Bệnh tay chân miệng là một bệnh lý truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của trẻ. Vậy biến chứng tay chân miệng nguy hiểm ra sao? Hãy cùng tìm hiểu thông tin này qua bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: Các biến chứng tay chân miệng cực kỳ nguy hiểm bạn nên biết
Contents
Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút thuộc chi Entervirus gây ra và lây lan qua đường phân – miệng. Bệnh dễ chuyển biến thành dịch do xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ đặc biệt đối với trẻ từ 2 – 5 tuổi.
Việt Nam được biết đến là một trong những vùng dịch tễ tay chân miệng với cao điểm rơi vào các giai đoạn chuyển mùa từ tháng 2 – tháng 4 và tháng 9 – tháng 12 hằng năm.
Đây là một bệnh nguy hiểm, có nhiều biến chứng và có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, việc đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ là vô cùng cần thiết. [1]
Tay chân miệng là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do các vi-rút thuộc nhóm Entervirus gây nên
Biến chứng tay chân miệng thường xuất hiện khi nào?
Trong đa số các trường hợp, trẻ chỉ có biểu hiện sốt hoặc tổn thương ở da, niêm mạc thông qua các vết loét, bóng nước sau đó bệnh tự khỏi. Tuy nhiên một khi xuất hiện các biến chứng thì bệnh sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm và để lại nhiều di chứng nghiêm trọng về sau.
Các nhóm biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh trung ương với biểu hiện tiêu biểu là giật mình và biến chứng hô hấp, tuần hoàn, ở tình trạng nặng nề nhất là ngưng tim ngưng thở.
Các biến chứng này thường xuất hiện trong thời kỳ toàn phát của bệnh, tức là vào khoảng ngày thứ 5 – ngày thứ 7 sau khi khởi phát triệu chứng đầu tiên, vì vậy đây cũng được gọi là giai đoạn nguy hiểm trong bệnh tay chân miệng. [1]
Biến chứng tay chân miệng thường xảy ra vào ngày thứ 5 – 7 của bệnh
Những biến chứng của bệnh tay chân miệng
Biến chứng thần kinh
Không như nhiều người vẫn cho rằng giật mình là một biểu hiện thông thường khi mắc bệnh, thực chất đây chính là triệu chứng đầu tiên cho thấy trẻ đang có biến chứng ở hệ thần kinh trung ương.
Vì vậy, khi bệnh nhi có biểu hiện này cần được theo dõi và chăm sóc y tế phù hợp để hạn chế bệnh tiến triển nặng nề hơn. Một số biến chứng thần kinh trung ương có thể kể đến như viêm màng não, viêm thân não, viêm não – tủy, liệt mềm cấp, rối loạn hệ thần kinh thực vật,…
Dù là biểu hiện dưới dạng nào thì khi xảy ra đều sẽ để lại những di chứng nặng nề, thậm chí là không hồi phục về sau, gây cản trở cho sự phát triển của trẻ cả về mặt thể chất lẫn trí tuệ trong tương lai. [2]
Biến chứng thần kinh có thể dẫn tới nhiều di chứng không phục hồi
Biến chứng tim mạch, hô hấp
Biến chứng tim mạch, hô hấp thường xảy ra trong tình trạng có tổn thương vùng thân não và thường xuất hiện theo sau rối loạn ở hệ thần kinh thực vật – tức là rối loạn về điều chỉnh nhịp tim và nhịp thở.
Biểu hiện của các biến chứng như thở nhanh, thở bụng, cơn ngưng thở, thở rít hay co lõm ngực và nhanh chóng dẫn đến tình trạng suy hô hấp khiến trẻ tím tái, giảm độ bão hòa oxy máu, giảm cung cấp oxy cho các cơ quan.
Đồng thời, rối loạn nhịp tim, giảm chức năng co bóp cơ tim cũng diễn ra, nặng nề hơn có thể khiến bệnh nhân rơi vào suy tim cấp hay phù phổi cấp.
Nếu các tình huống này không được can thiệp kịp thời, ngừng hô hấp tuần hoàn và tử vong sẽ là kết cục không thể tránh khỏi. Do đó việc theo dõi sát bệnh nhi tay chân miệng, đặc biệt là trẻ có dấu hiệu chuyển biến nặng là vô cùng cần thiết. [2]
Rối loạn về điều chỉnh nhịp tim, nhịp thở là biến chứng thường gặp
Biến chứng đối với thai kỳ
Tương tự như nhiễm các loại vi-rút khác, thai phụ nhiễm vi-rút tay chân miệng hoàn toàn có thể gặp một số bất lợi do độc lực của chúng gây ra, dù xác suất là rất thấp.
Tuy chưa có bằng chứng xác thực, nhưng một số trường hợp cho thấy rằng tỉ lệ sảy thai hoặc thai chết lưu có thể tăng nhẹ nếu người mẹ nhiễm vi-rút tay chân miệng trong quá trình mang thai.
Ngoài ra, nếu nhiễm chủng vi-rút này trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ cũng tăng lên. Điều đáng mừng là trong hầu hết các trường hợp, thai phụ nhiễm tay chân miệng đều chỉ trải qua một số triệu chứng nhẹ và có thể vượt cạn thành công mà không xảy ra bất kỳ nguy hại gì cho cả mẹ và bé. [3]
Tìm hiểu thêm: Bệnh tuyến tiền liệt nên ăn gì? 8 thực phẩm tốt cho tuyến tiền liệt bạn nên biết
Nhiễm vi-rút tay chân miệng trong thời kỳ mang thai có thể gây sảy thai
Các biến chứng khác
Ngoài các biến chứng thần kinh và biến chứng tuần hoàn – hô hấp, một số biến chứng khác cũng có thể được ghi nhận như: [4]
- Mất nước: mất nước có thể xảy ra do trẻ nôn ói nhiều hoặc do cung cấp chất lỏng qua đường miệng không hiệu quả vì các bóng nước vùng miệng gây đau cho trẻ khi nuốt.
- Mất móng tay, móng chân: đây là một biến chứng tương đối hiếm gặp trong bệnh lý tay chân miệng. Tình trạng này xảy ra ở trẻ em sau vài tuần nhiễm bệnh và thường móng sẽ tự mọc lại mà không gây bất kỳ ảnh hưởng nào về mặt thẩm mỹ cũng như chức năng.
- Viêm màng não vô trùng: hay còn được gọi là viêm màng não do vi-rút. Biến chứng này cũng khá hiếm gặp và thường gây nên một số triệu chứng như sốt, đau đầu, cứng cổ, nôn vọt,…
Mất nước có thể xảy ra do bốc hơi qua da khi sốt và do trẻ nôn ói nhiều
Cách nhận biết biến chứng để đưa trẻ nhập viện kịp thời
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị nào được xem là hiệu quả nhất cho bệnh tay chân miệng, vì vậy theo dõi diễn biến bệnh và can thiệp kịp thời chính là chìa khóa quyết định thành công trong điều trị. Do đó, cần cho trẻ nhập viện ngay nếu có các biểu hiện của biến chứng đã xuất hiện, cụ thể là: [3]
- Sốt cao trên 2 ngày liên tục hoặc sốt trên 39 độ C khó hạ bằng các biện pháp thông thường.
- Giật mình, chới với trong lúc ngủ.
- Trẻ lừ đừ, thờ ơ, ngủ gà hoặc đôi khi khó ngủ, quấy khóc vô cớ.
- Nôn ói nhiều khiến bệnh nhi không thể ăn uống được.
- Run chi, run người, trẻ ngồi không vững, đi lại thấy loạng choạng.
- Rung giật nhãn cầu, lé, đột ngột thay đổi giọng nói, nuốt sặc, yếu đột ngột các chi hoặc một bên cơ thể.
- Vã mồ hôi lạnh, người tím tái, thở khó khăn hay thậm chí là gồng chi, hôn mê.
Một số cơ sở y tế uy tín phụ huynh có thể tham khảo khi phát hiện tình trạng bệnh cần phải nhập viện của con em mình như:
- TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng.
- Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Quân đội 108.
Sốt cao trên hai ngày liên tục là dấu hiệu cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế
Cần làm gì khi trẻ bị tay chân miệng
Việc cần thiết nhất khi nghi ngờ trẻ mắc tay chân miệng là đưa bệnh nhi đến khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá và theo dõi bệnh, đồng thời thực hiện cách ly trẻ với các trẻ khác nhằm hạn chế lây lan bệnh.
Trong trường hợp nhẹ, trẻ có thể được chăm sóc tại nhà và tái khám đúng lịch của bác sĩ nhằm đảm bảo sự theo dõi sát sao tiến triển bệnh.
Để đề phòng các biến chứng nặng có thể xảy ra, phụ huynh cần ghi nhớ và đưa trẻ đến khám lại ngay nếu có dấu hiệu chuyển biến nặng. Đồng thời, hạ sốt tích cực bằng lau mát và paracetamol đường uống cũng được khuyến cáo nhằm hạn chế biến chứng lên thần kinh trung ương.
Một số biện pháp hỗ trợ như cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, cho trẻ uống đủ nước, sử dụng phosphalugel để giảm đau do loét miệng cũng có thể được khuyên dùng.
Trong trường hợp trẻ được phân độ bệnh tay chân miệng độ 2 trở lên, việc nhập viện là cần thiết và gần như bắt buộc. Lúc này, gia đình cần phối hợp tích cực với nhân viên y tế trong việc theo dõi sát sao và chăm sóc trẻ nhằm phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra. [3]
Khi phát hiện trẻ mắc tay chân miệng thì phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay
Các sai lầm thường gặp khi chăm trẻ bị tay chân miệng
Ngày nay, với sự phát triển của truyền thông đại chúng, bệnh tay chân miệng không còn quá xa lạ với hầu hết phụ huynh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm trong việc chăm sóc và điều trị trẻ mắc tay chân miệng.
Một trong số đó là quan niệm kiêng nước kiêng gió, dẫn đến việc ủ ấm trẻ quá mức và không vệ sinh cho trẻ đúng cách. Điều này không những không có lợi cho sức khoẻ mà còn cản trở quá trình hạ nhiệt qua da khi trẻ sốt đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây bội nhiễm da do vệ sinh kém.
Một số phụ huynh do lo lắng quá mức và quan niệm “phòng trẻ phát sốt” đã dẫn đến việc lạm dụng quá mức thuốc hạ sốt trong điều trị. Paracetamol hạ sốt chỉ được khuyến cáo dùng khi trẻ sốt từ 38.5 độ C trở lên và cần được dùng cách ít nhất 4 – 6 tiếng một lần.
Sử dụng quá liều paracetamol có thể gây tổn thương gan trẻ do gan phải làm việc quá mức để chuyển hóa lượng thuốc đưa vào cơ thể. [3]
>>>>>Xem thêm: Dinh dưỡng cho trí não
Việc ủ ấm trẻ quá mức do quan niệm “sợ gió” là hoàn toàn sai lầm
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích xoay quanh những biến chứng nguy hiểm của bệnh lý tay chân miệng. Nếu bạn cảm thấy bài viết hay hãy chia sẻ cho bạn bè và gia đình cùng tham khảo nhé!