng hoặc vết nứt, chấn thương không được điều trị.
Có hai loại viêm tủy được phân loại dựa trên mức độ nhiễm trùng:
- Viêm tủy có thể hồi phục.
- Viêm tủy không hồi phục.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Đau nhức răng và ê buốt là những triệu chứng chính của viêm tủy răng, độ nặng tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, đặc biệt khi tiếp xúc với các thực phẩm nóng, lạnh hay đồ ngọt.
Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng trên, bạn nên đến gặp nha sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cách điều trị
Đối với viêm tủy có hồi phục, nha sĩ sẽ loại bỏ nguyên nhân và hàn kín răng bằng miếng trám. Viêm tủy không hồi phục cần điều trị chuyên sâu hơn để loại bỏ mô tủy gồm:
- Rút tủy răng: Nha sĩ sẽ loại bỏ tủy bị nhiễm bệnh, làm sạch chân răng, lấp đầy ống tủy trống và hàn kín răng.
- Nhổ răng.
Thuốc kháng sinh không phải là thuốc điều trị viêm tủy nhưng vẫn thường được sử dụng để giúp ngăn ngừa tiến triển thành nhiễm trùng.
Viêm tủy được phân loại dựa trên mức độ nhiễm trùng
Vôi hóa tuyến nước bọt
Nguyên nhân
Vôi hóa tuyến nước bọt là bệnh lý xảy ra khi có sự lắng đọng canxi quanh khối viêm tạo thành sỏi, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, cản trở dòng chảy của nước bọt.
Những yếu tố có thể gây ra vôi hóa tuyến nước bọt như mất nước, khô miệng, ăn uống thiếu dưỡng chất hoặc sử dụng một số loại thuốc kháng histamin, thuốc huyết áp,…
Khi nào cần gặp bác sĩ
Bạn cần tới cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị nếu xuất hiện các triệu chứng sau:
- Sưng tấy.
- Đau và khó chịu lặp đi lặp lại.
- Nhiễm trùng.
- Nổi hạch ở khu vực góc hàm kèm theo sốt cao.
Cách điều trị
Khi được chẩn đoán mắc vôi hóa tuyến nước bọt, các bác sĩ sẽ:
- Đối với sỏi nhỏ, nha sĩ sẽ xoa bóp và kích thích tiết nước bọt bằng cách ngậm chanh hoặc kẹo chua khiến sỏi tự đào thải ra ngoài.
- Đối với những viên sỏi lớn, khó lấy ra hơn, bác sĩ có thể thực hiện các thủ thuật xâm lấn, phẫu thuật nội soi để loại bỏ sỏi tuyến nước bọt.
Đồng thời, bệnh nhân cần thường xuyên chăm sóc sức khỏe răng miệng để kiểm soát sự phát triển của sỏi trong tuyến nước bọt.
Vôi hóa tuyến nước bọt là bệnh lý khi có sự lắng đọng canxi tạo thành sỏi
Viêm khớp thái dương hàm
Nguyên nhân
Viêm khớp thái dương hàm là một loại rối loạn thái dương hàm gây đau ở khớp hàm và các cơ kiểm soát chuyển động của hàm, có thể do các bệnh lý liên quan đến xương khớp như thoái hóa khớp, bệnh viêm khớp dạng thấp, khớp nhiễm khuẩn,…
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu của rối loạn thái dương hàm bao gồm:
- Đau hàm, khớp thái dương hàm ở một hoặc cả hai bên.
- Đau nhức trong và xung quanh tai.
- Khó nhai hoặc đau khi nhai.
- Đau nhức vùng mặt.
- Khóa khớp khiến khó mở hoặc ngậm miệng.
- Có tiếng lách cách hoặc cảm giác lạo xạo khi mở miệng hoặc nhai.
Nếu các dấu hiệu trên xuất hiện với các cơn đau dai dẳng hay hàm trở nên nhạy cảm thì bạn nên tìm đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ xử lý và điều trị kịp thời.
Cách điều trị
Bác sĩ có thể đề xuất nhiều lựa chọn điều trị khác nhau như:
- Điều trị bằng các thuốc giảm đau, chống viêm, giãn cơ,…
- Dùng dụng cụ khớp cắn.
- Vật lý trị liệu như massage, xoa bóp cơ, chườm nóng,…
- Khi các phương pháp khác không hiệu quả, bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật nội soi khớp, mở khớp,… sau khi cân nhắc kỹ lưỡng.
Tìm hiểu thêm: Thiếu magie: triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị
Viêm khớp thái dương hàm gây đau ở khớp và các cơ chuyển động của hàm
Răng khôn mọc lệch
Nguyên nhân
Răng khôn là răng mọc muộn nhất (từ 17 – 25 tuổi) của hàm răng. Răng khôn thường phát triển không đúng cách do xương hàm đã ổn định, có độ cứng cao, không còn tăng trưởng nên răng khôn thiếu không gian để mọc bình thường.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Răng khôn mọc lệch gây nhiều đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến các răng xung quanh, có thể gây nên tình trạng sâu răng, hỏng răng và bệnh viêm nướu,…
Do đó, ngay khi phát hiện răng khôn mọc lệch, bệnh nhân nên đến bác sĩ để thăm khám, kiểm tra và được tư vấn kịp thời.
Cách điều trị
Nếu bạn bị răng khôn mọc lệch, các nha sĩ sẽ kiểm tra và xác định tình trạng cũng như cấu trúc răng – hàm xung quanh. Từ đó, xem xét nhổ bỏ hoặc đưa ra phương án điều trị để phù hợp.
Răng khôn là răng mọc muộn nhất và thường phát triển không đúng cách
Răng nhạy cảm
Nguyên nhân
Răng nhạy cảm là một vấn đề phổ biến, thường xuất hiện khi lớp men răng bị bào mòn, không còn khả năng bảo vệ ngà răng, sâu răng, tụt nướu răng hoặc thói quen nghiến răng.
Ngoài ra, răng nhạy cảm cũng có thể do sử dụng lông bàn chải đánh răng quá cứng làm tổn thương răng hoặc chế độ ăn chứa nhiều thực phẩm axit gây xói mòn men răng.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Bạn nên đến gặp bác sĩ khi xuất hiện triệu chứng đau nhói hoặc ê buốt khi sử dụng:
- Kẹo.
- Đồ uống nóng.
- Thức uống lạnh, kem,…
Cách điều trị
Nha sĩ sau khi kiểm tra sẽ tìm nguyên nhân và phương pháp điều trị cụ thể cho từng nguyên nhân gây nhạy cảm răng.
Ngoài ra, cách ngăn ngừa tình trạng răng nhạy cảm hiệu quả nhất là vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng bằng bàn chải có lông mềm ít nhất 2 lần/ngày. Đồng thời, hạn chế sử dụng các loại thức ăn nhiều axit, đường và thức uống có gas.
Răng nhạy cảm là một vấn đề phổ biến
Nghiến răng
Nguyên nhân
Nghiến răng có thể xảy ra ngay cả trong lúc ngủ và thậm chí là khi thức. Hiện tượng nghiến răng được coi là một tình trạng đa yếu tố với các nguyên nhân gây ra chẳng hạn như stress, rối loạn giấc ngủ, răng mọc lệch,…
Khi nào cần gặp bác sĩ
Gặp nha sĩ hoặc bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng sau:
- Tiếng nghiến răng to có thể đánh thức người khác.
- Răng bị dẹt, gãy, sứt mẻ hoặc lung lay.
- Men răng bị mòn, làm lộ các lớp sâu hơn của răng.
- Đau răng hoặc nhạy cảm răng.
- Cơ hàm mệt mỏi hoặc căng cứng.
- Đau hoặc nhức hàm, cổ hoặc mặt.
- Nhức đầu âm ỉ ở thái dương.
Cách điều trị
Nghiến răng ở mức độ nhẹ có thể không cần phải điều trị. Tuy nhiên, ở một số người, chứng nghiến răng có thể diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng đến mức dẫn đến rối loạn hàm, đau đầu, hư răng và các vấn đề khác.
Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng dụng cụ nha khoa bằng nhựa đeo vào cung hàm để ngăn răng hai hàm tiếp xúc với nhau khi ngủ. Đồng thời, bạn có thể thay đổi lối sống, giảm căng thẳng, tránh các chất kích thích,… để ngăn ngừa chứng nghiến răng.
Chứng nghiến răng ở một số người có thể diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng
Răng thưa
Nguyên nhân
Răng thưa là tình trạng răng cùng một hàm mọc tách xa nhau hoặc không đồng đều tạo thành những kẽ hở giữa các răng. Tình trạng hàm răng bị thưa có thể do các nguyên nhân:
- Mầm răng bị lệch.
- Răng mọc ngược, mọc ngầm.
- Kích thước răng nhỏ.
- Các bệnh lý về sức khỏe răng miệng như bệnh nha chu, sâu răng, viêm nướu,…
- Thói quen chăm sóc vệ sinh răng miệng không đúng cách.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Mặc dù răng thưa không phải bệnh lý gây hại đến sức khỏe nhưng có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chức năng nhai và tình trạng răng hiện tại. Do đó, bạn có thể đến nha sĩ để nhận được tư vấn khi xuất hiện tình trạng răng có kẽ hở.
Cách điều trị
Để cải thiện tình trạng răng thưa, bác sĩ sẽ áp dụng những hình thức như:
- Trám răng hoặc chỉnh nha thẩm mỹ.
- Bọc răng sứ.
- Trồng răng Implant.
Răng thưa là tình trạng răng cùng một hàm mọc tách xa nhau hoặc không đồng đều
Răng khấp khểnh
Nguyên nhân
Răng khấp khểnh được nhận biết là khi các răng mọc không tròn đều, lệch theo hướng đưa ra ngoài hay vào trong trên cung hàm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng mọc khấp khểnh có thể gồm:
- Mầm xương bị lệch trong quá trình mọc răng vĩnh viễn.
- Kích thước cung hàm răng nhỏ hơn kích thước của răng.
- Răng sữa mất sớm khiến xương hàm bị tiêu, khoảng trống dành cho răng vĩnh viễn thay thế không đủ.
- Các thói quen xấu như mút đẩy lưỡi, mút tay,… cũng khiến răng di chuyển sai vị trí, cung hàm bị biến dạng,…
- Tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất như canxi, vitamin D hay vitamin C,… ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển cấu trúc xương răng.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Khi răng mọc không đầu, răng khểnh,… bạn có thể đến gặp bác sĩ để nhận được sự tư vấn chỉnh nha phù hợp với răng của bạn.
Cách điều trị
Hiện có 3 phương pháp chữa răng khấp khểnh được các bác sĩ tin dùng:
- Bọc răng sứ.
- Niềng răng.
- Phẫu thuật chỉnh hình răng.
Răng khấp khểnh là các răng mọc không tròn đều, mọc lệch theo nhiều hướng
Nứt gãy chân răng
Nguyên nhân
Nứt gãy chân răng là tình trạng xuất hiện vết nứt đi sâu vào ngà răng và tiến triển vào hệ thống chân răng, ảnh hưởng đến tủy răng. Nứt gãy chân răng có thể xảy ra do:
- Vấp ngã, chấn thương khiến hàm răng chịu lực va chạm mạnh.
- Thói quen nghiến răng tạo áp lực lên răng, gây mòn và nứt răng.
- Thói quen ăn những món ăn cứng và thay đổi nhiệt độ trong miệng đột ngột.
- Bệnh lý răng miệng.
- Người lớn tuổi,…
Khi nào cần gặp bác sĩ
Hãy liên hệ đến nha sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng sau:
- Vết nứt trên thân răng có thể quan sát bằng mắt thường.
- Đau khi nhai và cắn thức ăn.
- Răng nhạy cảm hơn với thức ăn chua, cay, nóng, lạnh.
- Nướu đau, sưng tấy ở xung quanh răng bị nứt.
- Răng đổi màu.
Cách điều trị
Nha sĩ sẽ có các phương pháp điều trị cụ thể tùy vào từng loại nứt gãy chân răng:
- Các đường rạn hoặc nứt không phức tạp, chưa tác động vào tủy răng có thể điều trị bằng biện pháp trám răng.
- Những trường hợp nặng hơn, thậm chí là chia răng có thể tiến hành các cách điều trị như nhổ răng, bọc sứ hoặc trồng răng implant,…
Nha sĩ sẽ có các phương pháp điều trị cụ thể tùy vào từng loại nứt gãy chân răng
Ung thư nướu răng
Nguyên nhân
Ung thư nướu răng là trường hợp các tế bào ở nướu răng phát triển ngoài tầm kiểm soát và hình thành các tổn thương hoặc khối u. Sử dụng thuốc lá và thường xuyên uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư nướu.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Hẹn gặp bác sĩ hoặc nha sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu kéo dài hơn hai tuần bao gồm:
- Xuất hiện các mảng trắng, đỏ hoặc sẫm màu trên nướu.
- Chảy máu hoặc nứt nướu.
- Nướu bị dày lên bất thường.
- Chân răng bị lung lay.
Cách điều trị
Ung thư nướu răng có khả năng chữa khỏi cao khi được chẩn đoán sớm với các phương pháp:
- Điều trị ung thư nướu răng trên gồm phẫu thuật cắt bỏ hàm trên, loại bỏ ung thư ở vòm miệng.
- Điều trị ung thư nướu răng dưới gồm phẫu thuật cắt hàm dưới, loại bỏ ung thư xung quanh xương hàm và bóc tách cổ, loại bỏ các hạch bạch huyết ở cổ có khả năng ung thư.
- Nếu ung thư tiến triển nặng hơn, thực hiện xạ trị, hóa trị hoặc cả hai để thu nhỏ khối u trước phẫu thuật, giảm nguy cơ ung thư tái phát.
>>>>>Xem thêm: Vitamin B5 là gì? Tác dụng, cách dùng, thực phẩm chứa vitamin B5
Ung thư nướu răng có khả năng chữa khỏi cao khi được chẩn đoán sớm
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin về 15 bệnh lý răng miệng thường gặp, nguyên nhân cũng như cách điều trị. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích bạn nhé!
[1] [2]