Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở trẻ em, có khả năng lây lan thành dịch. Khi con của bạn không may mắc bệnh, bạn cần chăm sóc tốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Hầu hết cha mẹ đều thắc mắc sau bao lâu và làm sao để biết trẻ khỏi bệnh thủy đậu. Hãy tìm hiểu về bệnh thủy đậu thông qua bài viết này nhé!
Bạn đang đọc: Bệnh thủy đậu bao lâu khỏi? Dấu hiệu nhận biết khỏi bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu gây tổn thương dạng bọng nước đặc trưng
Contents
Bệnh thủy đậu bao lâu sẽ khỏi?
Thông thường, bệnh thủy đậu sẽ diễn biến trong khoảng từ 1 – 3 tuần kể từ khi có tiếp xúc với mầm bệnh. Bệnh trải qua 4 giai đoạn khác nhau và thường từ khi bắt đầu biểu hiện triệu chứng đầu tiên cho đến khi khỏi hẳn kéo dài trong khoảng 7 – 10 ngày.
Tuy nhiên, thời gian này còn tùy vào thể trạng và sự đáp ứng miễn dịch của mỗi người, đôi khi các yếu tố bên ngoài cũng gây tác động đến thời gian bị bệnh.
Bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần theo dõi các mốc thời gian diễn biến bệnh để chăm sóc tốt nhất, trẻ sẽ sớm hồi phục mà không bị mắc các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh thủy đậu thường diễn biến trong khoảng 1 – 3 tuần
Các giai đoạn của bệnh thủy đậu
Người mắc bệnh thủy đậu trải qua 4 giai đoạn với các biểu hiện triệu chứng khác nhau:
Giai đoạn ủ bệnh
Giai đoạn ủ bệnh là khoảng thời gian từ lúc cơ thể nhiễm virus VZV đến khi có biểu hiện triệu chứng đầu tiên, thường kéo dài khoảng từ 10 – 14 ngày. Trong khoảng thời gian này, người bệnh không biểu hiện bất kỳ triệu chứng gì.
Nếu con của bạn có tiếp xúc với trẻ bị bệnh thì bạn cần theo dõi con trong khoảng thời gian này để phát hiện các triệu chứng sớm nhất.
Giai đoạn ủ bệnh trẻ không có biểu hiện triệu chứng nào
Giai đoạn khởi phát
Ở giai đoạn khởi phát, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện và thường không điển hình. Người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như mắc cảm cúm thông thường: sốt, đau đầu, đau mỏi toàn thân, có thể xuất hiện nổi hạch vùng cổ, ho, đau họng.
Trẻ bị bệnh có thể bắt đầu phát ban ở giai đoạn này với đặc điểm là hồng ban rải rác trên da toàn thân, kích thước 1 – 3 mm và mọc không theo thứ tự đặc biệt. Ban có thể phát triển nhanh, sau đó nó phát triển thành bọng nước trong vòng 24 giờ.
Giai đoạn khởi phát triệu chứng không điển hình
Giai đoạn toàn phát
Khi sang giai đoạn toàn phát, ban đỏ sẽ tiến triển nhanh thành các nốt phỏng nước. Các nốt phỏng nước rất nông, vòm mỏng, chứa dịch trong, sau 1 – 2 ngày dịch ngả màu vàng trong, hơi lõm ở giữa, to nhỏ không đều.
Các bọng nước này thường ngứa và dễ bội nhiễm vi khuẩn. Dịch bên trong những nốt bội nhiễm sẽ chuyển màu đục. Lưu ý bọng nước có thể mọc ở cả niêm mạc như niêm mạc miệng họng, gây chán ăn, quấy khóc, bỏ bú ở trẻ nhỏ.
Ngoài ra, người bệnh giai đoạn này có thể gặp tình trạng sốt tăng lên, sốt cao, mệt mỏi, ăn kém, cơ thể có thể biểu hiện suy kiệt rõ.
Giai đoạn toàn phát thường kéo dài 7 – 10 ngày sau đó chuyển sang giai đoạn hồi phục. Tuy nhiên, nếu chăm sóc và điều trị không tốt có thể xuất hiện biến chứng và kéo dài thời gian bị bệnh hơn, đặc biệt ở nhóm trẻ bé, trẻ sơ sinh hệ miễn dịch non yếu.
Giai đoạn toàn phát thường kéo dài 7 – 10 ngày
Giai đoạn bình phục
Bọng nước sau 5 – 7 ngày sẽ vỡ, se khô lại và đóng vảy tiết màu nâu mật ong, vùng da non phía dưới vảy tiết có màu hồng nhạt. Thời gian xuất hiện vảy tiết kéo dài 3- 5 ngày, sau đó tiến tới giai đoạn lành bệnh.
Vảy tiết thường tồn tại 1 – 2 tuần rồi bong đi mà hoàn toàn không để lại sẹo. Tuy nhiên, với những bọng nước bị bội nhiễm sẽ ăn sâu xuống lớp hạ bì của da, do đó để lại sẹo sau khi bong vảy.
Bọng nước sau khi vỡ để lại vảy màu nâu mật ong, bong đi không để lại sẹo
Dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu
Trẻ được coi là khỏi bệnh khi có các dấu hiệu dưới đây:
- Không xuất hiện thêm bọng nước mới nào.
- Tất cả bọng nước đã vỡ, se khô, đóng vảy tiết và bong gần hết.
- Trẻ không còn cảm giác ngứa rát trên da, có thể có cảm giác ngứa ít do quá trình liền da, tái tạo biểu bì.
- Người bệnh hoàn toàn cắt sốt, cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, trẻ chơi ngoan, ăn uống tốt, ngủ ngon. [2]
Trẻ được xác định khỏi bệnh khi có các dấu hiệu trên
Người từng bị thủy đậu có tái lại không?
Khi bị mắc thủy đậu, cơ thể người bệnh sẽ sản sinh kháng thể tự nhiên. Kháng thể này có khả năng nhận biết khi cơ thể tiếp xúc với virus gây bệnh ở những lần sau và bất hoạt không cho virus tấn công gây biểu hiện bệnh.
Kháng thể trong bệnh thủy đậu là kháng thể có tính bền vững mạnh. Do đó, miễn dịch sau mắc thủy đậu kéo dài suốt đời. Điều này có thể hiểu rằng những người từng mắc thủy đậu rất hiếm khi tái mắc lần 2 trong đời.
Tuy nhiên, virus varicella zoster thường còn tồn tại trong cơ thể kể cả khi đã khỏi bệnh hoàn toàn. Chúng thường trú ngụ ở hệ thần kinh ngoại biên dưới dạng “ngủ đông”.
Khi gặp điều kiện thuận lợi như hệ miễn dịch suy yếu, chúng sẽ khởi phát lại và biểu hiện bệnh zona thần kinh. Điều này giải thích tại sao zona thường xuất hiện ban đỏ mụn nước dọc theo đường đi của dây thần kinh.
VZV gây bệnh zona thần kinh
Bệnh thủy đậu có cần kiêng tắm không?
Nhiều bố mẹ có chung thắc mắc khi con bị thủy đậu có cần kiêng tắm không? Câu trả lời là không.
Người chăm sóc trẻ cần tắm rửa cho trẻ bằng nước ấm với xà phòng dịu nhẹ và thay quần áo sạch cho trẻ hàng ngày. Tuy nhiên cần lưu ý không chà xát mạnh da trẻ khi tắm để tránh làm vỡ mụn nước và tổn thương lớp da non bên dưới.
Mùa hay mắc bệnh thủy đậu thường vào khoảng thời tiết nóng ẩm, những trẻ bị thủy đậu không được vệ sinh thân thể sạch sẽ có nguy cơ gia tăng tình trạng bội nhiễm vi khuẩn hoặc mắc các bệnh lý viêm da khác.
Tìm hiểu thêm: 5 dấu hiệu nhận biết đột quỵ trước 30 ngày, cách sơ cấp cứu kịp thời
Bị bệnh thủy đậu không cần kiêng tắm
Bệnh thủy đậu phải kiêng gió không?
Không khuyến cáo kiêng gió ở những trẻ bị bệnh thủy đậu. Trong giai đoạn điều trị bệnh thủy đậu, gia đình cần cách ly trẻ bị bệnh trong phòng riêng, tuy nhiên giữ phòng luôn thoáng mát, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời.
Không khuyến cáo bệnh nhân thủy đậu kiêng gió
Làm thế nào để nhanh khỏi bệnh thủy đậu
Bổ sung vitamin C
Vitamin C có công dụng hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ, giúp nhanh hồi phục bệnh và chống lại các tác nhân cơ hội tấn công trong giai đoạn sức đề kháng của trẻ đang suy yếu.
Gia đình có thể bổ sung vitamin C cho trẻ dưới dạng hoa quả giàu vitamin hoặc các loại thực phẩm chức năng bổ sung.
Nên bổ sung vitamin C cho trẻ bị thủy đậu
Uống nhiều nước
Cơ thể bị bệnh thường dễ mất nước do sốt cao, bọng nước vỡ gây mất nước qua da và ăn uống kém. Bố mẹ nên theo dõi sát và theo dõi cho trẻ uống nhiều nước hơn hàng ngày.
Có thể cung cấp nước cho cơ thể dưới dạng sữa, nước ép hoa quả, nước canh hầm rau củ hoặc nước điện giải như oresol, nước cháo loãng,…
Cho trẻ bị thủy đậu uống nhiều nước
Hạn chế đồ cay nóng, dầu mỡ
Phỏng nước trong bệnh thủy đậu có thể mọc ở cả bề mặt niêm mạc, khi vỡ gây trợt loét niêm mạc miệng lợi. Cần hạn chế cho trẻ ăn những đồ cay nóng, dầu mỡ để đỡ kích thích niêm mạc. Bố mẹ nên cho trẻ ăn những thức ăn nguội, mềm lỏng, dễ tiêu.
Cần hạn chế những đồ cay nóng, dầu mỡ khi đang bị thủy đậu
Hạn chế ra nơi đông người
Virus gây bệnh thủy đậu lây qua đường không khí từ các giọt bắn của dịch tiết đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch trong nốt phỏng.
Người bệnh có thể bắt đầu lây bệnh từ 1 – 2 ngày trước khi biểu hiện triệu chứng ban. Do đó cần hạn chế cho trẻ đến nơi đông người, tránh lây lan bệnh thành dịch ở trường lớp.
Hạn chế cho trẻ thủy đậu ra nơi đông người
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Thông thường khi thấy con xuất hiện bọng nước nghi ngờ bệnh thủy đậu, bố mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định bệnh và nghe tư vấn về phương pháp điều trị.
Với những trẻ đã được bác sĩ đánh giá, chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu, thường sẽ được chỉ định điều trị tại nhà. Trong giai đoạn này, cha mẹ nên theo dõi sát và cần nhận biết dấu hiệu nguy hiểm cần cho trẻ đi khám lại ngay.
Một số trường hợp cần đến gặp bác sĩ như:
- Trẻ sơ sinh bị thủy đậu: do hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện nên triệu chứng thường nặng nề và xuất hiện biến chứng sớm.
- Bệnh đột ngột tăng nặng, trẻ mệt mỏi nhiều hoặc đau đầu dữ dội.
- Trẻ có biểu hiện co giật, rối loạn ý thức.
- Bọng nước vùng niêm mạc gây vết loét trong mắt.
- Bọng nước bội nhiễm, dịch mủ gây lở loét da hoặc có dịch máu trong nốt phỏng.
- Trẻ biểu hiện ho tăng, khó thở, thở nhanh, gắng sức.
Cho trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu trên
Xét nghiệm chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh thủy đậu chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng. Những trường hợp tổn thương không điển hình, chưa loại trừ được các bệnh lý có bọng nước tương tự, cần làm xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán như tìm kháng nguyên virus trong dịch tiết mũi họng hoặc trong dịch nốt phỏng.
Khi có biến chứng kèm theo cần thực hiện thêm xét nghiệm để chẩn đoán:
- Nuôi cấy dịch mủ nốt phỏng tìm vi khuẩn trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu da,…
- Xét nghiệm dịch não tủy trong trường hợp nghi ngờ biến chứng viêm não, viêm màng não do VZV.
- Chụp X-quang tim phổi khi trẻ có biểu hiện ho tăng, khó thở.
- Công thức máu có số lượng bạch cầu tăng khi có tình trạng nhiễm khuẩn kèm theo.
>>>>>Xem thêm: 11 nguyên nhân rụng tóc ở nữ nên lưu ý ngay để phòng tránh
Xét nghiệm dịch mũi họng hoặc dịch trong bọng nước để tìm virus gây bệnh thủy đậu
Các bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm
- Tại TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Nhi Đồng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115, Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh,…
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhiệt Đới trung ương, Bệnh viện Bạch Mai,…
- Hoặc bạn có thể đưa trẻ đến các cơ sở y tế lớn có khoa truyền nhiễm uy tín để được chẩn đoán và tư vấn điều trị cụ thể.
Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng tạo miễn dịch bền vững. Hy vọng bài viết trên giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý này và biết cách nhận biết khi nào khỏi bệnh thủy đậu. Hãy chia sẻ những thông tin hữu ích trên đến mọi người xung quanh bạn nhé!