Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ toàn thế giới cũng như Việt Nam (chiếm 25,8% trong số các bệnh ung thư ở nữ) và hàng năm có khoảng 22.000 ca mắc mới tại nước ta. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu xem ung thư vú có chữa được không nhé!
Bạn đang đọc: Ung thư vú có chữa được không? Phương pháp điều trị ung thư vú
Contents
Ung thư vú là gì?
Ung thư vú là khối u xuất hiện do sự tăng sinh quá mức tế bào biểu mô tuyến vú, vượt quá khả năng kiểm soát của cơ thể. Các khối ung thư vú có thể ở nhiều vị trí khác nhau như tại tuyến sữa, núm vú, tổ chức mỡ tại vú hoặc hạch vùng nách,…
Ung thư vú có thể gặp ở cả nữ giới và nam giới, tuy nhiên nam giới chỉ chiếm 1% trong tổng số ca ung thư vú.
Ung thư vú là quá trình tăng sinh không kiểm soát của tế bào tuyến vú
Các biện pháp phát hiện ung thư vú
Ung thư vú nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và được chữa trị kịp thời, đúng phác đồ có thể đem lại hiệu quả chữa bệnh tương đối tốt và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, bạn có thể thực hiện nhiều biện pháp để phát hiện ung thư vú như sau:
Tầm soát ung thư vú
Đây là phương pháp hữu ích, có thể tự thăm khám tại nhà nhằm phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm ở những người có yếu tố nguy cơ cao như:
- Phụ nữ sau 40 tuổi.
- Có mẹ hoặc các chị em ruột đã mắc ung thư vú hoặc tiền sử mắc ung thư buồng trứng,…
- Được phát hiện gen đột biến BRCA1, BRCA2.
- Người đã từng chiếu xạ vào vùng ngực để điều trị các bệnh như ung thư phổi, ung thư tuyến giáp,…
- Nữ giới dậy thì sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh sau 55 tuổi.
- Phụ nữ không có con hoặc mang thai lần đầu sau 30 tuổi hoặc không cho con bú.
- Người thường xuyên hút thuốc lá hoặc thừa cân, béo phì.
Việc tầm soát sớm ung thư vú ở giai đoạn đầu sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong việc điều trị. Một số phương pháp tầm soát ung thư vú đang hiện hành là:
- X-quang tuyến vú.
- Khám vú lâm sàng.
- Tự kiểm tra vú: Phụ nữ có thể phát hiện các triệu chứng của ung thư vú như có khối u ở vú trong các hoạt động thường ngày như tắm rửa hoặc mặc quần áo. [1]
Phụ nữ có thể tự tầm soát ung thư vú tại nhà
Chẩn đoán hình ảnh
Bên cạnh việc tầm soát ung thư vú tại nhà và bệnh viện, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có thể giúp phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm hơn cũng như đánh giá được giai đoạn của bệnh để bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, chẳng hạn như:
- X-quang tuyến vú: giúp phát hiện khối ung thư vú kích thước nhỏ, chưa thể phát hiện bằng thăm khám tuyến vú thông thường. Các tổn thương nghi ngờ ung thư vú bao gồm các khối u tại tuyến vú kèm theo sự vi vôi hóa.
- Siêu âm tuyến vú: có thể dùng để phân biệt ung thư vú với các u nang tuyến vú, u xơ hoặc u mỡ dưới da. Ngoài ra, siêu âm vú còn cho phép xác định vị trí, kích thước của khối u, hỗ trợ việc sinh thiết khối u trở nên chính xác hoặc phát hiện hạch nách, cổ và thượng đòn,..
- Chụp cộng hưởng từ tuyến vú: đây là kỹ thuật giúp chẩn đoán ung thư vú đa ổ, trường hợp phụ nữ béo phì hoặc đặt túi ngực khiến cho các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác không đem lại kết quả chính xác.
X-quang tuyến vú giúp phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm
Nhận biết các dấu hiệu ung thư vú
Bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa ung bướu để được thăm khám kỹ càng và thực hiện các kỹ thuật kèm theo giúp chẩn đoán ung thư vú nếu phát hiện những triệu chứng sau:
- Núm vú thay đổi màu sắc như chuyển sang màu thâm nâu, da xung quanh sần sùi như vỏ cam.
- Phát hiện núm vú lệch sang một bên, tụt núm vú hoặc chảy dịch tiết trắng hoặc chảy máu bất thường.
- Da vùng vú co kéo hoặc lở loét, lâu liền da.
- Kích thước một bên ngực to hơn ngực còn lại nhanh chóng, có thể kèm theo đau ngực âm ỉ.
- Sờ thấy một khối nhỏ như hạt đậu, mật độ chắc, kém di động dưới da.
- Phát hiện thấy hạch nách, cổ hoặc hạch thượng đòn dính với nhau thành chùm, không đau.
Những triệu chứng của bệnh ung thư vú mà bạn nên biết
Sinh thiết
Sinh thiết khối u tuyến vú có thể giúp phát hiện các tế bào ác tính để chẩn đoán bệnh. Các bác sĩ sẽ sử dụng kim có kích thước nhỏ, chọc hút tế bào tại khối u hoặc các hạch lân cận dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc X-quang tuyến vú (nhũ ảnh) hoặc MRI vú để đạt được hiệu quả cao nhất.
Sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm có thể giúp chẩn đoán chính xác ung thư vú
Ung thư vú có chữa được không?
Hiện nay, dưới sự tiến bộ của các loại thuốc và kỹ thuật điều trị mà ung thư vú khi được phát hiện ở giai đoạn sớm có thể được chữa trị và kiểm soát tương đối tốt với tỷ lệ khỏi bệnh (sống tốt sau 5 năm) đạt đến 99,3%.
Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ thay đổi tùy theo từng giai đoạn bệnh và khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân, ung thư vú giai đoạn cuối thì tỷ lệ sống sau 5 năm ở mức 31%. [2]
Ung thư vú khi được phát hiện và điều trị sớm có tiên lượng khá tốt
Các phương pháp điều trị ung thư vú
Phẫu thuật ung thư vú
- Phẫu thuật bảo tồn tuyến vú: thường áp dụng cho người bệnh có khối ung thư kích thước nhỏ, chưa xâm lấn xung quanh, bao gồm kỹ thuật cắt tuyến vú tiết kiệm da hoặc cắt tuyến vú bảo tồn quầng vú,… Phương pháp điều trị này giúp giữ được độ thẩm mỹ cao cho người bệnh.
- Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú: nếu ung thư vú ở giai đoạn muộn, kích thước khối u to và xâm lấn rộng ra các tổ chức xung quanh thì các bác sĩ phải chỉ định cắt bỏ tuyến vú toàn bộ để đảm bảo lấy hết tổ chức ung thư, ngăn ngừa bệnh tiến triển.
- Sinh thiết hạch lính gác: trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết các hạch nằm trên đường đi bạch huyết từ khối u đổ về hệ bạch huyết nhằm đánh giá được giai đoạn bệnh và quyết định phương pháp điều trị kết hợp sau này.
- Phẫu thuật nạo vét hạch nách: đa số các ca phẫu thuật điều trị ung thư vú, các bác sĩ đều tiến hành nạo vét hạch nách để lấy được hết tế bào ung thư, giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát.
- Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú phòng ngừa: đối với những người có tiền sử gia đình mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng và được phát hiện đột biến gen BRCA1 và BRCA2 có thể được phẫu thuật cắt tuyến vú để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Phẫu thuật ung thư vú giúp loại bỏ được hầu hết các tế bào ác tính gây bệnh
Xạ trị
Bằng việc sử dụng các tia phóng xạ với cường độ và liều lượng thích hợp, chiếu trực tiếp vào khối u để tiêu diệt các tế bào ác tính, phương pháp xạ trị thường được áp dụng trong các trường hợp như:
- Ung thư vú không thể phẫu thuật như người bệnh không đồng ý, mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp hoặc sức khỏe quá yếu,…
- Khối u kích thước lớn hơn 5 cm và nằm ở vùng ngoại biên của vú.
- Ung thư vú di căn hạch nhiều.
- Loại bỏ hết các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.
- Ung thư vú tái phát.
Có thể sử dụng phương pháp xạ trị nhằm điều trị ung thư vú
Hóa trị
Hóa trị có thể kết hợp với các phương pháp khác để điều trị ung thư vú. Bác sĩ sẽ dựa vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân để sử dụng các loại hóa chất khác nhau như: cyclophosphamid, taxane, doxorubicin hoặc 5 – fluorouracil,…
Lưu ý, người bệnh ung thư vú không được điều trị hóa chất trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ và chỉ được sử dụng các hóa chất ít ảnh hưởng đến thai nhi từ tháng thứ 4 trở đi.[3]
Tìm hiểu thêm: Điểm qua 16 triệu chứng hạ canxi máu bạn không thể bỏ qua
Kết hợp hóa trị với các phương pháp khác để điều trị ung thư vú
Liệu pháp hormone
Liệu pháp này dựa trên nguyên lý sử dụng các loại thuốc ngăn chặn khả năng liên kết của hormone với tế bào ung thư để làm chậm sự phát triển của khối u.
Tamoxifen là loại thuốc thường dùng trong liệu pháp này. Tuy nhiên, người bệnh cần kết hợp thêm với các thuốc ức chế hoạt động của buồng trứng hoặc cắt bỏ buồng trứng nếu chưa mãn kinh để hiệu quả của thuốc được phát huy tối đa.
Liệu pháp hormone giúp điều trị ung thư vú tương đối hiệu quả
Liệu pháp nhắm trúng đích
Đây là phương pháp điều trị mới, thông qua việc sử dụng các thuốc sinh học có kích thước phân tử nhỏ, có khả năng tấn công và tiêu diệt chính xác các tế bào ung thư trong cơ thể. Liệu pháp này thường được áp dụng với những bệnh nhân dương tính với gen ức chế thụ thể HER 2.
Các thuốc sinh học phân tử thường dùng trong điều trị ung thư vú gồm: lapatinib, trastuzumab hoặc pertuzumab,…
Liệu pháp điều trị đích đem lại hiệu quả cao trong điều trị ung thư vú
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp giúp cho hệ miễn dịch phát hiện và tấn công các tế bào ung thư (vốn có khả năng lẩn trốn miễn dịch) thông qua việc bộc lộ thụ thể nhận biết PD-1 (điểm kiểm soát miễn dịch) trên màng tế bào. Thuốc được dùng phổ biến trong liệu pháp miễn dịch là pembrolizumab.
Có thể điều trị ung thư vú bằng liệu pháp miễn dịch
Chăm sóc giảm nhẹ
Điều trị ung thư vú là một quá trình lâu dài và có thể trải qua nhiều đau đớn về mặt thể xác cũng như tinh thần. Vì vậy, các biện pháp chăm sóc hỗ trợ là rất cần thiết nhằm giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi và tự tin hơn sau điều trị như:
- Dùng thuốc paracetamol, ibuprofen hay tramadol hydrochlorid nếu người bệnh đau đớn nhiều.
- Lau rửa, vệ sinh sạch sẽ vùng da sau xạ trị.
- Ăn uống đầy đủ, đa dạng các nhóm chất trong và sau điều trị, nhất là các loại vitamin và các chất chống oxy hóa.
- Quan tâm và chia sẻ những khó khăn về mặt tâm lý với người bệnh để tránh rối loạn lo âu hoặc trầm cảm,…
Chăm sóc hỗ trợ sẽ giúp người bệnh ung thư vú phục hồi nhanh hơn
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Nếu phát hiện bất kỳ một triệu chứng bất thường nào về tuyến vú và nghi ngờ mắc ung thư như đau tức ngực, chảy dịch bất thường hoặc sờ thấy khối u dưới da,… bạn đều nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán bệnh càng sớm càng tốt, tránh bỏ qua thời điểm vàng để điều trị bệnh.
Đau tức vú là dấu hiệu cần đến khám bác sĩ sớm
Chẩn đoán
Để chẩn đoán ung thư vú, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám tuyến vú để biết được vị trí, kích thước, số lượng khối u, mức độ xâm lấn ra các tổ chức lân cận. Ngoài ra, các bác sĩ có thể chỉ định cho bạn làm một số phương pháp cận lâm sàng để phục vụ chẩn đoán và điều trị như:
- X – quang tuyến vú.
- Siêu âm tuyến vú.
- Xét nghiệm gen: có thể phát hiện được các gen đột biến như BRCA1, BRCA2 làm tăng nguy cơ mắc bệnh. (chỉ xét nghiệm gen đột biến trong trường hợp nghi ngờ ung thư do di truyền).
- Xét nghiệm miễn dịch: giúp định lượng một số chất chỉ điểm ung thư như CEA, CA 15 – 3…
- Xét nghiệm máu: nhằm đánh giá chức năng gan, chức năng thận để giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
- Xét nghiệm hoá mô miễn dịch mô u: HER2.
Siêu âm tuyến vú có thể giúp chẩn đoán ung thư vú
Các bệnh viện uy tín
Nếu bản thân, gia đình và bạn bè gặp phải tình trạng ung thư vú hoặc cần nhận được sự tư vấn chuyên môn từ bác sĩ, bạn có thể đến Khoa Ung bướu của một số bệnh viện uy tín sau:
- Tại TP.HCM: bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Ung bướu TP. HCM, bệnh viện Chợ Rẫy,…
- Tại Hà Nội: bệnh viện K Hà Nội, trung tâm y học hạt nhân và ung bướu – bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Phụ sản Trung Ương,…
Lưu ý khi bị ung thư vú
Ung thư vú có tiên lượng khá tốt nếu bạn phát hiện sớm cũng như tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Do đó, khi mắc bệnh, không nên quá bi quan mà thay vào đó, bạn nên:
- Xây dựng cho mình một lối sống tích cực, tham gia nhiều hoạt động xã hội để giải tỏa căng thẳng.
- Quan tâm đến sức khỏe của bản thân nhiều hơn.
- Đi khám định kỳ ít nhất 6 tháng/lần để phát hiện những bất thường về sức khỏe.
- Tư vấn cho mẹ, chị em gái ruột hoặc con gái đi sàng lọc ung thư vú thường xuyên.
>>>>>Xem thêm: Omega 6 là gì? Tác dụng, cách dùng, tác dụng phụ, thực phẩm chứa omega 6
Bệnh nhân ung thư vú nên khuyên người thân của mình đến khám sàng lọc ung thư vú định kỳ
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu thêm về bệnh ung thư vú và các phương pháp điều trị bệnh hiện nay. Hãy xây dựng một lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất và tự sàng lọc ung thư vú tại nhà để hạn chế nguy cơ mắc bệnh nhé!
Nguồn: Bộ Y Tế, Mayo Clinic, Cancer, NHS.