Số ca mắc COVID-19 vẫn được ghi nhận hằng ngày và có xu hướng gia tăng trở lại trong khoảng thời gian gần đây. Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang đối mặt với dịch trong bối cảnh “bình thường mới”. Cùng tìm hiểu về 5 lý do nên dùng bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà qua bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: 5 lý do nên dùng bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà
Contents
Tổng quan về các biến thể Covid-19 mới nhất
Số ca mắc, nhập viện do Covid-19 tăng nhẹ
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 30/4/2023 có 1986 ca COVID-19 mới trong đó có 62 ca nặng cần hỗ trợ hô hấp. Trong ngày, cả nước đã ghi nhận 3 ca tử vong do COVID-19 tại 3 tỉnh Bắc Giang, Bình Dương và Đồng Nai, đây là ngày ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ đầu tháng 4 đến nay. Như vậy, sau gần 4 tháng không có ca tử vong, cả nước đã ghi nhận tổng số 5 ca tử vong trong 1 tháng.[1]
Từ ngày 8/4 đến 14/4/2023, 11 trong 13 mẫu giám sát dịch tễ do Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Hồ Chí Minh (HCDC) thực hiện có kết quả là biến thể phụ mới của Omicron. Trong đó bao gồm cả biến thể phụ XBB.1.5 (VOI) đã được phát hiện tại Thành phố trong thời gian gần đây và có thêm 07 mẫu thuộc biến thể phụ mới khác bao gồm XBB.1.9.1, XBB.1.16 (Arcturus), XBB.1.16.1.
Trong đó, biến thể phụ XBB.1.5 đã xuất hiện tại 95 quốc gia và được WHO xếp vào nhóm biến thể đáng quan tâm do khả năng lây lan nhanh. Ngoài ra, sự xuất hiện biến thể XBB.1.16 cũng đáng lo ngại khi đã có mặt tại 21 quốc gia và góp phần vào sự gia tăng đột ngột số ca mắc tại Ấn Độ.
Số ca mắc COVID-19 tăng cao trong thời gian gần đây
Triệu chứng của các biến thể Covid-19 mới nhất
Theo các số liệu nghiên cứu, các chuyên gia cho biết triệu chứng phổ biến của các biến thể COVID-19 gần đây là tình trạng sốt, đau họng, chảy mũi, đau mỏi người, mệt mỏi kèm theo rối loạn tiêu hóa. Các triệu chứng mất vị giác hoặc mất khứu giác lại ít gặp hơn. Do đó người bệnh dễ nhầm lẫn với tình trạng mắc cảm cúm.
Trẻ em mắc Covid-19 ngoài biểu hiện tình trạng ho, đau họng, chảy mũi, tắc ngạt mũi, còn có thể bị viêm kết mạc hay đau mắt đỏ trong đợt dịch do biến thể mới này. Đặc điểm của viêm kết mạc do Covid-19 thường là tình trạng đau mắt, đỏ mắt, không có nhử (gỉ) mắt nhưng người bệnh thấy dính 2 mi mắt, khó mở mắt.
Người bệnh thường biểu hiện tình trạng chán ăn, đau họng tăng khi ăn hoặc nuốt gây ăn uống kém, mệt mỏi nhiều. Trẻ em sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng suy kiệt.
Theo Tiến sĩ Rohit Kumar Garg, Chuyên gia tư vấn, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Amrita, Faridabad cho biết, trong những ca mắc biến thể mới lây lan mạnh cả ở những đối tượng đã có miễn dịch với COVID-19 (tự nhiên hoặc sau tiêm vaccin).[2]
Trẻ em mắc biến thể mới hay biểu hiện viêm kết mạc
Biến thể Covid-19 mới nguy hiểm ra sao?
Sau khi xuất hiện vào cuối tháng 3 năm 2023, XBB.1.16 được WHO phân loại là biến thể cần được giám sát do tốc độ lây lan mạnh. Nhờ có tính kháng nguyên bề mặt khác với XBB.1.5 và xuất hiện đột biến mới ở các protein không phải protein S, XBB.1.16 có khả năng tránh hệ miễn dịch và lây lan mạnh trong cộng đồng.
Do thay đổi kháng nguyên bề mặt virus, những kháng thể được hình thành trước đó (cả kháng thể sau mắc COVID-19 và kháng thể sau tiêm vaccine) không có khả năng nhận biết được biến thể mới để tiêu diệt. Từ đó làm giảm hiệu quả của vaccine phòng COVID-19.[3]
Tuy nhiên, mặc dù biến chủng mới có khả năng lây lan cao nhưng không ghi nhận sự gia tăng mức độ nghiêm trọng kèm theo. Bệnh biểu hiện các triệu chứng thường nhẹ ở phần lớn bệnh nhân bị nhiễm biến thể mới XBB.1.16.
Một nhóm bệnh nhân có nguy cơ rủi ro cao khi mắc COVID-19 như:
- Nhóm người bệnh trên 65 tuổi.
- Bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch: bệnh nhân ung thư, đang điều trị hóa chất, bệnh nhân đang điều trị thuốc steroid hoặc HIV/AIDS,…
- Bệnh nhân có kèm các bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp,… đã được ghi nhận trước đó, sẽ có nguy cơ cao biểu hiện các triệu chứng của nhiễm COVID-19 nặng.
Người trên 65 tuổi và người suy giảm miễn dịch có nguy cơ rủi ro cao
Các lý do nên có sẵn bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà
Nhanh chóng, tiết kiệm thời gian
Khi bạn có sẵn bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà, bạn có thể chủ động làm test để kiểm tra, vừa tiết kiệm thời gian đi lại và đến các cơ sở y tế, vừa cho kết quả nhanh chóng chỉ trong khoảng 15 – 30 phút.
Đặc biệt, xét nghiệm nhanh rất có giá trị khi bạn được yêu cầu có chứng nhận sức khỏe trước khi di chuyển như ở sân bay, đi học, đi làm,…
Xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà nhanh chóng, tiết kiệm thời gian
Đảm bảo sự riêng tư
Việc bạn tự làm xét nghiệm COVID-19 tại nhà sẽ đảm bảo không gian riêng tư và có tính bảo mật cao. Bạn có thể chỉ cần cung cấp cho những người có thẩm quyền biết tình trạng sức khỏe mà không cần lo lắng nhiều người khác biết.
Xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà đảm bảo sự riêng tư
An toàn cho trẻ
Trẻ nhỏ thường không hợp tác, quấy khóc khi tiến hành ngoáy dịch mũi họng. Khi làm test nhanh tại nhà, con bạn sẽ cảm giác an toàn, yên tâm hơn khi làm xét nghiệm trong môi trường quen thuộc, giảm cảm giác lo lắng, sợ hãi cho trẻ.
Xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà giúp giảm lo lắng, sợ hãi cho trẻ em
Hạn chế di chuyển
Khi bạn có các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, đau mỏi người và nghi ngờ bản thân mắc covid, bạn thường cảm giác khó khăn khi phải di chuyển ra khỏi nhà để làm test.
Xét nghiệm nhanh đặc biệt hữu ích khi bạn sống xa các bệnh viện hoặc phòng khám, điều kiện giao thông đông đúc, khói bụi, thời tiết xấu,… Nếu bạn có sẵn bộ kit-test để làm xét nghiệm nhanh tại nhà sẽ giúp bạn hạn chế được việc phải di chuyển và có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi.
Tìm hiểu thêm: Hoa Cúc tím (Echinacea) là gì? Công dụng và lưu ý khi sử dụng
Xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà giúp hạn chế di chuyển
Hạn chế lây lan dịch bệnh
Xét nghiệm nhanh tại nhà giúp bạn chủ động cách ly với mọi người khi có các triệu chứng nghi ngờ. Ngoài ra, bạn sẽ tránh được nguy cơ tiếp xúc với các F0 tại các điểm làm test. Do đó, xét nghiệm nhanh tại nhà giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà hạn chế sự lây lan dịch bệnh
Hướng dẫn sử dụng bộ Kit-Test nhanh Covid-19 tại nhà
Trước khi lấy mẫu
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng test nhanh của nhà sản xuất.
- Xác định được vị trí lấy bệnh phẩm đúng với loại kit-test đã mua. Bệnh phẩm lấy không đúng cách sẽ cho kết quả không chính xác.
- Nên tham khảo trước cách lấy bệnh phẩm đúng chuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y Tế để đảm bảo kết quả test được chính xác.
- Người lấy mẫu thực hiện vệ sinh, sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh hoặc rửa tay bằng xà phòng.
Sát khuẩn tay trước khi thực hiện
Chuẩn bị lấy mẫu
- Lấy khay thử ra khỏi túi đựng và đặt khay thử lên trên mặt phẳng ngang, đảm bảo xung quanh sạch sẽ. Lưu ý tiến hành lấy mẫu càng sớm càng tốt sau khi đã bóc test khỏi túi đựng, tối đa trong thời gian 1 giờ.
- Lấy que test ra khỏi túi và bắt đầu tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm.
Lấy mẫu bệnh phẩm
Lấy mẫu dịch tỵ hầu (với loại kit test yêu cầu lấy mẫu dịch tỵ hầu)
- Trước tiên, bạn cầm ở vị trí phía sau vạch khấc kí hiệu trên que test.
- Hơi ngửa cổ ra sau 70 độ để hướng thẳng đường thở về phía trước, tập trung thở bằng miệng.
- Nhẹ nhàng đưa que lấy bệnh phẩm vào một bên mũi đến khi nào ngón tay cầm que tỵ hầu chạm mũi là đạt yêu cầu, lúc này đầu bông lấy bệnh phẩm đã vào đúng vị trí.
- Miết nhẹ que test khoảng 8 – 10 giây rồi rút nhanh que lấy bệnh phẩm ra, cho vào ống đựng chất chiết mẫu.
Với những F0 là trẻ nhỏ, trẻ không phối hợp:
- Đặt trẻ ngồi trên đùi của cha hoặc mẹ, lưng của trẻ tựa sát vào ngực người giữ trẻ, kẹp 2 đùi để giữ chân của trẻ.
- Người ôm trẻ một tay giữ chặt cơ thể và tay trẻ, một tay giữ cố định đầu trẻ ra phía sau.
- Người lấy mẫu cầm que test đưa nhẹ nhàng vào một bên mũi, vừa đẩy vừa xoay nhẹ để que lấy mẫu đi vào dễ dàng đến khi vào sâu được một khoảng bằng một nửa độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng bên là đạt. Nếu chưa đạt được độ sâu phù hợp mà cảm thấy có lực cản rõ thì rút que lấy mẫu ra và thử lấy mẫu ở bên mũi còn lại.
- Giữ que lấy mẫu tại chỗ trong vòng 5 – 8 giây để đảm bảo thấm được lượng dịch tối đa.
- Từ từ xoay và rút que lấy mẫu ra và cho vào ống đã chứa chất chiết mẫu.
Thực hiện lấy mẫu đúng các bước
Lấy mẫu dịch mũi (với loại kit test yêu cầu lấy mẫu dịch mũi)
- Tư thế người được lấy mẫu giống như lấy mẫu dịch tỵ hầu.
- Cầm que lấy mẫu nhẹ nhàng đưa vào mũi sâu khoảng 2 cm.
- Xoay và miết nhẹ que lấy mẫu vào thành mũi khoảng 5 – 8 giây.
- Sau khi lấy xong 1 bên thì dùng chính que lấy mẫu đó để lấy mẫu ở bên mũi còn lại với các thao tác tương tự.
- Nhẹ nhàng xoay và rút que lấy mẫu ra, rồi cho vào ống chứa sẵn chất chiết mẫu.
Sau khi lấy mẫu
Tách chiết mẫu
- Nhúng đầu que lấy mẫu vào ống đựng chất chiết mẫu, đảm bảo lượng chất chiết mẫu gần bằng chiều dài đoạn bông thấm bệnh phẩm.
- Xoay và miết đầu que test vào thành và đáy ống 10 lần.
- Để đầu que test ngâm trong dung dịch 1 phút.
- Bóp 2 thành ống ép vào đầu que test, sau đó từ từ xoay nhẹ que và ép đầu que khi rút để giữ lại lượng dịch trong ống đựng càng nhiều càng tốt.
- Đậy chặt ống bằng nắp nhỏ giọt.
- Lắc ống theo chiều ngang 10 lần để trộn đều mẫu, cẩn thận tránh để dung dịch chạm tới đầu lọc trong nắp nhỏ giọt hoặc gây vương vãi ra ngoài.
- Nhỏ 3 giọt mẫu chiết từ ống vào ô nhận mẫu (S) của khay thử và bắt đầu đếm thời gian đọc kết quả.
Tách chiết mẫu và đợi đọc kết quả
Đọc kết quả
Tùy hướng dẫn đối với từng loại sinh phẩm của các kit-test khác nhau mà thời gian đọc kết quả khác nhau. Thông thường, thời gian đọc kết quả từ 15 – 30 phút. Không được đọc kết quả trước hoặc sau thời gian quy định của hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
Cách đọc kết quả xét nghiệm test nhanh:
- Âm tính: Chỉ xuất hiện 1 vạch đỏ tại vị trí vạch chứng C.
- Dương tính: xuất hiện cả 2 vạch chứng C và vạch kết quả T.
- Kết quả không có giá trị: Cả vạch chứng C và vạch kết quả T không xuất hiện hoặc chỉ xuất hiện vạch kết quả T mà không xuất hiện vạch chứng C.
Vạch chứng C không xuất hiện có thể do thiếu mẫu dịch bệnh phẩm hoặc thanh thử bị hỏng. Người thực hiện sẽ phải làm lại test hoặc có thể liên hệ với cơ quan y tế để được tư vấn hỗ trợ.
Đọc đúng kết quả của test nhanh
Thu gom và xử lý vật liệu xét nghiệm đã sử dụng
Tất cả các thành phần của bộ xét nghiệm đã qua sử dụng đều được xem như chất thải lây nhiễm, cần thu gom và xử lý đúng theo quy định.
- Tất cả vật liệu sau khi xét nghiệm xong sẽ được gom vào túi màu vàng (túi đựng rác thải lây nhiễm trong y tế) hoặc sử dụng loại túi rác thông thường sau đó xịt khử khuẩn bằng cồn 70 độ, buộc chặt miệng túi và tiếp tục xịt lại khử khuẩn mặt ngoài túi đựng.
- Dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2” ở mặt ngoài túi, để ở những nơi cố định và thông báo cho đơn vị chức năng tại địa phương thu gom, xử lý theo quy định đối với chất thải lây nhiễm.
- Không bỏ chung vật liệu xét nghiệm đã qua sử dụng vào cùng với rác thải sinh hoạt thông thường.
Lưu ý khi tự test nhanh COVID-19 tại nhà
- Chọn mua các loại test nhanh được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.
- Bộ kit-test nhanh được bảo quản ở nhiệt độ từ 20 – 30 độ và tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào.
- Kiểm tra hạn sử dụng và túi đựng bộ kit trước khi làm xét nghiệm. Không sử dụng test hết hạn sử dụng hoặc túi đựng bị thủng, rách.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất: cách bảo quản, vị trí lấy dịch mẫu, lượng mẫu bệnh phẩm và thứ tự thực hiện xét nghiệm một cách chính xác.
>>>>>Xem thêm: Bệnh tay chân miệng có lây không? Tay chân miệng lây qua đường nào?
Chọn mua những loại xét nghiệm nhanh được Bộ Y tế quy định
Trên đây là 5 lý do bạn nên sử dụng xét nghiệm test nhanh COVID-19 tại nhà và hướng dẫn về cách làm xét nghiệm hiệu quả. Hãy chia sẻ những thông tin trên để mọi người xung quanh cùng nâng cao ý thức phòng và ngăn ngừa COVID-19 bạn nhé!
Nguồn: Bộ Y tế, HCDC, Healthline, Hindustantimes.