Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus Dengue. Bà bầu bị sốt xuất huyết có thể gặp các biến chứng nặng gây đe dọa tính mạng và ảnh hưởng thai nhi. Cùng tìm hiểu bệnh sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai qua bài viết dưới đây!
Bạn đang đọc: Bà bầu bị sốt xuất huyết khi mang thai có sao không? Lưu ý chăm sóc
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây sốt cao và ban xuất huyết dưới da
Contents
- 1 Dấu hiệu mẹ bầu khi bị sốt xuất huyết
- 2 Bà bầu bị sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
- 3 Những nguy hại khi bà bầu bị sốt xuất huyết
- 4 Phòng tránh sốt xuất huyết cho bà bầu
- 5 Sốt xuất huyết có phải bỏ thai không?
- 6 Em bé sinh ra khi mẹ bầu bị sốt xuất huyết có sao không?
- 7 Có nên cho con bú khi mẹ bị sốt xuất huyết không?
- 8 Mẹ bầu cần làm gì khi nghi ngờ mình bị sốt xuất huyết
- 9 Khi nào nên gặp bác sĩ?
Dấu hiệu mẹ bầu khi bị sốt xuất huyết
Các dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết mẹ bầu cần biết:[1]
- Sốt cao đột ngột, thường sốt cao liên tục và đáp ứng kém với thuốc hạ sốt.
- Đau đầu kèm nhức 2 hốc mắt.
- Đau mỏi cơ, đau khớp, nhức mỏi toàn thân.
- Nổi ban dạng chấm xuất huyết dưới da.
- Chảy máu chân răng, chảy máu cam.
Sốt xuất huyết diễn biến cấp tính với các triệu chứng khác nhau
Bà bầu bị sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
Sốt xuất huyết gây bệnh ở tất cả lứa tuổi với các triệu chứng lâm sàng từ nhẹ đến nặng. Đặc biệt, virus Dengue thường gây biến chứng nặng ở những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người già, phụ nữ có thai…
Phụ nữ có thai có sự thay đổi về nội tiết tố, hệ miễn dịch suy yếu, đặc biệt trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Do đó, mẹ bầu thường có nguy cơ bị sốt xuất huyết nặng và diễn biến nhanh chóng nếu không được điều trị đúng cách.[2]
Phụ nữ có thai bị sốt xuất huyết có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi
Những nguy hại khi bà bầu bị sốt xuất huyết
Giảm tiểu cầu
Tiểu cầu là tế bào máu có vai trò quan trọng trong quá trình đông, cầm máu của cơ thể. Giảm tiểu cầu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xuất huyết trong sốt Dengue. Chẩn đoán giảm tiểu cầu khi số lượng tiểu cầu trong máu giảm dưới 150.000 tế bào trong 1 mm3. [3]
Trong bệnh sốt xuất huyết, tình trạng xuất huyết có thể biểu hiện triệu chứng ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Một số tình trạng xuất huyết do giảm tiểu cầu có thể gặp trong bệnh sốt xuất huyết bao gồm:
- Ban xuất huyết dưới da.
- Chảy máu chân răng, chảy máu cam.
- Xuất huyết tiêu hóa như nôn máu, đại tiện phân đen…
- Băng huyết.
Ở những tháng cuối thai kỳ, người mẹ bị sốt xuất huyết có nguy cơ đẻ non và băng huyết sau sinh do số lượng tiểu cầu giảm khiến chảy máu khó cầm.
Giảm tiểu cầu gây tình trạng xuất huyết từ nhẹ đến nặng
Cô đặc máu dẫn đến sốc
Người bệnh nếu không được xử trí bù nước – điện giải đúng cách sẽ có nguy cơ tử vong do sốc giảm thể tích và suy đa tạng. Virus Dengue gây tăng tính thấm thành mạch dẫn đến thoát dịch trong lòng mạch ra ngoài khoảng kẽ xung quanh.
Điều này khiến dòng máu bị cô đặc, dẫn đến tình trạng sốc giảm thể tích. Khi đó, tim không có đủ lượng máu để co bóp đến các cơ quan như não, thận, phổi, gan… Các cơ quan không được cung cấp máu nuôi dưỡng đầy đủ sẽ nhanh chóng bị suy giảm chức năng.
Cô đặc máu gây tình trạng sốc giảm thể tích và trụy mạch
Sinh non
Mẹ bầu bị sốt xuất huyết nặng có nguy cơ chảy máu niêm mạc tử cung gây đẻ non. Hoặc do tình trạng sốc giảm thể tích làm giảm lượng máu từ mẹ sang thai gây đe dọa tính mạng thai nhi. Trong những trường hợp đặc biệt, bác sĩ sản khoa sẽ chỉ định sinh sớm hơn so với dự kiến để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Mẹ bầu bị sốt xuất huyết có nguy cơ cao bị sinh non
Em bé nhẹ cân
Trong giai đoạn mẹ bầu bị bệnh, sức khỏe bị suy yếu, cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém. Do đó, sự nuôi dưỡng bào thai trong giai đoạn này thường bị ảnh hưởng. Ngoài ra, sinh non cũng là một nguyên nhân khiến cân nặng sau sinh của trẻ nhỏ hơn bình thường.
Sốt xuất huyết làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai và gây nhẹ cân ở trẻ sau sinh
Sảy thai
Sốt xuất huyết nặng có thể gây sảy thai, đặc biệt trong giai đoạn 3 tháng đầu. Giai đoạn này cơ thể người mẹ có sự thay đổi về nội tiết, thường ốm nghén, ăn uống kém khiến cơ thể mệt mỏi nhiều kèm theo triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết làm tăng nguy cơ bị sảy thai.
Tìm hiểu thêm: 13 nguyên nhân chậm kinh mà không có thai bạn nữ cần lưu ý
Sốt xuất huyết nặng có nguy cơ gây sảy thai
Tiền sản giật
Tiền sản giật là một cấp cứu trong sản khoa với biểu hiện chính là tăng huyết áp, phù và đái protein. Người mẹ bị tiền sản giật nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời có nguy cơ tử vong cao.[4]
Mẹ bầu bị nhiễm sốt xuất huyết có thể tăng nguy cơ mắc tiền sản giật
Phòng tránh sốt xuất huyết cho bà bầu
Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết đặc hiệu. Do đó, phòng bệnh chủ yếu dựa vào các biện pháp tiêu diệt trung gian truyền bệnh. Một số biện pháp phòng tránh sốt xuất huyết mẹ bầu có thể áp dụng:
- Tiêu diệt bọ gậy, tránh những đồ vật quanh nhà gây tích tụ, đọng nước như xô chậu, chai lọ,…
- Loại bỏ nơi ở của muỗi bằng cách dọn dẹp vệ sinh quanh nhà đặc biệt những nơi ẩm thấp cho muỗi trú ẩn như bụi rậm, xó nhà, mành rèm,…
- Giữ thói quen ngủ màn để tránh bị muỗi đốt.
- Khuyến cáo sử dụng các loại thuốc bôi, xịt phòng muỗi đốt.
Sốt xuất huyết có phải bỏ thai không?
Không có chỉ định bỏ thai khi mẹ bầu bị sốt xuất huyết. Do đó mẹ bầu nên giữ bình tĩnh và điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
Mức độ nghiêm trọng của sốt xuất huyết phụ thuộc vào khả năng miễn dịch hay sức đề kháng của từng người, mức độ giảm tiểu cầu và tình trạng mất nước và kèm theo các yếu tố khác.
Mẹ bầu bị sốt xuất huyết không có chỉ định đình chỉ thai
Em bé sinh ra khi mẹ bầu bị sốt xuất huyết có sao không?
Virus Dengue không gây dị tật thai nhi, do đó mẹ bầu không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, sốt xuất huyết có thể diễn biến nặng gây đẻ non, trẻ nhẹ cân. Do đó, mẹ bầu cần đi kiểm tra thường xuyên và nhập viện theo dõi nếu cần thiết.
Có một loại bệnh gây triệu chứng gần tương tự sốt xuất huyết là sốt Zika. Virus Zika gây dị tật thai nhi. Do đó, khi mẹ bầu sốt nên đến khám bác sĩ để được chẩn đoán xác định bệnh.
Virus Dengue không gây dị tật thai
Có nên cho con bú khi mẹ bị sốt xuất huyết không?
Virus Dengue không lây truyền từ mẹ sang con qua sữa. Sốt xuất huyết được ghi nhận lây bệnh qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes. Những ca trẻ sơ sinh bị sốt xuất huyết có mẹ mắc bệnh thường do cả 2 sống chung trong một môi trường và có nhiều nguy cơ bị mắc bệnh qua vết muỗi đốt.
Do đó, khi mẹ bị sốt xuất huyết vẫn có thể cho con bú sữa mẹ. Tuy nhiên, người mẹ nên được cách ly ở phòng riêng và có thể vắt sữa để cho con bú qua bình. Ngoài ra, cha mẹ cần bỏ màn kín khi ngủ tránh để bị muỗi đốt.
Trẻ có thể bú sữa mẹ bị sốt xuất huyết
Mẹ bầu cần làm gì khi nghi ngờ mình bị sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết thông thường chưa biểu hiện đầy đủ các triệu chứng trong 2 – 3 ngày đầu bị bệnh hoặc các triệu chứng thường không điển hình. Do đó, mẹ bầu bị bệnh trong giai đoạn này có thể tự theo dõi bệnh ở nhà và xử trí đơn giản bằng các biện pháp dưới đây:
Hạ sốt
Sốt xuất huyết thường gây sốt cao liên tục trong những ngày đầu bị bệnh, do đó mẹ bầu cần chú ý theo dõi nhiệt độ thường xuyên. Một số lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt trong bệnh sốt xuất huyết:
- Chỉ sử dụng thuốc hạ sốt khi sốt cao trên 38,5 độ C.
- Thuốc hạ sốt chỉ dùng paracetamol thông thường. Không được sử dụng các thuốc khác trong nhóm chống viêm NSAIDs như ibuprofen, aspirin,… để tránh tác dụng phụ của nhóm thuốc lên tiểu cầu gây xuất huyết nặng lên.
- Các lần uống thuốc hạ sốt cách nhau mỗi 4 – 6 tiếng.
- Dùng không quá 3 gram paracetamol trong ngày.
- Nới lỏng quần áo, mặc đồ thoáng mát, thấm mồ hôi và lau người bằng nước mát.
Bổ sung nước và điện giải
Cô đặc máu là biến chứng bệnh nguy hiểm nhất và nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Do đó, bổ sung nước và điện giải sớm là biện pháp vô cùng quan trọng trong điều trị sốt xuất huyết. Mẹ bầu nên uống đủ nước trong ngày. Khuyến cáo sử dụng dung dịch oresol để cung cấp nước và điện giải cần thiết cho cơ thể.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai có thể kết hợp thêm các loại nước ép trái cây vừa bổ sung nước vừa cung cấp các vitamin quan trọng như vitamin A và vitamin C,… cho cơ thể. Lượng vitamin này giúp hỗ trợ hệ miễn dịch của mẹ bầu và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể trong giai đoạn bị bệnh.
Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng luôn đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh. Dinh dưỡng tốt không chỉ giúp cơ thể có đủ năng lượng để hoạt động mà còn là nguồn nguyên liệu cho thai nhi phát triển. Mẹ bầu trong giai đoạn bệnh thường mệt mỏi, ăn uống kém, do đó cần cung cấp một chế độ ăn hợp lý và đảm bảo cân bằng về dinh dưỡng.
- Cân bằng các nhóm dinh dưỡng từ nhiều loại thực phẩm khác nhau.
- Bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả cho mẹ bầu, vừa cung cấp vitamin vừa đảm bảo lượng chất xơ, hạn chế táo bón.
- Ăn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu.
- Lựa chọn nguyên liệu sạch, tươi sống.
- Không sử dụng các món ăn tái, sống hay chưa được chế biến đảm bảo vệ sinh.
Mẹ bầu nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng khi bị bệnh
Khi nào nên gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết mà mẹ bầu cần chú ý:
- Đau bụng nhiều, thường đau vùng trên rốn lệch phải (vùng gan).
- Kèm theo nôn nhiều.
- Mệt mỏi, lừ đừ, vật vã.
- Khó thở.
- Phù nề mi mắt.
- Bụng bè to.
- Chân tay lạnh.
- Đại tiện phân đen, tiểu máu.
Ngay khi có biểu hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào, mẹ bầu đều nên nhanh chóng đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế để tiện theo dõi và xử trí kịp thời.
>>>>>Xem thêm: 11 công dụng của ớt tốt cho sức khoẻ có thể bạn chưa biết
Mẹ bầu cần đi khám và điều trị tại bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu bất thường
Mẹ bầu là nhóm có nguy cơ cao sốt xuất huyết diễn biến nặng, do đó cần chú ý theo dõi sát các dấu hiệu bệnh để điều trị bệnh đúng và kịp thời. Phòng bệnh đóng vai trò quan trọng để hạn chế ảnh hưởng của sốt xuất huyết ở phụ nữ có thai. Hãy chia sẻ bài viết trên đến mọi người xung quanh bạn nhé!