Hóa trị là một trong các biện pháp chính trong điều trị bệnh ung thư. Tuy nhiên, phương pháp này đem lại nhiều tác dụng không mong muốn đối với sức khỏe của người bệnh. Cùng tìm hiểu về 15 tác dụng phụ của hóa trị và cách chăm sóc bệnh nhân ung thư hiệu quả!
Bạn đang đọc: 15 tác dụng phụ của hoá trị ung thư, cách chăm sóc bệnh nhân hoá trị
Contents
Hóa trị là gì?
Số ca mắc bệnh ung thư ngày càng gia tăng mạnh mẽ, do đó các biện pháp điều trị bệnh cũng được quan tâm và phát triển. Trong số đó, hóa trị vẫn là biện pháp chính được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh ung thư.
Hóa trị là biện pháp điều trị sử dụng hóa chất có khả năng tấn công, tiêu diệt tế bào ung thư với mục tiêu điều trị và kiểm soát khối ung thư. Hóa chất tác động vào quá trình phân chia của tế bào ung thư, ngăn chặn sự nhân lên và tăng trưởng của tế bào, nhờ đó thu nhỏ và tiêu diệt khối ung thư.[1]
Hóa trị là biện pháp chính trong điều trị ung thư
Khi nào cần thực hiện hóa trị?
Sau khi chẩn đoán bệnh ung thư, bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp. Chỉ định điều trị hóa chất tùy thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh, giai đoạn và các yếu tố khác như tuổi mắc bệnh, mong muốn điều trị của gia đình,…
Thực hiện hóa trị để loại bỏ tế bào ung thư hoặc kiểm soát sự phát triển của khối u. Đôi khi người bệnh không thể tiến hành cuộc phẫu thuật thì hóa chất sẽ được dùng như một biện pháp điều trị giảm nhẹ.
Hóa trị được chỉ định để tiêu diệt và kiểm soát khối ung thư
Các tác dụng phụ của hoá trị và cách giảm nhẹ triệu chứng
Hóa chất có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, tuy nhiên, hóa trị cũng gây tổn hại cả tế bào lành của cơ thể. Dưới đây là các tác dụng phụ của hóa trị và cách xử trí giúp làm giảm nhẹ triệu chứng:[2][3]
Buồn nôn, chán ăn
Tình trạng buồn nôn, chán ăn là tác dụng phụ thường gặp nhất khi điều trị hóa chất. Hóa chất gây rối loạn nhu động dạ dày ruột, tạo cảm giác buồn nôn và gây nôn nhiều lần.
Ngoài ra, hóa chất còn làm thay đổi vị giác của người bệnh gây giảm cảm giác ngon miệng và thèm ăn. Do đó, tình trạng chán ăn của bệnh nhân ung thư càng trở nên nặng nề.
Một số biện pháp giúp cải thiện tình trạng chán ăn cho người bệnh như:[4]
- Chia nhỏ các bữa ăn, ăn nhiều bữa trong ngày.
- Ăn ít một, ăn chậm, nhai kỹ để thức ăn được tiêu hóa tốt.
- Ăn những loại thực phẩm dễ tiêu hóa.
- Lựa chọn các món ăn vừa miệng, không nêm nếm gia vị quá đậm hoặc quá nhạt.
- Người bệnh có thể ăn các loại thức ăn tươi được ướp lạnh.
- Tránh các món ăn nặng mùi trong những ngày truyền hóa chất.
- Nên tránh các món nhiều dầu mỡ, cay nóng.
- Nếu có cảm giác buồn nôn, người bệnh có thể ngậm chút chanh, bạc hà,… để dịu mát cổ họng.
- Đôi khi người bệnh sẽ được chỉ định dùng sớm các thuốc chống nôn khi dùng hóa chất.
Buồn nôn là triệu chứng thường gặp nhất khi điều trị hóa chất
Táo bón
Một tác dụng phụ khác của hóa chất là tình trạng táo bón, thường gặp khi hóa chất gây liệt ruột, giảm khả năng co bóp để tống phân. Một số biện pháp xử trí tình trạng táo bón do hóa trị bao gồm:
- Bổ sung rau xanh vào chế ăn hằng ngày.
- Uống đủ nước mỗi ngày.
- Đi lại, vận động, nên hạn chế nằm, ngồi trong thời gian dài.
- Nếu tình trạng táo bón kéo dài, bạn có thể dùng các thuốc nhuận tràng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Người bệnh ung thư đang hóa trị thường bị táo bón
Tiêu chảy
Ngược lại, nhiều người bệnh điều trị hóa chất gặp phải tình trạng tiêu chảy do ống tiêu hóa bị tổn thương. Hóa chất tấn công vào tế bào niêm mạc ruột gây tăng bài tiết và giảm khả năng hấp thu nước, dẫn đến đi ngoài phân lỏng kèm đau bụng.
Khi bị tiêu chảy, người bệnh nên áp dụng các biện pháp xử trí dưới đây:
- Bù nước và điện giải khi bị tiêu chảy.
- Bổ sung kẽm để nhanh chóng ổn định và hồi phục niêm mạc ruột.
- Nên lựa chọn các loại thức ăn dễ tiêu, ít mùi và hạn chế dầu mỡ.
- Không sử dụng các loại thức ăn còn sống, tái hoặc các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc.
- Nếu tình trạng đi ngoài nặng và kéo dài gây mất nước, bạn cần thông báo với bác sĩ điều trị để được điều trị đúng cách.
Hóa trị gây tình trạng tiêu chảy do tổn thương niêm mạc ống tiêu hóa
Viêm niêm mạc
Viêm niêm mạc là tình trạng tấy đỏ, sưng đau ở niêm mạc miệng, lưỡi, thậm chí tạo thành các vết lở loét trong khoang miệng. Điều này thường gặp trong khoảng từ 3 – 10 ngày sau đợt điều trị hóa trị đầu tiên và thường lâu khỏi.
Để cải thiện tình trạng này người bệnh cần vệ sinh răng miệng thường xuyên theo các lưu ý dưới đây:
- Súc miệng nhiều lần trong ngày, từ 4 – 6 giờ một lần, mỗi lần súc kỹ trong 15 – 30 giây.
- Không dùng nước súc miệng không chứa cồn và hydrogen peroxide.
- Bạn có thể tự làm dung dịch nước muối để súc miệng bằng cách pha 1 – 2 thìa cà phê muối với 1 lít nước.
- Sử dụng bàn chải đánh răng mềm, an toàn cho nướu.
- Dưỡng ẩm môi.
- Không ăn những món chua, cay, mặn hoặc nóng.
- Không hút thuốc lá.
Nếu thường xuyên bị loét miệng và ảnh hưởng đến ăn uống, bạn hãy thông báo với bác sĩ điều trị để được tư vấn điều trị tốt hơn.
Viêm loét niêm mạc miệng thường xuất hiện trong các đợt dùng hóa chất
Mệt mỏi
Có nhiều nguyên nhân gây mệt mỏi cho người bệnh ung thư đang hóa trị như người bệnh ăn uống kém, mất ngủ, lo lắng về bệnh tật,… Do đó, để cải thiện tình trạng này người bệnh có thể áp dụng các cách sau đây:
- Thực hiện chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
- Uống đủ nước trong ngày.
- Tập vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, thiền định,… vừa để thư giãn cơ thể vừa giúp ngủ ngon giấc.
- Người bệnh ung thư luôn cảm thấy lo lắng về bệnh tật, do đó cần có người thân, bạn bè ở bên thường xuyên động viên khích lệ tinh thần.
Người bệnh ung thư thường xuyên cảm thấy mệt mỏi
Mất ngủ
Người bệnh ung thư thường xuyên mất ngủ do lo lắng về bệnh tật hoặc do đau nhức nhiều gây khó chịu. Tuy nhiên, việc sử dụng hóa chất cũng phần nào gây cảm giác trằn trọc khó ngủ. Điều này càng khiến cho cơ thể người bệnh suy nhược và mệt mỏi.
Một số biện pháp giúp người bệnh ngủ ngon giấc hơn:
- Vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga,… hoặc ngồi thiền trước khi ngủ.
- Tránh các loại chất kích thích, trà, cà phê,…
- Người bệnh có thể dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi bằng các giấc ngủ ngắn trong ngày để giảm cảm giác mệt mỏi.
Mất ngủ khiến cho sức khỏe người bệnh càng trở nên tồi tệ hơn
Rụng tóc
Rụng tóc là tác dụng phụ khiến người bệnh ung thư càng trở nên tự ti và lo lắng về bệnh tật. Do đó, người bệnh ung thư có thể thử các cách dưới đây để góp phần giảm tình trạng rụng tóc:
- Hạn chế dùng lược cứng chải tóc.
- Tránh các tác động mạnh lên da đầu.
- Hạn chế dùng các loại hóa chất tác động lên tóc như thuốc nhuộm tóc,…
- Tình trạng rụng tóc ở những bệnh nhân ung thư thường nặng nề, do đó người bệnh có thể chủ động chuẩn bị khăn, mũ hoặc tóc giả.
Rụng tóc khi điều trị hóa chất khiến người bệnh lo lắng và tự ti
Biến chứng huyết học
Một tác dụng phụ nguy hiểm của hóa trị là rối loạn các dòng tế bào máu do hóa chất tấn công cơ quan tạo máu – tế bào tủy xương. Người bệnh ung thư có thể gặp bất thường phối hợp 3 dòng tế bào máu bao gồm:
- Giảm bạch cầu gây nhiễm trùng thường xuyên.
- Giảm hồng cầu gây thiếu máu với biểu hiện đau đầu, hoa mắt chóng mặt,…
- Giảm tiểu cầu khiến người bệnh thường bầm tím dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc nặng nề hơn là tình trạng tiểu máu, xuất huyết tiêu hóa,…
Để kiểm soát và điều trị tình trạng rối loạn máu, người bệnh cần tuân thủ các biện pháp dưới đây:
- Kiểm tra công thức máu trước và sau mỗi đợt hóa trị.
- Thực hiện chế độ ăn dinh dưỡng.
- Bổ sung sắt và acid folic cho người bệnh ung thư.
- Giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với người đang ốm sốt hoặc nhiễm trùng khác.
Tìm hiểu thêm: 6 công dụng của thuốc Phosphalugel và lưu ý khi sử dụng Phosphalugel
Hóa trị tấn công các tế bào tủy xương gây rối loạn các dòng tế bào máu
Rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim là tác dụng phụ hiếm gặp trong hóa trị. Người bệnh thỉnh thoảng thấy hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh. Nếu bạn gặp phải tình trạng trên, hãy thông báo cho bác sĩ điều trị để khám và sàng lọc các vấn đề về tim gây ra bởi bệnh và hóa chất.
Người bệnh ung thư đang hóa trị có thể gặp rối loạn nhịp tim
Gây độc thần kinh ngoại biên
Một số hóa chất có thể gây độc tế bào thần kinh ngoại biên. Người bệnh thường than phiền vì tê bì, ngứa rát da thường ở bàn tay hoặc chân và kèm theo yếu cơ. Khi gặp tình trạng này, hãy thông báo cho bác sĩ của bạn để đánh giá chính xác vùng tổn thương và có biện pháp khắc phục.
Một số điều bệnh nhân cần chú ý khi có tổn thương thần kinh ngoại biên:
- Đi lại cẩn thận chậm rãi, nếu chân bị tê, yếu có thể sử dụng thêm dụng cụ hỗ trợ như gậy, xe đẩy…
- Sử dụng găng tay và tất ấm để giữ ấm bàn tay và bàn chân,
- Không nên dùng nước quá lạnh hoặc quá nóng.
- Bổ sung các vitamin nhóm B như vitamin B1, B12…
Tổn thương thần kinh ngoại biên gây tê bì và yếu cơ tay chân
Suy giảm trí nhớ
Người bệnh có thể bị suy giảm trí nhớ, khó tập trung khi điều trị hóa chất. Điều này gây ra bởi quá trình điều trị dùng thuốc kéo dài, gây mệt mỏi, mất ngủ hoặc thường xuyên lo lắng, buồn bã.
Bạn cần làm gì để kiểm soát điều này
- Ghi chú lịch để tiện theo dõi cuộc hẹn, công việc.
- Viết ra tất cả những điều bạn cần nhớ, những việc cần làm, thời gian uống thuốc.
- Tâm sự với người nhà để nhận được sự giúp đỡ từ họ.
- Ngủ đủ giấc.
- Tập thể dục nhẹ nhàng trước khi đi ngủ giúp tinh thần tỉnh táo và ngủ ngon hơn.
Bệnh nhân ung thư đang hóa trị thường khó tập trung và suy giảm trí nhớ
Trầm cảm
Bệnh nhân ung thư đối mặt với bệnh nặng thường mang tâm lý lo lắng, bi quan. Kèm theo, họ gặp phải nhiều tác dụng phụ không mong muốn của hóa chất khiến người bệnh càng trở nên mệt mỏi và suy nhược. Dưới đây là các biện pháp giúp cải thiện tình trạng này:
- Người thân trong gia đình nên thường xuyên quan tâm, tích cực chia sẻ, động viên tinh thần người bệnh.
- Người bệnh ung thư có thể tham gia các hội nhóm bệnh để được đồng cảm và sẻ chia về bệnh tật.
- Nếu bạn thường xuyên trải qua cảm giác tồi tệ này, bạn hãy thông báo cho bác sĩ điều trị để được tư vấn tâm lý và sử dụng các thuốc chống trầm cảm nếu cần.
Người bệnh ung thư có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm
Gây độc gan, thận
Hóa chất sẽ được chuyển hóa và đào thải chủ yếu tại gan và thận. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận để quyết định dùng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh nhân.
Ngoài ra, các chỉ số trên cũng cần được kiểm tra định kì theo dõi trong suốt các đợt điều trị. Bệnh nhân không nên sử dụng các loại thuốc nam, thuốc lá mà không rõ nguồn gốc để tránh gây độc cho cơ thể.
Tổn thương gan biểu hiện các triệu chứng như vàng da, chán ăn, thay đổi vị giác, hay bị ngứa,… Khi có tình trạng tổn thương thận, người bệnh thường có biểu hiệu tiểu ít, phù, mệt mỏi…
Hóa chất thải qua thận nên có nguy cơ gây suy thận
Nhiễm trùng
Cơ thể người bệnh phải điều trị hóa chất kéo dài, mệt mỏi, suy nhược kèm theo tình trạng giảm số lượng bạch cầu. Điều này tạo cơ hội cho các căn nguyên nhiễm trùng bên ngoài tấn công cơ thể người bệnh.
Một số biện pháp phòng tránh nhiễm trùng người bệnh cần chú ý:
- Giữ vệ sinh thân thể, tắm gội sạch sẽ hằng ngày.
- Vệ sinh tay thường xuyên trong ngày bằng nước và xà phòng.
- Tránh tiếp xúc với người đang bị ho sốt, tiêu chảy,…
- Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.
Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
Da của người bệnh sau truyền hóa chất trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Do đó, da thường bị khô sạm, dễ bong tróc và ngứa nhiều khiến người bệnh gãi gây trầy xước da làm tổn thương da càng nặng hơn. Móng tay cũng giòn, khô và dễ gãy gây khó khăn trong sinh hoạt như cầm nắm đồ vật,…
Một số cách khắc phục tình trạng trên mà bạn có thể áp dụng:
- Sử dụng xà phòng rửa tay dịu nhẹ, an toàn cho da, có khả năng dưỡng ẩm hoặc kem sorbolene.
- Thoa kem dưỡng ẩm hằng ngày.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, tránh những trang phục cọ xát da.
- Giặt quần áo bằng chất tẩy rửa nhẹ, an toàn và dịu nhẹ cho những người có làn da nhạy cảm.
- Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời bằng các dụng cụ che chắn và thoa kem chống nắng.
- Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu đề dùng thuốc bôi nếu cần thiết.
Cách chăm sóc bệnh nhân hoá trị
Việc chăm sóc bệnh nhân ung thư đang hóa trị đóng vai trò quan trọng đem lại hiệu quả trong điều trị bệnh.
Chế độ dinh dưỡng
Một số điểm cần chú ý về chế độ ăn của người bệnh ung thư:[5]
- Chế độ ăn giàu dinh dưỡng, cân bằng các nhóm chất cần thiết cho cơ thể.
- Chia nhỏ nhiều bữa ăn trong ngày thay vì ăn 3 bữa chính.
- Lựa chọn các loại thực phẩm sạch, tươi ngon và chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh.
- Ăn các món ít mùi, lỏng, dễ tiêu.
- Hạn chế các món ăn có mùi nồng, cay nóng.
- Uống đủ nước.
- Bổ sung các loại hoa quả tươi sạch để cung cấp thêm vitamin cho cơ thể.
Bệnh nhân đang hóa trị cần có một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng
Nghỉ ngơi hợp lý
Cơ thể người bệnh thường mệt mỏi do bệnh tật, mất ngủ, ăn không ngon miệng,… Do đó, bệnh nhân ung thư cần được nghỉ ngơi hợp lý.
- Ngủ đủ giấc, nên có các giấc ngủ ngắn trong ngày thay vì trằn trọc cả đêm mất ngủ.
- Hạn chế các lao động nặng nhọc.
- Không nằm hoặc ngồi quá lâu trong một tư thế mà nên đi lại nhẹ nhàng, thay đổi tư thế thường xuyên.
Người bệnh ung thư nên được nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc
Vận động cơ thể nhẹ nhàng
Bên cạnh các biện pháp điều trị, ăn uống và nghỉ ngơi, người bệnh vẫn cần vận động cơ thể để hạn chế biến chứng như teo cơ, cứng khớp…
- Tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe,… phù hợp với độ tuổi.
- Tránh các bài tập nặng có thể gây quá sức, chấn thương.
- Tập yoga, thiền định vừa để thư giãn khối cơ của cơ thể vừa giúp thư giãn đầu óc, tạo giấc ngủ ngon.
>>>>>Xem thêm: Triệu chứng nhiễm giun bạn cần biết để phát hiện bệnh kịp thời
Các bài tập nhẹ nhàng giúp thư giãn cơ thể và ngủ ngon giấc hơn
Trên đây là 15 tác dụng phụ của điều trị hóa chất ở bệnh nhân ung thư. Ngoài điều trị bệnh, bạn cũng cần theo dõi diễn biến và thông báo với bác sĩ khi gặp các tác dụng không mong muốn để được xử trí phù hợp. Hãy chia sẻ bài viết trên đến mọi người xung quanh bạn nhé!