Bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm và đang là mối quan tâm của nhiều người. Vậy bệnh whitmore là gì, các biện pháp phòng ngừa như thể nào, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Bạn đang đọc: Whitmore: giải đáp về căn bệnh nguy hiểm không phải ai cũng biết
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore tồn tại trong đất và nước bị ô nhiễm
Contents
- 1 Ai dễ mắc bệnh Whitmore ?
- 2 Whitmore lây truyền như thế nào?
- 3 Bệnh Whitmore nguy hiểm như thế nào?
- 4 Vi khuẩn Whitmore có thật sự ăn thịt người không?
- 5 Có dấu hiệu nào giúp nhận biết bệnh không?
- 6 Có thuốc điều trị hay vắc-xin phòng bệnh không?
- 7 Nhiễm vi khuẩn Whitmore có thể tự điều trị tại nhà được không?
- 8 Phòng ngừa nhiễm bệnh bằng cách nào?
Ai dễ mắc bệnh Whitmore ?
Bệnh Whitmore có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi, giới tính và nghề nghiệp. Tuy nhiên, một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh hơn, bao gồm:
- Người tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm: Những người làm việc trong các ngành nông nghiệp, xây dựng, khai thác mỏ hoặc sống ở khu vực có nhiều đất và nước bị ô nhiễm thường dễ mắc phải bệnh Whitmore.
- Người có bệnh nền: Những người có bệnh nền như tiểu đường, suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao mắc bệnh và có thể tiến triển nặng hơn.
- Người lớn tuổi: Người ở độ tuổi từ 40 – 60 tuổi có hệ miễn dịch suy giảm.
- Nam giới: Nam giới thường tiếp xúc với mầm bệnh nhiều hơn nữ giới, do đó tỷ lệ mắc bệnh Whitmore ở nam giới cao hơn.
- Người sống ở khu vực có khí hậu nóng ẩm: Bệnh Whitmore thường xuất hiện ở các khu vực có khí hậu nóng ẩm, đặc biệt là vào mùa mưa.
Người làm việc trong các ngành nông nghiệp có nguy cơ dễ mắc bệnh hơn
Whitmore lây truyền như thế nào?
Bệnh Whitmore có thể lây truyền theo ba con đường chính:
- Lây qua da: Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở trên da khi tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước bị nhiễm khuẩn.
- Lây qua đường hô hấp: Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp khi hít phải bụi bẩn hoặc nước có chứa vi khuẩn.
- Lây qua đường tiêu hóa: Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa khi ăn uống các loại thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm.
Ngoài ra, bệnh Whitmore rất hiếm khi lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc thông thường, nhưng có thể lây truyền khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người bệnh, chẳng hạn như máu, nước tiểu, dịch tiết hô hấp hoặc dịch tiết từ vết thương.
Whitmore có thể lây truyền qua các vết thương hở trên da
Bệnh Whitmore nguy hiểm như thế nào?
Bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, có thể gây tử vong. Mức độ nguy hiểm của bệnh Whitmore được thể hiện qua các yếu tố sau:
- Whitmore đề kháng với nhiều loại kháng sinh: Vi khuẩn B. pseudomallei có thể đề kháng với nhiều loại kháng sinh, điều này khiến việc lựa chọn và sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
- Tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị: Tỷ lệ tử vong của bệnh Whitmore có thể lên tới 40 – 60% nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn ở những người có bệnh nền, người lớn tuổi và nam giới.
- Dễ nhầm lẫn với các bệnh khác: Bệnh Whitmore có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, cảm cúm hoặc lao phổi. Điều này có thể dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị bệnh không chính xác, khiến bệnh tiến triển nặng hơn và khó điều trị.
- Bệnh Whitmore đã gây tử vong cho người Việt Nam: Whitmore đã xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1925 và vẫn đang là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Tính đến tháng 9/2023, Việt Nam đã ghi nhận 3 ca mắc bệnh Whitmore, trong đó có 1 ca tử vong. [3]
Bệnh Whitmore có tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời
Vi khuẩn Whitmore có thật sự ăn thịt người không?
Thực tế, vi khuẩn Whitmore không ăn não người hay thịt người theo nghĩa đen. Vi khuẩn này không có khả năng tiêu hóa thịt hoặc các mô khác của cơ thể. Tuy nhiên, vi khuẩn có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng cho mô, dẫn đến hoại tử và thậm chí là tử vong.
Trong trường hợp mắc bệnh Whitmore, khái niệm “vi khuẩn ăn thịt người” được hiểu theo nghĩa là khi đã xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn có thể phát triển và gây nhiễm trùng ở nhiều bộ phận khác nhau như phổi, da, não,… Điều này có thể dẫn đến hoại tử và chết các mô trong cơ thể.
Tìm hiểu thêm: 12 mẹo cải thiện trí nhớ cho người hay quên từ thói quen hàng ngày!
Vi khuẩn Whitmore có thể gây nhiễm trùng và dẫn đến hoại tử ở các bộ phận
Có dấu hiệu nào giúp nhận biết bệnh không?
Bệnh Whitmore có thể biểu hiện thành nhiều dạng khác nhau, tùy thuộc vào con đường lây nhiễm. Các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện từ 2 – 4 tuần sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, bao gồm:
- Sốt cao: Đây là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh Whitmore.
- Đau đầu: Đau đầu thường dữ dội và có thể kèm theo nôn mửa.
- Ho: Ho có thể kèm theo đờm hoặc máu.
- Đau ngực: Đau ngực có thể xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào phổi.
- Nổi mẩn đỏ trên da: Nổi mẩn đỏ thường xuất hiện ở vùng da bị tổn thương như vết thương hở hoặc vết trầy xước.
- Viêm phổi: Viêm phổi là biến chứng nghiêm trọng của bệnh Whitmore.
- Áp xe: Áp xe có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, chẳng hạn như não, gan, thận, khớp hoặc mắt.
Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh Whitmore có thể giống với các bệnh nhiễm trùng khác. Vì vậy điều quan trọng là bạn cần phải đi khám bác sĩ sớm nhất nếu nghi ngờ mắc bệnh. Một số dấu hiệu cụ thể của bệnh Whitmore theo vị trí nhiễm trùng:
- Nhiễm trùng da: Nhiễm trùng có thể biểu hiện bằng các dấu hiệu như có vết loét, đau sưng, áp xe, kèm theo sốt và đau cơ.
- Nhiễm trùng cục bộ: Viêm nhiễm ở một vị trí nhất định, chẳng hạn như tuyến mang tai, thường liên quan nhất với quai bị và nằm ở vùng dưới và trước tai.
- Nhiễm trùng lan tỏa: Tổn thương xuất hiện ở nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể, gây sụt cân, đau đầu, co giật, đau nhức ở các bộ phận khác nhau như ngực, dạ dày, cơ, khớp.
- Nhiễm trùng phổi: Tác động của vi khuẩn có thể gây ra các triệu chứng từ viêm phế quản nhẹ đến viêm phổi nặng như sốt, ho, khó thở và đau ngực.
- Nhiễm trùng máu: Nhiễm trùng máu có thể gây ra các triệu chứng như sốt, rét run, ớn lạnh, khó thở và mệt mỏi. [4]
Sốt cao là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh Whitmore
Có thuốc điều trị hay vắc-xin phòng bệnh không?
Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh Whitmore. Tuy nhiên, bệnh có thể được điều trị bằng các loại kháng sinh đặc hiệu.
Phác đồ điều trị thường là sử dụng kháng sinh tiêm tĩnh mạch, liều mạnh ít nhất 2 tuần ở giai đoạn tấn công. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục dùng kháng sinh uống duy trì trong khoảng từ 3 – 6 tháng. Trong những trường hợp nặng, điều trị duy trì có thể kéo dài đến 1 năm. [5]
Việc điều trị bệnh Whitmore thường mất nhiều thời gian, nếu điều trị không đúng cách hoặc không tuân theo phác đồ thì bệnh rất dễ tái phát. Một số lưu ý quan trọng khi điều trị bệnh Whitmore:
- Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
- Làm theo hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng kháng sinh.
- Tái khám đúng theo lịch hẹn.
- Thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng tái phát nào của bệnh.
Bệnh Whitmore có thể được điều trị bằng các loại kháng sinh đặc hiệu
Nhiễm vi khuẩn Whitmore có thể tự điều trị tại nhà được không?
Bệnh Whitmore có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Một số lý do bạn không nên tự ý điều trị bệnh Whitmore tại nhà:
- Nếu điều trị không đúng cách, bệnh có thể tiến triển nặng hơn và dẫn đến tử vong.
- Vi khuẩn gây bệnh đã đề kháng với nhiều kháng sinh, bệnh nhân có thể chọn sai thuốc và khiến bệnh không khỏi hoặc trở nặng.
- Để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn Whitmore, bệnh nhân cần phải được điều trị trong thời gian dài, từ vài tuần đến vài tháng. Nếu tự ý điều trị, bệnh nhân có thể không biết được khi nào mới dừng sử dụng thuốc, dẫn đến nguy cơ tái phát bệnh.
- Bệnh Whitmore có thể bị nhầm với các bệnh khác như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm phổi,… Nếu tự ý điều trị, bệnh nhân có thể nhầm bệnh và khiến bệnh trở nên nặng hơn.
Do đó, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh Whitmore, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng cách. Việc điều trị bệnh cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Tự điều trị bệnh Whitmore tại nhà có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng
Phòng ngừa nhiễm bệnh bằng cách nào?
Mặc dù hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh Whitmore, nhưng có một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Tránh tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm: Đây là biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất. Bạn nên tránh đi chân trần hoặc dép xỏ ngón ở những khu vực không đảm bảo vệ sinh, các vùng có đất bị ô nhiễm hoặc khu chăn nuôi gia súc.
- Đeo găng tay và ủng khi làm việc trong môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh: Nếu bạn phải làm việc trong môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh, hãy đeo găng tay và mang ủng để bảo vệ da khỏi tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay: Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với đất hoặc nước, trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn,…
- Chăm sóc vết thương đúng cách: Nếu bị trầy xước hoặc có vết thương hở, hãy cẩn thận tránh tiếp xúc với đất hoặc nước bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, bạn cần sử dụng băng chống thấm và rửa sạch vết thương ngay sau đó.
- Tăng cường sức đề kháng: Bạn có thể tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách ăn uống lành mạnh, ăn chín uống sôi, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc.
- Thăm khám kịp thời: Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh Whitmore, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức. Điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng xảy ra. [6]
>>>>>Xem thêm: Công dụng, liều dùng và một số lưu ý khi sử dụng vitamin B1
Đeo găng tay và ủng khi tiếp xúc với đất, nước để phòng ngừa nhiễm bệnh Whitmore
Bệnh Whitmore là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa hiệu quả. Hãy tuân thủ các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ mắc bệnh. Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé!