Bệnh vảy nến là một bệnh lý da mãn tính gây ra tình trạng viêm và bong tróc da. Vậy bệnh vảy nến có lây không, dấu hiệu của bệnh vảy nến là gì, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Bạn đang đọc: Bệnh vảy nến có lây không? Dấu hiệu và các đối tượng nguy cơ mắc
Contents
Bệnh vảy nến là gì? Các loại bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến, còn được gọi là viêm da vảy nến, là một bệnh lý da mãn tính gây ra tình trạng viêm và bong tróc da.
Vảy nến là một bệnh tự miễn, liên quan đến quá trình tăng sinh và tích tụ quá mức các tế bào da. [1]
Bệnh này thường gây ra các vết da đỏ, dày và có vảy trên da. Vảy nến thường xuất hiện trên cơ thể như da đầu, khuỷu tay, khuỷu chân, cổ, bàn tay và bàn chân.
Một số loại bệnh vảy nến phổ biến:
- Vảy nến thể mảng: đây là loại phổ biến nhất và thường gặp ở người trưởng thành. Nó gây ra các vết da đỏ, dày và có vảy kích thước bằng đồng xu.
- Vảy nến thể giọt: là loại thường xuất hiện sau khi nhiễm trùng họng hoặc viêm họng, đặc trưng gây ra các đốm nhỏ, hình giọt và màu đỏ trên da.
- Vảy nến thể nghịch: thường xuất hiện ở các khu vực có nếp gấp của da như nách, dưới vùng ngực hoặc ở vùng da dưới bụng, đặc trưng là da bị viêm đỏ và ẩm ướt.
- Vảy nến thể mủ: gây ra các mụn nước nhỏ, chứa mủ trên da và thường xuất hiện trên bàn tay và bàn chân.
- Vảy nến móng tay: gây ra các vấn đề ở móng tay và móng chân, làm biến dạng móng, bong tróc, dày móng và có thể gây đau.
- Vảy nến da đầu: đây là loại bệnh vảy nến xuất hiện trên da đầu, gây ra các vùng da bị đỏ và ngứa, với các vảy màu trắng hoặc bạc.
- Vẩy nến thể khớp: đây là loại vẩy nến gây ảnh hưởng đến khớp, gây đau, sưng và cứng khớp.
- Vảy nến vảy đỏ da toàn thân: đây là loại nghiêm trọng nhất của bệnh vảy nến, gây ra sự viêm nhiễm toàn thân, da trở nên đau, đỏ, bong tróc và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh vảy nến gây ra tình trạng viêm và bong tróc da
Dấu hiệu nhận biết bệnh vảy nến
Các dấu hiệu của bệnh vảy nến có thể khác nhau ở mỗi người. Các dấu hiệu nhận biết thông thường bao gồm: [2]
Triệu chứng ở da:
- Các mảng da đỏ, dày, có vảy.
- Da ngứa và kích ứng.
- Da khô và bong tróc: thường ở các vùng da như khuỷu tay, gối, da đầu và lòng bàn tay.
- Da đau và viêm: đặc biệt khi bị tổn thương hoặc nhiễm trùng.
- Cảm giác da nóng rát, thay đổi màu da.
Triệu chứng khác:
- Gàu nặng trên da đầu.
- Móng tay bị biến dạng: thay đổi màu móng, bong tróc móng, dày móng, vết lõm trên móng.
- Khớp bị đau và sưng, viêm khớp.
Da đỏ, dày, có vảy là một trong dấu hiệu của bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến có lây không?
Bệnh vảy nến là một bệnh ngoài da không lây truyền qua tiếp xúc từ người này sang người khác. Đây là một bệnh có nguồn gốc từ quá trình tăng tốc tái tạo tế bào da và không liên quan đến virus, vi khuẩn hay các tác nhân lây truyền thông thường.
Tuy nhiên, tình trạng di truyền có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển bệnh vảy nến. Theo các nghiên cứu, con cái của cả bố và mẹ đều bị bệnh có 50% nguy cơ mắc bệnh vẩy nến và giảm xuống 16% nếu chỉ có một bố hoặc mẹ bị bệnh. [3]
Ngoài ra, môi trường và yếu tố lối sống cũng có thể ảnh hưởng đến việc phát triển bệnh vảy nến. Các yếu tố như căng thẳng, nhiễm trùng, khói bụi, thiếu ánh nắng mặt trời có thể góp phần làm gia tăng mắc bệnh vảy nến.
Bệnh vảy nến không lây truyền qua tiếp xúc từ người này sang người khác
Các đối tượng nguy cơ mắc bệnh vảy nến
Một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh vảy nến cao: [4]
- Người Châu Âu thường dễ mắc bệnh vảy nến hơn so với người Châu Á.
- Người có yếu tố di truyền: bệnh vảy nến có khả năng di truyền, người có người thân (cha mẹ, anh chị em) mắc bệnh này có nguy cơ cao hơn so với những người không có.
- Người độ tuổi từ 15 – 35: thường mắc bệnh, nhưng có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào.
- Người có hệ miễn dịch hoạt động bất thường: người có vấn đề về hệ thống miễn dịch, như bệnh tự miễn hay dùng thuốc ức chế miễn dịch, có nguy cơ mắc bệnh vảy nến cao hơn.
- Người mắc bệnh lý khác như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, viêm ruột: có thể có nguy cơ mắc bệnh vảy nến cao hơn.
- Người bị vẩy nến có làn da dễ bị tổn thương: tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng da, thậm chí nhiễm trùng máu.
Người có người thân (cha mẹ, anh chị em) bị vảy nến có nguy cơ cao mắc bệnh hơn
Bệnh vảy nến có chữa được không?
Hiện tại, không có phương pháp điều trị chữa khỏi bệnh vảy nến hoàn toàn.
Tuy nhiên, có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát triệu chứng, làm giảm mức độ, tần suất bùng phát của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh, bao gồm: [5]
- Thuốc bôi: Các loại thuốc bôi như kem, gel và thuốc mỡ có chứa chứa thành phần acid salicylic, retinoid, corticosteroid có thể giúp giảm viêm và ngứa trong trường hợp bệnh nhẹ đến trung bình.
- Thuốc uống hoặc tiêm: chứa thành phần cyclosporin, methotrexat, có thể được sử dụng để kiểm soát tình trạng bệnh và kiểm soát hệ miễn dịch trong các trường hợp bệnh nặng.
- Thuốc sinh học: đây là loại thuốc được sản xuất từ tế bào sống hoặc tế bào được tạo ra bằng cách sử dụng kỹ thuật di truyền. Chúng có khả năng can thiệp vào các cơ chế gây viêm và tăng trưởng tế bào da ở bệnh vảy nến.
- Quang trị liệu: tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng cảm biến có thể giúp kiểm soát triệu chứng.
- Thay đổi lối sống và môi trường sống: giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên giặt chăn ra, dọn dẹp nhà cửa, tạo không gian sống trong lành, ít khói bụi có thể cải thiện tình trạng bệnh.
Dùng thuốc bôi có thể giúp kiểm soát triệu chứng của bệnh vảy nến
Biến chứng bệnh vảy nến
Một số biến chứng liên quan đến bệnh vảy nến bao gồm:
- Nhiễm trùng da: vảy da dày và nứt có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển, gây ra nhiễm trùng.
- Viêm khớp: gây đau, sưng khớp, ảnh hưởng đến khả năng vận động và gây tổn thương lâu dài cho các khớp.
- Bệnh tim và mạch: nguy cơ cao mắc các vấn đề về tim mạch như thiếu máu tim cục bộ, đột quỵ.
- Tăng mỡ máu: nguy cơ cao hơn mắc bệnh rối loạn mỡ máu, tiểu đường và bệnh liên quan đến chuyển hóa.
- Rối loạn tâm lý: những triệu chứng như ngứa ngáy, mẩn đỏ và tổn thương da có thể gây ra tình trạng lo âu, trầm cảm và tự ti.
Tìm hiểu thêm: Bổ sung carotenoid có giúp làm đẹp da
Bệnh vảy nến có thể gây ra biến chứng nhiễm trùng
Cách phòng ngừa bệnh vảy nến
Một số biện pháp có thể giúp phòng ngừa bệnh vảy nến:
- Chăm sóc, giữ vệ sinh da đúng cách: duy trì làn da sạch sẽ và dưỡng ẩm là quan trọng. Sử dụng sữa tắm dịu nhẹ và sản phẩm dưỡng da phù hợp để giảm tình trạng khô và ngứa.
- Dinh dưỡng cân đối và lành mạnh: hạn chế thực phẩm nhanh, thức ăn chứa đường và dầu mỡ. Tăng cường việc tiêu thụ rau củ, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu omega-3.
- Kiểm soát căng thẳng: căng thẳng có thể gây kích thích tình trạng vảy nến. Học cách giữ tinh thần ổn định thông qua thiền, yoga, tập thể dục.
- Ngừng hút thuốc lá và rượu bia: hút thuốc lá và rượu bia có thể tác động tiêu cực đến tình trạng vảy nến.
- Tuân thủ kế hoạch điều trị: nếu bạn đã được chẩn đoán mắc vảy nến, tuân thủ đúng lịch trình điều trị và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chăm sóc, giữ vệ sinh da đúng cách là một trong số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu
Các dấu hiệu cho thấy bạn nên cần gặp bác sĩ:
- Bạn có một trong số các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vảy nến.
- Người mắc bệnh vảy nến đang điều trị nhưng các dấu hiệu vẫn không thuyên giảm hoặc nặng hơn.
- Bệnh vảy nến khiến người bệnh tự ti, trầm cảm, lo âu.
- Bệnh vảy nến ảnh hưởng đến hoạt động sống như gây đau, nhiễm trùng.
- Bệnh vảy nến có xu hướng lan rộng và phát triển trên khắp cơ thể.
Cần gặp bác sĩ nếu có một trong số các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vảy nến
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh vảy nến
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh vảy nến thường được thực hiện bởi các bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia trong lĩnh vực da liễu. Một số xét nghiệm chẩn đoán thường được sử dụng:
- Sinh thiết da: một phần da bị vảy nến có thể được lấy và kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định loại vảy nến và tình trạng bệnh.
- Xét nghiệm máu: một số xét nghiệm máu có thể được yêu cầu để loại trừ các bệnh lý khác mà có triệu chứng tương tự hoặc để đánh giá tình trạng tổng quát của bệnh.
Sinh thiết da soi kính hiển vi là xét nghiệm để xác định loại vảy nến và tình trạng bệnh
Các bệnh viện chuyên khoa da liễu uy tín
Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, các phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa Da liễu. Hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- Tại Tp. Hồ Chí Minh: Khoa Da liễu Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, Bệnh viện Nhân Dân 115.
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Da liễu Trung ương Hà Nội, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Khoa Da liễu Bệnh viện Bạch Mai.
>>>>>Xem thêm: Thương hiệu Dược Phẩm Nam Hà của nước nào? Có tốt không? Các dòng sản phẩm nổi bật
Người bệnh cần thăm khám bệnh viện chuyên khoa da liễu uy tín để điều trị kịp thời
Bệnh vẩy nến không có cách chữa trị, nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát bệnh và giảm các triệu chứng. Nếu thấy bài viết hữu ích hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé!