Gấc là loại quả vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam, thường được dùng tạo màu trong các món ăn truyền thống như xôi, bánh, mứt,…Hơn thế nữa, các thành phần dinh dưỡng trong gấc mang lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về tác dụng của quả gấc qua bài viết sau nhé!
Bạn đang đọc: Quả gấc có tác dụng gì? 8 tác dụng của quả gấc có thể bạn chưa biết
Contents
Hỗ trợ chống ung thư
Trong quả gấc có hàm lượng carotenoid cao, đặc biệt là lycopene và beta-carotene. Những carotenoid này là các chất chống oxy hóa tự nhiên giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư.
Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật cho thấy chiết xuất nước từ gấc chứa một loại protein có khả năng ức chế sự phát triển của dòng tế bào ung thư biểu mô ruột kết, làm giảm mật độ hệ thống mạch máu xung quanh các tế bào ung thư.[1]
Gấc có tác dụng hỗ trợ chống ung thư
Chống thiếu máu
Gấc chứa nhiều sắt, vitamin C và axit folic hỗ trợ điều trị và giảm tình trạng thiếu máu, đặc biệt trên đối tượng phụ nữ có thai và phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt. Tốt nhất, nên tìm nguyên nhân gây bệnh thiếu máu và thăm khám bác sĩ để đưa ra phương pháp điều trị, không nên lạm dụng gấc.
Gấc chứa nhiều sắt, vitamin C và axit folic nên rất có ích trong việc chống thiếu máu
Giúp giảm mức cholesterol
Dầu gấc chứa nhiều các axit béo không bão hòa giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng như beta-carotene, các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K) tốt hơn.
Các axit béo không no giúp giảm lượng cholesterol LDL, giảm nguy cơ hình thành huyết khối và các bệnh lý tim mạch. Hơn nữa, các chất omega 3,6,9 trong gấc cần thiết cho sự phát triển chức năng thị giác và hệ thần kinh.
Các axit béo không no trong gấc giúp giảm mức cholesterol LDL
Ngăn ngừa các bệnh tim mạch
Quả gấc chứa nhiều chất chống oxy hóa (carotenoid, vitamin C, E, omega 3,…) giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch, làm bền thành mạch, chống xơ vữa động mạch từ đó chống được bệnh tai biến, mang lại hệ tuần hoàn khoẻ mạnh. Nên ăn loại quả này kết hợp với lối sống khoa học, lành mạnh để sức khỏe tim mạch của bạn được cải thiện đáng kể.
Các chất chống oxy hóa trong gấc giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch
Cải thiện thị lực
Gấc rất có lợi cho việc tăng cường thị lực. Beta-carotene (tiền chất của vitamin A) và các chất khác có trong loại quả này giúp bảo vệ võng mạc, phòng ngừa bệnh khô mắt và thoái hóa điểm vàng ở người già. Bên cạnh đó, dầu gấc có tác dụng như Vitamin A để bảo vệ mắt cho trẻ em khỏi bệnh quáng gà.
Gấc giàu vitamin A giúp đôi mắt sáng khoẻ và phòng ngừa bệnh khô mắt.
Chống trầm cảm
Gấc khi được tiêu thụ thường xuyên sẽ giúp khắc phục tình trạng trầm cảm vì trong thành phần của gấc rất giàu selen, omega 3, khoáng chất và vitamin, đây là dưỡng chất quan trọng đối với hệ thần kinh, giúp bảo vệ sức khoẻ tinh thần toàn diện.
Gấc hỗ trợ chống trầm cảm
Ngăn ngừa lão hóa
Các chất chống oxy hóa trong gấc giúp ức chế quá trình lão hóa và duy trì vẻ ngoài trẻ trung của mọi người. Các chất như vitamin C giúp hỗ trợ tái cấu trúc collagen dưới da, cũng như ngăn ngừa sự xuất hiện của các nếp nhăn. Vitamin E từ dầu màng hạt gấc có tác dụng chống lão hoá tế bào và thường được dùng nhiều trong sản xuất dược mỹ phẩm như kem dưỡng da, son môi.
Tìm hiểu thêm: Chứng rụng tóc ở nữ tuổi dậy thì
Các chất chống oxy hóa trong gấc giúp ức chế quá trình lão hóa
Chống lại u xơ tuyến tiền liệt
Nghiên cứu cho thấy, nguy cơ tiến triển thành ung thư tuyến tiền liệt giảm khi tăng lượng lycopene, carotenoid nạp vào cơ thể [2]. Vì vậy, việc bổ sung gấc vào chế độ ăn uống có thể giúp chống lại các vấn đề về phì đại tuyến tiền liệt.
Ăn gấc thường xuyên giúp chống lại các vấn đề về phì đại tuyến tiền liệt
Tác hại của quả gấc
Gấc chứa nhiều dạng tiền vitamin A (beta-carotene) khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A. Vitamin A tan trong dầu, khi thừa sẽ không thải ra khỏi cơ thể như các loại vitamin tan trong nước, tích luỹ lại trong gan và các mô mỡ nên nếu sử dụng thường xuyên, trong thời gian dài có thể gây ngộ độc.
Nếu ăn, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu beta-carotene sẽ gây vàng da. Nhưng bạn đừng quá lo lắng, tình trạng vàng da sẽ thuyên giảm dần nếu bạn ngừng ăn gấc và các loại thực phẩm khác chứa beta-carotene.
Đối với trẻ em, khi tiêu thụ vượt quá lượng vitamin A cần thiết cho cơ thể, trẻ thường tăng chảy máu, đau xương, kìm hãm sự phát triển xương làm trẻ chậm lớn.
Đối với người lớn, khi lạm dụng vitamin A hoặc tiền chất vitamin A sẽ có các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi và rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ.
Ăn quá nhiều gấc sẽ gây vàng da
Lưu ý khi sử dụng gấc
Không nên bỏ màng đỏ quanh hạt gấc
Nhiều người có thói quen khi chế biến hay ăn sẽ bỏ lớp màng quanh hạt gấc đi. Tuy nhiên, lớp màng này lại chứa rất nhiều lycopene, beta-carotene có tác dụng tương tự vitamin A giúp hỗ trợ điều trị chứng khô mắt và tăng cường thị lực.
Màng hạt gấc chứa nhiều vitamin E chống sạm da, rụng tóc
Cẩn thận khi dùng hạt gấc
Theo Y học cổ truyền, hạt gấc có vị đắng lẫn một chút vị ngọt nhẹ, tính ôn và có độc tính. Nó thường được dùng để trị các bệnh ung thũng, mụn nhọt, lở loét, sưng đau…
Hạt gấc có thể được chế biến thành thuốc viên hay tán bột uống. Liều dùng từ 0,8 – 1,2g/ngày.
Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng hạt gấc làm thuốc uống một cách bừa bãi mà không tuân theo toa của bác sĩ, dược sĩ. Bạn có thể dùng làm thuốc bôi ngoài da, liều lượng nên trong khoảng 2 – 4g/ngày trong trường hợp bị mụn nhọt, lở loét. Hơn nữa, khi dùng phải nướng chín hạt.
Cẩn thận khi dùng hạt gấc
Cách chọn và bảo quản gấc
Bạn nên chọn những quả có hình tròn đều, cuống quả còn xanh tươi, gai nở, vỏ ngoài màu đỏ cam, cầm chắc tay và còn nguyên quả, không bị vỡ hoặc giập.
Để bảo quản gấc được lâu, bạn hãy làm theo các bước sau:
- Bổ đôi quả gấc, dùng thìa tách thịt gấc ra khỏi vỏ.
- Lấy hạt gấc ra khỏi phần thịt.
- Chia nhỏ gấc thành từng phần cho vào màng bọc thực phẩm hoặc túi nylon kín.
- Cho gấc vào ngăn đông tủ lạnh. Khi dùng rã đông bình thường. Nếu chỉ bảo quản gấc ở ngăn mát tủ lạnh thì dùng trong 1 tuần, nhưng nếu đông lạnh gấc có thể dự trữ được một năm.
Cách dùng dầu gấc
Bạn cũng có thể chế biến quả gấc thành dầu gấc để dùng dần. Người lớn chỉ nên dùng 1 – 2ml/ngày, chia làm 2 lần, dùng trước bữa ăn.
Khi sử dụng dầu gấc thì không nên ăn đồng thời các thực phẩm giàu beta-carotene (bí đỏ, cà rốt, đu đủ…) trong cùng ngày hoặc liên tục trong một thời gian, để tránh gây vàng da.
Không nên dùng dầu gấc để rán, vì nhiệt độ cao sẽ phá hủy beta-carotene. Bạn nên trộn với thức ăn đã chế biến hoặc sử dụng thay dầu cá, khoảng 10g/ngày (2 thìa cà phê). Nếu là dầu gấc nguyên chất chiết xuất từ màng hạt gấc thì liều cho trẻ em hàng ngày chỉ cần 8 giọt.
Bạn có thể chế biến quả gấc thành dầu gấc để dùng dần
Cách dùng nhân hạt gấc trị mụn nhọt
Hạt gấc có thể dùng để uống (1 nhân đã nướng chín/ngày), nhưng chủ yếu là dùng bôi ngoài. Nhiều gia đình có thói quen giữ lại hạt gấc sống hoặc đã qua đồ xôi, khi cần sử dụng chẻ đôi hạt đem mài với rượu hoặc giấm bôi lên chỗ sưng đau do mụn nhọt.
Bạn nên bôi nhiều lần trong ngày, khi khô bôi thêm hoặc giã nhân hạt gấc trộn với một ít rượu đắp lên chỗ sưng, đắp liên tục, ngày thay thuốc một lần thì sẽ chóng khỏi mụn nhọt sưng đau.
>>>>>Xem thêm: 16 tác dụng của quả dứa đối với sức khỏe bạn không thể ngờ đến
Cách dùng nhân hạt gấc trị mụn nhọt
Trên đây là bài viết về tác dụng của quả gấc đối với sức khoẻ cũng như các lưu ý khi sử dụng gấc. Ngoài làm các món ăn quen thuộc, gấc còn được xem là dược liệu gần gũi, dễ chế biến, dễ tìm. Đừng quên chia sẻ thêm cho bạn bè và người thân cùng biết nhé!
Nguồn: Tracuuduoclieu, Healthbenefitstimes