Việc trẻ không thể tập trung hoặc giữ sự chú ý trong quá trình học là vấn đề được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc trẻ thiếu tập trung khi học và cách cải thiện như thế nào, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Bạn đang đọc: Nguyên nhân trẻ thiếu tập trung khi học và cách cải thiện hiệu quả
Contents
Trẻ thiếu tập trung khi học có phải là bệnh lý?
Trẻ thiếu tập trung khi học là tình trạng mà trẻ gặp khó khăn trong việc duy trì sự chú ý và tập trung vào nhiệm vụ học tập. Điều này có thể được biểu hiện qua việc trẻ dễ bị sao nhãng, mất tập trung, dễ phân tâm hoặc không thể tiếp thu thông tin một cách hiệu quả.
Mặc dù sự thiếu tập trung có thể ảnh hưởng đến hiệu suất học tập của trẻ, nhưng tình trạng này không được xem như một bệnh lý. Thực tế, thiếu tập trung khi học thường được coi là một vấn đề liên quan đến các yếu tố của cá nhân trẻ như gia đình, môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ em có thể trải qua các rối loạn tập trung và chú ý, như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) – là một rối loạn tổ chức não bẩm sinh, và đây được xem là một tình trạng bệnh lý. [1]
Trẻ thiếu tập trung khi học có thể liên quan đến bệnh lý rối loạn tăng động giảm chú ý
Biểu hiện của trẻ thiếu tập trung khi học
Trẻ thiếu tập trung thường gặp khó khăn trong việc học tập, làm bài tập và tham gia các hoạt động khác. Một số biểu hiện của trẻ thiếu tập trung khi học bao gồm:
- Dễ bị phân tâm bởi các yếu tố xung quanh như tiếng ồn, đồ vật,…
- Không thể ngồi yên, thường xuyên di chuyển, đứng lên, ngồi xuống.
- Khó khăn trong việc tập trung vào một hoạt động cụ thể, dễ bị sao nhãng.
- Hay quên, không nhớ được những gì đã học.
- Thường xuyên làm mất đồ.
- Lười vận động, không thích tham gia các hoạt động tập thể.
- Dễ bị kích động, cáu gắt, nóng nảy.
- Không thích tiếp xúc với người khác. [2]
Dễ bị phân tâm là một trong biểu hiện của trẻ thiếu tập trung khi học
Nguyên nhân khiến trẻ thiếu tập trung khi học
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu tập trung khi học ở trẻ em. Một số nguyên nhân chính bao gồm:
- Thiếu ngủ: trẻ thiếu ngủ thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải, từ đó khó tập trung vào việc học.
- Chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng: trẻ thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho não bộ như sắt, kẽm, vitamin B12,… có thể gặp khó khăn trong việc tập trung.
- Ảnh hưởng của môi trường học tập hoặc gia đình: môi trường xung quanh ồn ào, không thoải mái hoặc gia đình căng thẳng, gây áp lực học tập cũng có thể khiến trẻ bị thiếu tập trung.
- Thiết bị kỹ thuật số: việc tiếp xúc nhiều với các thiết bị di động, máy chơi game, tivi có thể tạo ra sự phân tâm ở trẻ. Sử dụng quá mức các thiết bị này có thể làm giảm khả năng tập trung của trẻ.
- Các vấn đề về tâm lý: trẻ gặp phải các vấn đề về tâm lý như lo lắng, trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý,… cũng có thể khó tập trung vào việc học.
- Nhiệm vụ, bài tập khó: nếu trẻ nhận thấy các nhiệm vụ, bài tập được giao rất khó khăn hoặc đầy thử thách đối với mình, từ đó khiến trẻ sẽ không thể tập trung tốt vào chúng.
- Không tập thể dục đầy đủ: nếu không vận động thể chất đúng mức, trẻ sẽ trở nên lười biếng, thờ ơ và dẫn đến khả năng tập trung cũng sẽ suy giảm. [3]
Gia đình gây áp lực học tập có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị thiếu tập trung khi học
Cách cải thiện tình trạng trẻ thiếu tập trung khi học
Ngủ đủ giấc, ngủ trưa
Để phát triển tốt nhất, trẻ cần ngủ ít nhất 8 – 12 tiếng mỗi đêm và khoảng 30 phút mỗi trưa. Trẻ ngủ đủ giấc giúp tinh thần minh mẫn, tỉnh táo và từ đó dễ dàng tập trung vào việc học, nâng cao chất lượng tiếp thu thông tin.
Ngoài ra, ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính,… có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ của trẻ. Bố mẹ nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử ít nhất 1 tiếng trước khi đi ngủ. [4]
Trẻ cần ngủ ít nhất 8 – 12 tiếng mỗi đêm và khoảng 30 phút mỗi trưa
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp duy trì ổn định sự tập trung và cải thiện trí nhớ. Điều quan trọng là trẻ không được bỏ bữa vì cơn đói có thể làm trẻ phân tâm, mất tập trung. Tuy nhiên ba mẹ cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều vì có thể khiến trẻ mệt mỏi, uể oải.
Bố mẹ nên xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và lành mạnh, đặc biệt cần bổ sung các loại thực phẩm tốt cho não bộ bao gồm thực phẩm giàu omega-3, thực phẩm từ sữa, trái cây, rau xanh, các loại hạt,… sẽ giúp trẻ phát triển trí não và cải thiện khả năng tập trung.
Bố mẹ nên bổ sung cho trẻ chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất và lành mạnh
Đơn giản hoá các bài tập khó
Nếu bài tập về nhà quá khó, bố mẹ hãy thử ngồi cùng con và giúp con giải quyết những bài tập này. Một số cách giúp bố mẹ đơn giản hóa các bài tập khó cho trẻ như:
- Phân chia bài tập thành các phần nhỏ hơn: điều này sẽ giúp trẻ dễ dàng tiếp thu và hoàn thành bài tập tốt hơn.
- Sử dụng hình ảnh hoặc sơ đồ, ví dụ minh họa: sơ đồ hoặc hình ảnh minh hoạ cụ thể giúp trẻ hiểu bài tập dễ dàng hơn, hiểu rõ hơn về các khái niệm và kiến thức cần thiết để giải bài tập.
- Gợi ý các bước giải bài tập: việc này giúp trẻ biết cách bắt đầu và tiến hành giải bài tập dễ dàng hơn, từ đó giúp trẻ hứng thú và tập trung hơn.
Sử dụng hình ảnh minh hoạ có thể giúp trẻ dễ dàng tiếp thu và tập trung hơn
Hạn chế gây sao nhãng
Môi trường học tập yên tĩnh, thoải mái sẽ giúp trẻ tập trung hơn vào việc học. Bố mẹ nên tạo cho trẻ một không gian học tập riêng, cách xa các thiết bị điện tử, đồ chơi và các yếu tố gây sao nhãng khác sẽ giúp trẻ không bị phân tâm và từ đó tập trung hơn vào việc học.
Tìm hiểu thêm: Tiêu chảy có lây không, lây qua đường nào? Cách phòng ngừa tiêu chảy
Bố mẹ nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử trong giờ học
Duy trì thời khóa biểu hàng ngày
Duy trì thời khóa biểu hàng ngày sẽ giúp trẻ sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, từ đó cải thiện khả năng tập trung. Thời khóa biểu của trẻ nên được lập dựa trên lịch học ở trường và phù hợp với khả năng, sở thích của trẻ.
Bố mẹ không nên quá chú trọng vào thời gian học tập, hãy cân bằng giữa thời gian học và nghỉ ngơi của trẻ. Đồng thời, bố mẹ nên tạo điều kiện để trẻ tự sắp xếp thời khóa biểu để trẻ cảm thấy thoải mái và tự giác hơn trong việc thực hiện.
Duy trì thời khóa biểu hàng ngày sẽ giúp trẻ sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý
Giới hạn thời gian cho trẻ
Trẻ em có khả năng tập trung vào một việc nào đó trong khoảng thời gian ngắn, sau đó cần nghỉ ngơi để tập trung lại. Việc giới hạn thời gian cho trẻ khi học sẽ giúp trẻ có thể đạt được mức độ tập trung tốt nhất trong khoảng thời gian quy định.
Ngoài ra, việc nghỉ ngơi sau mỗi khoảng thời gian học sẽ giúp trẻ thư giãn và tái tạo năng lượng. Trong lúc nghỉ ngơi, bố mẹ có thể khuyến khích trẻ đi lại, vận động nhẹ nhàng hoặc chơi một trò chơi ngắn.
Giới hạn thời gian cho trẻ khi học sẽ giúp trẻ có thể đạt được mức độ tập trung tốt nhất
Cảm thông và thấu hiểu cho trẻ
Trẻ em thường có tâm lý nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Khi trẻ bị thiếu tập trung, trẻ có thể cảm thấy thất vọng, lo lắng và tự ti. Do đó, bố mẹ cần thể hiện sự cảm thông và thấu hiểu cho trẻ để giúp trẻ cảm thấy được yêu thương và quan tâm bằng cách:
- Khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc: bố mẹ nên khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc của mình. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy được thấu hiểu, hỗ trợ và đồng hành.
- Lắng nghe trẻ một cách cởi mở và không phán xét: khi trẻ gặp khó khăn trong việc học tập, bố mẹ nên dành thời gian lắng nghe trẻ một cách cởi mở và không phán xét. Bố mẹ nên đặt câu hỏi để hiểu rõ nguyên nhân của vấn đề và cùng trẻ tìm ra giải pháp.
- Hãy là một người bạn của trẻ: bố mẹ nên dành thời gian chơi đùa cùng trẻ, giúp trẻ giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi. Bố mẹ cũng nên chia sẻ những câu chuyện thú vị về việc học tập để giúp trẻ cảm thấy vui vẻ và hứng thú hơn trong quá trình học.
- Hiểu rõ năng lực, điểm mạnh của trẻ: trẻ em có sự phát triển khác nhau về năng lực, khả năng nhận thức và ghi nhớ. Bố mẹ không nên đặt kỳ vọng quá cao, tạo áp lực cho trẻ, thay vào đó hãy tìm hiểu những điểm mạnh của trẻ và tạo cơ hội để trẻ phát huy tối đa.
- Kết nối giữa bố mẹ và giáo viên của trẻ: thông qua việc trao đổi thông tin và hỗ trợ cùng nhau, các phụ huynh và giáo viên có thể tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp nhằm giải quyết vấn đề tập trung của trẻ.
Gia đình cần lắng nghe, thấu hiểu và cùng trẻ tìm ra giải pháp về vấn đề tập trung của trẻ
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu trẻ mất tập trung cần gặp bác sĩ
Thiếu tập trung là một vấn đề phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên, nếu trẻ có các dấu hiệu sau, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
- Thiếu tập trung kéo dài: trẻ bị thiếu tập trung trong thời gian dài, không có dấu hiệu cải thiện sau khi áp dụng các biện pháp hỗ trợ tại nhà.
- Thiếu tập trung ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt: việc thiếu tập trung khiến trẻ gặp khó khăn trong việc học tập, kết quả học tập kém, gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày.
- Thiếu tập trung kèm theo các triệu chứng khác: trẻ bị thiếu tập trung kèm theo các triệu chứng khác như tăng động, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu. [5]
Thiếu tập trung kéo dài và ảnh hưởng đến học tập là dấu hiệu trẻ cần gặp bác sĩ
Các bệnh viện uy tín
Nếu bố mẹ nhận thấy trẻ có biểu hiện thiếu tập trung, ghi nhớ kém kéo dài, cần đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa tâm lý sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có biện pháp can thiệp kịp thời. Các bệnh viện uy tín:
- Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh Viện Nhi Đồng, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Nhân dân 115.
- Hà Nội: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội.
>>>>>Xem thêm: Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày tiên tiến
Bố mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm để điều trị kịp thời
Bài viết đã cung cấp thông tin về các nguyên nhân khiến trẻ thiếu tập trung khi học và cách cải thiện hiệu quả. Điều quan trọng là phụ huynh cần lắng nghe, thấu hiểu và cùng trẻ tìm ra giải pháp về vấn đề tập trung khi học tập. Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ ngay cho mọi người xung quanh nhé!