Bệnh thiếu máu được gây ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau như bệnh thalassemia, thiếu dinh dưỡng hoặc thiếu sắt,… Để tìm được nguyên nhân gây bệnh, bạn có thể cần được chỉ định thực hiện định lượng sắt trong máu. Vậy “xét nghiệm định lượng sắt tự do trong huyết thanh là gì?”, cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Bạn đang đọc: Xét nghiệm định lượng sắt tự do trong huyết thanh là gì?
Contents
- 1 Xét nghiệm định lượng sắt tự do là gì?
- 2 Cách thực hiện xét nghiệm sắt huyết thanh
- 3 Xét nghiệm sắt huyết thanh sử dụng thế nào?
- 4 Ý nghĩa kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh
- 5 Khi nào xét nghiệm sắt huyết thanh được chỉ định?
- 6 Lợi ích của xét nghiệm định lượng sắt huyết thanh
- 7 Các yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm sắt huyết thanh
- 8 Xét nghiệm định lượng sắt ở đâu?
Xét nghiệm định lượng sắt tự do là gì?
Vai trò của sắt đối với cơ thể
Sắt là nguyên tố vi lượng (cơ thể cần một lượng nhỏ) nhưng lại có rất nhiều tác dụng với cơ thể, bao gồm:[1]
- Cấu tạo nên tế bào hồng cầu, giúp trao đổi khí oxy, cacbonic giữa phổi và các cơ quan khác trong cơ thể.
- Tham gia vào việc tổng hợp nhiều loại protein và enzyme giúp cơ thể vận động và chuyển hóa năng lượng.
- Cấu tạo dẫn truyền tín hiệu thần kinh.
- Giúp tổng hợp collagen dưới da.
- Hỗ trợ các tế bào miễn dịch thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể.
Sắt là thành phần quan trọng trong cấu tạo tế bào hồng cầu
Chuyển hóa sắt đối với bệnh nhân COVID-19
Ở người bình thường, nồng độ sắt huyết thanh được duy trì ổn định nhờ sự cân bằng giữa hai loại protein liên kết trực tiếp với sắt là transferrin (giúp vận chuyển sắt trong cơ thể) và ferritin (giúp dự trữ sắt và giải phóng khi cần thiết).[2]
Đối với bệnh nhân Covid-19, virus có thể tấn công và làm tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Đặc biệt tình trạng rối loạn chuyển hóa sắt và thiếu máu là 2 biểu hiện đáng được quan tâm bên cạnh các vấn đề về hô hấp.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, người bệnh Covid-19 thường có lượng ferritin tăng cao dẫn đến giảm khả năng giải phóng sắt ra ngoài huyết tương, khiến nồng độ huyết sắc tố (hemoglobin) thấp hơn bình thường.[3]
Từ đó, người bệnh có thể mắc bệnh thiếu máu do thiếu sắt, đặc biệt thường gặp ở các đối tượng:
- Người bệnh trên 65 tuổi.
- Người ăn kiêng hoặc ăn thiếu chất dinh dưỡng.
- Người bệnh đái tháo đường, tim mạch hoặc tăng huyết áp…
Bệnh nhân Covid-19 hay gặp rối loạn chuyển hóa sắt
Xét nghiệm định lượng sắt
Xét nghiệm định lượng sắt nhằm xác định nồng độ sắt tự do trong huyết thanh cũng như các protein liên kết với sắt như transferrin và ferritin với mục đích:
- Xác định sớm triệu chứng của bệnh thiếu máu.
- Phát hiện nguyên nhân gây thiếu máu.
- Đánh giá tình trạng rối loạn chuyển hóa sắt trong cơ thể.
- Phát hiện bệnh huyết sắc tố (do bất thường cấu trúc hemoglobin) hoặc bệnh thalassemia…
Xét nghiệm định lượng sắt có thể chẩn đoán bất thường hồng cầu và hemoglobin
Cách thực hiện xét nghiệm sắt huyết thanh
Nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu của người bệnh ở tĩnh mạch vùng khuỷu tay và bàn tay, sau đó chuyển đến phòng xét nghiệm để phân tích.
Để kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh được chính xác, người bệnh nên:
- Đi lấy máu làm xét nghiệm vào sáng sớm.
- Không ăn bất cứ thứ gì trước khi lấy máu tối thiểu 12 giờ.
- Không sử dụng các loại thực phẩm hoặc thuốc bổ sung sắt từ 1 – 2 ngày trước khi làm xét nghiệm.
Bác sĩ sẽ lấy máu từ tĩnh mạch khuỷu tay để làm xét nghiệm sắt huyết thanh
Xét nghiệm sắt huyết thanh sử dụng thế nào?
Sau từ 1 – 2 giờ, kết quả xét nghiệm máu huyết thanh sẽ được trả về. Bác sĩ sẽ dựa vào các chỉ số nồng độ sắt tự do trong máu, ferritin và transferrin để đánh giá lượng sắt và khả năng chuyển hóa sắt trong cơ thể, từ đó định hướng đến những bệnh lý phù hợp.
Tuy nhiên, bác sĩ có thể sẽ cần thêm kết quả từ mộtvài xét nghiệm chuyên sâu khác như nồng độ albumin, protein trong máu, xét nghiệm gen, tủy đồ… để chẩn đoán bệnh.
Bác sĩ sẽ dựa vào các kết quả định lượng sắt, ferritin, transferrin huyết thanh để chẩn đoán bệnh
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh
Kết quả bình thường
Kết quả xét nghiệm sắt tự do trong huyết thanh có sự khác biệt giữa hai giới, tùy theo từng độ tuổi và thời gian lấy máu. Nếu cơ thể ở trạng thái bình thường, lượng sắt huyết thanh có thể dao động trong giới hạn:
- Nam: từ 70 đến 190 microgram/dL (hoặc 12.5 – 34.1 micromol/L).
- Nữ: từ 60 đến 190 microgram/dL (hoặc 10.7 – 34.1 micromol/L).
Lưu ý: chỉ số này sẽ có sự khác biệt tùy theo từng phòng thí nghiệm.
Kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh có sự khác biệt giữa 2 giới
Kết quả bất thường
Nồng độ sắt huyết thanh tăng khi kết quả vượt quá giới hạn trên cho phép và thường gặp trong các bệnh lý sau:
- Bệnh tan máu tán huyết hoặc tan máu tự miễn.
- Bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia.
- Bệnh viêm gan, suy gan và xơ gan.
- Sử dụng sắt liều cao hoặc thường xuyên dẫn đến ngộ độc sắt.
- Bệnh đa hồng cầu.
- Bệnh thiếu máu hồng cầu to ác tính Biermer (do thiếu vitamin B12).
Nồng độ sắt huyết thanh giảm nếu kết quả trả về nằm dưới giới hạn trên cho phép và thường gặp trong các bệnh lý sau:
- Người ăn uống thiếu chất dinh dưỡng như thiếu sắt, vitamin B9, vitamin B12,…
- Rối loạn quá trình chuyển hóa sắt.
- Người bệnh có cường kinh (số lượng máu kinh nhiều), rong kinh (thời gian hành kinh kéo dài).
- Chảy máu tiêu hóa kéo dài trong bệnh viêm loét dạ dày, bệnh Crohn, bệnh trĩ…
- Phụ nữ mang thai.
- Người mắc bệnh viêm nhiễm mạn tính như viêm khớp dạng thấp, lao phổi…
- Hội chứng tăng ure huyết.
Tìm hiểu thêm: Điểm G của phụ nữ thường ở đâu? 3 cách tìm điểm G của nàng
Phụ nữ mang thai thường bị giảm sắt huyết thanh
Khi nào xét nghiệm sắt huyết thanh được chỉ định?
Người bệnh có những triệu chứng thiếu, thừa sắt hoặc rối loạn chuyển hóa sắt trong cơ thể có thể được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm sắt tự do trong huyết thanh. Bạn có thể tham khảo một số triệu chứng như sau:
Triệu chứng khi thiếu sắt
Người thiếu sắt thường có những triệu chứng của bệnh thiếu máu với đặc trưng:
- Da xanh xao, cơ thể nhợt nhạt.
- Người mệt mỏi, hay buồn ngủ, giảm khả năng tập trung trong công việc.
- Thường xuyên hoa mắt, chóng mặt hoặc ù tai.
Hoa mắt, chóng mặt là biểu hiện của thiếu sắt
Triệu chứng khi quá tải sắt
- Thường gặp nhất là đau các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân và khớp gối.
- Da màu vàng sẫm hoặc màu đồng.
- Sút cân kéo dài, hay mệt mỏi.
- Giảm ham muốn và khả năng tình dục.
- Đau bụng vùng trước gan.
Đau khớp là triệu chứng hay gặp trong quá tải sắt huyết thanh
Lợi ích của xét nghiệm định lượng sắt huyết thanh
Xét nghiệm định lượng sắt huyết thanh có thể chẩn đoán được một số bệnh như:
- Thiếu máu thiếu sắt: thường có chỉ số sắt tự do, transferrin và ferritin đều giảm.
- Thalassemia: là bệnh về máu bẩm sinh, tế bào hồng cầu cấu tạo bất thường, dễ vỡ làm tăng nồng độ sắt tự do trong huyết thanh.
- Đánh giá tình trạng rối loạn chuyển hóa sắt ở người bệnh sau mắc các bệnh nhiễm trùng cấp như cảm lạnh, viêm phổi hoặc nhiễm COVID-19…
Xét nghiệm sắt huyết thanh có thể chẩn đoán bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia
Các yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm sắt huyết thanh
Kết quả xét nghiệm sắt tự do có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như:
- Người thường xuyên sử dụng vitamin B12 liều cao.
- Người bệnh rối loạn mỡ máu hoặc tăng triglyceride máu.
- Tác dụng phụ của thuốc như methotrexat, estrogen, cloramphenicol hoặc cefotaxim…
- Mẫu máu không đạt chuẩn do bị vỡ hồng cầu.
Thuốc methotrexat có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu huyết thanh
Xét nghiệm định lượng sắt ở đâu?
Bạn có thể làm xét nghiệm định lượng sắt ở các bệnh viện hoặc phòng khám lớn tại địa phương nếu nghi ngờ thiếu máu hoặc bệnh lý về máu khác. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số địa chỉ thực hiện xét nghiệm định lượng sắt như:
- TP. HCM: bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Huyết học – Truyền máu TP.HCM, bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM,…
- Hà Nội: bệnh viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhi Trung ương,…
>>>>>Xem thêm: Cách súc miệng bằng nước muối sinh lý đúng, giúp bảo vệ răng miệng
Địa chỉ xét nghiệm định lượng sắt huyết thanh uy tín
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về xét nghiệm định lượng sắt tự do trong huyết thanh. Hãy thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất và thăm khám sức khỏe nếu có triệu chứng bất thường để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Nguồn: News Medical, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.