Chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng gây nên việc gián đoạn giấc ngủ, dẫn đến rối loạn nhịp sinh học và nhiều bệnh lý khác. Hãy cùng tìm hiểu cách cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ qua bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: 12 cách chữa chứng ngưng thở khi ngủ đơn giản và lưu ý bạn cần biết
Contents
- 1 Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì? Dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ?
- 2 Biến chứng của chứng ngưng thở khi ngủ
- 3 Cách cải thiện hội chứng ngưng thở khi ngủ
- 4 Bao lâu sau khi điều trị thì sẽ cải thiện?
- 5 Khi nào gặp bác sĩ?
- 6 Biện pháp phòng ngừa chứng ngưng thở khi ngủ
- 7 Lưu ý khi bị ngưng thở khi ngủ
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì? Dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ?
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một rối loạn gây ra bởi tình trạng ngừng thở từng lúc khi ngủ trong thời gian từ 10 giây trở lên, dẫn đến giảm nồng độ oxy trong máu. Sau đó hoạt động hô hấp sẽ trở lại bình thường, dẫn đến các cơn thức giấc.
Hội chứng ngừng thở khi ngủ bao gồm:
- Ngừng thở tắc nghẽn: thường gặp nhất, do tắc nghẽn đường hô hấp trên nhưng các cử động ngực – bụng vẫn được duy trì.
- Ngừng thở trung ương: ít gặp, gây ra do ngừng luồng khí qua mũi, miệng và không có cử động ngực và bụng do trung tâm hô hấp không hoạt động. Bệnh thường kết hợp với bệnh lý thần kinh cơ.
- Ngừng thở hỗn hợp: là tình trạng phối hợp của hai loại trên. [1]
Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường hô hấp trên
Dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ
Các biểu hiện thường gặp ở chứng ngưng thở khi ngủ:
- Ngủ ngáy: là một trong các biểu hiện phổ biến nhất. Bệnh nhân có những cơn ngưng thở về đêm, thở phì phò, hổn hển vào cuối kỳ ngưng thở, ngáy to nhất khi nằm ngửa và giảm khi nằm nghiêng.
- Mệt mỏi cả ngày: người bị ngưng thở khi ngủ thường mệt mỏi do mất ngủ, khó tập trung trong công việc, suy giảm trí nhớ, thay đổi tính tình, dễ cáu gắt.
- Buồn ngủ vào ban ngày: bệnh nhân có thể ngủ trong khi đang làm việc, thậm chí khi đang lái xe.
- Đau đầu khi thức dậy: nguyên nhân là do thay đổi nồng độ oxy não trong đêm. [1]
Bệnh nhân ngưng thở khi ngủ thường ngáy, thở hổn hển khi ngủ
Biến chứng của chứng ngưng thở khi ngủ
Chứng ngưng thở khi ngủ làm giảm nồng độ oxy trong cơ thể, khiến cho chất lượng giấc ngủ không đảm bảo và gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho sức khoẻ.
Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có liên quan đến nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe khác, có thể kể đến như:
- Tai nạn giao thông do buồn ngủ hoặc ngủ gật khi lái xe.
- Các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đột quỵ, suy tim, các rối loạn nhịp tim.
- Rối loạn chuyển hóa bao gồm bệnh tiểu đường type 2.
- Tăng áp phổi gây áp lực lớn lên tim.
- Các vấn đề về tư duy như suy giảm trí nhớ và mất tập trung.
- Rối loạn tâm trạng bao gồm cáu kỉnh và nguy cơ trầm cảm cao hơn.
- Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu gia tăng chất béo tích tụ trong gan có thể góp phần gây tổn thương gan nghiêm trọng.
- Tăng nguy cơ biến chứng liên quan đến gây mê trong phẫu thuật.
Trong chứng ngưng thở khi ngủ trung ương, các biến chứng có thể xảy ra phụ thuộc phần lớn vào bệnh lý nền gây ra rối loạn hô hấp. Chính vì vậy, tình trạng ngưng thở khi ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và dẫn đến nguy cơ gây đột tử.
Ngưng thở khi ngủ dễ dẫn đến các vấn đề về tim mạch
Cách cải thiện hội chứng ngưng thở khi ngủ
Đối với những trường hợp ngưng thở khi ngủ nhẹ, việc thay đổi lối sống tại nhà có thể giảm tính nghiêm trọng của bệnh và tránh các biến chứng do bệnh gây ra.
Duy trì cân nặng hợp lý
Khoảng 50% người béo phì bị mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Do béo phì có thể làm tăng lượng mỡ tích tụ ở cổ, từ đó tăng nguy cơ đường thở của bệnh nhân bị xẹp.
Vì thế, cần tạo thói quen thường xuyên vận động và xây dựng chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp người bệnh kiểm soát được cân nặng, từ đó cũng giảm nguy cơ ngưng thở khi ngủ.
Nhiều tài liệu nghiên cứu chứng minh rằng việc giảm cân có tác động làm giảm tắc nghẽn đường hô hấp trên, cải thiện đáng kể triệu chứng ngưng thở khi ngủ ở bệnh nhân béo phì. [2]
Duy trì cân nặng hợp lý giúp cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên từ 45 – 60 phút/buổi và 3 – 5 buổi mỗi tuần là phương pháp có thể làm tăng cường sức khoẻ tim mạch, tăng độ bão hòa oxy trong máu, nâng cao sức khỏe hô hấp và cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ.
Ngoài tập thể dục, yoga cũng là một bộ môn có thể cải thiện khả năng hô hấp thông qua các bài tập thở, giảm thời gian gián đoạn giấc ngủ và đạt được chất lượng giấc ngủ tốt hơn. [2]
Yoga cũng là một bộ môn có thể cải thiện sức khỏe hệ thống hô hấp
Điều chỉnh tư thế ngủ
Một nghiên cứu năm 2006 cho thấy hơn 50% trường hợp gặp tình trạng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn liên quan đến tư thế khi ngủ.
Một nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng tư thế nằm ngửa khi ngủ khiến cấu trúc và cơ đường thở giãn không thuận lợi, dẫn đến làm giảm thể tích phổi, khiến không cung cấp đủ khí khi đường thở bị xẹp. Từ đó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ngưng thở khi ngủ.
Dù chỉ là một thay đổi nhỏ, nhưng việc thay đổi tư thế ngủ sang nằm nghiêng có thể làm giảm các triệu chứng ngưng thở khi ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ vào đêm. [2]
Nằm nghiêng khi ngủ giúp cải thiện hội chứng ngưng thở khi ngủ
Sử dụng máy tạo độ ẩm
Không khí khô có thể gây kích ứng hệ hô hấp và tắc nghẽn đường thở. Việc sử dụng máy tạo độ ẩm có thể bổ sung độ ẩm không khí, mở đường thở và giảm tắc nghẽn, từ đó giúp tăng chất lượng giấc ngủ.
Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc sử dụng thêm dầu oải hương, bạc hà hoặc khuynh diệp vào máy tạo độ ẩm để đem đến nhiều lợi ích chống viêm và làm dịu đường hô hấp.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý vệ sinh máy tạo độ ẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tránh tạo môi trường chứa nấm mốc và vi khuẩn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Dùng máy tạo độ ẩm giúp giảm tắc nghẽn khi ngủ
Hạn chế uống rượu, bia và hút thuốc
Rượu bia có tác dụng an thần, làm tệ hơn tình trạng ngáy ngủ của người bệnh, khiến họ không thể thức dậy ngay lập tức khi nồng độ oxy trong máu giảm. Rượu cũng khiến cơ lưỡi dễ dàng giãn hơn, điều này có thể gây ra chứng ngáy ngủ.
Ngoài rượu bia, hút thuốc cũng có thể gây viêm đường thở và hẹp đường hô hấp trên, có thể làm trầm trọng thêm chứng ngưng thở khi ngủ. Tóm lại, việc bỏ thuốc lá hạn chế uống rượu bia sẽ cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm nguy cơ ngưng thở khi ngủ. [2]
Bỏ hút thuốc và hạn chế uống rượu để giảm các biến chứng ngưng thở khi ngủ
Tránh dùng thuốc an thần
Một số loại thuốc như thuốc chống lo âu, thuốc ngủ, thuốc giảm đau opioid sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh. Việc cân nhắc giảm hoặc ngừng dùng các loại thuốc này có thể cải thiện hoặc thậm chí điều trị dứt điểm chứng ngưng thở khi ngủ trung ương. [3]
Người bệnh nên tránh dùng các loại thuốc ngủ, thuốc chống lo âu,…
Điều trị dị ứng
Nếu bạn thường xuyên bị tình trạng dị ứng ở mũi, bạn cần vệ sinh mũi và giữ ấm vùng mũi, đồng thời tránh xa các dị nguyên nghi ngờ gây ra dị ứng.
Điều này sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc một số bệnh lý ở mũi và họng, giúp đường thở thông thoáng và cải thiện tình trạng ngưng thở khi ngủ tốt hơn.
Nếu những điều trên không làm giảm các triệu chứng hoặc nếu bạn bị ngưng thở khi ngủ từ trung bình đến nặng, bạn nên đi khám để được bác sĩ khám và tư vấn các phương pháp điều trị khác hiệu quả hơn, cần phải điều trị tại bệnh viện và có sự can thiệp y tế.
Tìm hiểu thêm: 8 mẹo chữa đau nửa đầu tại nhà đơn giản, hiệu quả bạn cần biết
Nên điều trị dị ứng để tránh các vấn đề về đường hô hấp
Dùng máy thở áp lực dương
Dùng máy thở áp lực dương làm giảm số lượng các biến cố hô hấp xảy ra khi bạn ngủ, giảm tình trạng buồn ngủ ban ngày, từ đó giảm các triệu chứng của ngưng thở khi ngủ và tình trạng ngáy ngủ. Phương pháp này cần được áp dụng tại bệnh viện.
Loại phổ biến nhất được gọi là áp lực đường thở dương liên tục (CPAP). Với phương pháp điều trị này, áp suất của luồng không khí được hít vào liên tục không đổi và lớn hơn một chút so với không khí xung quanh, vừa đủ để giữ cho đường hô hấp trên được thông thoáng. [3]
Dùng máy thở áp lực dương giúp giảm các biến cố hô hấp khi ngủ
Dùng máy kích thích thần kinh
Dùng máy kích thích thần kinh gắn vào dây thần kinh hạ nhiệt (dây thần kinh vận động của lưỡi) để kích thích nó, khiến đẩy nhẹ lưỡi của bạn về phía trước khi bạn thở trong lúc đang ngủ, giúp cho lưỡi không bị tụt ra sau và che vào khí quản khi ngủ – một trong những nguyên nhân gây ra chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Một loại kích thích thần kinh tương tự cũng có thể dùng để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ trung ương. Loại này kích thích vào cặp dây thần kinh cơ hoành kết nối tủy sống với cơ hoành – một lớp cơ bên dưới phổi kiểm soát khả năng hít vào và thở ra.
Kích thích dây thần kinh cơ hoành sẽ làm cho các cơ đó uốn cong, giúp hoạt động hô hấp diễn ra thuận lợi, tránh gây ra chứng ngưng thở trung ương khi ngủ. [4]
Các phương pháp kích thích thần kinh cần có sự can thiệp y tế nên bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn cách điều trị phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.
Máy kích thích thần kinh giúp tránh lưỡi đè lên khí quản khi ngủ
Phẫu thuật
Các phương pháp phẫu thuật này có thể giúp ngăn ngừa tắc nghẽn vùng mũi, họng và khí quản. Tuy nhiên việc điều trị bằng phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào từng bệnh nhân khác nhau. Những phẫu thuật này bao gồm:
- Nhiệt điện cực (Somnoplasty): Quy trình này sử dụng sóng điện từ để thu nhỏ mô mềm xung quanh phần trên của khí quản.
- Cắt amiđan/cắt VA: Cắt amidan và VA (là một tổ chức lympho nằm ở vòm mũi họng) có thể mở rộng lỗ thông nhau nơi miệng, cổ họng và đường mũi nối với nhau, giúp không khí đi qua dễ dàng hơn và giảm các mô mềm có thể cản trở hơi thở. Quy trình này hữu ích nhất cho trẻ bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
- Uvulopalatopharyngoplasty (UPPP): phẫu thuật này loại bỏ lưỡi gà (mô mềm hình giọt nước treo ở phía sau miệng của bạn) và loại bỏ các mô mềm khỏi vòm miệng mềm và hầu họng, hỗ trợ mở rộng khu vực nơi miệng và cổ họng gặp nhau, giúp không khí đi qua dễ dàng hơn.
- Phẫu thuật hàm: phẫu thuật tạo hình lại hàm là quy trình thay đổi vị trí của hàm để mô mềm không thể dễ dàng đè lên đường thở của người bệnh. Các phẫu thuật này đặc biệt hiệu quả cho những người bị ngưng thở khi ngủ vì bất thường trong cấu trúc hàm.
- Phẫu thuật mũi: phẫu thuật tạo hình vách ngăn là một hình thức phẫu thuật mũi phổ biến, bằng cách tạo hình các vách ngăn trong mũi, giúp không khí đi qua mũi và đường mũi của bệnh nhân dễ dàng hơn. [4]
Phẫu thuật giúp giảm tắc nghẽn tại đường hô hấp
Dùng dụng cụ răng miệng
Dụng cụ hỗ trợ miệng bao gồm khí cụ nâng hàm dưới và khí cụ ổn định lưỡi, hỗ trợ định vị lại vị trí hàm và lưỡi hướng về phía trước khi ngủ, giúp đường thở luôn thông thoáng.
Đây là một lựa chọn điều trị hiệu quả cho tình trạng ngủ ngáy và chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn vì:
- Thay thế cho máy thở áp suất dương liên tục (CPAP) ở những bệnh nhân không thể điều trị bằng phương pháp này.
- Dễ dàng mang theo khi đi du lịch.
- Thẩm mỹ.
- Không cần điện và không phát ra tiếng ồn.
Dùng dụng cụ hỗ trợ miệng là một phương pháp thay thế hiệu quả cho một số người bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. [3]
Dụng cụ hỗ trợ miệng có thể thay thế cho máy thở áp lực dương
Dùng thuốc
Ngoài các phương pháp trên, một số loại thuốc cũng được áp dụng như thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ, thuốc kích thích hô hấp,… Tuy nhiên, vẫn chưa có loại thuốc nào được chính thức phê duyệt hoặc được chấp nhận cho mục đích điều trị chứng ngưng thở khi ngủ. [4]
Vì thế, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ và cần phải thăm khám, chẩn đoán và điều trị chính xác.
Bao lâu sau khi điều trị thì sẽ cải thiện?
Thời gian cải thiện sau khi điều trị chứng ngưng thở khi ngủ phụ thuộc vào các phương pháp điều trị và bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn biết thêm về quá trình điều trị.
Một số người sẽ cảm nhận được gần như ngay lập tức, trong khi một số người khác cần điều trị lâu hơn, liên tục từ ba đến sáu tháng mới thấy được kết quả.
Khi dùng các thiết bị điều trị ngưng thở khi ngủ, đặc biệt là máy thở áp lực dương thường mang lại hiệu quả rất nhanh. Nhiều người thấy cải thiện ngay lập tức khi họ ngủ qua đêm bằng máy thở áp lực dương. [4]
Dùng máy thở áp lực dương đem đến hiệu quả nhanh cho người bệnh
Khi nào gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của chứng ngưng thở khi ngủ hoặc các triệu chứng nguy hiểm khác khi ngủ như đau tim, đột quỵ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nên đi khám ngay nếu có các triệu chứng của ngưng thở khi ngủ
Chẩn đoán
Các xét nghiệm để phát hiện ngưng thở khi ngủ bao gồm:
- Đa ký giấc ngủ về đêm: Là phương pháp hữu dụng nhất để chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ. Máy sẽ ghi lại được tất cả những thay đổi sinh lý như điện não, điện tim, điện cơ mắt, điện cơ chân, chuyển động cơ hô hấp, tiếng ngáy,… xảy ra trong suốt giấc ngủ.
- Nội soi ống mềm khi ngủ: Là phương pháp khảo sát cần thiết để xác định chính xác vùng tắc nghẽn và mức độ tắc nghẽn khi ngủ. Người bệnh sẽ được gây mê và tiến hành nội soi kiểm tra chính xác vùng tắc nghẽn và mức độ tắc nghẽn khi ngủ để có thể tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất. [3]
Phương pháp đa ký giấc ngủ giúp chẩn đoán ngưng thở khi ngủ
Các bệnh viện có chuyên khoa Thần kinh uy tín
- Tại TP HCM: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố HCM, Bệnh viện Tâm Anh….
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa,…
Biện pháp phòng ngừa chứng ngưng thở khi ngủ
Để phòng ngừa mắc chứng ngưng thở khi ngủ, mọi người nên chú ý hơn đến sức khoẻ tổng quát thông qua các điều sau:
- Giữ cân nặng hợp lý: Việc tập thể dục và một chế độ ăn lành mạnh giúp tổng trạng cơ thể thay đổi bao gồm cả chất lượng giấc ngủ của bạn.
- Vệ sinh giấc ngủ: Vệ sinh giấc ngủ tốt hay còn gọi là xây dựng thói quen ngủ tốt, là những việc làm giúp bạn có giấc ngủ đủ chất lượng.
- Kiểm soát các bệnh nền: Việc kiểm soát tốt bệnh nền, đặc biệt là các bệnh lý hô hấp, bệnh tiểu đường, huyết áp, từ đó sẽ thay đổi sức khỏe của bạn một cách tích cực và giảm nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ.
- Thường xuyên kiểm tra sức khoẻ: Một năm bạn nên đi kiểm tra sức khỏe tổng quát 1-2 lần ngay cả khi bạn cảm thấy sức khỏe vẫn rất tốt.
Vệ sinh giấc ngủ tốt để phòng ngừa ngưng thở khi ngủ
Lưu ý khi bị ngưng thở khi ngủ
- Phối hợp với bác sĩ điều trị: khi tình trạng ngưng thở của bạn kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống bạn cần phải phối hợp điều trị với bác sĩ ngay.
- Vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị điều trị: Nếu bạn đang điều trị với các loại máy thở, hãy vệ sinh chúng định kì, nếu không sẽ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi…
- Tránh các hoạt động cần sự tỉnh táo cao: Khi thấy mệt mỏi, mất ngủ vào sáng hôm sau, hãy cẩn thận với các hoạt động cần sự tỉnh táo cao như lái xe, vận hành máy móc…
>>>>>Xem thêm: Các bước chăm sóc da khô đơn giản, hiệu quả giúp da ẩm mượt, tươi trẻ
Người bệnh nên tránh các công việc cần sự tỉnh táo cao
Bài viết trên đã cung cấp các phương pháp giúp chữa chứng ngưng thở khi ngủ. Để cải thiện và phòng ngừa bệnh hiệu quả, mọi người nên chú ý đến lối sống sinh hoạt lành mạnh và tập các thói quen ngủ tốt nhé!