Đau họng 1 bên là triệu chứng hay gặp trong các bệnh lý đường hô hấp trên, gây nhiều khó chịu và bất tiện cho người bệnh. Cùng Kenshin tìm hiểu xem triệu chứng đau họng 1 bên có thể là bệnh gì nhé!
Bạn đang đọc: Đau họng 1 bên là bệnh gì? Nguyên nhân gây đau họng 1 bên và giải pháp
Contents
Đau họng 1 bên là gì?
Đau họng 1 bên là tình trạng đau rát kèm theo ngứa, khó chịu ở họng, lệch về bên trái hoặc bên phải, đau tăng khi người bệnh nói chuyện hoặc nuốt nước bọt.
Đau họng 1 bên có thể là biểu hiện của tổn thương tại niêm mạc họng hoặc do tổn thương cơ quan kế cận ảnh hưởng đến một bên họng.
Đau họng 1 bên là tình trạng đau, ngứa rát 1 bên họng
Các dấu hiệu của bệnh đau họng 1 bên
Tùy theo nguyên nhân khác nhau mà đau họng 1 bên có thể kèm theo các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, đa số người bệnh có thể xuất hiện:
- Sưng đỏ và đau vùng họng, cơn đau tăng ở bên có tổn thương.
- Ngứa rát 1 bên họng.
- Cảm giác nuốt vướng, nuốt khó thậm chí nuốt đau khiến người bệnh không muốn ăn uống.
- Dấu hiệu kích thích đường hô hấp trên như ho, thường là ho khan hoặc đờm trắng, hắt hơi.
- Một số ít trường hợp có thể xuất hiện chảy nước mũi trong, nghẹt mũi hoặc rây máu trong nước bọt,…
Đau họng 1 bên có thể kèm theo ho
Các nguyên nhân gây đau họng 1 bên
Chảy dịch mũi sau
Chảy dịch mũi sau thường gặp khi nhiễm trùng hay dị ứng. Khi đó, các tuyến trong mũi và cổ họng có xu hướng tiết nhiều chất nhầy hơn gây ra sự tích tụ, không thể thoát ra ngoài đúng cách và chảy xuống cổ họng.
Dịch tiết liên tục có thể gây kích thích cổ họng, dẫn đến cảm giác ngứa rát và đau họng. Cơn đau này chỉ xuất hiện ở một bên, đặc biệt là vào buổi sáng sau khi bạn đã ngủ nghiêng người vào buổi tối.
Để điều trị chảy dịch mũi sau, bạn có thể dùng thuốc thông mũi, chẳng hạn như pseudoephedrine (Sudafed), để giảm triệu chứng.
Chảy dịch mũi sau có thể gây đau họng 1 bên
Viêm amidan
Amidan là tổ chức bạch huyết có dạng quả bóng tròn ở phía sau 2 bên cổ họng, ngay phía sau lưỡi. Viêm amidan là tình trạng viêm do vi rút hoặc vi khuẩn gây nên.
Viêm amidan thường có các biểu hiện như: sốt, đau họng 1 bên, ngứa họng, khó nuốt, khó thở và ho khan, nếu bệnh do vi khuẩn gây nên có thể xuất hiện ho ra đờm vàng hoặc đờm xanh.
Hầu hết các trường hợp viêm amidan do vi rút sẽ tự khỏi trong vòng 10 ngày, có thể làm dịu cơn đau bằng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc súc miệng bằng nước muối hàng ngày.
Nếu viêm amidan do vi khuẩn cần điều trị bằng thuốc kháng sinh phù hợp trong khoảng 7 – 10 ngày theo đơn thuốc của bác sĩ.
Viêm amidan
Viêm tấy quanh amidan, áp xe quanh amidan
Viêm tấy quanh amidan hay áp xe amidan là bệnh nhiễm trùng do xuất hiện một ổ mủ ở phía sau amidan. Bệnh thường là biến chứng của viêm amidan do vi khuẩn, hay gặp ở trẻ lớn và thanh niên. Các triệu chứng thường gặp của viêm tấy hoặc áp xe amidan bao gồm:
- Đau dữ dội ở một bên cổ họng kèm theo khó nuốt, khó nói, khàn tiếng.
- Sốt cao từ 39 – 40 độ C, sốt liên tục.
- Ăn uống kém, mỏi mệt, uể oải.
- Sưng hạch bạch huyết ở vùng góc hàm tại bên có viêm/áp xe.
- Đau tai ở bên bị đau họng.
- Hơi thở có mùi, chảy nước dãi.
Viêm tấy/áp xe quanh amidan cần được chăm sóc y tế ngay lập tức vì có thể gây cản trở hô hấp. Bác sĩ có thể sẽ sử dụng kim hoặc vết rạch nhỏ để dẫn lưu mủ và kê thêm kháng sinh để điều trị sau khi ổ áp xe được làm sạch.
Viêm tấy quanh amidan, áp xe quanh amidan
Loét miệng
Loét miệng là những vết loét nhỏ hình thành trong miệng, thường ở bên trong má, phía trên và dưới lưỡi, bên trong môi hoặc phía sau cổ họng. Các vết loét có dạng nhỏ, hình tròn với viền đỏ và tâm màu trắng hoặc vàng.
Khi một vết loét hình thành ở một góc của thành sau họng sẽ gây đau họng 1 bên kèm theo nuốt vướng, nuốt đau. Hầu hết các vết loét có thể tự lành trong vòng 2 tuần và có thể nhanh lành hơn khi súc miệng nước muối hàng ngày.
Vết loét miệng gây đau họng 1 bên
Sưng hạch bạch huyết
Các hạch bạch huyết giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Khi chúng sưng lên có nghĩa là cơ thể đang gặp vấn đề, chẳng hạn như nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn.
Hạch bạch huyết ở góc hàm, dưới cằm, dưới lưỡi hoặc một bên cổ sưng lên sẽ gây ra đau họng 1 bên. Nguyên nhân có thể do viêm amidan, viêm họng, viêm lợi hoặc đau răng 1 bên. Khi điều trị khỏi nguyên nhân gây viêm nhiễm ban đầu thì hạch bạch huyết mới hết sưng và triệu chứng đau họng 1 bên mới được giải quyết.
Sưng hạch bạch huyết
Đau dây thần kinh hầu họng và dây thần kinh sinh ba
Đau dây thần kinh hầu họng và đau dây thần kinh sinh ba, còn gọi là Tic douloureux. Đây là bệnh tương đối hiếm gặp với các biểu hiện đau theo cơn, đột ngột, dữ dội xung quanh ống tai, lưỡi, amidan, hàm hoặc một bên mặt.
Đau dây thần kinh hầu họng thường ở phía sau cổ họng hoặc lưỡi, đau tăng khi nuốt và thường kéo dài trong vài giây đến vài phút. Đau dây thần kinh sinh ba thường ở một bên mặt, quanh miệng, đau thành cơn, tăng khi có tác động nhẹ vào vùng mặt.
Cả hai tình trạng này thường được điều trị bằng các loại thuốc được sử dụng để giảm đau thần kinh, chẳng hạn như carbamazepine (Tegretol), gabapentin (Neurontin) hoặc pregabalin (Lyrica).
Đau dây thần kinh sinh ba gây đau họng 1 bên
Áp xe nha chu
Áp xe nha chu là bệnh do vi khuẩn gây ra tình trạng nhiễm trùng quanh răng, làm xuất hiện một ổ mủ ở đầu chân răng. Áp xe nha chu gây ra cơn đau dữ dội, lan tỏa đến xương hàm và tai ở một bên mặt kèm theo sưng hạch bạch huyết vùng cổ và góc hàm.
Nhiễm trùng thường xảy ra khi răng khôn mọc lệch, chèn ép vào răng hàm xung quanh. Nếu bạn bị áp xe nha chu do răng khôn thì nha sĩ có thể nhổ răng khôn hoặc rạch một đường để lấy mủ và kê một số loại thuốc kháng sinh để ngăn chặn sự nhiễm trùng.
Tìm hiểu thêm: 5 cách điều trị sốt rét tại nhà bạn cần lưu ý
Áp xe nha chu có thể gây đau họng 1 bên
Viêm thanh quản
Viêm thanh quản thường do việc sử dụng giọng nói quá nhiều hoặc quá lâu, do nhiễm vi rút, vi khuẩn hoặc do tiếp xúc với hơi hóa chất, sử dụng các chất kích thích hô hấp.
Hai dây thanh âm trong thanh quản thường đóng mở nhịp nhàng để tạo ra âm thanh. Khi 1 dây thanh bị sưng tấy sẽ gây đau 1 bên họng, khàn tiếng hoặc thậm chí mất tiếng.
Viêm thanh quản thường tự khỏi trong vòng vài tuần nếu hạn chế nói chuyện, nói nhỏ nhẹ hoặc nói ít trong khoảng 7 – 10 ngày kèm theo uống nhiều nước ấm.
Viêm thanh quản
Biến chứng nguy hiểm của bệnh
Đau họng 1 bên ở giai đoạn đầu ít gây nên những biến chứng nguy hiểm mà thường gây khó chịu, nuốt đau khiến ăn uống kém, mệt mỏi. Một số trường hợp có thể khàn tiếng, mất tiếng gây bất tiện trong sinh hoạt.
Tuy nhiên, một số ít trường hợp như đau họng 1 bên trong viêm amidan, áp xe quanh amidan,… có thể gây ra tình trạng khó thở, suy hô hấp cấp hoặc nhiễm trùng toàn thân nếu không điều trị kịp thời.
Đau họng 1 bên có thể gây biến chứng khó thở
Các cách chẩn đoán bệnh đau họng 1 bên
Các bác sĩ sẽ dựa vào các biểu hiện bệnh, thời gian mắc bệnh, các dấu hiệu kèm theo và chỉ định thực hiện một số cận lâm sàng để phục vụ cho chẩn đoán như:
- Nội soi tai mũi họng: phát hiện các bất thường của mũi, amidan hoặc thanh quản,…
- Xét nghiệm máu: tìm nguyên nhân gây bệnh do vi rút hay vi khuẩn.
- Xét nghiệm dịch hầu họng: để chẩn đoán nguyên nhân.
Nội soi tai mũi họng có thể giúp chẩn đoán đau họng 1 bên
Khi nào cần đến gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ
Nếu xuất hiện các triệu chứng dưới đây có thể là gợi ý biểu hiện nặng lên của bệnh và cần đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt, như:
- Khó thở, thở rít hoặc nhịp thở trên 20 lần/phút.
- Không thể nuốt thức ăn vì đau họng.
- Sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Các hạch bạch huyết sưng to hơn, đau họng tăng.
- Sờ thấy khối u không đau ở cổ.
- Đau đầu, đau tai dữ dội.
- Khàn giọng kéo dài hơn 2 tuần.
- Đau 1 bên họng nghiêm trọng kéo dài hơn 7 ngày.
Sốt cao là dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ
Các bệnh viện uy tín
- Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1,…
- Hà Nội: Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội – Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Quân đội Trung Ương 108 – Khoa Tai Mũi Họng,…
Bệnh viện uy tín khám đau họng 1 bên
Phương pháp điều trị đau họng 1 bên
Đau họng 1 bên do vi rút, do phản ứng, dị ứng có thể tự khỏi mà không cần sử dụng thuốc. Tuy nhiên, có thể thực hiện một số biện pháp hoặc thuốc giúp giảm triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị như:
- Thuốc hạ sốt, giảm đau: paracetamol, ibuprofen, aspirin,…
- Thuốc giảm ho: codepect, codein phosphat, bromhexin,…
- Thuốc giảm xung huyết niêm mạc: anti – chymotrypsin, serratiopeptidase,…
- Các loại thuốc hoặc siro giúp làm dịu, làm mát họng.
- Nếu nguyên nhân gây đau 1 bên họng là vi khuẩn thì cần sử dụng kháng sinh theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị đau họng 1 bên
Các cách phòng ngừa đau họng 1 bên
Cách biện pháp giúp phòng ngừa đau họng 1 bên thường rất đơn giản, dễ thực hiện nhưng mang đến hiệu quả cao như:
- Hạn chế nói to, nói nhiều trong một thời gian dài. Nếu công việc yêu cầu cần sử dụng giọng nói thì cần tập nói đúng cách hoặc bảo vệ họng với mật ong và chanh hằng ngày.
- Súc họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách, đánh răng tối thiểu 2 lần/ngày.
- Giữ ấm cơ thể và cổ họng khi thay đổi thời tiết, nhất là khi trời trở lạnh.
- Bổ sung đầy đủ các nhóm chất, nhất là vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
>>>>>Xem thêm: Lợi ích sức khỏe của chiết xuất hạt nho
Giữ ấm họng là cách phòng ngừa đau họng 1 bên
Kenshin hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về triệu chứng đau họng 1 bên và giải pháp khắc phục. Hãy chia sẻ bài viết đến bạn bè và người thân của bạn nhé!
Nguồn: Healthline, Insider, Medical News Today, Very Well Health, Health Grades.