Cà chua là loại thực phẩm rất quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam. Ngoài ra, cà chua là một “siêu thực phẩm” giàu chất dinh dưỡng mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Hãy cùng tìm hiểu cà chua có tác dụng gì đối với sức khỏe của chúng ta qua bài viết sau nhé!
Bạn đang đọc: Ăn cà chua có tác dụng gì? 10 công dụng của cà chua bạn cần biết
Contents
- 1 Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
- 2 Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư
- 3 Hỗ trợ huyết áp
- 4 Hỗ trợ bệnh tiểu đường
- 5 Tăng cường chức năng miễn dịch
- 6 Cải thiện tình trạng táo bón
- 7 Hỗ trợ sức khỏe sinh sản ở nam giới
- 8 Cải thiện sức khỏe mắt
- 9 Bảo vệ sức khỏe thai nhi
- 10 Chăm sóc làn da
- 11 Tác hại khi ăn nhiều cà chua
- 12 Lưu ý khi ăn cà chua
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Một nghiên cứu trên nam giới ở tuổi trung niên cho thấy nồng độ lycopene và beta-carotene trong máu thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.[1]
Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy bổ sung lycopene và các sản phẩm từ cà chua có thể giúp giảm cholesterol LDL (có hại), giảm nguy cơ hình thành huyết khối và các bệnh lý tim mạch.[2]
Ngoài ra, các chất chống oxy hóa có trong cà chua giúp chống viêm và các dấu hiệu của stress oxy hóa, từ đó bảo vệ lớp nội mạc mạch máu và giảm nguy cơ đông máu.
Cà chua giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư
Các nghiên cứu quan sát đã ghi nhận mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà chua và các sản phẩm từ cà chua với việc giảm tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và ung thư dạ dày.[3]
Một nghiên cứu ở phụ nữ cho thấy rằng nồng độ cao các carotenoid, chất được tìm thấy với hàm lượng lớn trong cà chua, có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại ung thư vú.[4]
Cà chua giúp hỗ trợ ngăn ngừa ung thư, trong đó có ung thư dạ dày
Hỗ trợ huyết áp
Kiểm soát tốt lượng natri trong máu giúp duy trì mức huyết áp ổ định. Tuy nhiên, việc tăng lượng kali nạp vào cơ thể có thể cũng quan trọng do tác dụng giãn động mạch, làm giảm căng thẳng trong thành mạch máu. Lượng kali cao và lượng natri thấp trong máu có thể giảm 20% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.[5]
Trong thành phần của cà chua chứa lượng lớn kali (193mg/100g cà chua tươi) và chỉ cung cấp một lượng nhỏ natri (5mg/100g cà chua tươi). Chính vì vậy, cà chua có tác dụng rất tốt trong việc hỗ trợ kiểm soát huyết áp.
Cà chua hỗ trợ duy trì huyết áp ở mức mục tiêu
Hỗ trợ bệnh tiểu đường
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc bệnh tiểu đường típ 2, sau khi thay đổi sang chế độ ăn giàu chất xơ hơn, có thể thấy được sự cải thiện lượng đường, nồng độ lipid và insulin trong máu.[6]
Như đã đề cập ở trên, 100g cà chua cung cấp khoảng 1,2g chất xơ không hòa tan. Do đó, ăn cà chua cũng là một cách giúp bổ sung chất xơ cho cơ thể, hỗ trợ độ nhạy insulin giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Cà chua hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Tăng cường chức năng miễn dịch
Cà chua cung cấp khá nhiều vitamin C, một chất có khả năng chống oxy hóa, chống viêm và ngăn ngừa sự tấn công của vi sinh vật có hại. Theo ước tính, mỗi quả cà chua có thể cung cấp tới 28% lượng vitamin C tối thiểu được khuyến nghị hàng ngày. Do đó, việc bổ sung loại quả này sẽ giúp tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể.
Ăn cà chua giúp tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể
Cải thiện tình trạng táo bón
Cà chua chứa các chất xơ không hòa tan, rất khó tiêu hóa nên chúng sẽ nằm lại trong đường tiêu hóa mà không được hấp thu. Các chất này sẽ hấp thụ chất lỏng và bám vào các sản phẩm phụ khác của quá trình tiêu hóa.
Sự hiện diện của chất xơ không hòa tan làm tăng tốc độ di chuyển và xử lý chất thải, giúp ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn đường tiêu hóa gây táo bón hoặc tình trạng giảm nhu động ruột.
Cà chua giúp cải thiện tình trạng táo bón
Hỗ trợ sức khỏe sinh sản ở nam giới
Lycopene và các chất chống oxy hóa khác có trong cà chua giúp cải thiện số lượng và chất lượng của tinh trùng. Một nghiên cứu cho thấy, uống nước ép cà chua thường xuyên dường như cải thiện khả năng vận động của tinh trùng ở những bệnh nhân vô sinh.[7]
Tìm hiểu thêm: 8 thói quen giữ vùng kín sạch sẽ, an toàn cho phái đẹp
Lycopene và các chất chống oxy hóa khác có trong cà chua giúp cải thiện số lượng và chất lượng của tinh trùng
Cải thiện sức khỏe mắt
Cà chua là một loại thực phẩm giàu lycopene, lutein và beta-carotene. Đây là những chất chống oxy hóa có khả năng bảo vệ mắt dưới tác động của tia UV, ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác.
Cà chua giúp cải thiện sức khỏe mắt
Bảo vệ sức khỏe thai nhi
Việc cung cấp lượng folate đầy đủ là điều cần thiết trước và trong quá trình mang thai để ngăn ngừa nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ có thai có thể bổ sung axit folic thông qua thực phẩm chức năng hoặc ăn các thực phẩm giàu chất này.
Cà chua là nguồn cung cấp folate tự nhiên tuyệt vời. Bạn có thể cân nhắc thêm cà chua vào khẩu phần ăn hàng ngày nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai trong tương lai gần.
Axit folic trong cà chua giúp ngăn ngừa nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh
Chăm sóc làn da
Collagen là một thành phần thiết yếu của da, tóc, móng và mô liên kết. Vitamin C đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất pro-collagen, tiền chất của cơ thể để tạo ra collagen.
Ngoài ra, vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, nên việc tiêu thụ ít sản phẩm hoặc thực phẩm chứa vitamin C có liên quan đến việc gia tăng các tổn thương trên da do ánh sáng mặt trời, ô nhiễm và khói thuốc.
Thiếu vitamin C có thể khiến hình thành các nếp nhăn, da bị chảy xệ, kém đàn hồi,…Do đó, bổ sung đầy đủ vitamin C là rất quan trọng.
Cà chua là một trong những loại thực phẩm giàu vitamin C. Vì vậy, việc bổ sung loại quả này sẽ giúp bảo vệ làn da của bạn, giữ cho da luôn đàn hồi, tươi trẻ.
Ăn cà chua giúp bảo vệ làn da của bạn, giữ cho da luôn đàn hồi, tươi trẻ
Tác hại khi ăn nhiều cà chua
- Trào ngược axit: Cà chua có hàm lượng axit cao. Vì vậy, khi ăn quá nhiều cà chua, bạn có thể bị ợ hơi, ợ chua, chướng bụng khó tiêu do dư thừa axit trong dạ dày.
- Các vấn đề liên quan đến thận: Cà chua là một trong những thực phẩm giàu axit oxalic. Việc hấp thụ thường xuyên chất này là nguyên nhân chính gây nên sỏi thận. Ngoài ra, cà chua chứa nhiều kali, mà những người mắc bệnh thận mãn tính tiến triển phải hạn chế lượng kali nạp vào cơ thể để tránh làm nặng thêm tình trạng của bệnh.
- Hội chứng ruột kích thích (IBS): Do vỏ và hạt cà chua có thể gây kích ứng đường ruột dẫn tới hội chứng ruột kích thích. Cà chua cũng là một trong những loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất có thể gây ra các vấn đề trên đường ruột. Vì vậy, tốt nhất bạn nên ăn cà chua ở mức độ vừa phải.
- Đau khớp: Ăn quá nhiều cà chua có thể dẫn đến sưng và đau khớp vì trong thành phần của loại quả này chứa một loại alkaloid tên là solanine. Solanine khiến tích tụ canxi trong các mô và sau đó dẫn đến viêm khớp.
- Dị ứng và nhiễm trùng: Hợp chất histamin trong cà chua có thể dẫn đến phát ban da hoặc phản ứng dị ứng. Do đó, nếu bạn bị dị ứng với cà chua, thì bạn có thể bị sưng miệng, lưỡi và mặt, hắt hơi và nhiễm trùng cổ họng. Bên cạnh đó, cà chua cũng có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng. Da bạn sẽ trở nên ngứa dữ dội và sưng tấy chỉ bằng cách chạm vào loại quả này.
- Lycopenodermia: Lycopenodermia là thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng cơ thể dư thừa nhiều lycopene. Sắc tố này đặc biệt nhiều trong quả cà chua chín. Nếu bình thường, lycopene đóng vai trò là chất chống oxy hóa, chống ung thư rất tốt cho cơ thể thì khi bạn tiêu thụ vượt quá 75 mg chất này mỗi ngày, chúng sẽ làm tăng nguy cơ biến tính bạch cầu, gây nên bệnh ung thư máu.
Khi ăn quá nhiều cà chua, bạn có thể bị ợ hơi, ợ chua, chướng bụng khó tiêu do dư thừa axit trong dạ dày
Lưu ý khi ăn cà chua
Ai không nên ăn cà chua?
Như bất kỳ thực phẩm tươi sống nào, cà chua sống có thể chứa các vi khuẩn như Listeria hoặc Salmonella và hàm lượng các chất bảo vệ thực vật tồn dư dẫn đến các bệnh do thực phẩm gây ra.
Đây là mối quan tâm lớn đối với những người: đang mang thai, trên 65 tuổi, dưới 5 tuổi, đang có vấn đề về sức khỏe (bệnh tiểu đường, bệnh gan hoặc thận, HIV,…) hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, bạn nên rửa sạch, nấu chín cà chua trước khi ăn.
Ngoài ra, cà chua có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng hiện có như trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Hãy trao đổi với bác sĩ, dược sĩ để xác định xem bạn có cần hạn chế ăn cà chua để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ của bạn.
Để giảm thiểu rủi ro, bạn nên rửa sạch, nấu chín cà chua trước khi ăn
Ăn hạt cà chua có tốt không?
Ăn cà chua cả hạt ở mức vừa phải sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng những người bị các vấn đề về đường tiêu hóa phải tránh ăn cà chua sống hoặc hạt cà chua vì bản chất axit của nó có thể gây ra chứng ợ chua và có tác dụng phụ đối với hệ tiêu hóa.
Ngoài ra, người ta cũng lo ngại rằng, trong quá trình tiêu hóa thức ăn, hạt cà chua có thể lọt vào ruột thừa dễ gây viêm ruột thừa.
>>>>>Xem thêm: Mì cay bao nhiêu calo? Ăn mì cay có béo không? Cách ăn ít tăng cân
Hạt cà chua cũng như hạt ổi, rất khó tiêu hóa sẽ tích lại trong đường ruột
Trên đây là bài viết về tác dụng của quả cà chua cũng như các lưu ý khi ăn. Bên cạnh việc bổ sung cà chua trong chế độ ăn uống, bạn cũng nên ăn đủ các nhóm chất, thường xuyên vận động và khám sức khoẻ định kỳ nhé!
Nguồn: Medicalnewstoday, Healthline