Lutein không chỉ có lợi ích cho mắt mà còn là chất chống oxy hóa tốt cho nhiều hệ cơ quan khác trong cơ thể. Cùng khám phá tác dụng, cách sử dụng và các thực phẩm giàu lutein trong bài viết này!
Bạn đang đọc: Lutein là gì? Tác dụng, cách dùng, thực phẩm giàu lutein
Contents
Lutein là gì?
Carotenoid là một sắc tố tạo nên màu vàng, cam, đỏ cho thực phẩm. Đây là chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của tế bào nhưng cơ thể không tự tổng hợp được mà phải bổ sung thông qua thức ăn. Carotenoid được chia thành hai nhóm chính là:
- Xanthophylls: chứa oxy, tạo nên màu vàng tự nhiên cho thực phẩm.
- Carotenes: không chứa oxy trong cấu tạo, góp phần hình thành màu cam cho thực phẩm.
Lutein là chất thuộc nhóm xanthophylls, được phát hiện nhiều nhất tại võng mạc mắt. Cùng với Zeaxanthin – chất cũng được phát hiện ở võng mạc, Lutein được coi là sắc tố điểm vàng, có lợi cho sức khỏe mắt.
Ngoài ra, Lutein còn là chất chống oxy hóa nên đang được đẩy mạnh nghiên cứu tác dụng đối với não bộ, tim mạch cũng như giảm sự hình thành bệnh ung thư tại một số cơ quan.[1]
Lutein là một chất chống oxy hóa mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể
Các tác dụng của Lutein đối với sức khỏe
Tăng cường sức khoẻ mắt
Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu các bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác (AREDS) đã khẳng định rằng khi bổ sung Lutein kết hợp với Zeaxanthin giảm 25% tình trạng thoái hóa điểm vàng nặng trong vòng 5 năm ở những người đã mắc bệnh lý này trước đó. Với những người chưa bị thoái hóa điểm vàng thì liệu pháp này không phát huy hiệu quả trong việc ngăn ngừa tiến triển tình trạng thoái hóa ở người cao tuổi.[1]
Dù cả hai chất là Lutein và Beta-carotene đều có tác dụng tốt cho mắt nhưng Beta-carotene lại tăng nguy cơ ung thư phổi với những người hút thuốc lá lâu năm. Chính vì vậy, thay thế Beta-carotene bằng Lutein kết hợp với Zeaxanthin sẽ giúp hỗ trợ sức khỏe của mắt, đồng thời không làm tăng nguy cơ ung thư phổi với những người bệnh trong trường hợp này.
Do Lutein là một chất chống oxy hóa nên có thể giúp giảm tình trạng viêm và những stress oxy hóa xảy ra với mắt. Điều này sẽ giúp giảm những bệnh lý liên quan đến mắt như tăng nhãn áp, bệnh võng mạc đái tháo đường, thoái hóa điểm vàng.
Lutein có tác dụng rất tốt cho sự phát triển võng mạc của trẻ trong thời kỳ mẹ mang thai và sau khi sinh. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn còn đang nghiên cứu liều lượng và cách sử dụng để giúp đạt được hiệu quả tốt nhất.[1]
Lutein giúp làm sáng mắt hiệu quả
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Khi nồng độ Lutein trong máu cao có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Một nghiên cứu về tác dụng của Lutein và Zeaxanthin đã chỉ ra rằng khi sử dụng hai chất này có thể cải thiện triệu chứng lâm sàng ở những người mắc bệnh lý tim mạch.
Theo một nghiên cứu khác, bạn chỉ cần bổ sung 20 mg Lutein mỗi ngày, liên tục trong 3 tháng có thể làm giảm cholesterol và triglyceride, cân bằng nồng độ lipid trong máu, giảm nguy cơ mắc xơ vữa động mạch – một trong những yếu tố liên quan mật thiết đến các bệnh lý tim mạch.[1]
Lutein giúp tăng cường sức khỏe tim mạch
Hỗ trợ điều trị ung thư
Một số nghiên cứu đã được thực hiện để chứng minh rằng, Lutein có tác dụng trong hỗ trợ điều trị một số bệnh lý ung thư như:
- Lutein hàm lượng cao kết hợp với một số loại trái cây và rau củ có tác dụng hiệu quả trong việc giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy.
- Lutein kết hợp với những carotenoid khác cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư vùng đầu mặt cổ.[1]
Lutein giúp hỗ trợ điều trị ung thư vú
Cải thiện trí nhớ và khả năng nhận thức
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nồng độ Lutein cao có thể giúp tăng cường nhận thức và trí nhớ. Carotenoid nói chung và Lutein nói riêng có tác dụng giảm xuất hiện các bệnh lý thoái hóa thần kinh, nâng cao sức khỏe não bộ ở người già.
Một nghiên cứu ghi nhận khi sử dụng 10mg Lutein mỗi ngày kết hợp với Zeaxanthin và Meso-Zeaxanthin có thể giúp cải thiện trí nhớ trong 1 năm.[1]
Lutein giúp tăng cường trí nhớ
Bảo vệ làn da
Tác dụng bảo vệ làn da của Lutein mới được phát hiện trong những năm gần đây nên chưa được ứng dụng nhiều trong điều trị. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, Lutein có tác dụng bảo vệ làn da khỏi lão hóa sớm và giảm những tác hại mà tia cực tím gây nên trên da.
Theo một nghiên cứu trên chuột, sử dụng chế độ ăn giàu Lutein và Zeaxanthin 0,4% trong vòng 2 tuần có thể giúp giảm tình trạng viêm da do tia cực tím gây ra so với việc chỉ dùng Lutein và Zeaxanthin 0,04%.[2]
Tìm hiểu thêm: Rửa mặt bằng nước muối sinh lý có tốt không?
Lutein bảo vệ làn da khỏi tia cực tím
Cách sử dụng Lutein đúng cách an toàn, hiệu quả
Với những lợi ích của Lutein, việc sử dụng thực phẩm chứa chất này là quan trọng. Khi thực hiện bổ sung Lutein thì cần phải được tư vấn bởi chuyên gia chăm sóc sức khỏe như chuyên gia dinh dưỡng, Dược sĩ hay Bác sĩ. Chúng không được điều chế để điều trị, chữa bệnh hoặc ngăn ngừa bệnh tật.[3]
Theo thống kê, có 44mg Lutein trong một cốc cải xoăn nấu chín, 26mg trong mỗi cốc rau bina nấu chín và 3mg mỗi cốc bông cải xanh nên với một chế độ ăn đầy đủ có thể đã cung cấp đủ nhu cầu Lutein của cơ thể.
Trong trường hợp cần sử dụng thực phẩm chức năng để bổ sung thì nồng độ thường được khuyến cáo sử dụng với người trưởng thành là 10mg – 20mg mỗi ngày trong tối đa 3 năm.
Lưu ý, một số vitamin tổng hợp có thể chứa một lượng nhỏ Lutein, thường mỗi viên có thể chứa 0,25 mg chất này nên khi sử dụng các thực phẩm chức năng bổ sung Lutein cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bạn có thể kết hợp Lutein với bữa ăn giàu chất béo để đạt hiệu quả tốt nhất.[4]
Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng Lutein
Sử dụng Lutein quá nhiều có tốt không?
Khi sử dụng Lutein quá mức có thể gây hiện tượng vàng da hay còn gọi là hội chứng carotenodermia. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên vàng da do tích tụ quá nhiều carotenoid. Và điều này có thể giải quyết bằng cách lau da bằng bông tẩm cồn.[5]
Sử dụng quá liều Lutein có thể gây nên vàng da
Các tác dụng phụ thường gặp khi dùng Lutein
Nhìn chung, Lutein là một chất khá lành tính và ít gây tác dụng phụ khi sử dụng. Một nghiên cứu vào năm 2013 chỉ ra rằng việc bổ sung Lutein liên tục trong vòng 5 năm không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào, triệu chứng được ghi nhận duy nhất là vàng da nhưng ở mức độ nhẹ, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng.[6]
Lutein là một loại thực phẩm chức năng an toàn
Thực phẩm giàu Lutein
Rau xanh và một số loại củ quả thường chứa một lượng lớn Lutein. Chính vì vậy, bạn có thể cân nhắc một số loại thực phẩm sau để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng này cho cơ thể:
- Cải xoăn.
- Rau chân vịt.
- Bông cải xanh.
- Rau xà lách.
- Đậu Hà Lan.
- Ngô.
- Bắp cải.
- Đậu xanh.
- Xoài.
- Đu đủ.
- Lòng đỏ trứng.
- Lúa mì.[3]
Cải xoăn là thực phẩm chứa nhiều Lutein
Lutein là một trong những chất chống oxy hóa quan trọng với cơ thể, đặc biệt là mắt. Mong rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn một số kiến thức liên quan đến hoạt chất quan trọng này. Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!
Lutein and Zeaxanthin: Benefits, Dosage and Food Sources
https://www.healthline.com/nutrition/lutein-and-zeaxanthin
The Health Benefits of Lutein
https://www.verywellhealth.com/can-lutein-supplements-protect-your-eyes-89060
Lutein – Uses, Side Effects, and More
https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-754/lutein
Safety and Benefits of Lutein
https://www.poison.org/articles/lutein-safety-and-benefits-172
Lutein + zeaxanthin and omega-3 fatty acids for age-related macular degeneration: the Age-Related Eye Disease Study 2 (AREDS2) randomized clinical trial
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23644932/
Xem thêm
>>>>>Xem thêm: Thừa vitamin C gây bệnh gì? 6 dấu hiệu nhận biết khi thừa vitamin C