Amidan có bản chất là các hạch bạch huyết nằm ở vùng họng, vì vậy khi amidan bị viêm sẽ gây các triệu chứng đau họng, khó nuốt… Nhận biết sớm các dấu hiệu viêm amidan giúp điều trị và dự phòng các biến chứng hiệu quả. Cùng tìm hiểu về các dấu hiệu viêm amidan qua bài viết nhé!
Bạn đang đọc: Các dấu hiệu viêm amidan để nhận biết sớm bạn cần lưu ý!
Contents
Các dấu hiệu nhận biết viêm amidan
Do amidan nằm ở hai bên thành họng nên khi bị viêm thì các triệu chứng sẽ xuất hiện nhiều ở khu vực này. Một số dấu hiệu phổ biến giúp bạn nhận biết viêm amidan:
- Quan sát thấy amidan hai bên sưng đỏ, bề mặt amidan có thể phủ một lớp màng màu trắng hoặc vàng.
- Đau họng, thường tăng lên khi nói, ăn uống hoặc nuốt nước bọt.
- Khó nuốt, đau khi nuốt và có cảm giác vướng ở cổ họng.
- Hơi thở có mùi hôi.
- Khàn giọng.
- Ho khan hoặc ho có ít đàm.
- Sờ hoặc nhìn thấy nổi các hạch ở vùng đầu cổ.
- Sốt kèm cảm giác mệt mỏi, chán ăn.
Đối với trẻ nhỏ, viêm amidan đôi khi khó phát hiện do trẻ chưa thể mô tả cảm nhận của mình và thiếu hợp tác khi kiểm tra vùng họng. Một số dấu hiệu viêm amidan ở trẻ nhỏ mà người lớn nên chú ý như:
- Chảy nước dãi hoặc không chịu ăn do trẻ nuốt vào thấy đau.
- Trẻ quấy khóc vô cớ, sốt vừa hoặc cao.
Đau họng tăng khi nói và nuốt có thể là dấu hiệu của viêm amidan
Cách chẩn đoán viêm amidan
Khi người bệnh có các dấu hiệu nghi ngờ viêm amidan tới khám, để chẩn đoán bệnh bác sĩ sẽ tiến hành các bước sau:
- Khám lâm sàng: khám họng giúp phát hiện các bất thường như amidan sưng đỏ hoặc có mảng trắng, các nhóm hạch vùng cổ sưng, đau.
- Xét nghiệm cấy dịch họng: là xét nghiệm quan trọng giúp phát hiện liên cầu khuẩn, tuy nhiên cần chờ ít nhất 72 giờ mới có kết quả.
- Xét nghiệm máu: xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng là do vi-rút hay vi khuẩn để có hướng điều trị phù hợp.
Khám họng phát hiện amidan sưng đỏ hoặc có mảng trắng là dấu hiệu của viêm amidan
Viêm amidan có tự khỏi không?
Phần lớn các trường hợp viêm amidan được gây ra bởi vi-rút và thường tự khỏi sau 7 – 10 ngày. Người bệnh chỉ cần có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lí.
Đối với viêm amidan do vi khuẩn thì bệnh thường có biểu hiện nặng nề hơn và phải dùng đến kháng sinh để điều trị. Kháng sinh thường được chỉ định trong trường hợp này là amoxicillin trong 10 ngày hoặc thay thế bằng azithromycin, clarithromycin nếu dị ứng với amoxicillin.
Trường hợp viêm amidan tái phát thường xuyên, viêm mạn tính hoặc không đáp ứng với kháng sinh có thể phải chỉ định cắt amidan.
Tìm hiểu thêm: 15 cách giúp xương chắc khỏe ngay tại nhà bạn nên biết
Người bệnh viêm amidan do vi-rút được nghỉ ngơi hợp lí có thể tự khỏi bệnh
Các biến chứng của viêm amidan nếu không được điều trị?
Áp xe amidan, áp xe quanh amidan
Khi viêm amidan không tự khỏi hoặc không được điều trị dứt điểm có thể dẫn tới biến chứng áp xe amidan hoặc áp xe quanh amidan. Khối áp xe thường tụ mủ và gây đau, đôi khi sưng lớn gây khó nuốt hay thậm chí khó thở.[2]
Viêm cầu thận, thấp khớp, thấp tim cấp
Viêm cầu thận cấp, thấp khớp (viêm khớp dạng thấp) hoặc thấp tim sau nhiễm liên cầu là các biến chứng nặng nề có thể xảy ra nếu tác nhân gây viêm amidan là liên cầu tan máu beta nhóm A (GABHS). Những biến chứng này vẫn có thể xuất hiện kể cả khi viêm amidan đã được điều trị khỏi do phản ứng miễn dịch của cơ thể.[3]
Sốt cao co giật ở trẻ nhỏ
Trẻ có thể bị sốt cao lên đến 39,5oC nếu mắc bệnh viêm amidan do vi khuẩn và không được điều trị kịp thời. Khi thân nhiệt của trẻ tăng lên đột ngột có thể gây ảnh hưởng đến chức năng của hệ thần kinh dẫn đến co giật.
Viêm amidan diễn tiến xấu có thể gây sốt cao co giật ở trẻ
Cách điều trị viêm amidan tại nhà
Thông thường, người bệnh viêm amidan thường được điều trị ngoại trú. Do đó, các biện pháp chăm sóc tại nhà có ý nghĩa rất quan trọng để giảm nhẹ triệu chứng và hỗ trợ hồi phục.
Một số biện pháp điều trị viêm amidan tại nhà mà bạn có thể áp dụng như:
- Chú ý nghỉ ngơi và không vận động quá mạnh.
- Uống nhiều nước ấm để làm dịu cổ họng, tránh mất nước.
- Thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý.
- Làm ẩm không khí bằng máy tạo độ ẩm vì không khí hanh khô có thể nặng thêm tình trạng viêm ở họng.
- Sử dụng viên ngậm làm giảm đau họng cho trẻ trên 4 tuổi.
- Tránh các chất kích thích như khói thuốc lá.
- Dùng ibuprofen hoặc paracetamol khi sốt trên 38.5oC hoặc để làm giảm tình trạng viêm amidan khi sưng đau nhiều.
- Việc sử dụng kháng sinh chỉ cần thiết nếu bị viêm amidan do vi khuẩn. Vì vậy, bạn chỉ nên uống kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ để tránh gặp phải các tác dụng không mong muốn.
>>>>>Xem thêm: Top 6 các loại trà thảo mộc giúp ngủ ngon
Người bệnh viêm amidan cần có chế độ chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lí
Đối với trẻ nhỏ chưa biết nói, các dấu hiệu viêm amidan thường khó phát hiện hơn người lớn vì trẻ không thể mô tả được cảm nhận và những bất thường gợi ý bệnh viêm amidan. Bạn hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích nhé!