Nước ta là một đất nước có nhiều sông, hồ, kênh, rạch cộng với đường bờ biển dài, bên cạnh những cảnh đẹp nổi tiếng thì cũng tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất cao. Hằng năm, đặc biệt là vào mùa hè thường xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Do đó việc trang bị kiến thức về đuối nước là vô cùng quan trọng. Vậy đuối nước là gì và sơ cứu người bị đuối nước như thế nào. Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Đuối nước là gì? Các bước sơ cứu người bị đuối nước bạn nên biết
Contents
Nguyên nhân gây đuối nước
Do thiếu kỹ năng bơi lội
Trẻ em thường là đối tượng dễ bị đuối nước. Với tính hiếu động, tò mò cộng với việc chưa có kỹ năng bơi lội, những tai nạn đuối nước đáng tiếc đối với trẻ em thường xuyên xảy ra.
Ngoài ra, những người trưởng thành nhưng không có kỹ năng bơi lội nếu không cẩn thận cũng sẽ đối mặt với nguy hiểm đến tính mạng do đuối nước.[2]
Việc thiếu kỹ năng bơi lội là lý do chủ yếu trong các tai nạn đuối nước
Do môi trường
Môi trường có thể tiềm ẩn những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đuối nước. Có thể kể đến như:
- Sông, hồ, kênh, rạch, suối, ao,… Đặc biệt các đối với các tỉnh Tây Nam Bộ, với đặc điểm địa hình nhiều kênh, rạch chằng chịt mang lại nguy cơ đuối nước lớn.
- Những vùng thường xảy ra mưa to, lũ lụt hằng năm.
- Những khu vực giáp biển có địa hình sâu như các vùng biển có núi nhô sát ra biển hoặc có thềm biển dốc.[3]
Sông, hồ, ao, kênh, rạch là những địa hình tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra đuối nước
Dấu hiệu của đuối nước
Vậy làm sao để nhận biết một người đang bị đuối nước? Người bị đuối nước sẽ có các triệu chứng dưới đây:
Triệu chứng của đuối nước
Người bị đuối nước sẽ có những biểu hiện thiếu oxy bao gồm:
- Khó thở, thở nhanh, đau tức ngực.
- Da trở nên tím tái.
- Mất ý thức, có thể có co giật.
- Phù não do thiếu oxy lên não trong thời gian dài (Khoảng từ 3 – 5 phút).
- Tim đập nhanh hoặc rối loạn nhịp tim.
Những triệu chứng trên diễn ra rất nhanh, do đó việc sơ cứu đúng cách, cấp cứu kịp thời là rất quan trọng để tránh nguy hiểm đến tính mạng cũng như giảm thiểu nguy cơ để lại biến chứng.
Nạn nhân bị đuối nước có thể rơi vào tình trạng mất ý thức do thiếu oxy lên não
Triệu chứng đuối nước khô
Những triệu chứng của đuối nước khô xảy ra trong vòng 1 giờ sau khi rời khỏi nước, bao gồm:
- Ho liên tục và không thể kiểm soát.
- Cảm thấy khó thở hoặc khó nói.
- Chóng mặt, đau ngực.
- Trở nên cáu kỉnh hoặc có các hành vi bất thường
- Có bọt hoặc đờm ở trong mũi hoặc khoang miệng
Những triệu chứng nhìn chung là giống với đuối nước và những nguy hiểm, biến chứng mà đuối nước khô mang lại cũng tương đương với đuối nước thông thường.
Tìm hiểu thêm: 10 nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt phái nữ cần biết
Trẻ ho liên tục sau khi tiếp xúc với nước có thể là triệu chứng của đuối nước khô
Các bước sơ cứu người bị đuối nước
Bước 1: Gọi người hỗ trợ và gọi cấp cứu 115
Khi phát hiện đuối nước, điều quan trọng nhất là cần phải gọi người hỗ trợ nhanh nhất có thể. Có thể hô hoán hoặc ra dấu hiệu để cho những người xung quanh chú ý. Bên cạnh đó cần ngay lập tức gọi xe cấp cứu 115.
Bước 2: Khẩn trương đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước
Có thể dùng phao, gậy, bất cứ vật nổi nào ném xuống cho nạn nhân hoặc có thể trực tiếp kéo nạn nhân vào bờ. Phải đảm bảo làm càng nhanh càng tốt vì nếu não thiếu oxy trên 5 phút có thể để lại nhiều biến chứng về sau hoặc nguy hiểm đến tính mạng
Bước 3: Đánh giá nhanh tình trạng người bị đuối nước
Cần đánh giá nhanh liệu người đuối nước còn tỉnh hay không để có thể thực hiện các bước xử lý tiếp theo.
Bước 4: Xử trí khi nạn nhân bất tỉnh
Đánh giá đường thở của bệnh nhân, có thể nhìn nghe hoặc cảm nhận. Nếu như nạn nhân không thở, thực hiện thổi ngạt và ép tim theo các bước dưới đây:
- Thực hiện thổi ngạt 5 lần: Nâng đầu nạn nhân, sau đó thổi ngạt vào miệng nạn nhân.
- Ép tim 30 nhịp: Vị trí ép tim sẽ nằm ở nửa dưới xương ức. Đối với trẻ nhỏ thì dùng 1 tay, còn đối với trẻ lớn hoặc người trưởng thành thì sẽ dùng 2 tay, ấn xuống khoảng 1/3 – 1/2 lồng ngực. Tần số ép tim khoảng 100 – 120 lần/phút. Thực hiện ép tim 30 lần.
- Thực hiện 2 lần thổi ngạt: Sau khi thực hiện ép tim, hà hơi thổi ngạt 2 lần.
- Tiếp tục thực hiện theo chu kỳ 30 lần ép tim – 2 lần thổi ngạt cho đến khi nạn nhân tỉnh hoặc có nhân viên y tế đến.
Bước 5: Đặt người bị đuối nước ở tư thế an toàn khi đã tỉnh
Sau khi nạn nhân tỉnh, để nạn nhân ở tư thế an toàn, lau khô người cho nạn nhân, thay quần áo, ủ ấm và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo.
Sơ cứu càng sớm, đúng kỹ thuật sẽ tăng khả năng sống sót của nạn nhân
Chú ý khi cấp cứu người bị đuối nước
Trong quá trình cấp cứu, cần lưu ý rằng việc thực hiện nhanh chóng, dứt khoát đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thời gian chịu đựng thiếu oxy tối đa của não chỉ là 5 phút, do đó cần thực hiện ngay tại nơi xảy ra tai nạn để tránh để lại di chứng do thiếu oxy.
Tuyệt đối không dốc ngược nạn nhân đuối nước, vác lên vai rồi chạy. Điều này có thể khiến dịch vị dạ dày trào ngược vào đường hô hấp. Ngoài ra cũng làm mất thời gian vàng cấp cứu cho nạn nhân.
Thực hiện hồi sức tim phổi liên tục cho đến khi nạn nhân có thể tự thở hoặc tỉnh lại. Và sau khi tỉnh lại vẫn cần đưa tới cơ sở y tế để được kiểm tra và theo dõi để tránh biến chứng.
Cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và theo dõi
Cách phòng ngừa đuối nước
Những hậu quả lâu dài mà đuối nước mang lại về sức khoẻ lẫn tinh thần cho cả nạn nhân cũng như người nhà là vô cùng to lớn. Do đó, việc phòng ngừa đuối nước là rất quan trọng. Cần hạn chế nguy cơ đuối nước bằng cách:
- Tuyệt đối phải theo dõi trẻ em, không cho trẻ em bơi hoặc tắm một mình, đặc biệt lưu ý khi đang ở khu vực có nước như ao, hồ, sông, suối,…
- Chỉ được tập bơi ở những khu vực có nhân viên cứu hộ.
- Trang bị áo phao khi di chuyển bằng đường thuỷ hoặc đi bơi.
- Tham gia các lớp dạy kỹ năng bơi giúp an toàn dưới nước.
- Nếu như khu vực xung quanh gần ao, hồ, cần chú ý che chắn, rào cẩn thận để tránh trẻ em bị đuối nước.
- Tham gia các lớp kỹ năng sơ cứu đuối nước như hồi sức tim phổi để có thể kịp thời giúp đỡ nạn nhân đuối nước nếu có tai nạn xảy ra.[4]
>>>>>Xem thêm: Cách uống thuốc bổ não đúng cách an toàn, hiệu quả bạn nên biết
Học các kỹ năng sơ cứu là vô cùng cần thiết để giúp đỡ kịp thời khi xảy ra đuối nước
Trên đây là những thông tin cơ bản về đuối nước cũng như các bước sơ cứu đuối nước mà bạn có thể cần. Tai nạn đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó hãy luôn cẩn thận và tích cực trang bị những kiến thức cần thiết để có thể tự cứu chính mình cũng như người khác khỏi rủi ro. Nếu thấy những thông tin trên hữu ích, hãy chia sẻ cho nhiều người cùng biết nhé !