Viêm đường tiết niệu là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến. Nếu không được điều trị đúng cách tình trạng viêm nhiễm kéo dài dễ gây tổn thương các cơ quan tiết niệu, sinh dục. Cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu để có thể phòng ngừa bệnh qua bài viết này nhé!
Bạn đang đọc: Nguyên nhân viêm đường tiết niệu có thể bạn chưa biết
Contents
Nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang)
Nhiễm trùng bàng quang hay còn gọi là viêm bàng quang, hầu hết do vi khuẩn Escherichia Coli (E. Coli) gây ra.
E. Coli di chuyển từ bên trong phân của đại tràng đến các bộ phận của cơ quan sinh dục ngoài gây viêm niệu đạo rồi tiếp tục di chuyển đến bàng quang gây viêm bàng quang. Nếu không được điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể sinh sôi nhanh chóng và di chuyển đến các bộ phận khác trong hệ tiết niệu gây viêm nhiễm tại đó.
Nhiễm trùng bàng quang với các triệu chứng điển hình như:
- Tiểu rắt, tiểu buốt.
- Đi tiểu nhiều lần, lượng nước tiểu ít.
- Nước tiểu có màu sẫm.
- Đau nhức các vùng thắt lưng, vùng xương chậu.
Nếu không được điều trị đúng cách viêm bàng quang có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận cấp, vô sinh, hiếm muộn ở nam và nữ giới do sự phát triển, lây lan nhanh chóng của vi khuẩn gây bệnh.
Nhiễm trùng niệu đạo (viêm niệu đạo)
Viêm niệu đạo thường xảy ra phổ biến ở nữ giới chiếm đến 70%, do vị trí giải phẫu của niệu đạo và âm đạo nằm gần nhau, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển một cách nhanh chóng. Hầu hết các nguyên nhân gây viêm niệu đạo là do lối sống hàng ngày như:
- Niệu đạo không được vệ sinh đúng cách.
- Thường xuyên tiếp xúc với các chất tẩy rửa không đảm bảo chất lượng, có nồng độ pH không phù hợp.
- Quan hệ với người mắc các bệnh tình dục.
Nhiễm trùng niệu đạo có dấu hiệu như:
- Đau rát liên tục ở niệu đạo.
- Nước tiểu có màu sẫm và mùi khai bất thường.
- Cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở niệu đạo hay bộ phận sinh dục.
- Nhiều tình trạng nghiêm trọng hơn khi có dấu hiệu sưng đỏ, chứa dịch mủ, ra huyết trắng cần đến ngay bác sĩ để được thăm khám kịp thời.
Nếu bệnh không được chữa trị kịp thời và đúng cách có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản như viêm buồng trứng, vòi trứng gây vô sinh, hiếm muộn.
Nhiễm trùng thận
Viêm đường tiết niệu có thể là hệ quả của nhiễm trùng thận. Khi thận bị viêm nhiễm, phổ biến là viêm bể thận cấp, vi khuẩn sẽ theo nước tiểu và nhanh chóng lây lan sang các cơ quan trong hệ tiết niệu, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm ở đường tiết niệu.
Các dấu hiệu và triệu chứng trong viêm bể thận cấp
- Đau lưng hoặc đau một bên (sườn).
- Sốt cao.
- Rùng mình và ớn lạnh.
- Buồn nôn, nôn mửa.
Nhiễm trùng niệu quản
Mặc dù viêm đường tiết niệu thường xảy ra nhất ở niệu đạo và bàng quang, tuy nhiên vi khuẩn cũng có thể di chuyển lên niệu quản và gây viêm nhiễm tại đây. Các trường hợp viêm niệu quản thường hiếm gặp nhưng tình trạng bệnh thì lại nghiêm trọng hơn.
Nhiễm khuẩn niệu quản thường có nguyên nhân từ sỏi niệu quản do sỏi cọ xát gây nên, cũng có thể gặp trong một số trường hợp sau phẫu thuật tán sỏi, đặt ống sonde JJ. Một số tai biến trong phẫu thuật cũng có thể gây nên tình trạng tổn thương niệu quản và gây nhiễm khuẩn niệu quản.
Tìm hiểu thêm: Thiếu vitamin D: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị
Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu
Một số trường hợp quan hệ tình dục không đúng cách sẽ có nguy cơ nhiễm trùng tiểu cao hơn, các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu như:
- Nhiễm trùng nước tiểu.
- Thai kỳ.
- Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt.
- Mất cân bằng hệ vi khuẩn âm đạo.
- Quan hệ tình dục không an toàn là nguyên nhân chủ yếu để vi khuẩn phát triển nhanh chóng.
- Lối sống, sinh hoạt, vệ sinh không đúng cách và sử dụng các chất tẩy rửa có pH cao.
- Suy giảm nội tiết tố ở phụ nữ tiền mãn kinh hay khi mang thai.
- Vị trí giải phẫu niệu đạo ngắn nằm sát âm đạo tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm.
Khi nào cần thăm khám bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Triệu chứng do nhiễm khuẩn đường tiết niệu khá phổ biến và rất dễ nhận biết nên nếu có dấu hiệu bệnh chuyển biến nặng và tái phát nhiều lần bạn cần tìm đến các chuyện gia để được thăm khám kịp thời. Một số dấu hiệu cần đến bác sĩ thăm khám:
- Xuất hiện chất dịch có màu trắng (huyết trắng) hay màu vàng đục (nhiễm khuẩn) là dấu hiệu hệ tiết niệu của bạn đã bị viêm và nhiễm khuẩn.
- Đi tiểu nhiều lần có dấu hiệu tiểu rắt, tiểu buốt sau mỗi lần tiểu.
- Đau ở thắt lưng đến vùng hông và bàng quang.
- Có dấu hiệu buồn nôn, nôn, mất nước.
Các xét nghiệm bệnh viêm đường tiết niệu
Phân tích nước tiểu.
Xét nghiệm bạch cầu máu bình thường trong khoảng 4 – 10 K/UL, và bạch cầu trong nước tiểu thông thường âm tính. Nếu chỉ số bạch cầu trong máu cao hơn hoặc/và bạch cầu trong nước tiểu dương tính thì đường tiết niệu của bạn đang bị nhiễm khuẩn.
Nitrit trong nước tiểu thông thường âm tính. Nếu dương tính, chứng tỏ trong nước tiểu có chứa vi khuẩn vì vi khuẩn chuyển hoá nitrat thành nitrit.
Bạn có thể kiểm tra bằng que thử nitrit nước tiểu, nếu que thử chuyển sang màu hồng thì đồng nghĩa với việc trong nước tiểu của bạn có chứa nitrit và đó là dấu hiệu cảnh báo tình trang viêm đường tiết niệu.
Protein trong nước tiểu bình thường âm tính. Nếu dương tính có thể bạn đang có nhiễm khuẩn tiết niệu hoặc các bệnh khác liên quan đến thận.
Soi bàng quang: Xét nghiệm này giúp khảo sát được các bộ phận của đường tiểu dưới như niệu đạo và bàng quang bằng cách đưa ống kính nội soi vào bên trong bàng quang. Thông thường nội soi bàng quang mất khoảng 10 – 15 phút và trước khi nội soi sẽ được gây tê tại chỗ.
Cấy nước tiểu: Đây là phương pháp xét nghiệm xác định lượng vi trùng có trong nước tiểu nhằm xác định lượng vi khuẩn có trong nước tiểu thường được lựa chọn vì giúp tìm ra được nguyên nhân gây nhiễm trùng.
Chụp CT: Còn gọi là chụp cắt lớp vi tính nhằm xác định nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu như sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang hay u bàng quang…
>>>>>Xem thêm: Liều dùng, cách dùng, lưu ý khi sử dụng Milk Thistle (Kế sữa)
Tham khảo địa chỉ khám và điều trị bệnh viêm đường tiết niệu
Nếu bạn có nhu cầu đến các bệnh viện để khám chuyên khoa về nhiễm trùng đường tiết niệu bạn có thể tham khảo một số bệnh viện lớn như:
- Tại thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Quốc tế City,…
- Tại thành phố Hà Nội: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện đa khoa An Việt,…
Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn thêm những thông tin về bệnh viêm đường tiết niệu. Nếu thấy hay và hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!
Nguồn: CDC, Medicalnewstoday, Mayoclinic