Các thực phẩm bạn ăn hàng ngày đa phần đều được chuyển hóa thành glucose, hay còn được gọi là đường huyết. Vậy glucose là gì và có lợi với cơ thể như thế nào? Hãy cùng Kenshin tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Bạn đang đọc: Glucose là gì? 5 vai trò của Glucose đối với cơ thể
Contents
- 1 Glucose là gì?
- 2 Vai trò của Glucose đối với cơ thể
- 3 Cơ chế hoạt động của Glucose
- 4 Cách kiểm tra nồng độ Glucose tại nhà
- 5 Chỉ số Glucose bình thường là bao nhiêu?
- 6 Cách xử lý khi Glucose quá cao hoặc quá thấp
- 7 Các yếu tố ảnh hưởng đến lượng Glucose trong máu
- 8 Các thực phẩm giàu Glucose người tiểu đường cần chú ý
Glucose là gì?
Glucose là một monosaccharide có trong thực phẩm và có khả năng chuyển hóa thành năng lượng trong cơ thể. Các loại thực phẩm giàu carbohydrate, như bánh mì, khoai tây và trái cây được phân hủy trong hệ tiêu hóa thành glucose và các monosaccharide khác, di chuyển đến ruột và hấp thụ vào trong máu.
Khi vào trong máu, đi đến các tế bào, glucose được gọi là đường huyết. Cơ thể có chức năng duy trì lượng đường huyết luôn ổn định.
Vai trò của Glucose đối với cơ thể
Tốt cho não
Hầu hết các tế bào thần kinh đều cần có glucose để hoạt động. Một bộ não khỏe mạnh cần có nguồn năng lượng cao, vì vậy cơ thể cần được liên tục cung cấp glucose vào máu.
Glucose theo máu được chuyển lên não giúp cung cấp năng lượng để duy trì các hoạt động ghi nhớ, học tập, suy nghĩ, làm việc… Nếu không được cung cấp đủ glucose, các tế bào thần kinh không thể kết nối với các tế bào khác của cơ thể để làm nhiệm vụ của mình.
Duy trì sức mạnh cơ bắp
Sau khi cơ thể đã đủ nguồn năng lượng cần thiết, lượng glucose còn lại sẽ được lưu giữ dưới dạng glycogen và dự trữ ở gan và các cơ bắp. Phần lớn glycogen dự trữ ở đây để cung cấp năng lượng cho các hoạt động thể chất.
Khi tập thể dục kéo dài, gây cạn kiệt glucose có thể làm cơ thể mệt mỏi, mất sức và suy nhược đột ngột.
Cung cấp năng lượng tức thì
Glucose là đường đơn, có khả năng hấp thụ trực tiếp qua ruột non vào trong máu và đặc biệt giúp tăng nồng độ đường trong máu nhanh hơn các loại đường khác như sucrose, fructose.
Carbohydrate cũng phải phân hủy thành glucose sau đó mới hấp thụ vào cơ thể. Chính vì vậy, khi cơ thể mất năng lượng, mệt mỏi có thể ăn uống các loại thực phẩm chứa nhiều glucose như mật ong, nước đường, nước ép trái cây,… để cung cấp năng lượng tức thì.
Duy trì nhiệt độ cơ thể
Glucose cung cấp năng lượng cho chuyển hoá cơ bản, giúp duy trì thân nhiệt của cơ thể, đặc biệt là quá trình tăng thân nhiệt khi bị mất nhiệt hoặc gặp lạnh. Quá trình điều hoà giảm nhiệt do các cơ chế khác như đổ mồ hôi, giãn mạch,…
Duy trì sức khỏe tổng thể
Glucose đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Không có glucose sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của da, mô, cơ, xương. Không chỉ vậy, Glucose còn giúp duy trì hoạt động của các tế bào cơ thể, điều hòa nhịp tim và hô hấp.
Cơ chế hoạt động của Glucose
Hầu hết các tế bào sử dụng glucose cùng với các acid amin và chất béo để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Sau khi cơ thể đã sử dụng đủ năng lượng, lượng glucose còn lại sẽ được insullin tuyến tụy chuyển hoá thành glycogen và dự trữ trong gan.
Khi bạn không ăn trong vài giờ, lượng đường trong máu của bạn sẽ giảm xuống và tuyến tụy sẽ ngừng sản xuất insulin. Tế bào alpha trong tuyến tụy bắt đầu sản xuất một loại hormone khác gọi là glucagon.
Hormon này báo hiệu cho gan phá vỡ glycogen đang được dự trữ và chuyển hóa trở lại thành glucose, sau đó di chuyển đến máu để bổ sung nguồn cung cấp năng lượng cho bạn đến khi bạn có thể ăn uống trở lại.
Gan của bạn cũng có thể tự tạo ra glucose bằng cách sử dụng kết hợp các chất từ các acid amin, acid béo, glycerol và acid lactic.
Tìm hiểu thêm: Có nên sử dụng giấm táo điều trị trĩ không
Cách kiểm tra nồng độ Glucose tại nhà
Xã hội ngày càng phát triển cùng với việc ăn uống ngày càng không khoa học thì việc theo dõi mức đường huyết tại nhà là điều cần thiết, đặc biệt đối với người mắc tiểu đường.
Tùy theo nhu cầu và mục tiêu của mỗi người thì tần suất kiểm tra nồng độ đường sẽ khác nhau. Nếu chưa rõ, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết tình trạng cơ thể và tần suất kiểm tra phù hợp.
Để đo đường huyết tại nhà, bạn có thể thực hiện lần lượt các bước như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ đo nồng độ đường huyết tại nhà bao gồm kim, máy đo và que test.
- Bước 2: Dùng bông tẩm cồn sát khuẩn đầu ngón tay, gắn que thử vào máy.
- Bước 3: Sử dụng cây kim mới chích vào một bên đầu ngón tay, tạo ra vừa đủ 1 giọt máu.
- Bước 4: Thấm máu vào que thử.
- Bước 5: Khi có tiếng báo hiệu “tít” chứng tỏ đo đã thành công và máy sẽ cho biết lượng đường trong máu của bạn tại thời điểm đó.
Buổi sáng, khi đói, cơ thể bạn chưa được bổ sung carbohydrate trong suốt một đêm là thời điểm đo đường huyết chính xác nhất.
Chỉ số glucose huyết có thể giúp phát hiện những thay đổi bất thường trong cơ thể
Chỉ số Glucose bình thường là bao nhiêu?
Chỉ số glucose bình thường
Cơ thể luôn có cơ chế để có thể điều hòa glucose huyết bằng cách tiết ra các hormon như insulin, glucagon, epinephrine, cortisol, GH. Lượng đường trong máu thường tăng sau khi ăn. Sau vài giờ nó sẽ giảm do insulin chuyển glucose vào tế bào, đồng thời chuyển hoá glucose thành glycogen dự trữ trong gan. Đường huyết lúc đói bình thường khoảng 70 – 100 mg/dl (3.9-5.6 mmol/L), được đo sau khi nhịn ăn ít nhất là 8 tiếng.
Chỉ số glucose cao
Có rất nhiều nguyên nhân khiến glucose tăng cao trong máu như ăn nhiều thức ăn giàu carbohydrat, không vận động, căng thẳng, mất nước, không sử dụng đủ hoặc quên sử dụng thuốc tiểu đường, tác dụng phụ của các thuốc steroid và thuốc chống rối loạn tâm thần.
Khi glucose trong máu tăng cao, insulin sẽ được huy động nhiều hơn bình thường để vận chuyển glucose vào trong tế bào. Tuy nhiên, nếu insulin tiết ra không đủ hoặc các thụ thể nơi insulin gắn vào không còn nhạy với nó nữa thì khi đó lượng glucose trong máu tăng cao trong thời gian dài sẽ gây ra một bệnh lý chuyển hóa phức tạp, đó là bệnh đái tháo đường.
Để có thể xác định bệnh đái tháo đường đường thì bạn cần làm thêm các xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác hơn, chẳng hạn như:
- HbA1c (trên 6.5%).
- Đường huyết tương lúc đói sau 8 tiếng nhịn ăn (trên 126mg/dL).
- Đường huyết tương 2 tiếng sau khi uống 75g glucose (trên 200mg/dL).
- Đường huyết tương bất kỳ (trên 200mg/dL) kết hợp với 4 triệu chứng điển hình của tăng đường huyết là ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều.
Chỉ số glucose thấp
Lượng glucose trong máu được coi là quá thấp khi nó giảm xuống còn 70 mg/dL (3.9 mmol/L). Tình trạng này còn được gọi là hạ đường huyết và có khả năng rất nghiêm trọng, có thể dẫn đến mất ý thức.
Đường huyết ở mức dưới 54mg/dL được coi là thấp nghiêm trọng. Những người mắc bệnh tiểu đường có thể bị hạ đường huyết 1 – 2 lần mỗi tuần.
Hạ đường huyết có thể xảy ra khi người bệnh tiểu đường bỏ thuốc, sử dụng thức uống có cồn khi bụng đói, ăn ít hơn bình thường và tập thể dục quá mức…
Cách xử lý khi Glucose quá cao hoặc quá thấp
Khi ăn đủ 3 bữa trong ngày nhưng bạn vẫn liên tục cảm thấy đói, khát nước, cơ thể mệt mỏi, đó có thể là dấu hiệu khi chỉ số đường huyết tăng. Khi đó, dù là người bình thường, khỏe mạnh, không có tiền sử mắc tiểu đường cũng nên kiểm tra chỉ số đường huyết.
Sau khi tiến hành kiểm tra, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn xử trí kịp thời. Trong trường hợp nhẹ không cần dùng thuốc, bạn nên tích cực ăn rau xanh, trái cây chứa vitamin, hạn chế ăn thịt đỏ, đồ ăn chiên rán, tinh bột chứa nhiều carbohydrate, đồ ăn có đường.
Ngoài chế độ ăn uống, bạn cần duy trì ngủ sớm, dậy sớm tập thể theo để tinh thần được thoải mái, thư giãn. Những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại giúp đường huyết trở về mức bình thường.
Lặp lại các bước như trên đến khi chỉ số glucose máu ít nhất là 70 mg/dL và ăn thêm để giữ lượng đường huyết không bị thấp lại.
Khi gặp các triệu chứng như tim đập nhanh, lo lắng, đổ mồ hôi, run rẩy, cảm thấy đói, chóng mặt có thể bạn đã bị hạ đường huyết. Bạn có thể uống nước trái cây hoặc nước đường bình thường, ăn 3 – 4 viên kẹo ngậm chứa đường,1 muỗng canh mật ong, 1 ly sữa,… để được cung cấp lượng đường tức thì.
Các yếu tố ảnh hưởng đến lượng Glucose trong máu
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức đường huyết trong cơ thể. Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, không sản xuất hoặc sản xuất không đủ insulin cần thiết để vận chuyển glucose vào các tế bào.
Khi đó, tế bào không có năng lượng để hoạt động, còn máu lại chứa quá nhiều đường, gây tăng đường huyết. Một số nguyên nhân khiến tuyến tụy không tiết hoặc tiết ít Insullin có thể do: sưng viêm tuyến tụy nặng, phẫu thuật loại bỏ tuyến tụy,…
Các yếu tố ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, có thể gây bệnh tiểu đường tuýp 2 bao gồm: thừa cân béo phì, rối loạn lipid máu, tuổi tác (chủ yếu gặp ở người trung niên và lớn tuổi), đa nang buồng trứng, đái tháo đường thai kỳ, tiền sử gia đình, chế độ ăn uống không lành mạnh,…
Các thực phẩm giàu Glucose người tiểu đường cần chú ý
Để quá trình điều trị tiểu đường được hiệu quả thì chế độ ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người bệnh cần tránh ăn các loại thực phẩm như:
- Gạo trắng, bột, khoai tây, bánh mì.
- Các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt không tốt với người bệnh tiểu đường.
- Thịt lợn mỡ, da của gia cầm, phủ tạng động vật, các loại bánh ngọt, kem tươi, đồ uống có ga,…
- Hạn chế ăn hoa quả sấy khô vì nó chứa lượng đường rất cao.
>>>>>Xem thêm: 16 tác dụng của quả dứa đối với sức khỏe bạn không thể ngờ đến
Giữ mức đường huyết ổn định là một phần quan trọng để giữ cho cơ thể hoạt động tốt nhất và việc tăng hay giảm quá mức đều sẽ đem lại bất lợi cho cơ thể. Nếu bạn thấy những thông tin này hữu ích hãy chia sẻ bài viết cho những người thân của mình nhé.
Nguồn: Verywellheath, WebMD, healthline