Nhắc đến dược liệu dùng để trị bệnh cảm ho, hạ sốt thì không thể nào không nhắc đến Bạch chỉ. Bài viết sau đây sẽ nêu rõ bạch chỉ là gì và các lợi ích của nó đối với sức khỏe. Cùng theo dõi nhé
Bạn đang đọc: Bạch chỉ là gì? Những lợi ích của bạch chỉ đối với sức khoẻ
Bạch chỉ là một loại thảo dược lâu năm, có vị cay, hơi ngọt, tính ấm, ít độc. Dược liệu này từ lâu đã được xuất hiện trong bài thuốc Đông y có tác dụng hạ sốt, giảm đau, tiêu viêm,…. Dưới đây sẽ nói rõ các đặc điểm và lợi ích của bạch chỉ đối với sức khỏe, cùng tìm hiểu nhé.
Contents
Bạch chỉ là gì?
Giới thiệu sơ lược về Bạch chỉ
Bạch chỉ có tên khoa học là Radix Angelicae dahurica thuộc họ Hoa tán (Apiaceaea). Ngoài ra, người ta còn hay gọi bạch chỉ với các tên khác như: hương bạch chỉ, phong hương, hàng bạch chỉ, an bạch chỉ, bách chiểu, đỗ nhược,….
Đây là loại cây thuộc thảo, thân rỗng, sống lâu năm, chiều cao khoảng 1 – 1,5m. Mặt ngoài thân màu tím hồng hay màu xanh lục ánh sắc tía, không phân nhánh, đường kính tầm 2 – 3cm, Phần thân dưới nhẵn nhụi, phần trên gần cụm hoa có lông tơ ngắn.
Lá to, phát triển thành bẹ rộng, cuống dài khoảng 4 – 20cm,ôm lấy thân. Phiến lá hình lông chim màu xanh, xẻ 2 – 3 lần. Hai bên mép lá hình răng cưa, đường gân phía mặt trên được bao phủ một lớp lông tơ mềm, còn 2 mặt lá thì không có lông. Thùy hình trứng dài 2 – 6cm, rộng 1 – 3cm.
Hoa màu trắng có 5 cánh cong lên ở đầu, cụm hoa tán kép mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá, cuống chung dài 4 – 8cm, cuống tán dài 1cm. Quả bế đôi, hình bầu dục hơi dẹt, chiều dài khoảng 6mm. Thân, lá và rễ của cây có chứa tinh dầu thơm. Cây ra hoa kết quả vào tháng 5 – 7, ra quả tầm tháng 8-9 hằng năm.
Bạch chỉ phân bố chủ yếu ở vùng bắc ôn đới ấm, ưa sáng và ẩm. Nên khi trồng ở Việt Nam thường phải bố trí thời vụ gieo trồng vào lúc nhiệt độ chưa cao, thường là vào Đông-Xuân. Cây được di thực và trồng tập trung ở các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hưng Yên,…
Bộ phận dùng của Bạch chỉ
Bộ phận dùng để làm thuốc của bạch chỉ là rễ củ. Rễ hình chùy, có hình dạng thẳng hoặc cong, dài 10cm đến 20cm, đường kính phần to nhất là 3cm. Mặt ngoài rễ củ có màu vàng nhạt, có nhiều vết nhăn dọc và nhiều lỗ vỏ lồi lên thành những vết sần ngang. Mặt cắt ngang của rễ có màu trắng hay trắng ngà, thể chất cứng, có nhiều bột. Mùi thơm hắc, vị cay hơi đắng.
Khi dùng làm thuốc rễ sẽ được thu hoạch khi trời khô ráo, lúc đào tránh xây sát vỏ hoặc làm gãy. Sau khi rửa sạch để ráo nước, cho vào lò xông 1 ngày đêm rồi đem phơi hoặc sấy. Khi khô, xông thêm 1 lần nữa. Dược liệu sau khi chế biến là những phiến dày hơi tròn, mặt ngoài màu nâu xám hoặc vàng.
Thành phần hóa học của Bạch chỉ
Thành phần hóa học chính của rễ củ bạch chỉ là các dẫn chất coumarin. Ngoài scopoletin là một coumarin đơn giản, tất cả các chất còn lại trong bạch chỉ đều thuộc nhóm 6,7-furanocoumarin. Đó là bergapten, imperatorin, isoimperatorin, oxypeucedanin, neobyak angelicol, xanthotoxin, byak-angelicin…..Ngoài ra trong rễ củ còn có tinh dầu, B-sitosterol, acid béo, các dẫn chất polyacetylen,…..
Những lợi ích của Bạch chỉ đối với sức khỏe
Tìm hiểu thêm: 15 cách giúp xương chắc khỏe ngay tại nhà bạn nên biết
>>>>>Xem thêm: Phòng Covid-19 hiệu quả hơn khi dùng kính gọng thay cho kính áp tròng
Tác dụng theo Đông y
Bạch chỉ là vị thuốc tính ấm, vị cay, nên trong Đông y người ta thường dùng nó để: hạ sốt giảm đau, dùng điều trị cảm cúm, sốt xuất huyết, đau nhức đầu, đau răng, đau bụng kinh. Ngoài ra, còn dùng chữa đau khớp xương, viêm tuyến vú, mụn nhọt mưng mủ, vết thương do va đập.
Tác dụng theo y học hiện đại
– Tác dụng kháng khuẩn: Bằng phương pháp khuếch tán thuốc trên môi trường nuôi cấy vi khuẩn, nước sắc và cao chiết từ bạch chỉ có tác dụng ức chế sự phát triển của phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn tán huyết, tụ cầu vàng, trực khuẩn subtilis, trực khuẩn lỵ Shigella shiga, tràng cầu khuẩn, phẩy khuẩn tả và trực khuẩn thương hàn
– Tác dụng hạ sốt, giảm đau: Trên thỏ được gây sốt bằng cách tiêm pepton, nước sắc bạch chỉ có tác dụng hạ sốt rõ rệt. Trên mô hình gây quặn đau bằng cách tiêm xoang bụng dung dịch acid acitic 0.6%, bạch chỉ dùng với liều 10g/kg có tác dụng giảm đau, thể hiện giảm số lần quặn đau một cách có ý nghĩa.
– Tác dụng chống viêm: Với mô hình gây phù chân chuột cống trắng bằng kaotin, bạch chỉ với liều dùng 10g/kg có tác dụng chống viêm. Coumarin toàn phần chiết từ bạch chỉ có tác dụng chống viêm khớp thực nghiêm do albumin hoặc formaldehyd gây nên.
– Tác dụng kích thích trung khu thần kinh: Chất angelicotoxin chiết xuất từ bạch chỉ dùng liều thấp có tác dụng kích thích các trung khu vận mạch như: hô hấp, thần kinh phế vị, tủy sống gây huyết áp tăng cao, nhịp tim chậm, hô hấp sâu. Dùng liều cao gây co giật, cuối cùng là liệt toàn thân.
Trên đây là một số thông tin hữu ích về cây Bạch chỉ. Mong rằng mọi người có thêm thông tin để giúp ích cho sức khỏe. Hãy tham khảo bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi sử dụng để có kết quả tốt.
Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1 (p127-131), Dược liệu học tập 1 (p453-457)
Có thể bạn quan tâm:
>>>>> Tác dụng của bạch chỉ trong làm đẹp da
>>>>> Liều dùng, cách dùng, lưu ý khi sử dụng bạch chỉ