Hệ miễn dịch của cơ thể sau mắc COVID-19 sẽ có khả năng đề kháng với virus. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không có khả năng tái nhiễm trở lại. Vậy miễn dịch cơ thể sau COVID-19 được hình thành thế nào và tồn tại bao lâu? Cùng tìm hiểu nhé!
Bạn đang đọc: Miễn dịch cơ thể sau COVID-19 kéo dài bao lâu?
Các thành phần của hệ miễn dịch phối hợp với nhau ngăn sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh
Contents
Cơ thể hình thành miễn dịch với COVID-19 như thế nào?
Miễn dịch tự nhiên của cơ thể
Miễn dịch tự nhiên là miễn dịch được hình thành sau khi cơ thể mắc bệnh. Khi vi khuẩn hoặc virus tấn công vào cơ thể gây bệnh lần đầu, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ ngay lập tức nhận diện, ghi nhớ kháng nguyên đó và hoạt hóa tế bào lympho B hình thành nên kháng thể tương ứng.
Sau mắc COVID-19, cơ thể sẽ hình thành nên miễn dịch đặc hiệu có khả năng nhận diện virus SARS-CoV-2 và ngăn virus gây bệnh ở những lần tiếp xúc tiếp theo.
Theo công bố của Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) và Viện Ung thư Quốc gia (NCI) của NIH vào tháng 1 năm 2021 trên tạp chí Science, có 98% người tham gia có kháng thể đặc hiệu chống protein của virus Corona 1 tháng sau khi khởi phát triệu chứng nhiễm COVID-19. [1]
Miễn dịch tự nhiên hình thành sau khi mắc bệnh lần đầu tiên
Miễn dịch từ vaccine
Miễn dịch từ vaccine hay còn gọi là miễn dịch nhân tạo, là hình thức tạo kháng thể đặc hiệu bằng cách đưa kháng nguyên một cách chủ động vào cơ thể. Vaccine có thể là toàn bộ hoặc một phần protein của virus được đưa vào cơ thể với một lượng đủ để kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất ra kháng thể tương ứng.
Tuy nhiên, theo thời gian, lượng kháng thể này sẽ giảm dần và không còn đủ khả năng chống lại vi khuẩn gây bệnh. Lúc này, bạn sẽ cần tiêm những mũi bổ sung, mũi nhắc lại kế tiếp để kích thích cơ thể sản xuất một lượng kháng thể cần thiết để ngăn được sự gây bệnh của virus.
Miễn dịch từ vaccine – miễn dịch nhân tạo
Miễn dịch cộng đồng
Miễn dịch cộng đồng được hiểu là loại miễn dịch được tạo thành nhờ một tỷ lệ lớn dân cư trong cộng đồng đó có khả năng đề kháng với một loại căn nguyên, giúp bảo vệ cả những người chưa có miễn dịch.
Mặc dù loại miễn dịch này không phải do cơ thể hình thành nhưng nó cũng góp phần quan trọng tạo nên lớp bảo vệ cho sức khoẻ của bạn và xã hội, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19.
Đây cũng là mục tiêu của chương trình tiêm phòng toàn dân mở rộng. Khi cộng đồng có tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ cao sẽ có miễn dịch cá nhân vững chắc, từ đó, hình thành lên hàng rào bảo vệ rộng rãi cho toàn bộ dân cư trong xã hội, giảm nguy cơ truyền bệnh cho những người chưa có miễn dịch vs SARS-CoV-2.
Tiêm phòng toàn dân là biện pháp tạo miễn dịch cộng đồng hiệu quả
Thời gian tồn tại của các thành phần miễn dịch với COVID-19 trong cơ thể
Miễn dịch của cơ thể với virus Corona giống với các virus gây bệnh đường hô hấp khác như cúm, chúng thường chỉ bền vững trong một thời hạn nhất định.
Theo thời gian, lượng kháng thể đặc hiệu với COVID-19 đều sẽ giảm sút, kể cả miễn dịch tự nhiên và miễn dịch nhân tạo. Do đó, bạn vẫn có khả năng mắc COVID-19 kể cả khi bạn đã tiêm phòng hoặc mắc bệnh trước đó.
Tùy theo hệ miễn dịch của mỗi người cũng như phản ứng của cơ thể sau tiếp xúc với virus nặng hay nhẹ mà mỗi người có số lượng các thành phần miễn dịch với COVID-19 khác nhau và thời gian tồn tại của các thành phần cũng thay đổi khác nhau.
Hãy cùng tìm hiểu thời gian tồn tại của các thành phần miễn dịch với COVID-19 dưới đây:
Tế bào lympho T
Tế bào lympho T đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể. Ngoài tiêu diệt virus, lympho T còn có khả năng nhận diện virus và các biến thể của chúng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà gần đây có nhiều biến thể Omicron mới hình thành khả năng trốn tránh hệ miễn dịch.
Một nghiên cứu về tính bền vững của các thành phần miễn dịch của cơ thể với virus SARS-CoV-2 từ Viện Miễn dịch học La Jolla đã tiến hành phân tích mẫu máu từ gần 200 người tiếp xúc với SARS-CoV-2 và đã hồi phục về thời gian tồn tại của tế bào lympho T.
Kết quả chỉ ra rằng sau 6 tháng kể từ thời điểm biểu hiện triệu chứng nhiễm COVID-19, có đến 92% người có tế bào T CD4+ còn khả năng nhận diện và kích hoạt các phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại virus và còn khoảng 50% số người tham gia có một lượng tế bào T CD8+ có khả năng tiêu diệt virus gây bệnh. [1]
Tế bào lympho T có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch
Tế bào lympho B
Tế bào lympho B không trực tiếp tiêu diệt virus mà chúng có khả năng ghi nhớ và sản sinh ra các kháng thể. Khi mà cơ thể vẫn còn tiếp xúc với mầm bệnh, các tế bào lympho B đặc hiệu sẽ được hoạt hóa và gia tăng về số lượng theo thời gian.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Daniela cũng đã chỉ ra rằng, những bệnh nhân đã khỏi COVID-19 tham gia nghiên cứu có nhiều tế bào lympho B trí nhớ sau 6 tháng kể từ khi khởi phát triệu chứng cao hơn so với sau 1 tháng kể từ khi có triệu chứng.[1]
Tế bào lympho B đặc hiệu tồn tại khá bền vững sau mắc COVID-19
Kháng thể
Kháng thể hình thành sau nhiễm COVID-19 thường bao gồm 3 nhóm chính: kháng thể đặc hiệu với protein N, protein S2 và RBD. Một nghiên cứu của tác giả Tyler Gipperger vào tháng 10 năm 2020 chỉ ra rằng các kháng thể đặc hiệu với protein N của virus giảm nhanh hơn so với các kháng thể chống lại RBD hoặc S2.
Lượng kháng thể N đặc hiệu với SARS-CoV-2 đã giảm xuống mức không thể phát hiện được trong vòng 2 – 3 tháng ở 40% những người khỏi bệnh nhẹ. Tuy nhiên, các kháng thể trung hòa và kháng thể chống lại RBD và S2 đã đạt đến mức thấp nhất ổn định và còn tồn tại ít nhất 7 tháng sau mắc COVID-19. [2]
Tìm hiểu thêm: Người bị ho có ăn được thịt gà không? Chế độ dinh dưỡng khi bị ho
Kháng thể kháng COVID-19 thường có 3 nhóm chính
Khả năng tái nhiễm sau khi lành bệnh
Theo một nghiên cứu về khả năng bảo vệ cơ thể phòng tái nhiễm COVID-19 của miễn dịch tự nhiên và miễn dịch sau tiêm vào tháng 3 năm 2022 được thực hiện trên 35.768 người tại Vương quốc Anh đã kết luận, miễn dịch tự nhiên sau mắc COVID-19 có thể bảo vệ cơ thể tránh tái nhiễm sau khoảng 1 năm sau khi biểu hiện dấu hiệu mắc bệnh.[3]
Các dấu hiệu mắc bệnh COVID-19 có thể bao gồm:
- Sốt.
- Viêm họng.
- Ho khan.
- Mất vị giác, khứu giác.
- Khó thở hoặc thở gấp.
- Đau đầu.
- Đau cơ, đau nhức người.
Kháng thể kháng COVID-19 có khả năng phòng tái nhiễm sau khoảng 1 năm
Tầm quan trọng của vaccine và mũi tiêm bổ sung
Như đã trình bày ở trên, kháng thể được hình thành tự nhiên hoặc sau khi tiêm vaccine có tính bền vững chỉ trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ giảm dần về số lượng. Đồng thời các chủng mới của virus SARS-CoV-2 luôn đổi mới và hình thành nhiều biến thể có khả năng trốn tránh hệ miễn dịch.
Chính vì lý do đó, việc tiêm nhắc lại và tiêm bổ sung các loại vaccine mới có tác dụng bao phủ miễn dịch rộng rãi, tạo miễn dịch bền vững cho cơ thể.
Nên tiêm phòng đầy đủ và cập nhật theo dõi sức khỏe
Xét nghiệm kháng thể COVID-19
Khi nào cần làm xét nghiệm kháng thể?
Kháng thể COVID-19 được sản sinh trong cơ thể ở nhiều trường hợp như: sau khi được điều trị khỏi bệnh, sau khi tiêm vaccine đủ liều từ 3 – 4 tuần, kháng thể truyền từ mẹ sang con sau khi người mẹ đã chữa khỏi COVID-19 hoặc tiêm đủ liều vaccine.
Mục đích của việc xét nghiệm kháng thể COVID-19 như sau:
- Dùng để chẩn đoán hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em sau mắc COVID-19 (MIS-C): Bác sĩ sẽ nghi ngờ hội chứng MIS-C khi trẻ có biểu hiện sốt cao, phát ban, viêm kết mạc, nổi hạch, nôn, rối loạn tiêu hóa,… mà trước đó có mắc hoặc biểu hiện triệu chứng mắc COVID-19.
Lúc này, cần làm xét nghiệm kháng thể COVID-19 để xác định tình trạng có kháng thể kháng protein của virus SARS-CoV-2 trong máu để phục vụ chẩn đoán.
- Bạn từng mắc COVID-19 và muốn hiến huyết tương có chứa kháng thể kháng virus để điều trị cho những người mắc COVID-19 nặng.
- Bạn từng biểu hiện triệu chứng giống mắc COVID-19 nhưng chưa làm xét nghiệm hay làm test nhanh để chẩn đoán tại thời điểm đó và bạn muốn xem có phải bạn đã từng mắc COVID-19 hay không.
Nhận biết sớm các dấu hiệu của MIS-C để cho trẻ đi khám
Phân biệt xét nghiệm kháng thể COVID-19 và xét nghiệm PRC, test nhanh COVID-19
Tuy nhiên, trước khi làm xét nghiệm kháng thể, bạn cần phân biệt loại xét nghiệm này và xét nghiệm PCR hay test nhanh COVID khác nhau như thế nào:
- Xét nghiệm kháng thể mà đang đề cập là xét nghiệm nhằm mục đích phát hiện kháng thể kháng lại COVID-19, điều này chứng minh bạn đã từng mắc COVID-19 trước đây.
- Còn xét nghiệm PCR hay test nhanh COVID-19 là xét nghiệm nhằm mục đích phát hiện kháng nguyên (virus SARS-CoV-2) đồng nghĩa với chứng minh bạn đang mắc COVID tại thời điểm hiện tại.
Xét nghiệm kháng thể và xét nghiệm PCR, test nhanh có các mục đích khác nhau
Ý nghĩa kết quả của xét nghiệm kháng thể
- Dương tính: nghĩa là bạn có kháng thể chống COVID-19 trong máu. Điều này cho thấy bạn đã từng mắc virus trước đây. Có thể trước đây bạn không có biểu hiện triệu chứng mắc COVID-19 hoặc có biểu hiện nghi ngờ mà chưa test hoặc test nhanh âm tính. Một số trường hợp có thể cho kết quả dương tính giả do bạn mắc loại virus có protein gần giống với virus Corona.
- Âm tính: nghĩa là bạn không có kháng thể COVID-19 trong máu. Điều này có thể do bạn chưa từng nhiễm COVID-19 trước đây hoặc do bạn mới mắc nên hệ miễn dịch chưa kịp hình thành lượng kháng thể đủ để xét nghiệm. Một số trường hợp có thể là tình trạng âm tính giả do sai sót trong quy trình làm xét nghiệm hoặc lỗi hóa chất.
Xét nghiệm kháng thể cho phép xác định bạn đã từng mắc COVID-19 trước đó
Độ tin cậy của xét nghiệm kháng thể
- Tùy theo chất lượng của các phòng xét nghiệm mà có độ đặc hiệu và độ nhạy khi làm xét nghiệm khác nhau.
- Mọi xét nghiệm đều có thể có tỷ lệ sai sót liên quan đến thời điểm làm xét nghiệm (quá sớm, khi đang mắc virus, cơ thể chưa kịp hình thành kháng thể), do quy trình kỹ thuật (nhầm mẫu, sai mẫu, lỗi mẫu) hoặc do hóa chất làm xét nghiệm.
- Không phải tất cả các cơ sở y tế đều thực hiện được xét nghiệm kháng thể COVID-19. Nếu bạn muốn làm xét nghiệm hãy liên hệ trước với cơ sở y tế để được tư vấn và thực hiện.
>>>>>Xem thêm: Hyaluronic Acid là gì? Công dụng của HA đối với làn da và sức khỏe
Mỗi xét nghiệm đều có độ tin cậy khác nhau
Trên đây là những thông tin hữu ích và đầy đủ về miễn dịch cơ thể sau nhiễm COVID-19. Hãy tiêm phòng đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm để phòng nguy cơ mắc COVID-19 bạn nhé! Hãy chia sẻ những thông tin trên đến bạn bè và mọi người xung quanh bạn nhé!
Nguồn: NIH, MedicalNewsToday, BMJ, Healthline.