Bão lụt, mưa lũ là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi-rút và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển, gây ra bệnh và có thể hình thành ổ dịch bệnh như cảm cúm, tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, ghẻ nước… Hãy cùng tìm hiểu các cách phòng chống dịch bệnh trong mùa bão lụt, mưa lũ bạn cần biết qua bài viết dưới đây!
Bạn đang đọc: Các cách phòng chống dịch bệnh mùa bão lụt, mưa lũ bạn nên biết!
Contents
- 1 Trang bị hộp sơ cấp cứu thiết yếu
- 2 Lựa chọn thực phẩm an toàn, vệ sinh và thực hiện “ăn chín, uống sôi”
- 3 Đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể
- 4 Vệ sinh cá nhân bảo vệ sức khỏe
- 5 Vệ sinh sạch sẽ nơi ở xung quanh
- 6 Hạn chế tiếp xúc với nước bẩn
- 7 Thực hiện các biện pháp phòng ngừa do muỗi truyền
- 8 Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh
- 9 Tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ phòng bệnh
- 10 Khám và điều trị tại các cơ sở y tế
Trang bị hộp sơ cấp cứu thiết yếu
Để bảo vệ sức khỏe cả gia đình, việc chuẩn bị một bộ sơ cứu khẩn cấp đầy đủ các dụng cụ sơ cứu và thuốc thiết yếu là rất cần thiết để có thể chủ động xử trí một số trường hợp như: vết thương hoặc đau đầu, sốt cao…
Dụng cụ sơ cứu
- Dung dịch sát khuẩn: là vật dụng rất quan trọng để xử trí ban đầu các vết thương hở, rách da. Vì đây chính là cửa ngõ có các vi sinh vật tấn công vào cơ thể.
Sử dụng dung dịch sát khuẩn để sát trùng da, vết thương hở
- Kéo và kẹp y tế: dùng để thực hiện các thao tác băng bó vết thương thuận tiện và an toàn. Không được sử dụng kéo và kẹp này cho những mục đích khác vì chúng cần được giữ thật sạch sẽ.
- Bông băng, gạc, băng dính: là những vật dụng phải có trong hộp sơ cứu để làm sạch và băng vết thương lại nhằm ngăn chảy máu, nhiễm trùng.
- Băng keo cá nhân: nhanh gọn, dễ sử dụng để băng vết thương, đặc biệt là những vết thương nhỏ, ít chảy máu. Hãy làm khô vùng da cần dán băng keo để băng keo dính chắc, không bị tuột.
Bảo vệ vết thương nhỏ, vết trầy xước bằng băng keo cá nhân
- Nhiệt kế: rất hữu ích trong gia đình vì có thể theo dõi được thân nhiệt ngay tại nhà và chủ động dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể vượt quá 38,5 độ C.
- Túi chườm nóng, lạnh: chườm lạnh dùng trong trường hợp sưng đau khi chấn thương để giảm đau và giảm sưng. Chườm nóng giúp giãn cơ và giảm khi bị chuột rút, căng cơ, nhức mỏi cơ.
Một số loại thuốc thiết yếu
- Thuốc giảm đau đầu, hạ sốt: khi bị nhiễm trùng thì sốt và đau đầu là triệu chứng rất thường gặp, vậy nên trang bị thuốc đau đầu, hạ sốt như paracetamol, ibuprofen sẵn tại nhà là rất cần thiết.
Sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt khi có các triệu chứng đau đầu, sốt cao từ 38,5 độ
- Thuốc chống dị ứng như: fexofenadin, clorpheniramin… là các thuốc an toàn, có thể sử dụng mà không cần kê đơn của bác sĩ trong trường hợp sổ mũi, nổi mề đay, nổi mẫn ngứa… Tuy nhiên, các thuốc này có tác dụng phụ là gây buồn ngủ nên không uống thuốc khi lái xe hay làm việc.
Dùng thuốc chống dị ứng khi bạn gặp các triệu chứng mẫn ngứa, sổ mũi
- Thuốc điều trị cảm cúm: là sự kết hợp của nhiều hoạt chất, chủ yếu gồm paracetamol, phenylpropanolamine. Ngoài ra, có thể có thêm thành phần chống dị ứng hoặc giảm ho như dextromethorphan, codein, clorpheniramin.
Lựa chọn thực phẩm an toàn, vệ sinh và thực hiện “ăn chín, uống sôi”
Ăn uống là một trong những con đường dễ bị vi sinh vật xâm nhập nhất. Đặc biệt là trong mùa mưa, thực phẩm rất dễ bị nhiễm bẩn bởi nguồn nước và không khí ẩm ướt mang nhiều tác nhân gây bệnh.
Vì vậy, việc lựa chọn thực phẩm an toàn, vệ sinh sạch sẽ và chế biến thực phẩm đúng cách đóng vai trò quan trọng trong phòng chống một số bệnh đường tiêu hóa như: tiêu chảy cấp, thương hàn, viêm dạ dày ruột…
Bạn nên mua thực phẩm từ ở các nơi uy tín và giữ thực phẩm trong điều kiện bảo quản thích hợp để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc gây hại.
Tránh ăn các loại thực phẩm sống và phải nấu chín để tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc còn sót lại sau khi rửa. Nước uống cũng nên đun sôi hoặc sử dụng nước đóng chai đảm bảo an toàn.
Thực hiện ăn chín, uống sôi và đa dạng các nhóm thực phẩm trong bữa ăn
Đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể
Việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng giúp cơ thể tăng sức đề kháng để “chiến đấu” với những tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi-rút, nấm và ký sinh trùng.
Mỗi ngày, tốt nhất bạn nên ăn đầy đủ 3 bữa sáng, trưa, tối và ăn đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể bao gồm: chất xơ, đạm, chất béo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất.
Nên cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày
Vệ sinh cá nhân bảo vệ sức khỏe
- Rửa tay bằng xà phòng: rửa tay thường xuyên và đúng cách là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn vi khuẩn và vi-rút lây lan. Hãy sử dụng xà phòng và nước sạch để rửa tay, đặc biệt trước khi ăn uống, sau khi tiếp xúc với động vật hoặc môi trường bẩn và sau khi đi vệ sinh.
- Giữ vệ sinh chân, ngón chân: để ngăn chặn vi khuẩn và nấm phát triển gây ra một số bệnh hay gặp mùa mưa lũ như nấm móng. Hãy rửa chân hàng ngày với nước và xà phòng, sau đó lau khô kỹ càng, đặc biệt là giữa các ngón chân để tránh tạo điều kiện ẩm ướt cho nấm phát triển.
- Tắm rửa hàng ngày: giúp giữ cho da và cơ thể sạch sẽ, loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn trên da. Nên sử dụng nước sạch và xà phòng hoặc sữa tắm để tắm sạch toàn thân ít nhất mỗi ngày một lần.
- Không dùng chung đồ vệ sinh cá nhân: để tránh lây lan bệnh qua đường truyền giữa người này sang người khác, không nên dùng chung đồ vệ sinh cá nhân như khăn tắm, khăn mặt, dao cạo, bàn chải đánh răng, hay các vật dụng cá nhân khác.
- Che miệng khi ho và hắt xì: ho hoặc hắt xì là lúc mà vi khuẩn, vi-rút bị đẩy từ đường hô hấp ra ngoài không khí nhiều nhất. Vì vậy, nên che miệng và mũi bằng khăn giấy, khuỷu tay hoặc khẩu trang để ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.
Tìm hiểu thêm: Lá sen có tác dụng gì? Đối tượng nên lưu ý khi sử dụng
Các bước rửa tay đúng cách theo quy trình của Bộ Y tế
Vệ sinh sạch sẽ nơi ở xung quanh
Vệ sinh nơi ở của mình ngay khi nước mưa, nước lũ rút theo phương châm “nước rút đến đâu, vệ sinh đến đấy” vì dòng nước này thường mang theo rất nhiều nguồn bệnh.[1]
Hơn nữa, khi để nước tù đọng quanh nhà lâu ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi và làm trung gian lây truyền một số bệnh như sốt xuất huyết hay sốt rét.
Mùa mưa bão không chỉ gây thiệt hại cho con người mà động vật cũng không ngoại lệ. Số lượng gia súc chết tăng cao là điều thường thấy ở thời điểm này.
Hãy thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo đúng quy định vì xác của súc vật lại nơi “màu mỡ” để các loại vi sinh vật phát triển và tiếp tục phát tán ra môi trường.
Vệ sinh nhà cửa ngay khi nước rút
Hạn chế tiếp xúc với nước bẩn
Không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nguồn nước lúc này đã bị nhiễm bẩn từ nhiều nơi khác nhau đổ về. Đặc biệt chú ý đến trẻ em vì chúng rất hiếu động và hệ miễn dịch của chúng còn yếu, rất dễ bị bệnh. Ngoài ra, nhiều người lớn còn tận dụng nước mưa bẩn để rửa mặt, tắm rửa là một điều hoàn toàn không nên.
Không nên chơi đùa, tắm trong mùa nước lũ
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa do muỗi truyền
- Tiêu diệt loăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi: bằng cách loại bỏ nước trong các đồ vật chứa nước lớn nhỏ quanh nhà, thả cá vào giếng, thay nước bình hoa thường xuyên…
- Luôn ngủ màn: ngủ màn kể cả ban ngày để tránh bị muỗi đốt và gây bệnh sốt xuất huyết, sốt rét,… đặc biệt là ở địa phương đang có dịch bệnh.[2]
- Phun hóa chất diệt muỗi: ở nơi có nguy cơ cao hoặc có lưu hành ổ dịch sốt xuất huyết hoặc sốt rét cần được phun hóa chất diệt muỗi.
Diệt muỗi chính là cách ngăn chặn dịch sốt xuất huyết và sốt rét hiệu quả
Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh
Khi trời chuyển lạnh, nếu không giữ ấm thể thì sẽ rất dễ gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính như cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản… do sức đề kháng của cơ thể yếu đi khi bị nhiễm lạnh.
Giữ ấm cơ thể bằng khăn quàng cổ, mũ và áo ấm khi đi ra đường. Đặc biệt, không để bị ướt mưa và mặc đồ ướt quá lâu, hãy thay ngay bộ đồ khác khi về nhà và có thể uống thêm nước ấm hoặc trà gừng để làm ấm người.
Giữ ấm cơ thể để tránh các bệnh đường hô hấp
Tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ phòng bệnh
Đối với các bệnh truyền nhiễm, vắc-xin là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Hiện nay, đã có rất nhiều loại vắc-xin ra đời và được chứng minh tính an toàn khi sử dụng như viêm gan A, cúm, thương hàn, vi-rút Rota, thuỷ đậu, sởi, rubella,… Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ tiêm chủng để được tư vấn loại vắc-xin phù hợp với từng đối tượng.
>>>>>Xem thêm: Có nên sử dụng mật ong manuka trị mụn không?
Vắc-xin là phương pháp dự phòng bệnh lây nhiễm hiệu quả nhất
Khám và điều trị tại các cơ sở y tế
Khi nghi ngờ nhiễm các bệnh như: cảm cúm, tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, ghẻ nước… bạn có thể đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc tham khảo một số bệnh viện uy tín sau:
- Hà Nội: bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Đại học Y Hà Nội…
- TP. Hồ Chí Minh: bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM…
Mùa mưa, bão lũ chính là thời điểm dễ xảy ra các ổ dịch lớn nhỏ khắp cả nước, tuy nhiên vẫn còn nhiều người chưa thật sự quan tâm đến cách phòng chống dịch bệnh. Hãy giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà cửa sạch sẽ; có một chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ để vượt qua một mùa bão lũ khỏe mạnh nhé!