Vị trí thận nằm ở đâu trong cơ thể? Cấu tạo và chức năng của thận

Rate this post

Thận được biết đến là một cơ quan nội tạng quan trọng trong cơ thể có vai trò lọc máu, đào thải độc tố. Vậy thận nằm ở đâu, cấu tạo và chức năng đảm nhiệm của thận là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

Bạn đang đọc: Vị trí thận nằm ở đâu trong cơ thể? Cấu tạo và chức năng của thận

Vị trí của thận

Thận là một tạng đặc hình hạt đậu nằm ở vùng sau phúc mạc, dán vào vách sau bụng, bên dưới cơ hoành, ngay dưới lồng xương sườn. Có 2 quả thận nằm đối xứng nhau qua cột sống nhưng thận phải thấp hơn thận trái khoảng 1cm để nhường chỗ cho gan.

Vị trí cụ thể của thận được mô tả như sau:

  • Trục đứng của thận: nằm theo hướng nghiêng ra ngoài xuống dưới, hai quả thận tạo thành hình chữ V ngược ở phía sau eo. ⅓ phía trên mặt sau của hai thận dựa vào cơ hoành, ⅔ phía dưới mặt sau của hai thận nằm gần mép bên ngoài cơ ngang của bụng, cơ vuông ở eo và cơ to ở eo.
  • Đỉnh trên của thận: nằm ngang đốt sống ngực 11.
  • Đỉnh dưới của thận: nằm ngang đốt sống thắt lưng 3, ở trẻ em đầu dưới của thận có thể nằm ngang mỏm xương hông (vị trí thận của nữ nằm thấp hơn của nam và của trẻ em thấp hơn người lớn).
  • Rốn thận: Phần rìa ngoài của thận phồng lên. Phần giữa lõm xuống – nơi mạch máu, dây thần kinh, ống dẫn tiểu đi vào gọi là rốn thận. Rốn thận trái nằm ngang đốt sống eo thứ nhất, cửa thận phải sẽ nằm ngang đốt sống eo thứ 2. Cửa thận cách đường chính giữa phía sau lưng khoảng 5cm. [1]

Mỗi quả thận có kích thước khoảng 3x6x12 cm (dày x rộng x dài). Ở nam giới, trọng lượng trung bình của thận phải là 129g, thận trái là 137g. Ở nữ giới, thận phải nặng trung bình 108g, thận trái nặng 116g. [2]

Vị trí thận nằm ở đâu trong cơ thể? Cấu tạo và chức năng của thận

Thận là một tạng đặc hình hạt đậu nằm sau phúc mạc, bên dưới cơ hoành

Cấu tạo của thận

Thận là một cơ quan bài tiết phức tạp với nhiều bộ phận. Các phần chính của thận bao gồm:

  • Bao thận: Đây là lớp màng mỏng bên ngoài cùng gồm ba lớp mô liên kết hoặc chất béo bao lấy thận. Bao thận có nhiệm vụ bảo vệ thận khỏi các tổn thương, tăng tính ổn định và kết nối thận với các mô xung quanh.
  • Vỏ thận: Gồm có cầu thận, nang cầu thận (bọc Bowman), cột thận, nhu mô thận. Vỏ thận cũng là nơi sản sinh ra hormone erythropoietin (EPO) giúp tạo ra các tế bào hồng cầu trong tủy xương.
  • Tủy thận: Tủy thận nằm bên trong vỏ thận, có dạng hình tháp (đỉnh tháp hướng về bể thận, đáy tháp hướng về vỏ thận) nơi chứa hầu hết các nephron (đơn vị cấu trúc của thận gồm cầu thận và ống thận) có vai trò dẫn nước tiểu đến bể thận.
  • Nhú thận: Nhú thận là phần trung tâm của thận, đỉnh của tháp thận, nơi các ống thận đổ về.
  • Bể thận: Cấu trúc hình phễu nhận nước tiểu từ ống thận đổ về và đưa xuống niệu quản. Nước tiểu sẽ đi từ niệu quản đến chứa tại bàng quang.
  • Động mạch thận: Là một mạch máu lớn kiểm soát lưu lượng máu đến thận. Động mạch sẽ bơm khoảng 1200ml máu đến thận mỗi phút.
  • Tĩnh mạch thận: Là các mạch máu dẫn máu đã lọc ra khỏi thận và quay trở về tim. Mỗi quả thận có một tĩnh mạch thận. [3]

Vị trí thận nằm ở đâu trong cơ thể? Cấu tạo và chức năng của thận

Thận là một cơ quan bài tiết phức tạp với nhiều bộ phận

Thận hoạt động như thế nào?

Mỗi quả thận chứa khoảng 1 triệu đơn vị lọc được gọi là nephron. Mỗi nephron có một bộ lọc riêng gồm một cầu thận và một ống thận. Các nephron hoạt động thông qua quy trình gồm hai bước: cầu thận lọc máu, ống thận sẽ trả lại các chất cần thiết vào máu và loại bỏ các chất thải dư thừa qua nước tiểu.

  • Hoạt động cụ thể tại cầu thận

Cầu thận chứa các mạch máu nhỏ với thành mỏng hoạt động như một màng lọc. Máu từ động mạch đổ vào cầu thận, màng lọc cầu thận cho phép các phân tử nhỏ hơn (chất thải, nước) đi vào ống thận hình thành nước tiểu đầu. Các phân tử lớn hơn như protein và tế bào máu vẫn được giữ lại trong mạch máu.

  • Hoạt động cụ thể tại ống thận

Một mạch máu chạy song song với ống thận. Nước tiểu đầu tiếp tục được di chuyển dọc theo ống thận, mạch máu sẽ hấp thụ lại gần như toàn bộ nước, khoáng chất và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Chất lỏng và chất thải còn lại trong ống thận sẽ trở thành nước tiểu. [4]

Vị trí thận nằm ở đâu trong cơ thể? Cấu tạo và chức năng của thận

Mỗi quả thận chứa khoảng 1 triệu đơn vị lọc được gọi là nephron (cầu thận và ống thận)

Chức năng của thận

Chức năng nội tiết

Thận sản xuất và tiết ra hormone renin, có vai trò quan trọng trong việc điều hòa áp lực máu. Renin giúp điều chỉnh cân bằng nước và muối trong cơ thể bằng cách kích thích quá trình chuyển đổi angiotensinogen thành angiotensin I, một bước quan trọng trong hệ thống renin-angiotensin-aldosterone.

Thận sản xuất và tiết ra hormone erythropoietin (EPO). EPO có vai trò quan trọng trong việc kích thích sự sản xuất hồng cầu trong tủy xương. Khi cơ thể bị thiếu oxy, sản xuất EPO được tăng lên để thúc đẩy quá trình tạo hồng cầu, giúp cải thiện khả năng mang oxy và cân bằng oxy trong cơ thể.

Thận tham gia vào quá trình chuyển hóa chất gốc vitamin D3 thành dạng hoạt động, gọi là calcitriol. Calcitriol có vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng canxi và phosphat trong cơ thể.

Việc tăng hấp thụ canxi và phosphat từ đường tiêu hóa nhằm duy trì và thúc đẩy sự phát triển của xương. [5]

Vị trí thận nằm ở đâu trong cơ thể? Cấu tạo và chức năng của thận

Thận tiết ra hormone erythropoietin đóng vai trò kích thích sản xuất hồng cầu

Tham gia vào quá trình lọc máu, các chất thải

Thận tham gia vào quá trình lọc máu và đóng vai trò quan trọng trong loại bỏ các chất thải khác nhau qua nước tiểu. Một số hợp chất được thận loại bỏ gồm:

  • Urê – một sản phẩm của quá trình phân hủy protein.
  • Axit uric – sản phẩm của quá trình phân hủy axit nucleic trong tế bào.
  • Thuốc và chất chuyển hóa. [5]

Vị trí thận nằm ở đâu trong cơ thể? Cấu tạo và chức năng của thận

Thận đóng vai trò lọc máu, loại bỏ các chất thải dư thừa qua nước tiểu

Tham gia vào quá trình bài tiết nước tiểu

Như đã nói ở trên, thận là cơ quan bài tiết chính của cơ thể, cụ thể là nước tiểu thông qua sự hoạt động của các đơn vị cấu tạo nên thận là Nephron.

Tham gia vào quá trình điều hòa thế tích máu

Thông qua quá trình sản xuất nước tiểu, thận sẽ đảm nhận chức năng kiểm soát khối lượng dịch ngoại bào có trong cơ thể. Khi chúng ta uống nhiều nước, thận sẽ giảm khối lượng dịch ngoại bào bằng cách tăng bài tiết nước tiểu để loại bỏ lượng nước dư thừa trong cơ thể.

Ngược lại, khi chúng ta uống ít nước, thận sẽ giảm bài tiết nước tiểu để giữ nước lại. Quá trình này giúp duy trì sự cân bằng khối lượng dịch ngoại bào trong cơ thể.

Tìm hiểu thêm: Ung thư xương có chữa được không? Phương pháp điều trị ung thư xương

Vị trí thận nằm ở đâu trong cơ thể? Cấu tạo và chức năng của thận

Thận đảm nhận vai trò kiểm soát khối lượng dịch ngoại bào trong cơ thể

Tái hấp thu chất dinh dưỡng

Thận đóng vai trò quan trọng trong việc tái hấp thu các chất dinh dưỡng từ máu và chuyển chúng đến nơi cần thiết để hỗ trợ sức khỏe. Các sản phẩm được tái hấp thu bao gồm: Đường glucose, axit amin, bicarbonat, nước, phosphate, ion clorua, natri, magie và kali. [5]

Vị trí thận nằm ở đâu trong cơ thể? Cấu tạo và chức năng của thận

Thận có khả năng tái hấp thu các chất tại ống thận

Điều chỉnh độ pH

pH trong cơ thể cần được duy trì ở mức 7,35 – 7,45. Khi pH nằm trên hoặc dưới khoảng này sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng nhiễm kiềm hoặc nhiễm toan (nhiễm độc acid). Thận có thể tái hấp thu lại bicarbonate từ nước tiểu để giúp trung hòa acid khi nồng độ acid cao. [5]

Điều hoà huyết áp

Thận có chức năng điều hoà huyết áp vì nó tham gia vào quá trình điều chỉnh lưu lượng máu và cân bằng muối nước trong cơ thể. Thận sản xuất một enzyme gọi là renin, khi áp lực máu giảm hoặc mất cân bằng muối nước.

Renin kích hoạt quá trình chuyển đổi angiotensinogen thành angiotensin I, sau đó angiotensin I được chuyển đổi thành angiotensin II dưới tác động của enzyme chuyển đổi angiotensin (ACE). Angiotensin II là một chất có khả năng làm co mạch và tăng áp lực máu.

Thận cũng có khả năng điều chỉnh điều chỉnh tỷ lệ giữa nước và muối trong cơ thể thông qua quá trình tái hấp thụ và bài tiết. Khi huyết áp tăng, thận giảm tái hấp thụ nước, giúp giảm mức nước trong cơ thể và làm giảm áp lực máu. [5]

Vị trí thận nằm ở đâu trong cơ thể? Cấu tạo và chức năng của thận

Thận tham gia vào quá trình điều chỉnh lưu lượng máu và cân bằng muối nước

Một số bệnh liên quan ở thận

Một số bệnh lý tại thận bao gồm:

  • Sỏi thận: Sự tích tụ các khoáng chất rắn trong thận hình thành sỏi thận. Chúng gây đau và ảnh hưởng đến chức năng thận nếu chúng chặn niệu quản.
  • Nhiễm trùng thận: Nhiễm trùng thận xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào thận thông qua hệ thống niệu quản. Triệu chứng của nhiễm trùng thận bao gồm đau lưng, sốt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn mửa. Bệnh nhiễm trùng thận đáp ứng tốt với kháng sinh trong điều trị.
  • Suy thận: Chức năng thận bị suy giảm do chấn thương, bệnh lý hoặc do tác dụng phụ của thuốc. Nếu nguyên nhân là do bệnh thì suy thận thường không có cách chữa trị hoàn toàn.
  • Thận ứ nước: Nguyên nhân gây thận ứ nước có thể bao gồm tắc nghẽn niệu quản, nút tuyến yên, sỏi thận và một số bệnh lý khác. Thận ứ nước gây đau dữ dội, nếu để lâu ngày sẽ gây ra áp lực dẫn đến tổn thương thận.
  • Viêm thận: Nguyên nhân gây viêm có thể do nhiễm trùng, tác dụng phụ của thuốc và bệnh lý tự miễn. Điều trị bằng cách giải quyết nguyên nhân gây viêm.
  • U thận: U lành tính sẽ không lây lan nhưng u ác tính sẽ diễn tiến xấu, tấn công tế bào gây ung thư.
  • Hội chứng thận hư: Tổn thương chức năng thận khiến nồng độ protein trong nước tiểu tăng lên dẫn đến tình trạng thiếu hụt protein khắp cơ thể và nước bị hút vào các mô. Triệu chứng bao gồm sưng mí mắt, tăng mức cholesterol, tăng cân, mệt mỏi và mất khẩu vị.

Một số nguyên nhân phổ biến gây tổn thương thận có thể bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: Sử dụng thuốc giảm đau aspirin, acetaminophen và thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) trong thời gian dài có thể dẫn đến viêm thận.
  • Bệnh IgA: IgA là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch nhưng sự tích tụ IgA trong thận có thể dẫn đến suy thận
  • Lithium: Lithium là một loại thuốc được sử dụng để điều trị rối loạn tâm thần như rối loạn lưỡng cực. Sử dụng lithium trong thời gian dài có thể gây ra tổn thương thận và dẫn đến suy thận.
  • Hóa trị: Hóa trị có thể gây tổn thương cho các cấu trúc trong khu vực thận và gây suy thận.
  • Rượu: Rượu làm thay đổi khả năng lọc máu của thận. Nó cũng làm cơ thể mất nước, khiến thận khó phục hồi sự cân bằng bên trong và làm tăng huyết áp. [5]

Vị trí thận nằm ở đâu trong cơ thể? Cấu tạo và chức năng của thận

Sỏi thận có thể dẫn đến sỏi niệu quản

Một số các lưu ý giúp thận luôn khỏe mạnh

  • Không lạm dụng thuốc giảm đau như aspirin, indomethacin, acetaminophen và các loại thuốc kháng viêm giảm đau khác vì chúng có thể gây hại cho thận nếu sử dụng lâu dài hoặc liều lượng lớn.
  • Hạn chế uống nước ngọt, nước có ga, trà đặc, rượu bia vì chúng có thể làm tăng gánh nặng cho thận và cơ quan tiêu hóa.
  • Không nên nhịn tiểu quá lâu vì điều này có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm đại tràng.
  • Uống đủ nước để đảm bảo thận hoạt động tốt (mỗi ngày nên uống tối thiểu 2 lít nước để thận có đủ nước để thải độc tố ra khỏi cơ thể).
  • Ăn các loại thực phẩm tốt cho thận như táo, lòng trắng trứng, bắp cải, súp lơ, tỏi, ớt chuông, việt quất.
  • Hạn chế tiêu thụ quá nhiều muối hoặc protein, lượng dư thừa có thể gây ra các vấn đề về thận và làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến thận và ngăn chặn kịp thời.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ và tăng cường hoạt động thể chất. [5]

Vị trí thận nằm ở đâu trong cơ thể? Cấu tạo và chức năng của thận

>>>>>Xem thêm: Lợi ích của việc sử dụng cà rốt cho bệnh đái tháo đường

Xây dựng một lối sống lành mạnh sẽ giúp thận luôn khỏe mạnh

Hy vọng rằng bài viết trên đã mang lại nhiều kiến thức cho bạn về vị trí cấu trúc của thận cũng như vai trò và chức năng thận đảm nhiệm trong cơ thể. Nếu bạn thấy thông tin trên hữu ích thì hãy chia sẻ để mọi người cùng biết nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *