Ung thư xương là một loại ung thư phát triển thầm lặng, thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn. Vậy ung thư xương có chữa được không, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Bạn đang đọc: Ung thư xương có chữa được không? Phương pháp điều trị ung thư xương
Contents
Ung thư xương là gì?
Ung thư xương rất hiếm gặp, theo thống kê năm 2007 ở Việt Nam, tỷ lệ ung thư xương chiếm khoảng 1,59 đến 2,4% tổng số ung thư. Globocan năm 2020, không ghi nhận tình trạng ung thư xương tại Việt Nam. [1]
Ung thư xương là tình trạng tăng sinh không kiểm soát các tế bào xương tạo thành các tế bào hoặc khối u ác tính ở xương. Vị trí ung thư xương thường gặp là xương chậu hoặc các xương dài như cánh tay, cẳng chân.
Các loại ung thư xương thường gặp là:
- Ung thư xương nguyên phát: ung thư bắt đầu từ trong xương gồm sarcoma xương (thường gặp), chứng u nguyên sống, sarcoma sụn, ewing sarcoma.
- Ung thư xương thứ phát (thường gặp nhất): ung thư bắt đầu ở một cơ quan khác và di căn đến xương.[2]
Ung thư xương hay gặp ở người trẻ tuổi, thường là từ 15 đến 25 tuổi. Cần lưu ý rằng, sarcoma xương và sarcoma sụn hay gặp ở nam nhiều hơn nữ và đặc biệt hay gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Các loại khác hay gặp ở tuổi trung niên.
Ung thư xương là sự gia tăng bất thường các tế bào xương
Ung thư xương có chữa được không?
Điều trị ung thư xương phụ thuộc nhiều vào thể trạng bệnh nhân, tuổi, loại ung thư và giai đoạn bệnh. Ung thư xương thường có tiên lượng sống tốt hơn ở những người có thể trạng tốt và thuộc nhóm ung thư ở giai đoạn sớm.
Tỷ lệ sống còn 5 năm (khả năng sống sót của người mắc bệnh ung thư trong vòng 5 năm tới) của ung thư xương cũng chia theo loại ung thư, giai đoạn bệnh, tuổi phát bệnh, thể trạng bệnh nhân và đáp ứng điều trị. Các thống kê với một vài trường hợp sau:
- Chứng u nguyên sống (79%): 86% ở giai đoạn sớm và 61% ở giai đoạn muộn.
- Sarcoma sụn (79%): 91% ở giai đoạn sớm và 23% ở giai đoạn muộn.
- Ewing sarcoma (62%): 82% ở giai đoạn sớm và 31% ở giai đoạn muộn
- Sarcoma xương (60%): 77% ở giai đoạn sớm và 26% ở giai đoạn muộn.[3]
Điều trị ung thư xương phụ thuộc nhiều yếu tố
Các phương pháp điều trị ung thư xương
Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định để loại bỏ toàn bộ khối u. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể thay thế xương bị mất bằng xương từ một số vùng khác hoặc các vật liệu khác.
Thông thường, phẫu thuật ung thư xương tiến hành theo nguyên tắc cắt lọc rộng rãi (loại bỏ hoàn toàn khối u và một số mô lành) để đảm bảo không còn tế bào ung thư trong cơ thể.
Nếu khối u ở chi trên hoặc chi dưới, phẫu thuật bảo tồn chi thể được áp dụng. Với phẫu thuật này, bác sĩ sẽ cố gắng cắt lọc ít mô nhất có thể để đảm bảo phần chi còn lại thực hiện được chức năng.
Sau khi phẫu thuật ở chi, bác sĩ phẫu thuật có thể kết hợp với bác sĩ phục hồi chức năng để tạo thành chi giả phục vụ cho những sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân.
Với những bệnh nhân mà khối u lớn, khối u ở những vị trí phức tạp không thể tạo chi giả hỗ trợ di chuyển hoặc vùng phẫu thuật không thể che phủ đầy đủ thì có thể phải cắt toàn bộ chi thể.
Hiện nay, tỷ lệ sử dụng được phẫu thuật bảo tồn chi chiếm đến 90%. Điều này, giúp cho bệnh nhân phục hồi nhanh hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống.[4]
Sử dụng chi giả sau cắt cụt chi
Hóa trị
Hóa trị là biện pháp sử dụng hóa chất theo đường tĩnh mạch vào máu đến các tế bào ung thư để ngăn cản quá trình phân chia, lý tưởng hơn là tiêu diệt những tế bào này khỏi cơ thể.
Với những khối u kích thước lớn, hóa trị thường được sử dụng để thu nhỏ khối u, giúp cho phẫu thuật được thuận lợi hơn. Bác sĩ cũng có thể dựa vào phản ứng của ung thư xương với hóa chất để tiên lượng được bệnh.
Sau khi bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật, phương pháp này cũng được sử dụng để tiêu diệt những phần tế bào mà phẫu thuật không thể loại bỏ hoặc bỏ sót.
Các tác dụng phụ của hóa trị mà người bệnh có thể gặp phải là: mệt mỏi, suy giảm miễn dịch (thường xuyên gặp các bệnh lý nhiễm trùng), buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
Hoá trị được sử dụng cho ung thư tiến triển
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ác tính. Khi xạ trị, bạn sẽ được nằm trên bàn, một cỗ máy di chuyển xung quanh để hướng chùm tia năng lượng vào vị trí đã được định sẵn.
Xạ trị thường kết hợp với các phương pháp khác để đảm bảo điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Một số chỉ định của xạ trị được áp dụng trên lâm sàng là:
- Khi khối u không thể phẫu thuật được do kích thước, vị trí, thể trạng người bệnh,…
- Sử dụng trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u.
- Thực hiện sau phẫu thuật để tiêu diệt những tế bào ung thư còn lại.
- Điều trị khi khối u di căn hoặc điều trị giảm nhẹ.
Một số tác dụng phụ có thể gặp của phương pháp xạ trị bao gồm mệt mỏi, nổi ban trên da, đau dạ dày, tiêu chảy.
Xạ trị dùng để hỗ trợ trước và sau phẫu thuật
Liệu pháp nhắm đích
Đây là phương pháp sử dụng một số protein hoặc gen cụ thể có trong tế bào ung thư nhưng không có trong tế bào xương bình thường làm tín hiệu để nhận biết và tiêu diệt chính xác tế bào bị bệnh.
Không phải mọi loại ung thư đều có cùng một gen gây bệnh nên để xác định được chính xác gen này bác sĩ có thể yêu cầu những xét nghiệm liên quan để tìm được chất chỉ điểm chính xác nhất.
Mặc dù đây là phương pháp tốt, không tiêu diệt các tế bào khỏe mạnh những các chất chỉ điểm được đưa vào ứng dụng còn rất hạn chế.
Các tác dụng phụ hay gặp của phương pháp này là mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tăng men gan, ho, rối loạn tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy.
Liệu pháp nhắm đích được sử dụng rất hạn chế trọng điều trị
Liệu pháp miễn dịch
Đây là phương pháp sử dụng một số chất để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể như các đại thực bào, bạch cầu, tế bào Langhans,… để chống lại và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Hiện nay, tác dụng của liệu pháp miễn dịch không được chứng minh nhiều trong điều trị ung thư xương do chúng có thể khởi phát quá trình tự miễn dịch của cơ thể.
Tùy theo các liệu pháp miễn dịch khác nhau mà các tác dụng phụ khác nhau. Các tác dụng phụ có thể gặp là nổi ban trên da, đau đầu, mệt mỏi, tiêu chảy.
Tìm hiểu thêm: Thương hiệu Elepharma của nước nào? Có tốt không?
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể
Liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ
Chăm sóc giảm nhẹ là biện pháp giảm bớt các tác hại của ung thư, qua đó cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Chăm sóc giảm nhẹ thường được dùng cho các bệnh nhân ung thư tiến triển nhưng có thể áp dụng ở bất cứ giai đoạn nào của bệnh. Chăm sóc giảm nhẹ bao gồm xạ trị, hóa trị, các loại thuốc giảm đau hoặc giảm nhẹ triệu chứng.
Vai trò của chăm sóc giảm nhẹ có thể kể đến như:
- Đạt chất lượng cuộc sống tốt nhất.
- Đảm bảo nhu cầu về thể chất, tinh thần.
- Hỗ trợ các phương pháp điều trị khác.
Liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Nếu bạn có những dấu hiệu sau hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám.
- Đau xương, đặc biệt là đau tăng thêm về đêm hoặc khi vận động mạnh.
- Sờ thấy khối u các vùng gần xương.
- Mệt mỏi, sút cân nhanh dù vẫn duy trì chế độ ăn và sinh hoạt.
- Gãy xương không do chấn thương.
- Dùng thuốc giảm đau như paracetamol nhưng không đỡ.
Bệnh nhân nên chú ý các cơn đau xương bất thường
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ hỏi thăm các triệu chứng và tiến hành thăm khám, sau đó chỉ định những xét nghiệm phù hợp.
- Xquang: đánh giá cơ bản khối u trên các tiêu chí như số lượng, vị trí, ranh giới, tình trạng đã xâm lấn hay chưa.
- Cắt lớp vi tính (CT): đánh giá mức độ lan rộng và di căn đến các cơ quan khác.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): ưu tiên đánh giá sự tổn thương và liên quan giữa u và mô mềm.
- Chụp PET/CT: xác định vị trí, mức độ, ung thư xương tái phát, theo dõi tiến triển của ung thư.
- Sinh thiết: xác định loại ung thư xương và mức độ ác tính.
Các xét nghiệm thường được sử dụng để đánh giá vị trí cũng như mức độ xâm lấn của ung thư
Các bệnh viện uy tín
Nếu bản thân, gia đình và bạn bè có dấu hiệu nghi ngờ ung thư xương hoặc cần nhận được sự tư vấn chuyên môn từ bác sĩ, bạn có thể đến Khoa Xương khớp hoặc Khoa Ung bướu của một số bệnh viện uy tín sau:
- Tại TP. HCM: Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, Bệnh viện Ung bướu TP. HCM, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình,…
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội,…
Các lưu ý khi bị ung thư xương
Khi đang điều trị ung thư xương, bạn nên thực hiện những gợi ý sau để hỗ trợ cho các phương pháp điều trị.
- Tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ theo hẹn.
- Tìm hiểu những tác dụng phụ của phương pháp điều trị, các dấu hiệu nguy hiểm cần tái khám ngay.
- Thực hiện một lối sống lành mạnh không hút thuốc, hoạt động thể chất thường xuyên, duy trì cân nặng ở mức ổn định.
- Ăn uống điều độ bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và chất khoáng.
- Cần tầm soát các loại ung thư khác thường xuyên.
Bệnh nhân ung thư xương nên xây dựng lối sống lành mạnh
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản về ung thư xương và các phương pháp điều trị. Hãy theo dõi các dấu hiệu nghi ngờ của cơ thể để được thăm khám và kịp thời điều trị bằng phương pháp thích hợp nhất bạn nhé!
Survival for bone cancer
https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/bone-cancer/survival
Bone Cancer (Sarcoma of Bone): Statistics
https://www.cancer.net/cancer-types/bone-cancer-sarcoma-bone/statistics
Bone Cancer (Sarcoma of Bone): Types of Treatment
https://www.cancer.net/cancer-types/bone-cancer-sarcoma-bone/types-treatment
Xem thêm
>>>>>Xem thêm: Cúc tím (Echinacea) có tác dụng đối với bệnh cảm lạnh không?