Sorbitol là một chất phụ gia tạo vị ngọt được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp thực phẩm như bánh, kẹo, đồ uống,… Ngoài ra, sorbitol còn là thuốc nhuận tràng trong y học. Cùng tìm hiểu rõ hơn về tác dụng của sorbitol cũng như cách sử dụng an toàn!
Bạn đang đọc: Sorbitol có tác dụng gì? Sử dụng có an toàn không?
Contents
Sorbitol là gì?
Sorbitol còn được gọi là glucitol hay rượu đường (polyols) có bản chất là carbohydrat. Loại đường này có độ ngọt bằng 60% và chứa khoảng 2/3 lượng calo so với đường ăn thông thường.
Trong tự nhiên, hợp chất này được tìm thấy và có thể chiết xuất được từ các loại trái cây có vị ngọt như táo, mơ, lê, đào, mận,… Trong ngành công nghiệp, sorbitol chủ yếu được sản xuất bằng cách hydro hóa glucose.[1]
Sorbitol chủ yếu được sản xuất bằng cách hydro hóa đường glucose trong công nghiệp
Sorbitol có tác dụng gì?
Sorbitol được biết đến với 2 vai trò chính dưới đây:
Chất tạo ngọt trong thực phẩm, đồ uống
Sorbitol thường được biết đến với vai trò là chất tạo ngọt trong bánh, kẹo, đồ uống,… với ưu điểm dùng được cho người mắc bệnh tiểu đường. Nhờ vị ngọt thanh mát, dễ chịu cùng khả năng giữ ẩm, sorbitol giúp duy trì độ tươi ngon của sản phẩm trong quá trình bảo quản.
Một số ưu điểm của sorbitol trong công nghiệp thực phẩm:
- Ít năng lượng (calo): Sorbitol chứa khoảng 2/3 lượng calo và 60% độ ngọt so với đường glucose thông thường. 1 gram sorbitol cung cấp 2,6 calo trong khi glucose cung cấp 4 calo mỗi gram.
- Ít ảnh hưởng đến đường huyết: Sorbitol được thêm vào nhiều thực phẩm cho người tiểu đường với công dụng tạo ngọt. Loại đường này được hấp thu chậm nên ít gây ảnh hưởng đến đường máu và sự đáp ứng insulin của cơ thể.
- Giảm nguy cơ sâu răng: Vi khuẩn trong khoang miệng phân hủy tinh bột, giải phóng axit có thể ăn mòn men răng và gây sâu răng. Tuy nhiên, sorbitol khá bền vững trước sự tấn công của vi khuẩn và không bị lên men, do đó, sorbitol giảm nguy cơ sâu răng so với các loại đường khác.
Sorbitol được dùng làm chất tạo ngọt trong công nghiệp thực phẩm
Dược phẩm
Sorbitol là thuốc nhuận tràng dùng trong điều trị táo bón. Nó được xếp vào nhóm nhuận tràng thẩm thấu nhờ hút nước vào lòng ruột, làm mềm phân và tăng nhu động ruột từ đó dễ dàng đào thải. Người dùng có thể đi ngoài được sau khoảng 15 – 30 phút khi dùng đường đặt hậu môn và 1 – 4 giờ khi dùng đường uống.
Sorbitol được sử dụng trong điều trị táo bón hoặc dùng trong thủ thuật cần thụt tháo phân để làm sạch khung đại tràng. Loại dược phẩm này an toàn cho cả trẻ em và người lớn, tuy nhiên người dùng cần tuân thủ về liều lượng và thời gian sử dụng để hạn chế các tác dụng phụ.
Sorbitol có tác dụng làm mềm phân và hỗ trợ điều trị táo bón
Tác dụng phụ của Sorbitol
Dùng quá nhiều sorbitol sẽ kéo một lượng nước lớn vào trong lòng ruột, dẫn đến phân lỏng quá mức, có thể gây đầy hơi và tiêu chảy. Ngoài ra, cơ thể bị mất lượng nước lớn qua phân có thể biểu hiện triệu chứng mất nước và rối loạn điện giải như mệt mỏi, khô miệng, khát nước, khó chịu ở bụng,…
Ngoài ra, sorbitol còn có thể gây một số tác dụng phụ như co thắt dạ dày, đau quặn bụng, buồn nôn. Các triệu chứng trên thường ít gặp, chủ yếu do chưa quen dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu các tác dụng phụ này tiến triển nặng hoặc kéo dài, hãy ngừng thuốc và đến gặp bác sĩ, dược sĩ.
Dị ứng với sorbitol rất hiếm xảy ra, nhưng nếu bạn có các triệu chứng của dị ứng, bạn phải ngay lập tức đến các cơ sở y tế gần nhất. Triệu chứng của phản ứng dị ứng bao gồm phát ban, ngứa, sưng môi, nề mi mắt, chóng mặt, khó thở.[2]
Tìm hiểu thêm: 8 dấu hiệu u não nguy hiểm và cách chẩn đoán bệnh chính xác
Dùng quá nhiều sorbitol gây tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa
Liều dùng an toàn của Sorbitol
Không có khuyến nghị chính thức về liều lượng cụ thể của sorbitol. Tuy nhiên, bạn không nên dùng quá 10 gram mỗi ngày để hạn chế tác dụng không mong muốn của sorbitol.[3]
Sorbitol được bào chế dưới dạng uống hoặc đặt trực tràng. Thuốc bột pha uống được đóng gói chứa 5 gram sorbitol hoặc dung dịch lỏng để uống chứa 70% sorbitol.
Điều trị triệu chứng khó tiêu: Dùng thuốc trước bữa ăn hoặc khi có triệu chứng khó tiêu, người lớn 1 – 2 gói mỗi ngày.
Điều trị táo bón:
- Gói pha uống: Người lớn dùng 1 gói (chứa 5 gram sorbitol) vào lúc đói, buổi sáng. Trẻ em dùng 1/2 liều người lớn. Ghi chú: Pha 1 gói trong 1/2 cốc nước, uống trước bữa ăn 10 phút.
- Dung dịch thụt trực tràng: Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: 120 ml dung dịch 20 – 30%. Trẻ em từ 2 – 11 tuổi: 30 – 60 ml dung dịch 20 – 30%.
- Dung dịch 70 % uống: Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Uống 30 – 150 ml. Trẻ em từ 2 – 11 tuổi: Uống 2 ml/kg.
Bạn có thể đi vệ sinh dễ dàng sau dùng sorbitol 15 phút – 1 giờ
Lưu ý khi dùng Sorbitol
Mặc dù sorbitol khá an toàn và ít khi gây tương tác với thuốc khác, bạn vẫn nên thông báo cho dược sĩ và bác sĩ những thuốc đang dùng để phòng tránh rủi ro có thể xảy ra. Một số thuốc cần lưu ý có thể gây tương tác với sorbitol:[4]
- Natri polystyren sulfonat: Tránh phối hợp cùng sorbitol vì có khả năng hoại tử đại tràng.
- Deflazacort: Dùng thận trọng vì cả sorbitol và thuốc này đều làm hạ kali máu.
- Lamivudine: Sorbitol sẽ làm giảm tác dụng của lamivudine.
- Thuốc nhuận tràng khác: Thận trọng khi sử dụng sorbitol kết hợp với các thuốc nhuận tràng khác vì làm tăng triệu chứng tiêu chảy dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải,…
Nếu bạn đang sử dụng sorbitol mà tình trạng táo bón chưa cải thiện, bạn có thể bổ sung chất xơ, uống nhiều nước và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Tốt nhất người dùng nên đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì hoặc tham khảo ý kiến chỉ dẫn của dược sĩ, bác sĩ.
Sử dụng phối hợp nhiều loại thuốc nhuận tràng có thể gây rối loạn tiêu hóa
Phụ nữ mang thai và cho con bú có dùng Sorbitol có an toàn không?
Sorbitol có bản chất carbohydrat, có thể dùng trên phụ nữ có thai và cho con bú. Đặc biệt, loại đường này được tin dùng với nhiều mẹ bỉm gặp tình trạng táo bón ở những tháng cuối thai kỳ.
Tuy nhiên, mẹ bầu nên tuân thủ liều dùng và không nên quá phụ thuộc thuốc nhuận tràng để hỗ trợ tiêu hóa. Nếu gặp phải tình trạng táo bón trong thai kỳ, mẹ bỉm nên uống nhiều nước, bổ sung chất xơ và tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa.
>>>>>Xem thêm: Phòng ngừa và điều trị bệnh Zika
Mẹ bầu nên kết hợp bổ sung chất xơ, uống nhiều nước và tránh lạm dụng sorbitol
Như vậy, sorbitol vừa được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp thực phẩm vừa là một loại dược phẩm thông dụng. Hãy chia sẻ những thông tin hữu ích trên đến mọi người xung quanh bạn nhé!